Tân Thế Kỷ (TTK) – Việc bốn đứa trẻ sống sót kỳ diệu sau tai nạn máy bay ở Colombia khiến nhiều bậc cha mẹ tại Việt Nam hoảng hốt với câu hỏi: Con mình đã có những kỹ năng gì để sinh tồn nếu rơi vào trường hợp nguy cấp?
Câu hỏi này thật sự đau đầu với những bậc cha mẹ ở đô thị lớn như TP.HCM. Chị Bích Hạnh (Thủ Đức, TP.HCM) kể chị rất khâm phục những đứa trẻ tồn tại được 40 ngày trong rừng rậm Amazon, nơi có nhiều thú rừng ăn thịt với không ít rắn độc.
“Tôi xem ti vi, tôi đọc tin và rồi ngồi suy ngẫm các con tôi sẽ như thế nào nếu rơi vào trường hợp như vậy. Thật sự tôi thấy lo lắng, vì những kỹ năng cơ bản các con hầu như không có gì, các con tôi chắc chỉ có kiến thức thôi”, chị Hạnh nói.
Kỹ năng sinh tồn giúp 4 đứa trẻ Colombia sống sót kỳ diệu qua 40 ngày trong rừng Amazon
Em Lesly Jacobombaire Mucutuy 13 tuổi, Soleiny Jacobombaire Mucutuy 9 tuổi, Tien Ranoque Mucutuy 4 tuổi, và bé Cristin Ranoque Mucutuy mới 11 tháng tuổi là những người may mắn sống sót trong vụ rơi máy bay chở bảy người hôm 1-5 vừa qua.
Khu rừng nơi chiếc máy bay gặp nạn có báo đốm, rắn và các loài thú săn mồi khác. Các nhóm buôn lậu ma túy có vũ trang cũng hoạt động ở đây.
Bốn đứa trẻ dường như đã sống sót nhờ cả lòng can đảm và may mắn. Trẻ em người Huitoto được học kỹ năng săn thú, bắt cá và hái lượm từ nhỏ. Ông ngoại của bọn trẻ cũng xác nhận các em, đặc biệt là Lesly – đứa trẻ lớn nhất, rất quen thuộc với môi trường trong rừng.
Tổng thống Petro cho biết: “Những kiến thức bản địa từ gia đình và cộng đồng, hiểu biết về cách sinh tồn trong rừng đã cứu sống các em. Cả bốn em đã sống sót trong rừng suốt 40 ngày. Đây là một ví dụ về sự sinh tồn sẽ đi vào lịch sử”. Colombia gọi sự sống của bốn đứa trẻ là “những đứa trẻ của rừng”. Bằng cách nào đó, chúng đã được khu rừng cưu mang.
Quay trở lại vấn đề về trẻ em Việt hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đã nhận ra việc thiếu kỹ năng sống của con em mình và lo lắng…
“Con không học được… kỹ năng sống gì từ trường”
Những lo lắng đó thực sự có cơ sở, nhất là tại những đô thị lớn như TP.HCM. Em N., 11 tuổi, tại TP.HCM, nói rằng “ở trường em không được học kỹ năng gì. Em học toán, học tiếng Việt, học thể dục, học vẽ… chứ không học kỹ năng sống”.
Trong đó, các giờ học toán, tiếng Việt, tiếng Anh là chủ yếu, học vẽ, học hát chỉ có 1 tiết mỗi tuần. Hỏi con có biết… nấu cơm không, N. nói con “không biết”. Hỏi con biết giặt quần áo không, N. cũng lắc đầu. Hỏi ở trường con làm gì, N. nói: “Con học bài, đi ngủ, ăn trưa và học bài”.
Theo thời khóa biểu ở trường tiểu học của bé N, mỗi ngày em sẽ có 7 tiết học, có hơn 1 giờ để ra chơi, có giờ ăn, giờ ngủ trưa nhưng tuyệt nhiên không có các nội dung liên quan kỹ năng sống.
“Tôi thấy chương trình bây giờ càng ngày càng nhiều kiến thức, cả ngày dành cho kiến thức mà các giờ vận động, học các kỹ năng của các học sinh đều không đáng bao nhiêu, như trường con tôi thậm chí không có. Nên con tôi thậm chí không biết làm gì”, chị Bích Hạnh – người có ba con, một con học tiểu học, một con học THCS và một con học bậc THPT – kể.
Một học sinh tiểu học khác, em H.L., lớp 4, thì cho biết ở trường của em có câu lạc bộ. Nhưng theo mẹ của em H.L., câu lạc bộ ở trường cũng chỉ hoạt động theo hình thức: “Câu lạc bộ chỉ có vài môn học, con thích môn này thì ít học sinh học quá, đăng ký không được học. Mà câu lạc bộ cho bé gái toàn mấy cái ngồi chơi chứ không có câu lạc bộ hoạt động”.
Trẻ phải học rất nhiều, ít còn thời gian làm việc khác là thực tế nhiều phụ huynh phản ánh. “Tôi thực sự lo lắng cho con tôi. Các con ở trường 8 tiếng mỗi ngày mà lại không được chú trọng dạy kỹ năng nên giờ con 10 tuổi rồi mà không được như chúng tôi ngày xưa 6, 7 tuổi. Con chỉ biết ăn, ngủ, làm vài bài tập…”, chị Minh (quận 4, TP.HCM) nói.
Trường dạy kỹ năng sống bằng… lý thuyết
Tại TP.HCM, một số bà mẹ cho biết con họ dù được học kỹ năng sống ở trường nhưng kỳ thực… không được học gì.
Chị Yến (quận 10, TP.HCM), có con bậc THCS, kể lo lắng con thiếu kỹ năng, từ các năm học trước chị đã chú trọng việc cho con theo học các lớp kỹ năng và đồng ý việc nhà trường mời đơn vị dạy kỹ năng sống vào dạy ở trường.
“Nhưng tôi vô cùng thất vọng khi hôm nào con đi học về tôi hỏi hôm nay con học kỹ năng gì thì con bảo cô giáo chỉ nói như kiểu dạy môn giáo dục công dân. Mấy năm con học kỹ năng sống ở trường, con cũng không được học các kỹ năng gì nhiều ngoài việc… ngồi nghe”, chị Yến tâm tư.
Thậm chí, em N.Đ.H, một nam sinh, còn tỏ ra chán ghét kiểu học này, nói: “Em không thích môn học này lắm, cô cứ nói, chẳng cho chúng em thực hành gì, em buồn ngủ lắm!”.
Việc học kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống làm sao cho hiệu quả thiết thực?
Trong đời sống hằng ngày, tai nạn có thể ập tới với trẻ từ mọi phía. Một trận mưa lớn có thể biến phố thành sông khiến nhiều trẻ nhỏ bị chết đuối giữa đường! Hỏa hoạn bất ngờ có thể đe dọa một đứa trẻ đang ở nhà một mình. Những đứa trẻ tò mò hiếu động có thể bằng mọi cách khám phá những ổ điện dù đã được cha mẹ bịt chặt…
Kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng đối với quá trình phát triển toàn diện của trẻ em. Bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức, trẻ em cần được trau dồi, trang bị các kỹ năng cơ bản khác như kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng bơi lội, kỹ năng tự vệ,… để dễ dàng thích nghi, chủ động và an toàn trong mọi hoàn cảnh, tình huống của cuộc sống.
Phụ huynh không nên phó thác hoàn toàn việc dạy này cho nhà trường, cần chủ động hơn, cho con trẻ tham gia thêm các lớp học, mô hình câu lạc bộ/đào tạo ngoài trường lớp.
Tùy vào mỗi độ tuổi và giai đoạn phát triển mà trẻ em cần những kỹ năng khác nhau. Theo đó, gia đình phải chú ý để cung cấp cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn thật sự cần thiết. Trên thực tế, ngày càng có nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm được thực hiện dành cho các em học sinh để nâng cao hơn về kĩ năng, nhận thức giúp trẻ rèn luyện bản thân về cả thể chất và tinh thần. Một số chương trình nổi bật đã được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con trẻ tham gia trong mỗi kỳ nghỉ hè như trại hè hay các khóa trải nghiệm,…
Hoặc trong chính những tình huống trong cuộc sống thường ngày, thay vì cấm cản con không nên làm cái này cái kia để tránh nguy hiểm. Ta nên giải thích, hướng dẫn cặn kẽ để sau này con có thể nhận biết nguy hiểm và có cách xử lý vấn đề nếu tình huống cấp bách xảy ra.
Một số kỹ năng sống cần thiết, cha mẹ có thể dạy con
Kỹ năng sinh tồn cho trẻ tránh bị đuối nước
Khi bị đuối nước, do tâm lý nên nhiều người (không chỉ riêng trẻ nhỏ) sẽ vùng vẫy liên tục. Điều này vô tình khiến chúng ta nhanh chóng bị đuối nước và gặp nguy hiểm. Hãy dạy trẻ đối mặt với điều này, bằng cách cho trẻ học bơi để có thể tự tin với khả năng dưới nước của mình.
Bố mẹ cũng nên hướng dẫn bé là cần thả lỏng mình, chân và lưng thẳng sau đó khua nhẹ trong trường hợp bé chưa biết bơi. Kỹ thuật đứng nước sẽ giúp bé trong nhiều trường hợp rơi xuống nước bất ngờ.
Kỹ năng sống đốt lửa – dập lửa
Đôi khi việc giữ ấm cơ thể rất quan trọng và cần thiết. Trước hết để dạy kỹ năng sinh tồn này cho bé, bạn cần hướng dẫn kỹ việc khi nào cần sử dụng lửa và không nên chơi với lửa. Mục đích để bé biết việc nguy hiểm nếu dùng lửa không đúng chỗ. Tiếp theo bố mẹ có thể hướng dẫn bé cách tạo ra lửa bằng diêm, hộp quẹt, kèm thêm việc thu gom củi vụn và cách xếp củi ra sao.
Cuối cùng hãy dạy bé cách dập lửa bằng một xô nước và cách nhận biết lửa đã được dập tắt hẳn chưa. Hai kỹ năng sinh tồn cho trẻ này là vô cùng cần thiết.
Kỹ năng trong những trường hợp khẩn cấp
Một số trường hợp nghiêm trọng bé có thể không biết phản ứng và xử lý thế nào. Nhưng đôi khi có một số tình huống nếu trẻ biết được cách xử lý sơ bộ, việc dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, ví dụ như biết cầm máu, chườm đá, gọi cảnh sát… sẽ hỗ trợ rất nhiều.
Một kỹ thuật cấp cứu trong tình huống nguy hiểm là “stop, drop, roll” được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ trong một đám cháy, hoặc bị bắt lửa, trẻ cần nhớ trước hết là “stop”- ngưng lại các công việc của mình, sau đó “drop”- nằm rạp xuống sàn và “roll” – lăn đi để tránh bị ngợp vì khói.
Kỹ năng giữ an toàn nếu bị lạc
Để trẻ bị lạc là điều mà bất kì gia đình hay bản thân đứa trẻ cũng rất đáng sợ. Dù có cẩn thận đến đâu thì những trường hợp bất khả kháng cũng có thể xảy ra. Vì vậy bố mẹ phải chuẩn bị kĩ cho tình huống xấu nhất này. Trước tiên hãy dạy bé ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân kèm theo đó là phải biết đứng yên tại vị trí ban đầu, tránh di chuyển quá xa.
Tiếp theo hãy dạy trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Nhưng cần phải hướng dẫn kĩ cách tìm người đáng tin cậy. Nhóm người có khả năng giúp đỡ bé nhất là những bà mẹ cũng có con nhỏ.
Một số trường hợp khác như khi đi cắm trại thì bé có thể bị lạc. Những kiến thức cần bổ sung đó là trẻ cần tìm nước hơn đồ ăn, nguồn nước ở đâu cũng quan trọng (hạn chế hồ, sông vì nguy hiểm), cách tìm chỗ trú, giữ ấm cơ thể bằng lá cây xung quanh. Hay việc ăn các thức ăn có chọn lọc để không bị trúng độc…
Kỹ năng tự vệ
Xã hội hiện tại có rất nhiều nguy hiểm, bảo vệ bản thân an toàn chính là điều quan trọng. Hãy đăng kí các lớp tự vệ cơ bản từ khi bé còn nhỏ để bổ trợ kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Điều này không chỉ giúp bé sở hữu khả năng tự vệ, mà còn phát triển hơn về giao tiếp, tự tin trước người lạ…
Kỹ năng nấu nướng làm bếp
Làm những món ăn đơn giản như luộc, nướng (nếu trẻ đủ lớn và bố mẹ đủ tin tưởng) để đề phòng những tình huống bất ngờ như bé đi lạc… bé có thể tự tìm kiếm thức ăn và chế biến để không phải nhịn đói. Ngoài ra các kĩ năng như gọt, cắt… cũng là những kĩ năng cần thiết.
Kỹ năng sinh tồn khi trẻ ở một mình
Trong cuộc sống, sẽ có những khoảng thời gian ba mẹ vô cùng bận rộn và không thể quan tâm con cái quá nhiều. Trong những tình huống này, trẻ cần được dạy cách ở nhà một mình sao cho thật an toàn. Bạn hãy trang bị cho con những kiến thức cần thiết và quan trọng như không mở cửa cho người lạ, gọi cho bố mẹ trong các tình huống nguy hiểm, không đùa nghịch với lửa,…
Cha mẹ dù muốn tạo một môi trường an toàn cho con nhưng không thể bao bọc hoàn toàn trẻ khỏi những chuyện bất ngờ ngoài tầm kiểm soát. Do vậy, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải dạy trẻ kỹ năng đối phó với các tình huống nguy hiểm. Dạy con kỹ năng sống để có thể sau này sống tự lập, hòa nhập, tự tin và bản lĩnh hơn mới là điều thật sự tốt cho con.
Tịnh Yên (t/h)
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực