spot_img
23 C
Vietnam
Thứ Bảy,8 Tháng Sáu
spot_img

Khi cha mẹ phải đi xin việc thay con…

Tân Thế Kỷ (TTK) – Các nhà tuyển dụng nhận thấy sự gia tăng của việc cha mẹ can thiệp vào công việc của con cái như thay con đi xin việc hay đến công sở để hòa giải xung đột. Tại sao hiện tượng này lại xảy ra ngày càng phổ biến? Thật ra, cha mẹ nên làm gì cho con?

Thế hệ mà cha mẹ phải can thiệp cả vào công việc của con cái, dù con đã lớn

Robin Williams, 22 tuổi, ở bang Georgia (Mỹ) cho biết cô từng chứng kiến cảnh một bà mẹ đến xin việc cho con gái. Điều này đã để lại ấn tượng không tốt tới quản lý cửa hàng và theo Wiliams, những can thiệp như vậy không đem lại lợi ích gì.

Tại khu nghỉ dưỡng Smugglers’ Notch tại bang Vermount (Mỹ), các bậc phụ huynh không chỉ nộp đơn xin việc mùa hè thay cho con mà còn thường xuyên tham gia vào các cuộc phỏng vấn. Sam McDowell, một điều phối viên nhân sự cho biết anh thường xuyên thấy cảnh cha mẹ vào trước và con cái theo sau, đôi khi tự hỏi rằng ai mới là người đến để phỏng vấn.

Nhiều người còn đi xa tới mức cãi nhau với sếp của con. Mẹ của một nhân viên cứu hộ tuổi teen tại khu nghỉ này gần đây đã tranh luận với McDowell rằng con trai bà xứng đáng được tăng lương nhiều hơn.

Một số nhà quản lý tuyển dụng cho biết kể từ sau Covid, hiện tượng cha mẹ nộp đơn xin việc thay con và hướng dẫn họ đi làm đã tăng nhanh.

Harley Johnson, người điều hành chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Smugglers’ Notch cho biết trong thời kỳ đại dịch, nhiều người trẻ tuổi không có cơ hội để học cách tương tác với thế giới bên ngoài. Theo cô, điều này có thể là nguyên nhân khiến họ trở nên dựa dẫm và phụ thuộc vào cha mẹ.

Shawna Lake, một nhà tuyển dụng và huấn luyện viên nghề nghiệp ở Zionsville, bang Indiana (Mỹ) cho biết những “cha mẹ trực thăng”, từ chỉ những bậc cha mẹ bảo bọc con thái quá, không phải là mới và đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay. Ngoài ra, nhiều người trẻ tuổi phải chuyển đến sống ở nhà của cha mẹ và tiếp tục ở đó do ảnh hưởng của đại dịch. Theo dữ liệu điều tra dân số Mỹ năm 2022, hơn một nửa số người trưởng thành từ 18 đến 24 tuổi sống ở nhà của cha mẹ.

helicopter parents jpeg 168648 4854 4368 1686480259
Những “cha mẹ trực thăng”, từ chỉ những bậc cha mẹ bảo bọc con thái quá, không phải là mới và đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Cafef.vn

Lake cũng nhận thấy rằng ngày càng nhiều ứng viên đưa ra quyết định dựa vào ý kiến của cha mẹ. Trong các cuộc phỏng vấn online với các ứng viên tiềm năng, đôi khi cô thấy các phụ huynh đi lại trong phòng, thì thầm với con để chỉ đạo.

Tuy nhiên cha mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng. Williams kể rằng cô đã từng gọi mẹ mình đến để giúp xoa dịu tình hình khi một khách hàng trở nên tức giận sau khi cô vô tình làm hỏng điện thoại của anh ta. “Cha mẹ sẽ luôn là người đứng về phía bạn. Tôi thực sự rất biết ơn bà ấy”, cô cho biết.

Malik Williams, 25 tuổi ở bang North Carolina (Mỹ) chia sẻ rằng anh rất cảm kích khi được mẹ giúp nộp đơn xin thực tập. Vào thời điểm đó, anh đã gửi đi hàng trăm lá đơn và cảm thấy muốn bỏ cuộc. Dù nỗ lực của mẹ anh không mang lại kết quả nhưng anh rất biết ơn vì sự khích lệ của bà. Anh cho biết sau đó đã tự mình xin được công việc tại một tập đoàn công nghệ thông tin.

Hệ quả của những đứa con được bảo bọc quá mức

Các chuyên gia nhân sự cho biết họ không đánh giá cao việc cha mẹ đi cùng con tới tận chỗ làm và việc can thiệp quá mức có nguy cơ khiến con cái họ không có động lực hoặc trở nên phụ thuộc vào người khác. Kate Gebo, phó chủ tịch điều hành nhân sự của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) từng phát biểu: “Tôi biết các bậc cha mẹ thực sự quan tâm đến công việc của con họ, nhưng quan trọng là đứa trẻ phải tỏ ra quan tâm trước”.

Kylie Bayer, một nhân viên bộ phận nhân sự cho một công ty cấp nước ở Beaverton, bang Oregon (Mỹ) cho biết cô đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các cha mẹ hỏi việc cho con mình. Cô chia sẻ rằng mình đồng cảm với bản năng giúp đỡ con của các bậc phụ huynh nhưng chính họ đang tước đi khả năng tự lập của con cái.

Việc can thiệp quá mức cũng có thể phản tác dụng. Houston Wade, 42 tuổi, kể rằng mẹ của một đồng nghiệp đã gọi điện cho người quản lý yêu cầu sắp xếp lại ca làm việc của con trai bà để anh có thể xem đá bóng vào Chủ nhật. Kết quả là không có gì thay đổi, còn nhân viên đó trở thành trò cười nơi làm việc.

PGS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) cho rằng cha mẹ quá bảo bọc con là hệ quả của quá trình phát triển. Những quan sát gần đây ở các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam… cũng chứng kiến tình trạng này. “Ngày nay, mỗi gia đình chỉ một, hai con nên họ dành nhiều tâm huyết, lo toan cho con nhiều hơn, dẫn đến quá bảo bọc”, ông nói.

Theo thạc sĩ Phương Hoài Nga, từ ”bảo bọc” làm liên tưởng đến những đứa con được nuôi lớn trong một cái bọc, gợi cảm giác ngột ngạt. Nếu được nuôi dạy bởi cha mẹ quá bảo bọc sẽ bị hạn chế khả năng khám phá thế giới hoặc xây dựng mối quan hệ.

Việc một đứa con được bảo bọc quá nhiều sẽ mất kỹ năng sinh tồn, khả năng chống chọi với biến động và cú sốc xã hội kém. Nó cũng có kỹ năng xã hội thấp, coi mình là trung tâm, ít quan tâm đến người khác.

Con người mạnh mẽ hơn qua các hình thức tương trợ, khi có thể học hỏi nhau, thông qua tương tác xã hội. Chính vì vậy, liên kết xã hội lỏng lẻo sẽ tạo ra một kiểu trật tự xã hội mới, chưa thể gọi tên, nhưng không thể như trước nữa.

Con người mong manh hơn có nghĩa họ không có khả năng chống chọi trước biến cố tự nhiên, không hiểu các quy luật tự nhiên và thấy mình nhỏ bé, yếu đuối hơn. Người trẻ dễ trầm cảm dẫn đến tự tử, tự kỷ… nhiều hơn, vì yếu đuối hơn.

Chúng sẽ thường trực cảm giác bất an. ”Trẻ vuốt tay vào con mèo sẽ bị dọa ‘nó cắn đấy’, ngửi hoa thì bảo ‘hoa độc đấy’, tiếp xúc với ai cũng bị nói không an toàn, lâu dần khiến trẻ nghĩ thế giới thật đáng sợ”, bà Nga nói.

co phai facebook khien nguoi ta kho quen nguoi yeu cu 758x507 1
Người trẻ dễ trầm cảm dẫn đến tự tử, tự kỷ… nhiều hơn, vì yếu đuối hơn. – Ảnh minh họa. – Nguồn: Internet

Trẻ được nuôi dạy bởi sự bảo bọc của cha mẹ hay lo lắng có thể nhiễm lại nhận thức của cha mẹ rằng “thế giới không đâu an toàn” và cách duy nhất để thoát khỏi lo âu là tránh né.

Cha mẹ nên nhớ nguyên tắc ”lớn lên cùng con”, nghĩa là hãy để trẻ được lớn, được tự do khám phá thế giới và sống cuộc đời của mình, nhưng cha mẹ hãy đồng hành cũng trẻ.

Thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng, cha mẹ bảo bọc quá khiến con cái trở nên ích kỷ, chỉ biết nhận, không biết cho đi và không có khả năng tự chủ. Sau này, khi cha mẹ già, ốm yếu, con cái chẳng chăm sóc, cũng không biết cách tự nuôi mình. “Nó sẽ tạo gánh nặng kép lên xã hội. Đó cũng là lý do có những người già có con mà ốm đau, nằm viện chẳng ai trông”, bà Nga nói.

Thay vì bảo bọc, hãy bảo vệ con, nghĩa là giúp cho trẻ lớn lên an toàn, nhưng không phải bằng cách né tránh nguy hiểm, mà biết các chiến lược nhận biết, đối diện và vượt qua nguy hiểm.

Không để bố mẹ lo lắng đó là sự hiếu thảo

Về phần cha mẹ, chúng ta không nên bảo bọc con trong “tủ kính”, nhưng về bổn phận làm con, ta cũng phải nhìn nhận lại về trách nhiệm của mình. Thạc sĩ Phương Hoài Nga cho rằng không phải tất cả đứa trẻ được bảo bọc đều trở nên mong manh hay thiếu hụt kỹ năng. Nếu có điều kiện trải nghiệm với các môi trường khác ngoài gia đình, nơi có nhiều cơ hội khám phá và trẻ có bản tính tự lập mạnh mẽ, chúng vẫn thoát khỏi ”vòng kim cô” một cách lành mạnh.

Dù cha mẹ mình có thể chưa phải là người cha mẹ hoàn hảo, nhưng người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, chúng ta vẫn có nhận thức và suy nghĩ riêng của chính bản thân mình. Khi nhận thức của ta thay đổi, ta vẫn có thể bước ra khỏi lớp bảo bọc đó và trưởng thành.

Chúng ta thường bị mắc kẹt trong những quan niệm rằng, một người con hiếu thảo phải là người học hành đỗ đạt thành tài, áo gấm về làng, vinh quy bái tổ, cho cha mẹ được một cuộc sống đủ đầy, ấy là có hiếu. Thế nhưng điều này thật ra chỉ đúng một phần thôi.

Untitled 4s
Việc chúng ta tự chăm sóc tốt cho bản thân, không để bố mẹ phải lo lắng chính là lời báo đáp tốt đẹp nhất dành cho họ. – Ảnh minh họa. – Nguồn: phunutoday.vn

Bạn cứ cho rằng mình học giỏi, công việc ổn định, phát triển sự nghiệp thì đấy là hiếu thảo, nhưng thực chất không phải vậy, chúng ta nếu vẫn còn để bố mẹ phải lo lắng và không yên tâm về mình, thì chúng ta vẫn sẽ còn mang tội bất hiếu.

Những đứa trẻ chưa trưởng thành như chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được bố mẹ đã từng lo lắng cho chúng ta đến mất ăn mất ngủ như thế nào.

Sau này khi chúng ta trở thành những người cha người mẹ chúng ta mới thấu hiểu rằng việc chúng ta tự chăm sóc tốt cho bản thân, không để bố mẹ phải lo lắng chính là lời báo đáp tốt đẹp nhất dành cho họ. Bởi bố mẹ cũng chỉ mong chúng ta bình an khỏe mạnh và luôn vui vẻ mà thôi.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy chăm sóc tốt cho bản thân, giữ gìn sức khỏe, sống lạc quan yêu đời, quan tâm nhiều hơn tới bố mẹ, họ chẳng mong cầu gì nhiều ở bạn đâu, thấy con cái an yên một đời, vậy là đủ rồi.

Tịnh Yên (t/h)

TTK 3.3 01

Vì sao người xưa dạy con tích đức, người thời nay lại dạy con tiêu tiền?

Những đứa con mãi không chịu ‘lớn’: 29 tuổi vẫn điệp khúc ‘Má ơi, cho xin mấy trăm’

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều