spot_img
21 C
Vietnam
Thứ năm,19 Tháng chín
spot_img

Lowkey là gì? Vì sao ngày càng nhiều người trẻ thay vì “sống ảo” lại chọn cách sống lowkey?

Tân Thế Kỷ (TTK) – Trái ngược với xu hướng “sống ảo” của nhiều bạn trẻ khác, thường xuyên cập nhật trạng thái, nhiều lúc nó hoàn toàn ngược với cuộc sống thật ngoài đời. Trong thời buổi hiện nay, không ít người trẻ chọn cách sống lowkey. Vậy lowkey là gì và vì sao nhiều người lại chọn cách sống này?

Không ít bạn trẻ chạy theo lối “sống ảo” trên mạng xã hội

“Sống ảo” là cụm từ chỉ lối sống, phong cách sống của một bộ phận – những người sống không đúng với thực tế, thậm chí còn thể hiện thái quá, lố bịch trên mạng xã hội. Nhìn chung, những người sống ảo thường mơ mộng hão huyền về cuộc sống thực tại và chú tâm vào thế giới ảo.

Dưới đây là một số biểu hiện rõ nhất của việc sống ảo:

Cuồng like: Đây là một hiện tượng phổ biến nhất hiện nay. Hầu hết, người sống ảo sẽ cập nhật trạng thái mọi lúc mọi nơi, dù là chuyện vui hay buồn như người thân mất, những hoạt động cá nhân, họ đều đăng lên mạng xã hội mong muốn thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Thậm chí, họ còn kêu  gọi làm tăng số lượt like với mục đích cái này làm cái kia,… và với họ số lượt like là tiêu chuẩn để đánh giá một con người (chẳng hạn những người được nhiều like thì được xem là idol của họ).

thuthuat.vn
Ảnh minh họa. – Nguồn: thuthuat.vn

Chụp ảnh tự sướng mọi lúc mọi nơi: Đi ăn, đi chơi, đi đám cưới, đám tang, đi chùa, đi vệ sinh… đều được họ chụp hình tự sướng ở bất kỳ nơi nào. Sau đó, họ sẽ dành rất nhiều thời gian để chọn ra những bức hình đẹp nhất, photoshop/chỉnh sửa ảnh nát tay, nghĩ cap “deep” và đăng lên Facebook, Zalo, Instagram,… Họ tin tưởng tuyệt đối vào những lời tán thưởng mà những người bạn ảo bình luận về bài của họ, đồng thời họ sẽ cảm thấy bị tổn thương bởi những lời chê bai từ những người không quen biết.

Không rời điện thoại: Những người sống ảo thường coi điện thoại là một vật bất li thân, luôn mang theo điện thoại bên người gần như 24/24.

Sống khác với điều kiện thực tế: Những người sống ảo thường vô cùng thích khoe (hoặc trở thành thói quen) mọi thứ lên mạng xã hội. Thường thấy nhất là khoe có được những món đồ quý, giá trị, có những người điều kiện kinh tế không tốt nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua những món đồ đắt tiền để khoe lên mạng cho “bằng bạn bằng bè”.

Tác hại của việc “sống ảo”

Với những phân tích ở trên, chắc hẳn bạn đã phần nào hình dung được tác hại của sống ảo ảnh hưởng đến cuộc sống thực như thế nào. Một số tác hại của sống ảo có thể kể đến như:

Tiêu tốn thời gian: Nhiều người lên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, kiếm tiền hay phục vụ nhu cầu giải trí. Nhưng có rất ít người biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách có khoa học. Họ thường quá sa đà vào những tin tức không chính thống, dành nhiều thời gian để lướt màn hình điện thoại một cách vô bổ.

Ảnh hưởng đến sức khỏe: Việc sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị lực của mắt, khiến toàn thân trở nên mệt mỏi và dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Ví dụ như có nhiều trường hợp tự tử vì bị chế giễu trên mạng xã hội, cho trẻ em tiếp xúc sớm với điện thoại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, nhiều vụ nổ điện thoại khi sử dụng quá mức,…

Dễ tiếp cận thông tin không lành mạnh: Những bức ảnh đồi trụy, những thông tin phản động, các hội nhóm phản động,… là những thứ bạn rất dễ sa vào trên mạng xã hội.

Xa rời những mối quan hệ hiện thực: Việc quá chú tâm vào những người bạn ảo sẽ khiến bạn ngày một xa rời thực tế, vô tình bỏ rơi xa lánh những người thân thiết, yêu thương bên cạnh bạn. Vì vậy, hãy để điện thoại xuống biết tiết chế và quan tâm nhiều hơn với những người thân bên cạnh.

Chính vì vậy, bây giờ nhiều người trẻ đã nhận ra và hướng về cuộc sống thật của bản thân. Họ tự nhận mình theo lối sống “lowkey”…

Vậy “lowkey” là gì?

Lowkey là từ lóng tiếng Anh được dùng để chỉ những người khiêm tốn, không phô trương, không “phông bạt”, có lối sống kín đáo, cực kì cẩn trọng, biết kiềm chế cảm xúc.

Ban đầu “lowkey” được sử dụng để diễn tả những âm vực trầm, thấp và sâu trong âm nhạc. Tiếp đến, các nhà văn dùng “lowkey” để miêu tả giọng nói trầm ấm, nhỏ nhẹ của nhân vật. Nhìn chung, lowkey thường được dùng để ẩn dụ cho thứ gì đó giản dị, trầm lắng hoặc nhẹ nhàng. Nhưng tại thời điểm hiện tại, có lẽ mọi người thường quen hơn với cách sử dụng “lowkey” như một tính từ để miêu tả một người sống khép kín, khiêm tốn, thầm lặng.

Họ không cập nhật trạng thái nhiều trên mạng xã hội. Trang cá nhân Facebook gần như có rất ít thông tin, bạn bè, thậm chí phần ảnh đại diện cũng để trống hoặc lấy ảnh trên mạng. Họ khiêm tốn, ít hoặc không thích nói, chia sẻ về bản thân, thích quan sát và hành động hơn là nói.

Những lợi ích của lối sống này, theo như người sống lowkey chia sẻ:

Hạn chế đụng chạm đến những thứ tiêu cực?

Ngồi trong căn phòng nhỏ, tỉ mỉ làm những sản phẩm terrarium, Đ.N.H (29 tuổi), ngụ Q.3, TP.HCM, thừa nhận với người viết rằng bản thân thuộc dạng người sống lowkey.

“Sống cuộc sống lowkey giống như người “vô hang ở ẩn”. Thú thật, mình ít tiếp xúc với mọi người. Một tháng mình đi chơi với bạn bè thân thiết chỉ 1-2 lần, thời gian bước ra ngoài cũng đếm trên đầu ngón tay”, H nói thêm.

Khi được hỏi “bạn có gặp biến cố gì trước đó không?”, H chia sẻ: “Bên ngoài đầy rẫy thị phi. Việc ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, lướt mạng xã hội, giúp mình hạn chế đụng chạm với những thứ tiêu cực”.

Không riêng gì H, hiện nay nhiều người trẻ chọn lối sống lowkey. Họ cho rằng thế giới bên ngoài, đặc biệt là trên mạng có vô số câu chuyện tào lao, tiêu cực.

Nguyễn Thị Ngọc Linh (31 tuổi), làm viên chức tại Q.10, TP.HCM, cho hay công việc trước đây của cô rất áp lực. Có những ngày, Linh phải thức dậy vào 5 giờ sáng, khi về nhà đã là 23 giờ, nhưng công việc vẫn còn chất đống.

stylecachsong.net
Người sống lowkey có những đặc điểm rất đặc biệt. Họ là những người tự lập, kiên trì và tự tin. Những đặc điểm này sẽ giúp họ đạt được những thành công trong cuộc sống. – Ảnh minh họa. – Nguồn: stylecachsong.net

“Chưa kể, khi đến nơi làm việc mình gặp không ít đồng nghiệp xấu tính, chuyện bé xé to. Đôi lúc, mình cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực bởi môi trường làm việc như thế, không nói lên được ý kiến và mình đã… nghỉ việc”, Linh kể lại.

Cũng từ đấy, cô nàng 31 tuổi đã bước vào cuộc sống lowkey. “Mình đã chọn công việc văn phòng. Sáng đi làm, chiều về nấu cơm, xem những bộ phim mình thích. Thi thoảng mình hẹn những người bạn đi ăn ở một số nơi không quá đông người, ồn ào, đặc biệt là không khoe khoang hay đăng những hình ảnh cá nhân lên các trang mạng xã hội”, Linh nói.

Linh thừa nhận: “Khi chọn cách sống lowkey mình không bị săm soi, không dễ dàng bị mắc kẹt trong những thị phi không đáng có. Mình được thoải mái với những phút giây cho bản thân để chăm sóc cũng như quan sát thế giới nội tâm của mình”.

Dễ quan sát, nắm bắt được tình hình

Lê Hoài Nam (23 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại 240 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM, cũng thừa nhận mình chọn cách sống lowkey trong cuộc sống lẫn tình yêu.

“Mình không công khai hình ảnh cá nhân hay bạn đời của mình trên mạng xã hội để tránh sự đánh giá, dò xét từ người khác. Mình chỉ cần người trong cuộc và những người thân cận hiểu là đủ”, Nam nói.

Nam còn cho hay mình ít đăng câu chuyện đời tư, những bức xúc, khó khăn trong công việc lên mạng xã hội. Và số lượng bạn bè trên đấy cũng không nhiều.

dac diem cua nguoi song lowkey 3
Sống lowkey cũng có thể giúp bạn tập trung hơn vào những mục tiêu của mình, đồng thời cũng giúp bạn tránh được những rủi ro và những nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những ý kiến không tốt của người khác. – Ảnh minh họa. – Nguồn: stylecachsong.net

“Khi sống lowkey mình dễ quan sát, nắm bắt được tình hình các mối quan hệ xung quanh cũng như chọn lọc được những mối quan hệ thật sự chất lượng, chân thành, kết thân với nhau vì bạn là chính bạn, không phải là một phiên bản nào khác”, Hoài Nam chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Thanh Quang cho hay người có lối sống lowkey thường chia sẻ những thứ họ cần và thực sự có tác động. Việc hạn chế đăng tải, chia sẻ về bản thân hay chỉ cập nhật đúng thời điểm cũng giúp hạn chế tình trạng bị so sánh, chỉ trích hoặc vấp phải các ý kiến khác nhau.

Họ nhìn nhận được đâu là giá trị thật của bản thân

“Người có lối sống lowkey không hoàn toàn là người hướng nội, mà có thể bản chất thực của họ là hướng ngoại nhưng do các tác động tiêu cực trong quá trình sử dụng mạng xã hội đã thay đổi cách thể hiện, và họ chọn cách thể hiện lowkey như một lối sống lành mạnh trên không gian ảo”, anh nói.

Còn thạc sĩ tâm lý, Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng các bạn trẻ chọn cách sống lowkey là hết sức bình thường.

“Việc một người chọn cách sống lowkey, không có nghĩa là bị trầm cảm mà họ đã nhìn nhận được đâu mới là giá trị của bản thân giữa cuộc sống ảo và thật, tránh được những thứ lộn xộn, phức tạp… Sống đơn giản, tránh xa mạng xã hội không có nghĩa là bạn hời hợt trong tư duy hay sợ hãi mà là bạn cần giảm nhẹ áp lực trong cách nghĩ của mình, đưa những suy nghĩ phức tạp thành sự giản đơn. Và không gì tốt hơn bằng việc “quay về bên trong” để ngồi, thư giãn, nhắm mắt và lắng nghe mình muốn gì”, thạc sĩ tâm lý, Đặng Hoàng An nói.

Vậy, bạn sẽ chọn lối sống như thế nào? Sống ảo chạy theo xu hướng và đám đông, hay sống lowkey để tìm về với chính bản thân mình?

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 4

Chuyện cưỡi ngựa, bắn cung của giới trẻ nay và… xưa

Dại mới “sống thử”

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều