spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Chuyện cưỡi ngựa, bắn cung của giới trẻ nay và… xưa

Tân Thế Kỷ (TTK) – Ngày nay với sự phát triển của các phương tiện giao thông hiện đại, việc cưỡi ngựa đã trở thành một điều gì đó xa lạ và đặc biệt. Ngựa đã không còn là phương tiện để di chuyển, thay vào đó người ta đi xe máy, ô tô, tàu điện ngầm, máy bay,… Vậy lý do các bạn trẻ ngày nay muốn học cưỡi ngựa bắn cung để làm gì?

Học cưỡi ngựa chỉ dành cho người giàu?

Ngay lần đầu đến thăm câu lạc bộ kỵ xạ dưới chân cầu Nhật Tân, Thanh Lam, 20 tuổi, lập tức đăng ký tham gia dù học phí lên đến 7 triệu đồng cho 12 buổi.

Nữ sinh năm hai Học viện Tài chính chưa từng nghĩ mình sẽ học môn cưỡi ngựa bắn cung kiểu như các chiến binh cổ đại. Lam cho rằng bộ môn này đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ dành cho người giàu. Nhưng sau một lần tiếp xúc với ngựa, học cách leo lên yên và ra lệnh cho con tuấn mã di chuyển, mọi định kiến đã thay đổi.

“Nhìn cách mọi người giữ thăng bằng trên lưng ngựa đang phi nước đại mà không cầm cương, sau rút cung và căn thời điểm ngắm bắn trúng hồng tâm rất phấn khích. Tôi hy vọng sẽ sớm thực hiện những kỹ thuật khó này”, Thanh Lam nói.

Mỹ Hạnh, 20 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm đến môn kỵ xạ này không vì tình cờ như Thanh Lam. Cô muốn cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng sau giờ học nên đã đăng ký học từ cuối tháng 4. Ban đầu, quyết định này không được gia đình ủng hộ vì sợ con gái dáng người nhỏ bé, sức khỏe yếu, khó theo đuổi. Nhưng sau hai buổi tập, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên, Hạnh đã có thể tự leo lên yên và điều khiển con ngựa thuần thục như một kỵ sĩ.

Trải qua 7 buổi học, cô gái 20 tuổi cho rằng giữ thăng bằng trên lưng ngựa không sử dụng dây cương là khó nhất. “Đó là lúc bạn buộc phải sử dụng phần thân dưới để điều khiển ngựa chạy theo đúng ý”, Hạnh giải thích. Khi đã điều khiển ngựa thuần thục, học viên mới được học cách căn thời gian lấy mũi tên và ngắm bắn.

“Nhưng học cưỡi ngựa mà chưa từng bị ngã là chưa thể tốt nghiệp”, Hạnh nói.

Hai tuần trước, cô gái trẻ từng bị ngựa hất văng khỏi yên trong lúc tập luyện nhưng đã được học các kỹ năng ứng phó trong tình huống nguy hiểm và được trang bị đủ đồ bảo hộ nên Hạnh không gặp chấn thương.

Untitled 2g
Nhiều người trẻ ở Hà Nội chi 6 – 7 triệu đồng cho khóa học cưỡi ngựa, bắn cung, để rèn luyện sức khỏe và thử sức trải nghiệm mới.

Bộ môn Hạnh và Lam đang học có tên gọi là kỵ xạ, xuất hiện ở Việt Nam từ gần một nghìn năm trước. Từ thời Lý, cưỡi ngựa bắn cung là môn mà giới quý tộc, các quan văn, võ đều phải thuần thục. Thậm chí triều đình còn xây xạ đình ở phía nam Hoàng Thành để thanh niên quý tộc tập cưỡi ngựa, bắn cung, dàn trận và duy trì đến các triều đại sau. Đến triều Nguyễn, cung tên được thay thế bằng súng, từ đó bộ môn này dần mai một.

Với kinh nghiệm 12 năm cưỡi ngựa, anh Cương (Chủ tịch CLB Ngựa Thánh Gióng) nhận thấy bộ môn này ngày càng được chú ý ở Việt Nam, nhất là các bạn trẻ.

Thứ nhất, cưỡi ngựa đòi hỏi sự vận động toàn thân, rèn cho chúng ta sức khỏe và tinh thần dũng cảm khi có thể điều khiển chú ngựa. Thứ hai, mọi người cũng được tương tác với động vật, cảm nhận tình cảm của chú ngựa với mình và được hòa mình vào thiên nhiên. Bỏ mặc nhịp sống hối hả của thành phố sau lưng để điều khiển một chú ngựa, đi thong dong ở những đồng cỏ, triền đê hay bờ sông là một cảm giác rất thú vị – anh Cương lý giải về sự thích thú của mọi người với cưỡi ngựa.

Môn kỵ xạ đòi hỏi phải chinh phục nhiều kỹ năng khó

Ngày nay, nhiều tỉnh, thành phố đã mở dịch vụ dạy cưỡi ngựa, nhưng đào tạo chuyên sâu về kỵ xạ mới xuất hiện ở Hà Nội gần một năm nay.

Anh Phạm Văn Phúc, 34 tuổi, chủ nhiệm Câu lạc bộ kỵ xạ Việt Nam là người nhiều năm theo đuổi môn cưỡi ngựa nghệ thuật và nghiên cứu chuyên sâu về bộ môn này. Anh Phúc cho rằng việc mở một sân chơi chuyên biệt cho người cùng đam mê không đơn giản bởi đây là môn thể thao đòi hỏi người tham gia thành thạo cùng lúc hai kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung.

Để tham gia, người học buộc phải rèn luyện sức khỏe, biết cách đánh hông lên xuống theo nhịp ngựa phi; tập giao tiếp với ngựa qua các ký hiệu; học cách điều khiển cơ thể linh hoạt, biết giữ thăng bằng khi thả dây cương và cuối cùng là chọn chính xác thời điểm giương cung và nhắm bắn thật nhanh, chính xác.

Mot thanh vien tai cau lac bo ky xa cua anh Phuc dang thuc hien thao tac cuoi ngua ban cung tai san tap chieu 315. Anh Quynh Nguyen
Một thành viên tại câu lạc bộ kỵ xạ của anh Phúc đang thực hiện thao tác cưỡi ngựa bắn cung tại sân tập. Ảnh Quỳnh Nguyễn

Khác với nhiều câu lạc bộ dạy cưỡi ngựa theo phong cách phương Tây, anh Phúc mong muốn phục dựng kỵ xạ cổ. Theo đó, người chơi sẽ mặc quần áo giao lĩnh của thời Lý – Trần – Lê và học cách dùng cung cổ. Đây là loại cung không có trợ lực hay ống ngắm chuyên nghiệp, đòi hỏi người chơi biết cách điều khiển mũi tên trước khi bắn trong khi ngựa phi nước đại.

Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết do lo sợ bị ngựa đá, hất xuống yên gây chấn thương khiến số lượng người đăng ký thực chỉ chiếm 20-30% số người đến tham quan, tìm hiểu.

Hiểu tâm lý người chơi, anh Phúc và các cộng sự liên tục huấn luyện bốn con ngựa nhập ngoại mỗi ngày để chúng quen bài tập và nghe theo điều lệnh. Bên cạnh đó, huấn luyện viên có những bài tập hướng dẫn người học cách bảo vệ bản thân nếu gặp tình huống nguy hiểm.

Sau hai tháng mở các khóa đào tạo chuyên nghiệp, câu lạc bộ của anh Phúc hiện có hơn 10 người theo học các khóa từ cơ bản đến nâng cao. Học phí dao động từ 5 đến 7 triệu đồng cho 12 buổi, tùy cấp độ.

Người theo học ở nhiều độ tuổi, nhưng hơn 70% là nữ, trong độ tuổi 6-20. Các huấn luyện viên nhận thấy nữ giới có sự uyển chuyển, dễ dàng điều khiển cơ thể theo chuyển động của ngựa, khả năng xử lý tình huống cũng điềm tĩnh, quyết đoán hơn.

Bên cạnh việc học, nhu cầu chụp ảnh cùng ngựa trong trang phục truyền thống của người trẻ cũng rất lớn. Trung bình mỗi tháng câu lạc bộ của anh Phúc đón gần 20 đoàn khách.

Nhưng liệu người xưa họ học cưỡi ngựa, bắn cung có phải vì bắt buộc phải di chuyển và sinh tồn? Liệu có phải họ muốn chinh phục kỹ năng khó để chứng tỏ năng lực bản thân? Hay còn có ý nghĩa nào khác…

Ý nghĩa thật sự của cưỡi ngựa, bắn cung trong văn hóa truyền thống

Cưỡi ngựa và bắn cung thuộc về Lục nghệ: Thứ nhất là ngũ lễ (lễ nghĩa), thứ hai là lục nhạc (âm nhạc), thứ ba là ngũ xạ (bắn cung), thứ tư là ngũ ngự (cưỡi ngựa đánh xe…), thứ năm là lục thư (thư pháp), thứ sáu là cửu số (toán học).

Con cháu quý tộc thời xưa khi đến tám tuổi nhập học tiểu học, do Bảo Thị (Chưởng quản việc can gián khuyên bảo vua, dạy dỗ con cháu quý tộc theo đạo) dạy dỗ các em dựa trên các giá trị đạo đức cao thượng phù hợp với thiên thượng của bản thân, dạy các em sáu loại kiến thức và kỹ năng là lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp và toán học.

Người xưa chú trọng “tiểu học nhi thượng đạt” (học những cái nhỏ về sự vật, nhân tình thế thái, để rồi hiểu những pháp tắc của tự nhiên), các môn đồ tiểu học học tập lục nghệ, một mặt, là vì sáu loại tri thức và kỹ năng này rất cần thiết trong cả cuộc đời của các em, một mặt khác, và cũng là phương diện trọng yếu hơn, đó là trong cả cuộc đời của các em cần thông qua việc học tập sáu loại tri thức và kỹ năng này cuối cùng thăng hoa đến cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất, do đó cần phải là một Bảo Thị vốn có phẩm đức phù hợp với thiên thượng dạy dỗ các em.

Loại cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất này quyết định ý nghĩa cuộc sống và chất lượng sinh tồn của một cá nhân, cũng quyết định sự thịnh suy của một dân tộc, xã hội, đó là pháp bảo để con người có thể đứng vững ở vị trí bất bại, hoàn toàn vượt xa so với việc chỉ nắm vững sáu loại tri thức và kỹ năng.

Vậy cũng chính là nói, lục nghệ thực tế là sáu con đường lớn (đại đạo) thông thiên để các môn sinh tiểu học thời xưa có thể làm được “tiểu học nhi thượng đạt”. Người xưa từ thuở nhỏ đã thuận theo sáu con đường lớn này mà tiến bước, một mạch cho đến khi đạt đến cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất.

Cưỡi ngựa cần có kỹ pháp, nhưng quan trọng hơn là cần có tâm pháp

Tâm pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề cảnh giới tâm của con người. Kỹ pháp thì thông qua miệng nói, tai nghe thì thầy có thể truyền lại cho trò, rồi qua quá trình luyện tập là có thể nắm vững được, còn tâm pháp thì người học phải tự mình ngộ, tu tâm, đề cao cảnh giới tâm tính thì mới có thể đạt được. Tâm pháp là thứ phải được trui rèn lâu dài, không phải là việc ngày một ngày hai mà có được.

Khi một người đánh xe đạt được hoà hợp cao độ với cả ngựa và xe, thì người đó sẽ hòa hợp nhất trí với những người xung quanh, với các thành viên trong gia đình cũng như với môi trường xã hội; dần dần tâm thái ấy sẽ thành tự nhiên, sẽ đạt được hài hoà hợp nhất với trời đất, đó cũng là cảnh giới cao thiên nhân hợp nhất, cũng là cảnh giới cao của đạo tu thân của người xưa. Người như thế tề gia thì gia đạo hoà thuận, trị quốc thì quốc sẽ an ổn, bình thiên hạ thì thiên hạ sẽ thái bình.

Việc cưỡi ngựa cũng tương tự như vậy, khi đạt được hòa hợp cao độ giữa người và ngựa, đó cũng là cảnh giới thiên nhân hợp nhất.

Bắn cung như thế nào mới đạt đến thiên đạo?

Từ “Xạ (射)” trong tiếng Hán chỉ “xạ tiễn”, tức là bắn cung. Đây là một trong những nội dung chủ yếu trong cuộc sống của nam giới thời cổ đại. Từ việc đi săn bắt tìm thức ăn hay tham gia chiến đấu công phá thành trì cho tới gia nhập quân đội hay tuyển quan…đều không tách khỏi nghề xạ tiễn. Ngũ xạ chính là chỉ năm phương pháp bắn cung thời cổ đại.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về tiêu chuẩn yêu cầu đối với nghề bắn cung thời xưa. Trong sách “Lễ ký – Xạ nghĩa” của Khổng Tử, có ghi chép rằng: Thời xưa khi chư hầu, khanh, đại phu tham gia bắn cung trước tiên phải cử hành lễ nghi tương ứng; từ đó khiến chư hầu hiểu rõ cái nghĩa quân thần, còn khanh, đại phu thì hiểu rõ được thứ tự trưởng ấu.

dkn.tv
Ảnh minh họa. – Nguồn: Dkn.tv

Người bắn cung trong các bước tiến, thoái, xoay người, đều phải hợp với lễ nghi, tư thế ngay chính, ý chính tâm thành, tay cầm cung tên một cách vững chãi, sau đó mới nói đến mục tiêu bắn cung. Thông qua việc bắn tên có thể quan sát được đức tính của người bắn. Thời xưa thông qua việc bắn cung, thiên tử có thể tuyển chọn được chư hầu và các quan viên như khanh, đại phu… Do đó, thiên tử sẽ cử hành một cuộc thi bắn cung lớn gọi là “xạ hầu”, tức là từ việc bắn cung có thể thăm dò được thái độ của chư hầu.

Từ việc học tập người xưa, chúng ta có thể thấy rằng nghệ thuật bắn cung có hàm chứa đạo nhân nghĩa bên trong. Bắn cung trước hết phải chính kỷ (chính lại bản thân mình), gồm cả hai phương diện là chính lại ngoại hình, dáng dấp bên ngoài và chính cái tâm bên trong. Chính kỷ rồi mới tới xạ tiễn (bắn cung), sau đó rồi mới nói đến chuyện bắn trúng đích. Nếu như bắn chưa trúng thì không được oán hận người vượt trội mình, mà phải quay lại tìm xét nguyên nhân ở bản thân, tiếp tục chính kỷ tu thân, đặt công phu tập luyện.

Chúng ta hãy cùng xem câu chuyện Kỷ Xương học bắn cung.

Kỷ Xương theo danh sư Phi Vệ học bắn cung. Thầy Phi Vệ nói: “Ngươi hãy trở về, trước tiên luyện tập việc nhìn không chớp mắt cho ta”. Khi trở về nhà Kỷ Xương liền nằm dưới chân bàn đạp khung cửi mà vợ anh dệt vải, hai mắt nhìn chằm chằm không chớp mắt vào bàn đạp khi đôi chân kia chuyển động. Sau hai năm, Kỷ Xương đã đạt đến trình độ dù có dùi đâm vào khoé mắt cũng không chớp mắt. Kỷ Xương bèn đi tìm thầy Phi Vệ, lần này thầy Phi Vệ nói: “Ngươi hãy trở về, luyện sao cho đôi mắt ngươi nhìn thấy vật nhỏ như vật lớn, nhìn vật cực nhỏ mà cũng như đang hiện rõ trước mắt”.

Kỷ Xương về nhà tìm một con rận, dùng sợi lông trâu nhỏ nhất cột con rận treo lên cửa sổ, ngày ngày nhìn con rận không chớp mắt. Cứ nhìn như vậy con rận càng ngày càng lớn lên. Sau ba năm, anh nhìn con rận như đã trở nên lớn bằng cái bánh xe. Kỷ Xương cầm cung lên, bắn vào con rận ấy, đầu mũi tên xuyên qua chính giữa con rận mà sợi lông trâu treo con rận vẫn không đứt. Kỷ Xương bẩm lên thầy Phi Vệ, thầy anh cao hứng nói: “Ngươi học thành tài rồi”. Sau này, Kỷ Xương trở thành cao thủ thiện xạ, bách phát bách trúng.

Việc luyện cho đôi mắt nhìn mà không chớp và nhìn vật nhỏ như vật lớn thì có rất nhiều phương pháp, còn rèn tâm pháp thì chỉ có một cách duy nhất. Tâm pháp trong xạ nghệ mà Kỷ Xương học được chính là chuyên tâm nhất chí, thành ý chính tâm. Tầm mắt nhìn được cũng chính là sức chứa của tâm, tâm thái thuần khiết thì tầm nhìn cũng rộng mở.

Trong việc học bắn cung của người xưa, các phương pháp luyện tập chỉ là yếu tố bề mặt, thực chất thì thành ý chính tâm mới là nhân tố quyết định. Quá trình học tập xạ tiễn cũng là quá trình tu chính lại cái tâm của người học. Tâm tính cao thì xạ nghệ mới cao được. Hay nói cách khác kỹ nghệ thiện xạ là nhờ đức hạnh tốt, tâm tính cao. Thế nên mới có việc thiên tử thông qua tổ chức cuộc thi xạ tiễn để tuyển chọn quan lại.

Người xưa coi cưỡi ngựa, bắn cung không chỉ là kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hay là một thú vui giải trí, môn thể thao rèn luyện sức khỏe như ta vẫn tưởng. Đó thật ra là một cách để tu dưỡng tâm tính, đạt đến cảnh giới cao hơn.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Chánh Kiến

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều