spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Kinh tế TP HCM quý III tăng 7,33%

Kinh tế TP HCM quý vừa qua tăng 7,33% với công nghiệp, dịch vụ đi lên trong khi đầu tư công chưa đạt mục tiêu, theo Cục Thống kê.

Với kết quả này, kinh tế Thành phố nối tiếp đà tăng trưởng của hai quý trước, với GRDP quý I và II lần lượt là 6,54% và 6,31%. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn một chút so với GDP cả nước, đạt 7,4% trong quý III.

Tính chung 9 tháng, kinh tế TP HCM tăng 6,85% so với cùng kỳ 2023. Ngoài nông nghiệp giảm nhẹ, công nghiệp, xây dựng tăng 6,62%, đóng góp 22,2% vào mức tăng GRDP. Dịch vụ tăng 7,46%, đóng góp gần 70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47%, đóng góp 8,2%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng đầu năm, nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,5% GRDP; công nghiệp và xây dựng chiếm 21,5%; dịch vụ chiếm 65,3%; còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.

kinh te tp hcm quy iii tang 7 33 1

Theo Cục Thống kê TP HCM, công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, một số sản phẩm chủ lực tăng khá. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến cuối năm, thậm chí các đơn hàng truyền thống có đến quý I/2025. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xây dựng chỉ tăng 5,29%, mức khiêm tốn khi tình hình giải ngân vốn đầu tư chưa có chuyển biến tích cực. Tính đến 27/9, tổng vốn từ ngân sách nhà nước đã giải ngân hơn 15.800 tỷ đồng, mới đạt 19,9% so với kế hoạch vốn năm 2024, so với mục tiêu đến hết quý III phải hơn 70%.

Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch vẫn tăng. Ước tính quý III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế 9 tháng ước đạt hơn 872.300 tỷ đồng, tăng 10,5%.

Trước đó, vào chiều 1/10, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng chung, nhưng chưa có đột phá. Điểm hạn chế lớn là giải ngân vốn đầu tư công thấp. “Muốn cả năm tăng trưởng 7,5%, quý IV phải đạt 9,5%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nếu không tập trung, nỗ lực và đột phá thì khó thành công”, ông nêu.

Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhận định trong 4 trụ cột tăng trưởng của địa phương là công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu và đầu tư công thì sản xuất tăng tốt, chỉ số tiêu thụ tăng, tồn kho giảm. Tác động lan tỏa từ đó là xuất khẩu sau giai đoạn đầu năm giảm nay đã tăng lại.

Với dịch vụ, các hoạt động bán buôn, bán lẻ cải thiện so với cùng kỳ nhờ các chương trình kích cầu. Duy chỉ còn đầu tư công còn chậm, ảnh hưởng đến các ngành khác như xây dựng và vai trò vốn mồi cho nền kinh tế.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh cải thiện chưa mạnh. Quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ và cứ 10 doanh nghiệp mới gia nhập trong 9 tháng qua, có 6 rút lui. Doanh nghiệp mới chủ yếu vừa và nhỏ trong khi rút thì quy mô lớn hơn.

Tâm lý nhà đầu tư và doanh nghiệp còn thận trọng. Dư nợ tín dụng đến 30/9 tăng 11,3%, thấp hơn kế hoạch là 15%, cho thấy khả năng hấp thụ vốn cần cải thiện, nhất là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Để tăng tốc cho đầu tàu kinh tế 3 tháng cuối năm, TP HCM tập trung tăng tốc giải ngân đầu tư công, giữ nguyên mục tiêu 95% đã đề ra. Các trụ cột khác vừa củng cố vừa đề phòng các rủi ro có thể xảy ra.

Cụ thể tại khu vực công nghiệp, còn 9/30 ngành sản xuất vẫn đang giảm. Trong 4 ngành trọng yếu của địa phương, cơ khí chưa phục hồi mạnh vì thị trường quốc tế chưa cải thiện, theo Sở Công Thương.

Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng dự báo sản xuất khó tăng trưởng mạnh khi đầu vào tăng nhanh, nhất là do chi phí lương – thường chiếm hơn 30% tổng chi phí đầu vào – leo thang.

kinh te tp hcm quy iii tang 7 33 2
Khu vực quận Bình Thạnh và Thành phố Thủ Đức, TP HCM vào tháng 8/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Trụ cột chính là dịch vụ vẫn chưa hoàn toàn vững chắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn thấp hơn mức tiềm năng. Trước dịch, mức tăng của khu vực này thường trên 13-14%. “Quy mô tổng mức bán lẻ chỉ tương đương năm 2020, tức tổng cầu khá thấp, do chi tiêu của người dân không cao. Có thể thấy lĩnh vực ăn uống tăng thấp, phản ánh tâm lý dè dặt”, ông Hoàng nêu.

Sở Công Thương cho hay sẽ tiếp tục làm khuyến mãi tập trung vào dịp Tết Dương và Nguyên đán để đẩy mạnh quy mô bán hàng, đồng thời khai thác các sự kiện khác để kích cầu. Cơ quan này nói đang khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư trung tâm logistics và đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm dịch vụ lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (Huba) dự báo cầu tiêu dùng quý IV và quý I/2025 sẽ tăng nhưng cần lưu ý đến sự phát triển của thương mại điện tử. “Lĩnh vực này phát triển là tốt nhưng hàng hóa từ Trung Quốc đang tràn vào, qua kênh thương mại điện tử. Không khéo người hưởng lợi từ cầu tăng cuối năm không phải doanh nghiệp trong nước”, ông nói.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành có liên quan có giải pháp về chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử ngay trong tháng 10 để ngành này phát triển nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại truyền thống khác.

Theo VNE

ắc quy xe máy diện năng 4

Xem thêm:

4 cuốn sách làm thay đổi thế giới

Gốc rễ của giáo dục là gì?

Cha mẹ làm gương: Hành trang quý giá nhất dành cho con trẻ

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều