spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,15 Tháng mười một
spot_img

Nội các Trump 2.0 khác gì Trump 1.0?

Khi nhìn vào danh sách các thành viên mà Tổng thống đắc cử Donald Trump lần lượt công bố, một điều dễ thấy là ông Trump đã chọn thành viên nội các cho nhiệm kỳ Trump 2.0 toàn là những người trung thành với ông.

noi cac cua ong trump 2 0 khac gi trump 1 0
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ra dấu chào các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, Đồi Capitol, Washington, ngày 13/11. Ảnh: REUTERS

Trung thành có thể được coi là tiêu chuẩn quan trọng nhất với ông Trump, bất chấp những chỉ trích rằng người được chọn chưa từng có kinh nghiệm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực phụ trách, chẳng hạn như vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.

Nội các Trump 2.0 – Rút kinh nghiệm

Việc lựa chọn những người cực kỳ trung thành của ông Trump có thể xuất phát từ sự thất vọng của ông trong nhiệm kỳ đầu, ông đã có ít nhất hai ngoại trưởng và hai bộ trưởng quốc phòng chỉ trong vòng bốn năm của nhiệm kỳ, nhiều nhân sự được thay liên tục chỉ qua một thông báo trên Twitter. Và nhiều cấp dưới đã “phản bội” hoặc chống lại ông khi ông rời Nhà Trắng.

Chắc hẳn lần này ông Trump đã rút nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhân sự. Nội các Trump 2.0 hiện gồm 15 cơ quan liên bang, mỗi cơ quan do một bộ trưởng đứng đầu. Cùng với phó tổng thống, các quan chức này tư vấn cho ông Trump và thực thi các chính sách sẽ mang lại thay đổi mạnh mẽ không chỉ ở Mỹ mà còn ảnh hưởng đến địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu.

Về nhập cư, ông Trump đã chọn “bộ ba” trung thành theo đường lối cứng rắn: ông Stephen Miller sẽ là phó chánh văn phòng về chính sách và cố vấn Bộ An ninh nội địa; ông Tom Homan trong vai “ông trùm biên giới” và bà Kristi Noem sẽ lãnh đạo Bộ An ninh nội địa.

Ông Miller từng đóng vai trò chính trong các chính sách nhập cư của ông Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên, bao gồm lệnh cấm người Hồi giáo. Còn ông Homan là cựu quyền giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan và là người ủng hộ chính sách cách ly gia đình nhập cư bất hợp pháp. Bà Noem đã là một đồng minh mạnh mẽ của ông Trump trong hơn một thập niên qua.

Khôi phục các chính sách Trump 1.0

Một đường lối cứng rắn với Bắc Kinh trong các lĩnh vực từ an ninh quốc gia đến thương mại cũng sẽ là điều dễ thấy khi ông Trump bổ nhiệm vào chính quyền sắp tới những chính trị gia từ tiểu bang Florida nổi tiếng với “quan điểm diều hâu” với Trung Quốc như cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và ngoại trưởng Marco Rubio.

Ông Rubio còn được biết đến là người ủng hộ Hong Kong và Đài Loan nổi bật. Năm 2020, ông Rubio cùng một số chính trị gia Mỹ khác đã bị Trung Quốc cấm cửa do những phát biểu tiêu cực liên quan Hong Kong.

Ông Mike Gallagher, người từng đứng đầu Ủy ban chuyên trách của Hạ viện về Trung Quốc quen thuộc với cả hai ông Waltz và Rubio, cho rằng: “Waltz và Rubio hiểu rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới và để giành chiến thắng, chúng ta cần khôi phục khả năng răn đe và ưu tiên quyền lực cứng”.

Những người được ông Trump bổ nhiệm hiểu rõ không chỉ về nhu cầu “Nước Mỹ trên hết” mà còn hiểu tầm quan trọng của việc cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác bao gồm kinh tế và công nghệ.

Các mức thuế đề xuất 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của ông Trump sẽ không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn tác động khắp châu Á. Các nhà phân tích tại Trường Kinh tế và khoa học chính trị London ước tính mức thuế đề xuất của ông Trump sẽ khiến GDP của Trung Quốc giảm 0,68%, trong khi các nước láng giềng Ấn Độ và Indonesia phải đối mặt với mức thiệt hại nhỏ hơn lần lượt là 0,03% và 0,06%.

Ông Trump cũng đã chọn ông Pete Hegseth, 44 tuổi, một nhà bình luận của Fox News và là một cựu quân nhân, làm bộ trưởng Quốc phòng. Bà Tulsi Gabbard, 43 tuổi, cựu nghị sĩ được cho là có quan điểm thân thiện với Nga, cũng được chọn làm giám đốc tình báo quốc gia.

Điều này báo hiệu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu sẽ suy giảm, đặc biệt là sự hỗ trợ của Mỹ đối với liên minh NATO và Ukraine. Địa chính trị ở châu Âu lục địa sẽ thay đổi rõ rệt khi các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức phải chi tiêu cho quân sự nhiều hơn trong khi Ukraine sẽ nhiều khả năng bị buộc bước vào bàn đàm phán với Nga.

Ngoài ra, các cam kết của châu Âu và Mỹ về biến đổi khí hậu cũng đang bị thách thức nghiêm trọng khi ông Trump bổ nhiệm một đồng minh trung thành, ông Zeldin, 44 tuổi, làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ông Trump, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, đã hứa sẽ cải tổ chính sách năng lượng của Mỹ với mục đích tối đa hóa sản lượng dầu và khí đốt bằng cách bãi bỏ các quy định rắc rối và đẩy nhanh việc cấp phép khai thác.

Tham vọng xóa bỏ bộ máy quan liêu

Một điểm mới trong nhiệm kỳ này, ông Trump cũng đã bổ nhiệm giám đốc điều hành Tesla và SpaceX – ông Elon Musk và doanh nhân công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo Ban Hiệu suất chính phủ nhằm tìm cách “xóa bỏ bộ máy quan liêu liên bang”. Ban này nhằm “cung cấp lời khuyên và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ”, với kỳ vọng cắt giảm khoảng 2.000 tỉ USD chi phí của chính phủ liên bang.

Chưa rõ cơ quan này với “luồng gió mới” sẽ thực sự hoạt động như thế nào khi được ông Trump trao quyền. Tuy nhiên có những cảnh báo về đạo đức và xung đột lợi ích tiềm ẩn khi hai doanh nhân có thể tận hưởng những hợp đồng chính phủ liên bang khổng lồ cho doanh nghiệp của mình nếu họ không rút vốn.

 

Theo Tuổi Trẻ

ắc quy xe máy diện năng 4

Xem thêm:

Những nhân sự chủ chốt đã được Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn

Đế chế La Mã suy tàn để lại bài học gì cho nhân thế hôm nay?

4 cuốn sách làm thay đổi thế giới

Đại nạn đã định sẵn, chỉ người thiện lương mới thoát được tai ương

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều