spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

Các trường ĐH nộp phạt 3 tỉ đồng do vi phạm tuyển sinh, mở ngành

Tân Thế Kỷ – Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, 94 lượt cơ sở giáo dục ĐH đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 3 tỉ đồng do vi phạm tuyển sinh và mở ngành đào tạo.

Đây là số liệu về vi phạm tuyển sinh và mở ngành đào tạo do thanh tra Bộ GD-ĐT thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD-ĐT, được tổ chức tuần qua tại TP.HCM.

Vi phạm tăng gấp 3 so với năm 2021

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra bộ đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 94 lượt cơ sở giáo dục Đại học với tổng số tiền phạt trên 3 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2021. Được biết năm 2021 chỉ có 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo. Theo đó, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định. Có trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo hoặc chưa đảm bảo điều kiện mở ngành nhưng vẫn mở ngành.

Bên cạnh đó, thanh tra của 12 sở GD-ĐT cũng đã phát hiện sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với tổng số tiền 518,5 triệu đồng đối với 51 đơn vị/tổ chức.

Nội dung sai phạm mà các sở phát hiện tập trung vào việc tuyển sinh không đúng quy định, thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người học không đúng quy định.

Untitled 1abn
Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính tăng gấp 3 lần (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Chánh thanh tra cũng nêu ra thực trạng số ngành được mở tăng cao khi các trường được tự chủ. Thống kê cho thấy trong 6 năm thực hiện tự chủ đại học đã có 1.194 ngành được mở mới.

Đáng chú ý, có những trường trong vòng 3 năm mở mới 27 ngành. Từ đó, cũng nảy sinh nhiều sai phạm trong chấp hành các quy định. Qua công tác thanh tra, ông Cường cho hay nhiều trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn tự chủ và tự mở ngành đào tạo. Một số khác sai phạm trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo.

Thanh tra của Bộ đã xử phạt những trường mở ngành nhưng không đảm bảo chất lượng. “Hậu quả của mở ngành nhưng không đảm bảo điều kiện chất lượng là trường phải đóng ngành, chuyển sinh viên đã tuyển sang trường khác”, ông Cường nói.

Ngoài ra, nhiều trường chưa công khai hoặc thông tin không đầy đủ về học phí, tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng; vi phạm về công tác quản lý tài chính.

Có trường hợp, thời điểm trường mở ngành đủ điều kiện nhưng sau một thời gian không duy trì đủ điều kiện. Thời điểm kiểm tra, bộ phận thanh tra phát hiện không đảm bảo điều kiện nên phải xử phạt.

Trước đó, hồi tháng 6, Bộ GD&ĐT đã thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường đại học do vi phạm về tuyển sinh, cụ thể là tuyển vượt chỉ tiêu so với quy định.

Trong diện này có 2 tên tuổi trường công nổi tiếng là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

Ngoài ra còn có vi phạm về sử dụng nhà giáo của các trung tâm ngoại ngữ, mua và sử dụng văn bằng không hợp pháp, tổ chức các khoản thu chi không đúng quy định và thành lập cơ sở giáo dục mầm non trái phép…

Nhiều sở GD-ĐT không đủ nhân sự làm công tác thanh tra

Tuy nhiên, theo ông Cường, một số sở GD-ĐT còn chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các vụ việc báo chí đã phản ánh về các nội dung như tổ chức dạy thêm, học thêm; thu, chi sai quy định; bạo lực học đường, an ninh, an toàn trường học…

Sở dĩ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như vậy trong công tác thanh tra và xử lý vi phạm, là do nhân sự còn thiếu. Chẳng hạn còn 34/63 sở chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác thanh tra theo quy định của Chính phủ. 8 sở chưa bổ nhiệm chánh thanh tra sở; 38 cán bộ thanh tra sở chưa được bổ nhiệm ngạch thanh tra.

Bên cạnh đó, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 35 sở GD-ĐT chưa đủ về số lượng theo quy định. Cá biệt Đà Nẵng, Bắc Kạn và Kon Tum chỉ có 2 cán bộ thanh tra; Quảng Ninh, Lâm Đồng, Phú Yên, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng chỉ có 3 cán bộ thanh tra…

Từ đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT kiện toàn tổ chức, đội ngũ thanh tra để có đủ lực lượng thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ  của nước ngoài; hoạt động liên kết đào tạo hay việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách…

Untitled 2abm
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị tổng kết năm học chiều 26/8 (Ảnh: H.N).

Về sai phạm trong công tác quản lý, hoạt động giáo dục, ông Cường cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật quy định về đào tạo đại học còn có những bất cập; ban hành văn bản quy định, văn bản hướng dẫn còn chậm… Một số cơ sở giáo dục đại học chưa hiểu đúng về tự chủ đại học nên triển khai chưa đúng.

“Trước thực trạng trên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Về phía cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị cần hoàn thiện thể chế nội bộ; thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ về tuyển sinh, đào tạo; cũng như cần cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ”, ông Cường nhấn mạnh.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg

Bộ Giáo dục sẽ xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi

Hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2023

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều