spot_img
25 C
Vietnam
Thứ Ba,14 Tháng Năm
spot_img

Cầu nguyện thành kính: tai qua nạn khỏi, điều dữ hóa lành

(Tân Thế Kỷ) Cầu nguyện luôn là cách con người tìm đến như một hi vọng cuối cùng, khi họ không còn có thể tự mình tìm ra cách giải quyết được nữa.

Cuộc sống luôn có lúc thăng trầm, có thời điểm chúng ta hạnh phúc thì cũng có những thời khắc rơi vào khó khăn, bế tắc và khủng hoảng. Nào là do mâu thuẫn giữa người với người; nào là cơm áo gạo tiền; hoặc do hoàn cảnh khách quan như kinh tế suy thoái, thiên tai, dịch bệnh… khiến nhiều người rơi vào áp lực, cảm thấy cuộc sống vô cùng khổ sở, bế tắc,…

Bạn đã từng gặp phải tình cảnh khó giải quyết đến mức không biết trông cậy vào đâu chưa? Khi bạn không còn nơi nào để dựa vào, bạn sẽ làm gì để có thể bước tiếp?

cau nguyen kinh thanh
Cầu nguyện

Cầu nguyện luôn là cách con người tìm đến như một hi vọng cuối cùng, khi họ không còn có thể tự mình tìm ra cách giải quyết được nữa. Thực tế thì việc hướng đến Trời, hướng đến Thần Phật để cầu xin là một nét văn hoá có từ rất xa xưa trong xã hội con người, từ vua chúa cho đến bình dân bách tính đều rất coi trọng các nghi lễ tế tự, thờ cúng và cầu nguyện.

Đối với quân vương thì việc tế lễ càng quan trọng hơn vì nó liên quan đến cả quốc gia. Tuy rằng chúng ta có thể nghĩ vua chúa là có quyền lực tuyệt đối, nhưng đứng trước những sự kiện ảnh hưởng đến toàn dân thì họ cũng rất cẩn trọng và thành kính hướng đến Trời cao để bày tỏ sự thành kính và xin được chỉ dẫn.

Các bậc quân vương xưa làm gì khi đất nước gặp tai hoạ?

Người xưa cho rằng mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của chúng ta đều không phải là ngẫu nhiên, mà chắc chắn có nguyên nhân nào đó phía sau.

Đối với các bậc quân vương, những người đứng đầu một quốc gia, thì nguyên nhân đầu tiên họ nghĩ đến khi đất nước gặp thiên tai, nhân hoạ hay một thảm hoạ nào đó, là do chính bản thân họ đã không làm tốt vai trò của mình: Họ chưa đủ tốt trong việc tu dưỡng đức hạnh bản thân, hoặc họ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo hoá người dân mà thiên thượng giao cho họ, hay cũng có thể là họ quản lí cấp dưới chưa tốt… khiến cho đạo đức của quốc gia đó trượt dốc, tệ nạn xã hội xuất hiện càng nhiều, tham quan ô lại hoành hành…

Các bậc quân vương không đổ lỗi cho thuộc hạ hay cho người dân, mà việc quan trọng nhất họ cần làm là nhận lỗi về mình, chỉnh đốn chính bản thân. Do đó, họ thường tổ chức tế lễ để trình với thiên thượng về những lỗi lầm của mình và xin Trời cao khoan thứ cũng như phù hộ cho đất nước của họ. Chúng ta thấy trên phim ảnh thường có cảnh các vị vua cho lập đàn tế Trời và viết sớ tấu “phản tỉnh”, chính là ý nghĩa này.

Đường Thái Tông nói một câu, nạn châu chấu lập tức biến mất (ảnh 1)
Trong Trinh Quán Chính Yếu có đoạn viết rằng, khi nạn châu chấu hoành hành, hoàng đế Đường Thái Tông đã tự trách bản thân và tìm cái sai ở bản thân mình (Ảnh Tinh Hoa)

Có một câu chuyện vào thời Ngũ Đế, kể rằng có lần vua Nghiêu đi ngoài đường và gặp hai người bị bắt vì tội ăn trộm, ông đã bảo những người lính áp giải rằng người bị bắt nên là ông mới phải. Nguyên nhân vì ông không có đức nên trời mới hạn hán lâu ngày dẫn đến người dân đói khổ phải đi ăn trộm, và vì ông không giáo hoá tốt người dân nên họ mới chọn con đường sai trái. Những người có mặt lúc đó đều rất cảm động vì tấm lòng nhân đức của vua. Dường như Thần linh trên cao cũng thấu tỏ, nên khi vua Nghiêu vừa nói xong, Trời đã cho mưa xuống.

Thời Xuân Thu, một lần nước Tống bị lũ lụt, nước Lỗ sai sứ giả đến thăm hỏi, quốc quân nước Tống nói: “Quả nhân bất nhân, bởi vì trai giới không đủ thành thực, lao dịch làm nhiễu loạn cuộc sống bách tính, do đó Thượng Thiên giáng tai họa này. Lại khiến quý quốc thêm lo nghĩ, khiến tiên sinh phải đến đây”. Sau này nước Tống đã trở thành một đất nước giàu mạnh, cuộc sống thanh bình, nhân dân no ấm.

Chúng ta thấy ở các vị vua này sự chân thành và tấm lòng nhân đức rộng lớn, sự khiêm nhường và khả năng nhìn nhận lỗi lầm của mình một cách rất thẳng thắn. Họ ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước và nhân dân, chứ không dựa vào quyền lực để muốn gì làm nấy.

Những điển cố như thế có rất nhiều. Phải chăng các vị Thần vẫn đang chăm sóc con người và ban cho chúng ta rất nhiều cơ hội để có được cuộc sống tốt hơn, chỉ cần chúng ta biết ăn năn và hướng thiện?

Ngày nay chúng ta nên cầu nguyện như thế nào?

Cho dù bạn có tin vào nhân quả tuần hoàn hay không, bạn có lí giải được những khó khăn bất trắc mà mình đang gặp phải hay không, thì khi cùng đường bí lối, đa số chúng ta vẫn tìm đến một vị Thần hoặc hướng đến Trời cao để cầu xin sự giúp đỡ. Những người theo tôn giáo thì cầu khấn vị Thần, vị Chúa hoặc vị Phật của họ; những người không theo tôn giáo cũng vẫn có thể hướng về Trời để mong có được một sự chỉ dẫn, bảo hộ và giúp đỡ. Có câu nói đùa rằng “Ngày thường thì chẳng thắp hương, đến lúc gặp tai ương thì ôm chân Đức Phật”. Thực ra bạn có niềm tin và tôn kính Thần Phật, có thể tìm đến họ để xin sự giúp đỡ đã là rất tốt rồi.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu thực sự đến lúc phải cầu nguyện, chúng ta nên cầu nguyện như thế nào?

Qua câu chuyện của các vị đế vương trong lịch sử, chúng ta cũng thấy được thành ý của họ đã khiến Trời cao thấu tỏ và phù hộ cho đất nước của họ. Điều họ làm không phải hướng đến Thần để nói những lời hoa mỹ, mà chính sự thành tâm mới là quan trọng nhất.

Vậy khi cầu nguyện, đầu tiên là cần phải thực sự thành tâm, tôn kính, và tín vào Thần một cách vô điều kiện. Các hình thức như thỉnh thoảng lên chùa lễ Phật, đưa tiền công đức hay xây dựng tượng Thần Phật… nếu như không xuất phát từ lòng thành mà sinh tâm “hối lộ” để Thần Phật phù hộ cho mình thì sẽ không ích gì, vì Thần nhìn thấy từng ý nghĩ trong tư tưởng của con người.

Người muốn hướng về Thần để cầu xin sự bảo hộ cũng cần nhìn nhận lại mình để ăn năn về những lỗi lầm mình đã mắc phải, và trong tâm thực sự hướng Thiện. Nếu một người cứ tiếp tục làm những gì mình muốn, dù cho việc làm của họ sẽ gây tổn hại đến người khác, không muốn tu dưỡng bản thân và nâng cao đạo đức thì liệu Thần có bảo hộ họ hay không? Có những người còn tệ hơn khi cố gắng kể ra những điểm tốt của bản thân và không nhắc gì đến những điều sai trái họ đã làm. Thực ra họ chỉ đang lừa dối chính mình thôi chứ không thể lừa dối Thần, Phật hay các đấng Giác Ngộ được.

Vì vậy, thành tâm là điều quan trọng nhất.

Mong rằng sau này, dù bạn có tìm đến Thần, Phật hay Đức Chúa Trời để cầu nguyện mong được bảo hộ, hãy ghi nhớ hai chữ Thành Tâm. Khi nhân tâm hướng thiện thì thậm chí bạn không cần phải cầu xin, những điều tốt đẹp cũng sẽ đến với bạn. Cho dù khó khăn đến đâu, chỉ cần bạn còn sống thì có nghĩa là còn hi vọng.

Xem thêm: Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới cũng cầu Thần Phật bảo hộ bằng cách niệm Chân Ngôn Phật Pháp.

Hồng Ngọc

Xem thêm:

Lời cầu nguyện thành kính giúp tránh mọi bệnh dịch

Hoa Ưu Đàm huyền thoại có phải là một loại trứng côn trùng?

Chữ “神” (Thần) bí ẩn trên núi Thạch Bi – Thanh Hoá

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều