spot_img
25 C
Vietnam
Thứ Ba,14 Tháng Năm
spot_img

Điều dưỡng là một nghề đặc biệt

Tân Thế Kỷ – Điều dưỡng là một nghề đặc biệt. Có người nói điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”. Công việc chính của điều dưỡng là chăm sóc và phục vụ người khác. Đại dịch Covid-19 lướt qua, các điều dưỡng đã trở thành những con người quả cảm nhất.

cap do dieu duong my 1 1
Điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ – Điều dưỡng quả cảm

Điều dưỡng người đồng hành tin cậy của người bệnh

Người Điều dưỡng viên có vai trò cực quan trọng trong việc hỗ trợ cho bác sĩ trong công tác phẫu thuật trong phòng bệnh cũng như công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh sau khi được đưa vào phòng hồi sức.

Hàng ngày Điều dưỡng viên là người đi thăm bệnh, thay thuốc cũng như theo dõi quá trình hồi phục của người bệnh, nếu có vấn đề sai sót nào đó xảy ra phải nhanh chóng và kịp thời thông báo cho bác sĩ để có hướng giải quyết nhanh nhất, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Công việc của Điều dưỡng viên hiện nay đã được làm việc độc lập, họ tự chủ trong công tác của mình mà không cần đợi lệnh từ bác sĩ như lúc trước. Ngoài những công việc chuyên môn, Điều dưỡng viên luôn là người an ủi, động viên tinh thần cho người bệnh, để họ có thể nhanh chóng vượt qua “cú sốc” tinh thần khi phải gặp rủi ro trong cuộc sống.

Ngoài những kiến thức chuyên môn bắt buộc các bạn phải nắm vững, người Điều dưỡng viên luôn là người có tấm lòng yêu thương con người cùng đồng loại, là những người luôn chu đáo, tỉ mỉ trong công việc.

Chính vì những vai trò cùng vị thế rất quan trọng đó mà Điều dưỡng viên là một khâu không thể thiếu trong mắt xích của ngành y tế, trong quá trình khám và chữa bệnh cho con người.

Vất vả trăm bề

Ngành nghề nào cũng có những đặc trưng và nỗi “khó nói” riêng, nhưng đối với nghề Điều dưỡng có thể nói là một trong những ngành nghề khó khăn và vất vả trăm bề. Bởi những đặc trưng của nghề là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Người Điều dưỡng luôn là người đồng hành cùng các bác sĩ trong phòng phẫu thuật, là người đưa bệnh nhân đến những phòng điều trị khác nhau, những lúc như thế, bắt buộc họ phải luôn di chuyển để làm việc, rất hiếm thời gian để có thể nghỉ ngơi.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Điều dưỡng viên đa phần là phụ nữ làm việc, bởi đặc thù của nghề cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo và nhạy bén trong từng thao tác, thế nên yêu cầu người Điều dưỡng phải luôn cố gắng và nỗ lực.

Hiện nay tình trạng căng thẳng và áp lực vì công việc của những Điều dưỡng viên luôn tồn tại và ở mức cao.

Điều dưỡng – Nghề “làm dâu trăm họ”

Người ta thường ví nghề điều dưỡng như “làm dâu trăm họ”, bởi bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng là người chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp, gần gũi nhất với người bệnh. Mà con người đâu phải ai cũng có tính cách giống nhau, người bệnh cũng có người này người nọ, tính tình, cách cư xử, trình độ văn hóa khác nhau.

Để hiểu và đáp ứng được những mong muốn của người bệnh hẳn phải là những người thực sự tận tâm, yêu nghề lắm mới vượt qua những khó khăn để có thể bám trụ với nghề, hoàn thành được tốt công việc của một người “dâu trăm họ”.

BN 3 jpeg

Người ta quá quen với việc phải chứng kiến nỗi vất vả trắng đêm hay cái chợp mắt trong chốc lát. Những bát cơm, gói mì ăn vội, sự khẩn trương vượt qua nỗi mệt mỏi về thể xác, sự cần mẫn chăm sóc sức khỏe, tinh thần người bệnh của những anh chị điều dưỡng.

Trong khi con cái, người thân của họ ốm đau ở nhà, họ đều phải “tạm gác lại” không thể chăm sóc chu toàn cho gia đình được. Họ quả là những người dũng cảm, có lẽ trong thâm tâm họ vẫn đau đáu nỗi lo lắng cho gia đình nhưng ở nơi này, với vai trò và trách nhiệm của người nhân viên y tế, họ phải quẳng đi âu lo, gánh nặng cuộc sống để giữ vững sự thân thiện, tinh thần nhiệt huyết toàn tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ấy vậy mà đâu phải ai cũng hiểu cho sự hy sinh đó.

Những người quả cảm đi qua mùa dịch

Covid-19 xuất hiện, toàn thế giới trở thành một cái bệnh viện khổng lồ. Những ca bệnh nặng được đội ngũ y tế chăm sóc.

Song song với cuộc chiến đấu giành mạng sống của mỗi con người, là cuộc vật lộn của những y bác sĩ. Những điều dưỡng giữ vai trò không thể thiếu trong những ngày tháng đó.

Đại dịch đã tạm lắng, những câu chuyện về những điều dưỡng vẫn còn đó. Cứ tưởng là bác sĩ, hãy điều dưỡng thì quá quen với cảnh ốm đau, nhưng thực tế không phải vậy. Họ vẫn là những con người, mà chẳng qua nghề của họ là chăm sóc người khác lúc ốm đau mà thôi.

Xin trích dưới đây bức tâm thư của điều dưỡng Trần Thanh Hưng – Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) có nhiều tháng ròng rã tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, tại Bệnh viện dã chiến số 14, TP. HCM:

 


“….Ở đó, có khuôn mặt của bà lão 70 tuổi vừa hôm qua bán nước để nuôi em trai, em gái ăn học mà chỉ vài giờ đồng hồ sau đó đã phải “ngậm” ống nội khí quản. Dù y, bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng điều gì đến đã đến, chiếc giường của ấy đã trống trơn…

Ở đó, có một người cha, chỉ còn ít ngày nữa là có thể đón đứa con đầu lòng nhưng cũng phải nằm đó, để chống chọi với virus, giành giật với virus từng nhịp thở.

Ở đó, có sức mạnh của người mẹ chưa một lần bồng bế đứa con buộc phải sinh mổ, cũng phải chìm trong hôn mê.

Ở đó, tôi thấy cậu con trai đút từng muỗng cháo cho và cô lớn tuổi mà không thể tự ăn.

Ở đó, lần đầu tiên, tôi cầm chiếc bơm tiêm trong tay không để tiêm thuốc hay bơm ăn, mà để xả “cuff”  ống nội khí quản để rút ống khi bệnh nhân đã xác định tử vong.

Mọi cố gắng để kéo dài thời gian cho bệnh nhân sau vài ba lần ngưng tim, ngưng thở, mà theo đức tin của mình, khoảng thời gian trước khi người ta tắt thở sẽ là đẹp nhất, là khoảng thời gian họ nhớ về những ký ức đẹp nhất của cuộc đời…

Nhưng kết cục cũng không thay đổi và rồi, từng hành động gọn gàng, sạch sẽ là lau nhẹ dòng nước mắt còn đọng trên đôi mi của bệnh nhân, là phủ tấm vải trắng từ chân đến quá mặt, là gọi báo thân nhân…

Mọi thứ đã rất nặng nề, tôi bước đôi chân đi trong sự thất vọng về bản thân. Thậm chí là có những thời điểm nản chí, tự hỏi mình rằng, tại sao bản thân không làm tốt hơn một ít nữa? Những rồi, tôi lắc đầu với bản thân, với thực tại, với sự tàn khốc và nghiệt ngã của kẻ thù là virus corona đã tàn phá đi tất cả, tất cả…

Quy Hòa hôm nay mưa, thời tiết lạnh khiến tôi cũng tê tái hơn, nhưng không thể buốt hơn cảm giác 12h đêm ngâm mình trong dòng nước sau 6 giờ làm việc liên tục. Ở đó, có những tiếng hát í a trong nhà tắm đã trở thành thói quen của ai đó chẳng bao giờ có thể bỏ được.

Tôi đau lòng mỗi khi thấy những đôi môi nứt nẻ sau nhiều giờ liên tục không được uống nước…hay đôi khi, có những cô đồng nghiệp ngất xỉu trong buồng bệnh do không đảm bảo sức khỏe để làm việc.

Ở nơi đó, tôi và những người xa lạ bỗng chốc thành thân thuộc, ngồi lại với nhau và những sợi mì tôm đêm muộn, những cốc cà phê đã trở thành quen thuộc cho tỉnh táo để đảm bảo hoàn thành sứ mệnh.

Nơi có những cuộc gọi về nhà lúc đêm muộn thông báo tình hình rằng mình vẫn khỏe.

Đã có những lúc, trong “công xưởng” ấy, nhìn những chiếc giường trống, tôi tìm những bệnh nhân mà bàn tay tôi đã chăm sóc… tôi lung lay, nước mắt cứ rơi lã chã.

Nhưng tôi đã thấy, những chàng trai ở tuổi đôi mươi với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để Sài Gòn khỏe trở lại.! Và Sài Gòn đã khỏe trở lại.

Cuộc sống thật ngắn ngủi và vô thường, còn dịch bệnh thì chẳng chừa một ai, mà sự hối hả của cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, tiếng chuông nhà thờ vẫn vang mỗi sáng và những sinh mệnh vẫn sẽ nối tiếp chào đời… Chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có. Sinh mệnh con người là đáng quý nhất, chẳng có gì có thể bù đắp được những mất mát này…”.



Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 5

Vũ Nam tổng hợp.

WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về COVID-19

Bà Rochelle Walensky từ chức Giám đốc CDC Mỹ

Covid-19 ngày 9/5: Số bệnh nhân nặng tăng cao, cần tăng cường cảnh giác

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều