spot_img
19 C
Vietnam
Thứ Ba,14 Tháng Năm
spot_img

TQ: Nhà khoa học từng đi tù vì chỉnh sửa gen người nay tiếp tục muốn chỉnh sửa phôi

Tân Thế KỷBloomberg đưa tin, nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) – người từng khiến cả thế giới choáng váng khi tuyên bố đã tạo ra hai bé gái song sinh chỉnh sửa gene –  mới đây tiếp tục đưa ra một đề xuất mới về việc chỉnh sửa phôi người mà ông tuyên bố có thể giúp hỗ trợ “dân số già”.

Hé lộ cuộc sống của những em bé chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới
Nhà khoa học chỉnh sửa gene người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê trong bức ảnh năm 2018. Ảnh: Wiki

“Tái xuất” với tuyên bố tiếp tục chỉnh sửa phôi người

Năm 2018, Hạ Kiến Khuê đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9, còn gọi là kỹ thuật “cắt dán gene” để sửa lại gene CCR5 của cặp song sinh nhằm bảo vệ các em khỏi bị nhiễm HIV trong tương lai, do bố của hai em bé này bị nhiễm HIV. Vì hành vi này, ông đã bị kết án ba năm tù ở Trung Quốc vào năm 2019. Năm 2022, ông Hạ Kiến Khuê tái xuất hiện trước công chúng và thông báo trên mạng xã hội rằng sẽ mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Bắc Kinh. Thông báo này đã gây chấn động cộng đồng khoa học toàn cầu.

Theo CNN, kể từ đó, các thông điệp nghiên cứu được đăng trên tài khoản Twitter của ông Hạ Kiến Khuê chủ yếu tập trung vào việc vạch ra các kế hoạch nhằm nghiên cứu phát triển liệu pháp gene cho các bệnh hiếm gặp.

Theo một bài đăng trên tài khoản Twitter của Hạ Kiến Khuê vào cuối tuần trước, sẽ không có phôi người nào được cấy để tạo thai nhi trong nghiên cứu – nghĩa là sẽ không có em bé nào được sinh ra – và các thí nghiệm đầu tiên sẽ được thực hiện trên chuột.

Không rõ thí nghiệm sẽ được tiến hành như thế nào bởi những thí nghiệm như vậy cần có giấy phép của chính phủ và sự chấp thuận về mặt đạo đức, trong khi Hạ Kiến Khuê đang chấp hành lệnh cấm làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh sản vĩnh viễn.

Hạ Kiến Khuê cho biết đột biến gene mà ông đang đề xuất đưa vào phôi sẽ làm giảm sự hình thành mảng bám trong não – dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Hiện không rõ liệu nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê có được chấp thuận ở Trung Quốc hay không. Các chuyên gia bên ngoài nói rằng, từ góc độ khoa học thì đề xuất hiện tại không hợp lý. Đề xuất mới này một lần nữa khiến các nhà khoa học cũng như các chuyên gia y đức lo lắng và hoang mang.

Trả lời câu hỏi của CNN, ông Hạ Kiến Khuê cho biết ông “hiện đang thu thập phản hồi từ các nhà khoa học và nhà đạo đức sinh học”, hiện ông cũng chưa có thời gian biểu cho nghiên cứu này. Ông còn nói rằng sẽ sửa đổi đề án này, và sẽ không có thí nghiệm nào được thực hiện cho đến khi được chính phủ Trung Quốc cấp phép cũng như được ủy ban đạo đức quốc tế phê duyệt. Ủy ban này sẽ bao gồm các nhà đạo đức sinh học người Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia cho biết, việc tác động gene trên phôi thai người – dù phôi thai đó có sống sót được hay không – thường bị kiểm soát nghiêm ngặt trên phạm vi toàn cầu; có một số quốc gia còn cấm tất cả các nghiên cứu như vậy.

Vậy trong tương lai, nghiên cứu của ông Hạ Kiến Khuê sẽ đi tới đâu? Bà Françoise Baylis, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Dalhousie của Canada, cho biết có rất nhiều vấn đề cần được xem xét. Trong đó bao gồm việc liệu ông Hạ Kiến Khuê có chuyên môn khoa học thiết yếu để kiểm nghiệm giả thuyết trên hay không, hay liệu ông có tuân thủ các quy tắc khi tiến hành các nghiên cứu có liên quan đến con người hay không.

Câu chuyện “chỉnh sửa gen em bé” gây chấn động thế giới năm 2018

Năm 2018, Hạ Kiến Khuê khiến cả thế giới choáng váng khi tuyên bố đã tạo ra hai bé gái song sinh chỉnh sửa gene, được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là Lulu và Nana. Bố của hai em bé này bị nhiễm HIV. Em bé thứ ba, Amy, chào đời vào năm sau, cũng ở Trung Quốc.

Hạ Kiến Khuê cho biết đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9, còn gọi là kỹ thuật “cắt dán gene”, cụ thể là cắt bỏ và thay thế một phần bộ gene, giống như ta sửa lỗi đánh máy trên máy vi tính. Lulu và Nana được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ một phôi đã được chỉnh sửa gene trước khi được cấy vào tử cung của người mẹ.

Ông Hạ nói đã sử dụng CRISPR-Cas9 để sửa lại gene CCR5 của cặp song sinh nhằm bảo vệ các em khỏi bị nhiễm HIV trong tương lai.

The Epoch Time đưa tin, các cơ quan ngôn luận của chế độ Bắc Kinh ngay lập tức ca ngợi nghiên cứu này. Tờ Nhân dân Nhật báo nói đây là một “bước đột phá lịch sử” trong lĩnh vực chỉnh sửa gene. Bản thân ông Hạ Kiến Khuê từ lâu đã là một ngôi sao trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Vào ngày 23/9/2017, trong một chương trình đặc biệt do CCTV sản xuất để “Vui mừng nghênh đón Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Hạ Kiến Khuê được gọi là “anh hùng mới trong lĩnh vực gene của thế giới”.

Tuy nhiên, điều mà Bắc Kinh và ông Hạ Kiến Khuê không ngờ tới là, khi thí nghiệm chỉnh sửa gene trẻ em được công bố trước công chúng, nó không nhận được lời khen mà là sự lên án từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà phê bình chỉ ra rằng về mặt đạo đức, đây là “may đo con người”; về mặt kỹ thuật, nhiều năm sau có thể sẽ xuất hiện những vấn đề khó lường tới.

Các nhà khoa học và nhà đạo đức quốc tế cho rằng, hành động của ông Hạ Kiến Khuê là vô đạo đức và nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng đến ADN của vài thế hệ sau. Trước sự lên án của dư luận quốc tế, tờ Nhân dân Nhật báo đã khẩn trương xóa bài viết liên quan, CCTV cũng gỡ bỏ chương trình tháng 9/2017 khỏi trang web của mình.

Việc sử dụng CRISPR để chỉnh sửa gene của phôi thai gây nhiều tranh cãi nhiều hơn việc chỉnh sửa gene của bệnh nhân mắc bệnh nan y. Bởi vì bất kỳ thay đổi nào trong phôi thai đều có thể được di truyền cho các thế hệ tương lai. Điều này có nghĩa là ngay cả một thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra những tác động sâu rộng.

Nghi Vân (t.h)

Theo The Epoch Time, CNN, Bloomberg

Xem thêm: VIDEO – NỖI OAN CỦA CẬU BÉ 9 TUỔI

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều