spot_img
26 C
Vietnam
Chủ Nhật,7 Tháng Bảy
spot_img

Trẻ nhảy múa trước khi biết nói: Lợi ích từ âm nhạc và nhảy múa đối với trẻ đang chập chững

Một bài viết chia sẻ về lợi ích của âm nhạc và nhảy múa đối với trẻ nhỏ đăng trên báo The Epoch Times tiếng Anh của thạc sĩ văn học Anh, đồng thời cũng là một người cha – ông Walker Larson.

Trẻ nhảy múa trước khi biết nói: Lợi ích từ âm nhạc và nhảy múa đối với trẻ đang chập chững
Khiêu vũ là một cách mà cha mẹ và trẻ nhỏ chưa biết nói có thể gắn kết với nhau. Ảnh: Rawpixel.com/Shutterstock

Con gái một tuổi của tôi rất thích nhảy múa. Nếu bé nghe được bất cứ tiếng nhạc nào, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, khuôn mặt của con sẽ bừng nở một nụ cười rạng rỡ. Bé tựa mình vào chiếc tràng kỷ, chiếc ghế, hoặc chân của cha mẹ, bắt đầu nhún nhảy và giậm chân. Đôi khi, dòng cảm xúc cuộn trào do âm nhạc mang đến cho trái tim nhỏ bé của con quá mãnh liệt, đến mức bé sẽ chống tay và đầu gối xuống đất, lắc lư qua lại, hoặc nhẹ nhàng nhấc một chân lên trong một động tác xoay tròn tinh tế.

Cho đến nay, con bé không kén chọn trong sở thích âm nhạc của mình. Trên thực tế, ngay cả những tiếng động không phải là âm nhạc nhưng có nhịp điệu – như tiếng máy sấy hoặc thơ ca cho trẻ em – cũng làm bé muốn nhảy múa theo. Bé không thể cưỡng lại cảm giác đó: Bàn chân nhỏ bé vụng về bắt đầu giậm theo nhịp. Thế giới bừng lên như một bức tranh ghép đầy sắc màu, với những âm thanh xoáy ốc và cuộn tròn tuôn ra quanh mái tóc nhỏ xoăn tít của bé, và bé nghe thấy âm nhạc ở khắp mọi nơi, thậm chí cả trong các hoạt động hàng ngày như giặt quần áo. Con gái tôi muốn được hòa mình vào niềm vui của thế giới.

Đã từ lâu, tôi luôn kinh ngạc trước một thực tế: hầu hết các em bé bắt đầu nhảy múa trước cả khi biết nói: 75% trẻ sơ sinh nhún nhảy lúc 9 tháng tuổi. Ngôn ngữ đầu tiên của các bé không phải là lời nói, mà là âm nhạc. Do đó, một trong những hành động đầu tiên mang đậm dấu ấn con người của chúng ta là cố gắng hòa hợp thân thể mình với trật tự của thế giới, được thể hiện qua nhịp điệu và mô thức âm nhạc.

Trong vở kịch “Đêm Thứ Mười Hai”, Công tước Orsino nói rằng âm nhạc là dinh dưỡng của tình yêu, và điều đó hẳn có vẻ đúng với bé đang chập chững biết đi: âm nhạc và các chuyển động cơ thể thông qua điệu nhảy hình thành nên những tiếng bập bẹ ê a đầu tiên của tình yêu đối với thế giới và những người xung quanh.

Những điệu nhảy của trẻ tập đi thường là hoạt động gắn kết. Con gái tôi sẽ quan sát tôi lắc lư cái đầu, và lập tức hiểu ý: chúng tôi sẽ nhảy múa cùng nhau. Con bé hiểu rằng đây có thể là một hoạt động chung, do đó con bé không chỉ hòa mình với trật tự bên ngoài của thế giới mà còn gắn kết với cha mẹ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng so với các hoạt động không có âm nhạc, việc trẻ em và cha mẹ cùng nhau nhảy múa sẽ thúc đẩy hành vi thuận xã hội (prosocial behavior). Điều này thực sự giúp xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đó chính là dinh dưỡng của tình yêu.

Tình yêu của nhân loại đối với các mô thức

Làm thế nào mà khả năng nhận biết âm nhạc (hay ít nhất là những âm thanh có mô thức) và mong muốn hòa mình vào đó lại mang tính nền tảng đến vậy đối với bản chất con người, tới mức chúng ta tham gia vào hoạt động này trước cả khi [biết sử dụng] ngôn ngữ, và rất lâu trước khi [phát triển] khả năng suy luận?

Ở đây, chúng ta có một điều bí ẩn – một điều gì đó ăn sâu vào bản chất của chúng ta đến mức khó có thể phân tích. Một câu trả lời [cho bí ẩn này] có thể là khát khao về trật tự và ý nghĩa. Khát khao này chắc chắn có sự hiện diện, ít nhất là ở dạng phôi thai, cả trong những đứa trẻ nhỏ nhất.

Chúng ta được “lập trình” để nhận biết các mô thức bởi vì trực giác mách bảo chúng ta rằng các mô thức này mang ý nghĩa. Và như nhà tâm lý học Viktor Frankl nhận định, ý nghĩa là thứ không thể thiếu đối với con người. Chúng ta không chỉ mong muốn nhận ra ý nghĩa thông qua trật tự của thế giới (mà âm nhạc là âm thanh có trật tự), mà ở mức độ nào đó, chúng ta còn mong muốn sở hữu trật tự và ý nghĩa đó trong bản thân mình. Trong trường hợp của nhảy múa, chúng ta nỗ lực bước sâu hơn vào trật tự của âm nhạc, nói một cách hình tượng, là để “sở hữu” nó, trong cơ thể chúng ta.

Một lý do khác khiến trẻ em và kể cả trẻ sơ sinh say mê âm nhạc là vì nó tác động đến các biên độ cảm xúc – thứ mà mọi bậc làm cha mẹ đều biết và đôi khi than thở. Ngay từ khi mới sinh, các biên độ cảm xúc đã được phát triển đầy đủ hơn ở trẻ em so với khả năng suy luận lý trí. Bé Noah có thể không diễn đạt được khái niệm về nỗi buồn, cơn giận, hay những ý tưởng về công lý, nhưng cậu chắc chắn sẽ trải qua những cảm xúc liên quan đến điều đó khi mong muốn được ăn thêm bánh quy của cậu gặp phải những chướng ngại bất ngờ. Đó có thể là một nguyên nhân vì sao âm nhạc hấp dẫn trẻ em ở độ tuổi sớm như vậy: Âm nhạc kết nối trực tiếp tới tâm hồn, là ngôn ngữ duy nhất mà trẻ em thực sự biết trước khi bước vào độ tuổi biết dùng lý trí để nhận định đúng sai.

Triết gia Aristotle đã đề cập tới sức mạnh cảm xúc này của âm nhạc trong cuốn Chính Trị Luận rằng:

“Nhịp điệu và giai điệu cung cấp những bản mô phỏng cơn giận dữ và sự dịu dàng, lòng dũng cảm và tiết độ, cũng như tất cả những tính chất trái ngược với các phẩm chất này, và những phẩm chất khác của tính cách, gần như không kém gì những tình cảm thực sự, như chúng ta biết từ kinh nghiệm của mình, vì trong khi lắng nghe những giai điệu như vậy, tâm hồn chúng ta trải qua một sự thay đổi. Thói quen cảm thấy vui mừng hay tổn thương trước những thứ chỉ được khắc họa lại không khác mấy so với cảm xúc trước hiện thực. … Bấy nhiêu thôi đã đủ để chứng tỏ rằng âm nhạc có sức mạnh định hình tính cách.”

Trích dẫn này lấy từ một phần trong cuốn Chính Trị Luận về giáo dục, và, dựa trên quan sát của Triết gia Aristotle cho rằng âm nhạc định hình tính cách thông qua việc rèn luyện cảm xúc của người nghe, chúng ta hiểu vì sao Triết gia Aristotle lại coi âm nhạc có vai trò quan trọng đến vậy trong giáo dục.

Âm nhạc nuôi dưỡng tâm trí trẻ thơ

Giáo dục âm nhạc có thể bắt đầu từ sớm. Mặc dù giá trị của điều được gọi là “hiệu ứng Mozart” – cho rằng nghe nhạc cổ điển khi còn nhỏ sẽ làm tăng trí thông minh của trẻ con – đã bị một số nhà khoa học bác bỏ, nhưng các nghiên cứu cho thấy việc học chơi một loại nhạc cụ, ngay cả với các em chỉ mới 3 tuổi, cũng có thể làm tăng đáng kể khả năng suy luận không gian–thời gian của chúng. Một nghiên cứu khác cho thấy những con chuột được nghe nhạc Mozart khi còn trong bụng mẹ và một khoảng thời gian sau sinh đã có thể hoàn thành thử thách mê cung nhanh hơn những con chuột nghe loại nhạc tối giản, âm thanh trắng, hoặc không nghe gì cả.

Kết hợp những lợi ích từ âm nhạc này với lợi ích về thể chất và những tác dụng gắn kết từ nhảy múa, đã đề cập ở trên, thì bạn sẽ có trong tay một phương pháp giáo dục vô cùng giá trị và sâu sắc. Trong một cuộc khảo sát được công bố trên tập san Tâm lý học Phát triển, gần 100% bậc cha mẹ trên 15 quốc gia nói rằng họ nhảy múa cùng các con, và nhiều người trong số họ thực hiện điều này hàng ngày. Điều này cho thấy ngôn ngữ của vũ điệu phổ quát tới mức nào, đặc biệt là dưới dạng một phương tiện để nhiều bậc cha mẹ và những trẻ em chưa biết nói giao tiếp với nhau.

Vì vậy, nếu bé con đang tập đi của bạn nghe thấy bản nhạc hay và bắt đầu nhảy múa, bạn có thể khích lệ điều đó và thậm chí cùng tham gia với con. Đứa bé này cũng đang thể hiện một phần con người bạn.

Bài viết của Walker Larson, một thạc sĩ về văn học và ngôn ngữ Anh, đồng thời bài viết của ông đã xuất hiện trên The Hemingway Review, Intellect Takeout và Substack. Ông cũng là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết “Hologram” và “Song of Spheres”.

Banner 1 1

Y Văn/ETViet biên dịch

Theo The Epoch Times

Xem Thêm:

Cổ nhân: nếu 3 nơi này trong nhà để trống, con cái đời đời nghèo khổ

Lao vào biển lửa cứu gia đình, người đàn ông được tòa đòi lại 80.000 USD tiền bảo hiểm

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều