spot_img
23 C
Vietnam
Thứ Năm,16 Tháng Năm
spot_img

19 triệu cử tri Đài Loan bước vào cuộc bầu cử lịch sử

Hôm nay, 19 triệu cử tri Đài Loan đã chính thức bước vào cuộc bầu cử quan trọng. Người dân Đài Loan không chỉ chọn lựa tổng thống và quốc hội tiếp theo của họ; mà lá phiếu của họ còn tác động sâu sắc đến xu hướng quan hệ Mỹ-Trung trong những ngày tháng tới.

19 triệu cử tri Đài Loan bước vào cuộc bầu cử lịch sử| Tân Thế Kỷ
Ba ứng cử viên với 3 đường lối quan hệ khác nhau với Trung Quốc – Taiwan Focus

Các cử tri Đài Loan ngoài việc cân nhắc về các vấn đề trong nước khác nhau, bao gồm cả lạm phát và an ninh năng lượng, và họ còn phải xem xét đến việc Đài Loan nên ứng phó như thế nào trước sức ép ngày càng tăng của đại lục.

Người dân Đài Loan sẽ bỏ phiếu 3 lần: bầu lãnh đạo và phó lãnh đạo, bầu các nhà lập pháp địa phương và bầu cho đảng mà họ ủng hộ.

Đối với cuộc bầu cử lãnh đạo, ứng viên chỉ cần đạt đa số tương đối để giành chiến thắng, tức ai giành nhiều phiếu hơn sẽ đắc cử. Và không có cuộc bầu cử vòng 2.

Theo giới phân tích, người được nhiều cử tri lựa chọn nhất sẽ tác động đến sự ổn định của cả khu vực trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đang là một trong những điểm nóng địa chính trị của thế giới và là một trong những mâu thuẫn giữa 2 siêu cường Mỹ – Trung.

Trước cuộc bầu cử, ứng viên dẫn đầu là ông Lại Thanh Đức, phó Tổng thống Đài Loan và thành viên lâu năm của đảng Dân tiến (DPP). Chính trị gia 64 tuổi này được đánh giá thiên về xu hướng độc lập. Tương tự lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm Thái Anh Văn, ông Lại xưa nay nổi tiếng về lập trường “ly khai” khỏi Trung Quốc đại lục.

Đối thủ sát nút là ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng, người được đánh giá là thân thiện với Trung Quốc đại lục hơn. Ông Hầu là cựu thị trưởng thành phố Tân Bắc. Xuất thân khiêm tốn hơn các lãnh đạo trong đảng khác và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là cảnh sát vào những năm 1980.

Ứng viên thứ ba là ông Kha Văn Triết của đảng Nhân dân Đài Loan. Cựu bác sĩ từng là thị trưởng Đài Bắc này là một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy. Ông cam kết sẽ quản lý Đài Loan tốt hơn và tuyên bố chống tham nhũng. Đề cập tới Trung Quốc, ông Kha nói rằng ông sẽ đi theo “con đường trung dung”.

Một cuộc khảo sát hôm ngày 1/1 năm 2024 cho thấy, ông Lại Thanh Đức đang nhận được sự ủng hộ của 39,6% cử tri, ông Hầu Hữu Nghị được 28,5%, còn ông Kha Văn Triết được 18,9%.

Giới phân tích cho rằng dựa trên kết quả thăm dò này, ông Lại có lợi thế giành chiến thắng hơn trong cuộc bầu cử nhưng không loại trừ khả năng giành chiến thắng của ông Hầu.

Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall (Đức), cho biết: “Tôi có thể nói ông Lại sẽ giành chiến thắng nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như ông Hầu thắng, bởi ông ấy đang thu hẹp khoảng cách với ông Lại”.

Theo giới phân tích, quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có thể sẽ vẫn mâu thuẫn và băng giá như hiện nay nếu ông Lại trở thành nhà lãnh đạo kế nhiệm bà Thái.

Còn nhớ, Bắc Kinh từng dừng đối thoại chính thức với Đài Bắc sau khi bà Thái đắc cử năm 2016. Bắc Kinh gọi ông Lại là người “ly khai và gây rối”. “Tôi sẽ tiếp tục giữ vững nền dân chủ cũng như tăng cường khả năng phòng thủ, an ninh kinh tế của chúng ta” – ông Lại nói trong cuộc tranh luận gần đây.

Ông này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải tăng cường quan hệ với các đồng minh của Đài Loan ở phương Tây và châu Á. Nathan Batto, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử thuộc Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan nhận định: “DPP muốn giữ khoảng cách với Trung Quốc. Họ không cố gắng rút khỏi Trung Quốc nhưng họ cũng không cố gắng xây dựng mối quan hệ mới và chặt chẽ hơn”.

Các chuyên gia tin rằng căng thẳng giữa 2 bờ eo biển sẽ giảm bớt nếu ông Hầu đắc cử. Ông Hầu và Quốc Dân Đảng gọi cuộc bầu cử năm 2024 là lựa chọn “giữa chiến tranh và hòa bình” – một thông điệp mà Bắc Kinh đang khuếch đại.

Theo tờ Csmonitor, ông Hầu Hữu Nghị là ứng viên được Bắc Kinh yêu thích, bởi ông phản đối việc Đài Loan độc lập và duy trì lập trường lâu đời của Quốc Dân Đảng rằng chỉ có “một Trung Quốc”. Ông ủng hộ sự tương tác kinh tế và xã hội chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

BN 2 jpeg 1

Hoàng Nam t/h.

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều