spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

23 triệu học sinh cả nước rộn ràng khai giảng năm học mới

Tân Thế Kỷ – Sáng nay (5/9), khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học 2023-2024. Đây là năm học thứ tư của chương trình mới, trong thời tiết mát dịu ở hầu khắp đất nước.

Khai giảng ngắn gọn, tiết kiệm

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, lễ khai giảng ngày 5/9 sẽ được tổ chức ngắn gọn, tùy theo từng cấp học sẽ có chương trình, đặc thù riêng.

Chương trình khai giảng ở thành phố này có 2 phần: Phần lễ ngắn gọn và phần hội đảm bảo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh trong ngày đầu năm học mới.

Tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị này quán triệt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng trang trọng, tiết kiệm, đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu thế, học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh khó khăn không được tới lớp.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho cha mẹ phụ huynh. Vì thế, Sở luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời nêu rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Untitled 7
Cô giáo buộc sợi nơ đỏ lên tay cho học sinh trong lễ khai giảng tại Trường Marie Curie (Hà Nội) – Ảnh: VĨNH HÀ

Với hơn 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông bước vào năm học mới 2023-2024, Lễ khai giảng năm hoc mới được sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thống nhất chỉ gói gọn trong 60 phút. Các bài diễn văn của hiệu trưởng cũng được rút ngắn, giảm bớt phần báo cáo thành tích, nhấn mạnh đến các chủ đề, thông điệp mà nhà trường muốn trao gửi đến các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh.

Không riêng Hà Nội, TPHCM, nhiều tỉnh thành cũng yêu cầu khai giảng ngắn gọn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh đầu năm học mới.

Năm nay, Hải Phòng tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, chương trình sẽ diễn ra không quá 35 phút, gồm 2 phần lễ và hội.

Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu khai giảng tổ chức ngắn gọn, trang trọng, tổ chức tiết kiệm, đảm bảo phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh mỗi cấp học.

Tương tự các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Bình Định, Hải Dương, Kon Tum… thống nhất lễ khai giảng ngắn gọn, đảm bảo trang trọng, thiết thực, có ý nghĩa và tuyệt đối an toàn

Quảng Ngãi: Lãnh đạo tỉnh không phát biểu, không đánh trống

Ngày 4/9, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận lãnh đạo tỉnh dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 tại các điểm trường sẽ không phát biểu, không đánh trống khai giảng.

Lãnh đạo tỉnh chỉ trao thưởng, tặng quà cho học sinh. Các hoạt động khác giao cho nhà trường thực hiện. Các điểm trường sẽ được thông báo trước để chủ động trong công tác tổ chức.

Đà Nẵng: Lãnh đạo không phát biểu, không thả bóng bay

Trong đó, Sở nhấn mạnh lễ khai giảng được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp, không thả bóng bay.

Đối với bài phát biểu chào mừng năm học mới, cần tập trung chào mừng các em học sinh đến trường, nhất là học sinh đầu cấp; có thể nêu ngắn gọn về truyền thống, thành tích của nhà trường… kết thúc là lời cảm ơn và chúc mừng năm học mới.

Ở Cà Mau, trời có mưa nhỏ nhưng nhiều em háo hức đến trường sớm. Tỉnh năm nay có hơn 214.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông.

Tại trường Tiểu học Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, hàng chục em ở những khu vực ven biển các ấp Bồ Cộ, Thuận Tạo, Thuận Thành đến trường bằng ghe, xuồng. Chị Nguyễn Thị Hằng, 37 tuổi, ở ấp Thuận Tạo, cho biết cả nhà thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị đưa hai con học lớp 4 và 9 đến trường. Nhà ở xa nên chị mất gần 50 phút lái xuồng.

z4663944318699 7d5027d3e71a611 4965 4770 1693883910
Chị Hằng, huyện Đầm Dơi, lái xuồng đưa các con đến khai giảng, sáng 5/9. Ảnh: Chúc Ly

“Hy vọng các con sẽ có một năm học nhiều niềm vui”, người mẹ nói.

Ngổn ngang những thách thức năm học mới

Nhiều bài toán đặt ra cho ngành giáo dục như đổi mới thi tốt nghiệp THPT, gỡ khó môn tích hợp và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Ngay trước thềm năm học mới, lần đầu tiên người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo cả nước đã có cuộc đối thoại với hàng triệu giáo viên từ bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở chuyên biệt và đại học trên cả nước.

Trong số 6.000 câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phần lớn nhóm câu hỏi tập trung đến chế độ chính sách nhà giáo, tiền lương, phụ cấp, điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên mầm non…

Untitled 3
Năm học mới bắt đầu với nhiều thách thức (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, những nội dung thuộc về chuyên môn trong phạm vi, Bộ có trách nhiệm rà soát quy định, điểm gì cần điều chỉnh, sẵn sàng điều chỉnh.

Về chế độ chính sách liên quan đến các Bộ, ngành khác, chẳng hạn như liên quan đến Bộ Nội vụ hay Bộ Tài chính và một vài cơ quan khác, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát và trao đổi phối hợp để cái gì xử lý được sớm thì xử lý, đặc biệt là những quy định liên quan đến chế độ chính sách dành cho nhà giáo.

Đối với khối giáo dục đại học, các nhà khoa học, các giảng viên các trường đại học cũng quan tâm nhiều đến tự chủ của các trường đại học, đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học; vấn đề sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học, liêm chính khoa học, đầu tư cho giáo dục, học phí và tài chính khác.

Tại Hội nghị tổng kết năm học mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận, mặc dù đạt nhiều thành tích nhưng năm học tới, ngành tiếp tục giải quyết một số tồn tại, hạn chế.

Những hạn chế này liên quan đến việc thiếu giáo viên; thiếu trường lớp; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả…

Untitled 2

Về thiếu giáo viên, cả nước hiện có 1,23 triệu giáo viên, thiếu 118.200 người. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất, gần 52.000.

Tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư cũng là vấn đề cấp bách.

Riêng Hà Nội, trung bình mỗi năm địa phương này tăng 50.000 -60.000 học sinh.

Tính năm học tới, riêng học sinh lớp 6 tăng gần 37.000 em đòi hỏi các quận, huyện, thị xã quan tâm, sửa chữa, xây mới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy môn tích hợp ở bậc THCS, chỉ giữ môn tích hợp ở bậc tiểu học.

Việc điều chỉnh sao cho không gây xáo trộn, không ảnh hưởng tới đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng dạy liên môn.

Về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, mới đây, nhiều giáo viên nhận được thông tin tiến hành khảo sát ý kiến về phương án thi này.

Theo đó, các trường triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp từ 2025.

Trong số hai phương án được đưa ra lựa chọn, môn lịch sử có thể có mặt hoặc không có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nếu như phương án 2 được chọn.

Sau 3 năm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, năm học 2023-2024 sẽ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11.

Đến nay, 6 nhà xuất bản, ba công ty cổ phần tham gia biên soạn, phát hành sách. Ba bộ sách được phê duyệt gồm “Cánh Diều”, “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Năm học này, 9 khối lớp học theo sách mới và tất cả khối lớp sẽ học theo sách mới từ năm sau.

Đầu tháng 8, Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến về chủ trương, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị xem xét kỹ vì quay lại dùng một bộ sách sẽ khó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém. Với 12 triệu học sinh và 9 khối lớp học sách giáo khoa mới, ước tính xã hội đã chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg

Dạy con hãy thoát khỏi những “chiếc hộp tư duy” của chính mình

 

Hiệu ứng “latte”: Đứa trẻ lớn lên kém cỏi liên quan đến 3 thói quen của mẹ

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều