spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

6 triệu trẻ em miền quê Trung Quốc bị bỏ lại với “cơn nghiện” điện thoại khiến ta phải suy ngẫm

Tân Thế Kỷ (TTK) – Tình trạng cha mẹ đi làm xa, bỏ mặc con cái ở quê chơi điện thoại đang dấy lên hồi chuông báo động tại Trung Quốc, điều này cũng làm ta suy ngẫm đến việc sử dụng smartphone của chính con cái chúng ta.

“Cháu không thể sống thiếu điện thoại”

Năm 2020, bé Li Xiaofeng bị thầy cô bắt được khi đang chơi điện thoại trong lớp nhưng chẳng có nhiều hình phạt gì cho cậu bởi bố mẹ đều đi làm xa tận Bắc Kinh. Để giải quyết tình hình, cha mẹ của Li mua cho cậu một chiếc đồng hồ thông minh để có thể theo dõi đứa con cách xa hơn 1.000km.

Thế nhưng cậu bé này chẳng chịu từ bỏ. Mỗi tháng, Li chỉ dám ăn bánh bao và bánh mỳ nhằm tiết kiệm 1.000 Nhân dân tệ, tương đương 140 USD tiền tiêu vặt để mua smartphone.

“Cháu không thể sống thiếu điện thoại. Cháu không dùng smartphone để gọi điện nhiều cho cha mẹ mà chủ yếu dùng để chơi game và xem video, qua đó giết thời gian. Học tập chẳng vui gì và cháu chẳng biết làm gì nếu không có điện thoại”, bé Li nói.

Tờ Sixth Tone cho hay bé Li chỉ là 1 trong số 6 triệu trẻ em miền quê Trung Quốc bị bỏ lại khi cha mẹ lên thành phố làm việc ở xa, khiến những đứa trẻ ở quê chẳng biết làm gì ngoài cắm mặt vào smartphone giết thời gian.

Untitled 6 1
“Cháu không thể sống thiếu điện thoại. Cháu không dùng smartphone để gọi điện nhiều cho cha mẹ mà chủ yếu dùng để chơi game và xem video, qua đó giết thời gian…”, tâm sự của một đứa trẻ dấy lên hồi chuông cảnh báo các bậc làm cha làm mẹ. – Ảnh: Cafef.vn

Trên thực tế, tình hình nghiện điện thoại của trẻ em Trung Quốc nghiêm trọng đến mức vào năm 2018, chính phủ đã ban hành lệnh cấm các học sinh cấp 2 trở xuống không được dùng smartphone trong trường. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục giới hạn độ tuổi vị thành niên khi chỉ được dùng 1 tiếng chơi game online vào cuối tuần.

Tuy nhiên những biện pháp trên chỉ mang tính hành chính khi khó lòng kiểm soát được hết các trường hợp. Thậm chí một khảo sát của trường đại học Wuhan cho thấy tình hình còn đang dần trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ em miền quê ngày càng nghiện điện thoại thay vì các hoạt động vui chơi giải trí thông thường.

Theo đó, hơn 13.000 trẻ em tại 9 quận trung tâm các tỉnh như Hunan, Hubei và Henan bị bỏ lại khi cha mẹ đi xa làm việc, khiến chúng trở nên nghiện điện thoại như trường hợp của bé Li.

Khảo sát cũng cho thấy hơn 40% số trẻ em bị bỏ lại này sở hữu smartphone và gần 50% khác thì dùng thiết bị của ông bà. Tệ hơn, khoảng 21,3% số phụ huynh đã báo cáo tình trạng nghiện điện thoại của con cái mình, một tệ nạn có thể gây hại đến tương lai con trẻ.

Nghiên cứu của trường đại học Wuhan cho thấy việc nghiện điện thoại không chỉ làm giảm sút kết quả học tập mà còn tác động đến sức khỏe con trẻ, như giảm thị lực của mắt và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác về sức khỏe tinh thần như trẻ khó kiểm soát bản thân, dễ nổi nóng hơn,…

Cô Fan Yan là một bảo mẫu tại Thượng Hải, để lại 3 người con ở quê nhà tỉnh Jiangsu. Trong đại dịch năm 2020, cô Fan đã mua một chiếc smartphone cho đứa lớn để học trực tuyến, thế rồi bất ngờ kết quả học tập của con mình giảm mạnh.

“Tôi và chồng là những người ít học nên chúng tôi gửi con đến các trường tư. Thế nhưng kể từ khi có điện thoại, con tôi chơi suốt ngày bất kể khi nào tôi gọi kiểm tra”, cô Fan than thở.

Hậu quả của tình trạng này là đứa con lớn trượt tốt nghiệp. Hiện đứa con thứ 2 của cô Fan mới 13 tuổi cũng vừa được mua điện thoại để học trực tuyến nhưng tình hình vẫn lặp lại.

Vì sao tình trạng này càng ngày càng nghiêm trọng?

Bản thân cô Fan lại cho rằng ngay cả mình cũng chẳng thể rời mắt khỏi smartphone thì rất khó để quản lý những đứa trẻ.

Trả lời Sixth Tone, chuyên gia He Ran của một tổ chức phi chính phủ cho biết sự đứt gãy kết nối giữa cha mẹ và trẻ nhỏ là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng nghiện điện thoại hiện nay. Khi những đứa trẻ không được giao tiếp, học hỏi với cha mẹ thì chúng sẽ tìm đến những kênh kiến thức tự tìm được mà điển hình trong số đó là các video Tiktok.

Trên thực tế trong suốt 20 năm qua, hàng nghìn trẻ em, thanh thiếu niên Trung Quốc đã bị dán nhãn “nghiện điện thoại” rồi đưa vào các trung tâm cai nghiện để chữa trị.

Hướng giải quyết cho vấn đề này là gì?

Chuyên gia tên Tang của Quande Center tại Hunan chuyên điều trị tình trạng này nhận định đây là một triệu chứng tâm lý và cần cách tiếp cận phù hợp thay vì những biện pháp bắt ép.

Đồng quan điểm, phó giáo sư Li Angran của trường đại học New York cho rằng trẻ em sẽ luôn tìm được cách để tạo kết nối, học hỏi cũng như tìm kiếm thú vui cho bản thân. Dù bắt ép thế nào thì cuối cùng chúng cũng sẽ tìm lại với smartphone nếu cha mẹ còn đi làm xa như hiện nay. Bởi vậy thay vì bắt ép thì nên hướng dẫn cách sử dụng đúng mục đích.

“Công nghệ thông tin là một cánh cổng mở cho thế giới Internet và phụ huynh nên đào tạo trẻ em cách sàng lọc những thông tin hữu ích. Nhiều đứa trẻ ở các thành phố lớn hiện nay không chỉ chơi game và xem video mà còn tiếp xúc với lập trình”, phó giáo sư Li nói.

Untitled 7
Khi những đứa trẻ không được giao tiếp, học hỏi với cha mẹ thì chúng sẽ tìm đến những kênh kiến thức tự tìm được mà điển hình trong số đó là các video Tiktok. – Ảnh: Cafef.vn

Cũng theo ông Li, những chiếc smartphone chẳng có tội tình gì và nền kinh tế công nghệ hiện nay của Trung Quốc chính ra lại phụ thuộc nhiều vào những chiếc điện thoại di động này. Bởi vậy thay vì cấm đoán hoặc bỏ mặc con trẻ sử dụng sai mục đích, nhà trường và gia đình cần có biện pháp hướng dẫn trẻ em cách dùng điện thoại đúng cách và có giờ giấc, thay vì dùng một cách không kiểm soát được.

Mặc dù vậy, một vấn đề cũ lại nảy sinh là cha mẹ đi làm xa không có thời gian quản lý con cái, còn nhà trường thì vẫn theo truyền thống giáo dục kiểu cũ, ép buộc và kỷ luật.

Đây không chỉ là vấn nạn riêng của trẻ em Trung Quốc

Việc trẻ em ở miền quê Trung Quốc bị bỏ lại với cơn nghiện sử dụng điện thoại, nó cũng chẳng khác là bao với việc chúng ta bỏ con cái với một chiếc smartphone để chúng có thể ngồi yên, bớt ồn ào, gây rối, để ta có thể làm việc, nghỉ ngơi cả. Và tình trạng này cũng xảy ra trên toàn thế giới.

Giới trẻ dùng điện thoại 13 tiếng/ngày, Hàn Quốc mở trại cai nghiện

Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc biết rõ mình bị nghiện sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) nhưng không thể ngừng lại. Các trại “thanh lọc” (detox) được xem là cứu cánh duy nhất, nơi học viên chỉ tốn tiền ăn uống.

Hai nu sinh Han Quoc cham chu xem cach tao kieu toc moi tren smartphone trong mot quan ca phe o Seoul Anh chup man hinh CNN
Hai nữ sinh Hàn Quốc chăm chú xem cách tạo kiểu tóc mới trên smartphone trong một quán cà phê ở Seoul – Ảnh chụp màn hình CNN

Đồng hồ điểm 4 giờ sáng, cô nữ sinh 16 tuổi Yoo Chae Rin giật mình nhận ra đã xài điện thoại hơn 13 tiếng và chỉ còn chưa đầy 3 tiếng nữa là đến giờ đi học. “Ngay cả khi em biết mình nên cất điện thoại và đi ngủ, em vẫn tiếp tục. Em không dừng lại được và quyết định thức luôn đến sáng”.

Có hàng ngàn bạn trẻ như Yoo ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng Yoo có thể khác số đông ở một điểm: em đăng ký vào một trung tâm của chính phủ dành riêng cho những người trẻ không thể tự đặt điện thoại xuống.

Với một số phụ huynh, đưa con vào trại là phương sách cuối cùng và nếu nó không có tác dụng, họ sẽ buông xuôi và phó mặc.

Để giảm bớt cơn nghiện điện thoại, các học viên được đưa tham gia các hoạt động ngoại khóa và thám hiểm, các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, học đàn hay làm đồ thủ công và học các môn thể thao. Khoảng 30 phút trước khi đi ngủ, tất cả được yêu cầu ngồi thiền.

“Hầu như em nào mới vào đây cũng bắt đầu ngày đầu tiên với vẻ mặt không thể đau khổ hơn nữa. Nhưng từ ngày thứ 3 thì mọi thứ thay đổi. Các em đi ra ngoài nhiều hơn để gặp các bạn khác”, bà Yoo Soon Duk, giám đốc một trại cai nghiện smartphone chia sẻ với CNN.

Nhung loi dong vien cua cac phu huynh goi den con em minh trong trai Anh chup man hinh CNN
Những lời động viên của các phụ huynh gởi đến con em mình trong trại – Ảnh chụp màn hình CNN

Một tháng đi “cai nghiện” thực sự có ý nghĩa với nữ sinh Yoo. Em cho biết chỉ dùng điện thoại mỗi ngày khoảng 2 hoặc 3 tiếng, thay vì 6, 7 tiếng như trước.

Ở các nước cũng gặp tình trạng tương tự

Kết quả phỏng vấn gần 4.000 bà mẹ ở New York về mức độ sử dụng thiết bị điện tử khi trẻ 1 – 3 tuổi cho thấy, việc trẻ em sử dụng các thiết bị này hàng ngày đã tăng lên gấp 3 lần, từ mức trung bình 53 phút ở lên hơn 150 phút.

Còn tại Canada, hơn 79% trẻ em 2 tuổi và gần 95% trẻ em 3 tuổi đã vượt quá hướng dẫn của WHO về việc không sử dụng thiết bị điện tử quá một giờ mỗi ngày.

Nhật Bản cảnh báo tình trạng có đến 930.000 học sinh nghiện Internet (số liệu năm 2018).

Trẻ em Việt Nam cũng vậy, không khó để bắt gặp một đứa trẻ ở quán cà phê hay quán ăn đang sử dụng điện thoại, trong khi bố mẹ chúng đang tán gẫu, hoặc bận công việc gì đó. Nhiều lúc con bạn có thể cầm điện thoại xem hết video này đến video khác hàng giờ liền mà không dứt ra được.

Vậy cha mẹ nên làm gì khi con “nghiện” điện thoại?

Nhiều cha mẹ không hiểu sao trẻ lại thích chơi điện thoại di động đến vậy. Thực tế, thế giới ảo rất thu hút và biết cách làm hài lòng trẻ. Ví dụ khi trẻ chơi trò chơi, chúng sẽ nhận được phần thưởng khi vượt qua những độ khó khác nhau.

Trong khi với một số cha mẹ, sẽ chẳng có phần thưởng hay lời động viên với con cái mình. Trò chơi nếu thất bại cũng có thể chơi lại được, nhưng ngoài đời, một số cha mẹ chỉ biết mắng mỏ và trừng phạt nếu như trẻ mắc lỗi.

“Trẻ em sinh ra vốn không phải đã thích điện thoại đi động. Nhưng vì cuộc sống thực không nhận được sự quan tâm và yêu thương đầy đủ, nên chúng sẽ vùi đầu vào thế giới ảo để tìm kiếm sự thoải mái”, nghiên cứu của Đại học Northwestern, Mỹ, khẳng định.

Nhu cầu của các con chủ yếu là tình cảm. Nếu phụ huynh ít quan tâm, điện thoại thông minh chính là nguồn hạnh phúc rẻ tiền với chúng. Khi đã hiểu được vấn đề thì ta có thể giải quyết từ căn bản.

Cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, chơi với con, hoặc giúp con tham gia các hoạt động bổ ích như vẽ tranh, bơi lội, chơi thể thao, thiền, nấu ăn,… để trẻ phát triển kỹ năng sống thực tế, tự lập hơn.

Việc cấm cản chỉ là sự ép buộc, có thể lúc đầu, ta giảm thời gian dùng điện thoại dần dần của các con. Thay vào đó là thời gian biểu của hoạt động khác, có thể khích lệ con bằng những lời khen hoặc món quà nào đó khi con làm tốt.

Ngoài ra chính bản thân chúng ta cũng phải làm gương cho con, nếu không thì con cái sẽ nhận thức như thế nào nếu cha mẹ chúng suốt ngày cầm điện thoại trong khi lại ngăn cấm chúng. Điều đó chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, và khiến trẻ tìm mọi cách khác để được chơi điện thoại mà thôi.

Ngày xưa, trẻ em chưa có điện thoại, vì sao chúng vẫn rất hạnh phúc?

Ngày đó, các trẻ em thường tìm đến các trò chơi vận động như nhảy dây, bắn bi, trốn tìm, thả diều, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… Các trò chơi này cũng có tác dụng tích cực đối với trẻ em. Chẳng hạn, tăng sức bền và độ dẻo dai (nhảy dây), tăng khả năng tinh mắt (bắn bi), tăng khả năng phán đoán (trốn tìm, bịt mắt bắt dê), tăng khả năng khéo léo (thả diều)… Từ đó trẻ em sẽ được phát triển toàn diện hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Cac tro choi van dong cua tuoi tho cac the he 8X 9X. Anh internet
Các trò chơi vận động của trẻ em ngày xưa. Ảnh: Internet.

Trẻ con thời xưa chơi toàn môn vận động nên sức khỏe đứa nào cũng tốt. Có dính tí mưa, tí gió máy, thậm chí đá bóng sứt chân, thì cũng vài ngày là liền. Chơi xong, về tới nhà là đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê toát rã, mệt nhưng vui. Sau này lớn lên, chính những trò chơi tuổi thơ lại là chất keo gắn kết những đứa trẻ năm xưa mỗi khi chúng có dịp gặp lại nhau.

Ngoài ra, lúc rảnh, trẻ con thường đọc sách giáo dục về nhân cách con người, khuyên giữa người với người phải sống đủ đầy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Trẻ con thời xưa được bố mẹ dạy kỹ năng sống rất tốt. 5, 6 tuổi là tự biết buộc dây giày, biết dọn mâm phụ bố mẹ, biết xới cơm, biết tự tắm rửa, tự đánh răng. Bố mẹ đi làm cả ngày, ở nhà tự chăm sóc bản thân, không mè nheo. Nên sau này dù có gặp chuyện khó khăn, cũng biết cách đương đầu.

Biết sử dụng điện thoại để theo kịp sự phát triển của thời đại cũng là điều tất yếu. Nhưng việc nghiện điện thoại lại là một chuyện hoàn toàn khác. Hãy để chiếc điện thoại là công cụ trong cuộc sống của chúng ta, chứ không phải chúng ta là nô lệ cho chúng, hãy bảo vệ con bạn khỏi những tác hại của chiếc điện thoại khi chưa quá muộn.

Tịnh Yên (t/h)

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 3

Người mẹ hiền đức dạy con như thế nào để trở thành danh tướng, “rường cột của nước nhà”?

Trào lưu mới trên Tik Tok: “Nằm cả ngày” đáng báo động của giới trẻ

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều