spot_img
25 C
Vietnam
Thứ Hai,29 Tháng Tư
spot_img

Cách tính lãi chồng lãi với thẻ tín dụng nợ 8,8 tỷ đồng của Eximbank

Vì bị đánh lãi kép, khoản nợ từ 8,5 triệu tại Eximbank vọt lên 8,8 tỷ đồng, gấp hàng nghìn lần cách thông thường nhiều nhà băng áp dụng.

Tới nay, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vẫn chưa công bố lãi suất và các khoản phí áp dụng cho khách hàng Phạm Huy Anh, người có khoản nợ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng thành nợ xấu 8,8 tỷ đồng. Giới ngân hàng và cho vay qua thẻ tín dụng đều đặt câu hỏi về tính hợp lý với cách tính lãi suất này của Eximbank. Mức dư nợ 8,8 tỷ sau 11 năm, cao gấp 100.000% dư nợ gốc ban đầu.

Theo VnExpress, đại diện 4 nhà băng khác nhau gồm hai lãnh đạo, một trưởng bộ phận thẻ và một cán bộ tín dụng, đều khẳng định “con số dư nợ 8,8 tỷ đồng cao bất thường”. Theo họ, việc dẫn đến dư nợ như vậy chỉ có thể là ngân hàng đã áp dụng lãi suất kép, tức tính lãi trên gốc dồn lãi thay vì theo số gốc nợ chi tiêu ban đầu (8,5 triệu).

lai kep 20240317074021219

Dưới đây là bảng minh hoạ được VnExpress tính toán dựa trên hai phương pháp (lãi kép và lãi theo dư nợ gốc) với kết quả có sự khác biệt lớn về số tiền khách hàng phải trả.

crawl 20240317073910221

Với cách tính lãi kép, dư nợ gốc 8,5 triệu đồng vào tháng 9/2013 ước tính chịu lãi suất thẻ 87% một năm (gồm các loại lãi suất, phí phạt…). Sau đó, lãi nhập gốc và tiếp tục bị tính thêm lãi suất này. Đến tháng 9/2023, dư nợ khách hàng phải trả là 8,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác trên thị trường chỉ tính lãi suất thẻ trên số nợ gốc ban đầu, ở đây là 8,5 triệu đồng. Cũng với lãi suất giả định 87% một năm như tại Eximbank, tiền lãi và gốc khách hàng phải trả tới tháng 9/2023 chỉ khoảng 90,4 triệu đồng.

Còn nếu áp dụng mức lãi suất quá hạn thẻ khoảng 20% một năm mà một nhà băng quốc doanh đang triển khai trên thị trường, tiền lãi phát sinh sau 11 năm chỉ là 18,8 triệu đồng (giả định lãi suất không thay đổi qua các kỳ). Tiền gốc và lãi sau 11 năm khách hàng phải trả chỉ là 27,3 triệu đồng.

Công thức lãi kép (lãi mẹ đẻ lãi con), phổ biến trong tài chính cá nhân khi muốn nhấn mạnh sức mạnh của tiết kiệm và đầu tư liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, cách tính lãi kép trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng không phải là thông lệ, đồng thời chịu ràng buộc bởi các quy định pháp luật và từ Ngân hàng Nhà nước.

Thông thường, các nhà băng chỉ tính lãi dựa trên nợ gốc, chứ không tính lãi trên lãi nhập gốc. Tổng giám đốc của một ngân hàng tư nhân khác cho biết, sau giai đoạn cho vay trả góp bùng lên, từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo không áp dụng cách tính lãi chồng lãi khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Tuy nhiên, trưởng phòng thẻ của một ngân hàng tư nhân cho rằng, các quy định về hoạt động cấp tín dụng bằng thẻ tín dụng vẫn “chưa thực sự rõ ràng, có những điểm mờ”. Nếu xét việc cấp tín dụng bằng thẻ là nghiệp vụ cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước không cho phép việc tính lãi chồng lãi. Tùy vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng, họ sẽ tuân thủ bao nhiêu so với quy định, cũng như việc quyết định có đánh lãi chồng lãi hay không.

Ngoài ra, xét về lý do nhiều nhà băng không tính lãi chồng lãi, trưởng phòng bộ phận thẻ này nói, điều trên nhằm đảm bảo dư nợ khoản vay ở mức hợp lý so với nợ gốc, và phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, người này cũng nói, đến một giai đoạn, khi khách hàng xếp vào diện Nợ nhóm 5 – không có khả năng thu hồi, ngân hàng cũng sẽ có biện pháp tiếp tục thu hồi song sẽ khoanh nợ để không phát sinh lãi, tránh vượt khả năng chi trả thực tế cũng như so với nợ gốc ban đầu.

Tổng giám đốc một nhà băng tư nhân cho rằng cần đặt trong bối cảnh thẻ tín dụng của khách hàng Huy Anh được phát hành từ năm 2013, tức là cách đây hơn 10 năm. Thời điểm này, dịch vụ cho vay qua thẻ tín dụng chưa phổ biến như hiện nay, nhiều ngân hàng “bê” nguyên cách tính từ các nhà băng nước ngoài về. Thời điểm đó, nhiều nhà băng thường áp dụng chính sách lãi phạt quá hạn, bằng 150% so với lãi suất thẻ tín dụng.

Việc để cho một khoản nợ thẻ tín dụng kéo dài 11 năm cũng khiến giới ngân hàng thấy bất thường. Ngoài việc gửi văn bản, thông thường các nhà băng sẽ nhắn tin cũng như có nhân sự để gọi điện nhắc nợ liên tục.

Mức lãi suất bình quân 87% được một số ý kiến xem là cao so với mặt bằng chung. Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh, quy định pháp luật giới hạn về lãi suất áp dụng trên lãi chậm trả, hiện là tối đa 10% một năm.

Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, theo luật sư Lương Huy Hà, Giám đốc Công ty luật LawKey, khi áp dụng lãi suất 87% trên gốc lẫn lãi không vi phạm. Năm 2013, khi khách hàng Huy Anh mở thẻ tín dụng, chưa có quy định cụ thể về trần lãi suất tính trên lãi suất trả chậm. Từ năm 2017, Thông tư 39 mới quy định các ngân hàng chỉ được áp mức lãi suất tối đa 10% trên khoản lãi trả chậm của khách hàng.

Đồng thời, trong thời gian từ khi Thông tư 39 có hiệu lực đến nay, nếu ngân hàng Eximbank và khách hàng không có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng, các thỏa thuận theo hợp đồng cũ vẫn có tính pháp lý và được giữ nguyên như ban đầu.

Bí kíp sử dụng thẻ tín dụng an toàn

Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chi tiêu để mua hàng hóa/dịch vụ trước và thanh toán lại cho ngân hàng phát hành sau.

Theo ông Quân, khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý nhiều nhất là phí và những vấn đề liên quan đến việc trả trễ hẹn. Với các khoản vay thông thường, nếu khách có lỡ trả trễ hẹn 1,2 ngày thì không phát sinh phí phạt nhưng với thẻ tín dụng thì khác.

Thẻ tín dụng chỉ cần thanh toán trễ 1 ngày sẽ phát sinh phí phạt trung bình khoảng 5% trên tổng dư nợ và cộng thêm tiền lãi quá hạn (20-40% tùy từng ngân hàng). Ví dụ, nợ 1 triệu đồng sẽ bị phạt 50.000 đồng và phát sinh lãi 200.000-400.000 đồng.

Các loại thẻ tín dụng hiện nay sẽ miễn lãi cho khách hàng từ 45 đến 55 ngày, nhưng với điều kiện khách thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn. Do đó, việc thanh toán đúng ngày hoặc thanh toán sớm vô cùng quan trọng và buộc khách hàng phải ghi nhớ để tránh mất tiền oan.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu ý tới các loại phí ẩn khác như phí thường niên, phí giao dịch ngoại tệ, phí rút tiền mặt… Nhiều khách hàng nhầm tưởng rằng không sử dụng thẻ sẽ không bị mất phí, nhưng thực tế những loại phí đó đã được ghi nhận vào dư nợ thẻ dựa trên yêu cầu mở thẻ ban đầu.

Nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ thì khách nên khóa, hủy thẻ ngay lập tức để tránh phát sinh những chi phí chìm.

Khách cũng cần lưu ý câu chuyện thanh toán tối thiểu. Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (thường là từ 5-10% tổng số tiền chi tiêu) thì sẽ bị mất thêm khoản phí phạt trả chậm và lãi suất quá hạn của số dư nợ chưa thanh toán.

Trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả và lãi suất quá hạn (đang được quy định bằng lãi suất trong hạn), số dư nợ còn lại vẫn tính lãi suất trong hạn.

Nếu sau 60 ngày, chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn và khoản phạt chậm trả.

“Dùng thẻ tín dụng vì sự tiện dụng, không nên quan niệm dùng thẻ để vay mà không phải trả”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Nhiều khách nhầm lẫn rằng cứ việc dùng thẻ tín dụng, nếu trả không hết thì ngân hàng vẫn cho mượn. Chính từ những quan điểm đó sẽ phát sinh lãi lớn.

Ví dụ, khách hàng khi mua một món đồ thay vì phải trả 20 triệu lập tức, thì có thể dùng thẻ tín dụng để tận dụng các ưu đãi như tích điểm, hoàn tiền, hoặc nhận được ưu đãi từ cửa hàng đó. Sau khi đạt được mục tiêu, khách hàng phải lấy khoản tiền có sẵn đó đề bù vào, chứ không nên suy nghĩ đến việc dùng 20 triệu tiền mặt đó vào việc khác.

Khách hàng nên tách bạch rõ nhu cầu muốn vay để mua hay muốn dùng thẻ tín dụng để tận dụng ưu đãi, giảm giá.

Theo ông Quân, mỗi người chỉ nên dùng tối đa 2 thẻ tín dụng, phòng trường hợp thẻ kia lỗi thì còn có thẻ còn lại. Khi mở thẻ, khách hàng cần quan tâm đến mục đích sử dụng thẻ và những ưu đãi kèm theo.

Một số thẻ tín dụng sẽ không mất phí thường niên, một số thẻ thì thiên về ưu đãi mua sắm, du lịch, trong khi một số khác sẽ có chương trình hoàn tiền, tích điểm đổi quà.

Theo VNE, Vietnambiz

Banner 1 2

Xem thêm:

Sốc: Vay thẻ tín dụng 8.5 triệu rồi quên trả, 11 năm sau mang nợ gần 9 tỷ đồng

Sau Sabeco và BigC, người Thái gia nhập thị trường ngân hàng Việt Nam

Gần 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều