spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Chuyện học của người Việt ngày xưa

Tân Thế Kỷ (TTK) – Nước Việt ta cũng trải qua mấy ngàn năm Văn hiến. Cái sự học cũng sớm được quan tâm từ thuở lập Quốc. Nền giáo dục truyền thống vốn mang theo những giá trị đạo đức và tinh hoa của Dân tộc. Cùng “ôn cố tri tân” điểm lại các giá trị của giáo dục và chuyện học của người Việt ngày xưa.

Học tập, thi cử là sự nghiệp lớn của đời người. Người xưa cho rằng muốn thành người tử tế, nhân hậu, biết trọng đạo lý thì phải học, còn muốn thành danh thì phải thi. Nghìn năm trước, người Việt đã chăm học và thi cử thành đạt. Từ đó hình thành nên truyền thống hiếu học, trọng thầy mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, phát huy.

Học trò luôn nghe theo mọi phép tắc chỉ bảo của người Thầy

Trong số những bậc hiền nho, họ hầu hết đều bước vào chốn quan trường đầy gập ghềnh. Chỉ có số ít trong đó là đảm nhận công việc dìu dắt thế hệ con cái thường dân, họ đều là những người tài giỏi, công danh đỗ đạt nhưng không có chí làm quan, chỉ muốn yên bình với cuộc sống ẩn dật chốn đồng quê.

Hoặc là những bậc hàn nho, đây là những tương đối có tài nhưng không được may mắn khi năm lần bảy lượt thi cử lại chẳng được đề danh bảng vàng. Do đó, quyết định lấy nghề dạy học làm kế sinh nhai.

Nếu nhà thầy tương đối khang trang, thì thầy đồ sẽ tận dụng vừa làm nhà ở kiêm lớp dạy học. Còn nếu nhà cửa chật hẹp, thì hiển nhiên không thể dạy tại gia, mà thầy đồ sẽ quẩy một gánh sách Thánh hiền, đến xin nhờ nương náu ở một điền gian của phú hộ hay điền chủ nào đó, vừa dạy cho đám quý tử chủ nhà, vừa nhận thêm học trò ở làng trên xóm dưới.

Hoc tro phai nghe loi Thay – anh
Học trò phải nghe lời Thầy – Ảnh: thoixua.vn

Dù điều kiện có thế nào đi chăng nữa, thì trong ánh nhìn của xã hội xưa, các thầy đồ luôn được xếp vào tầng lớp được kính nể với đầy trọng vọng, vậy nên mới có câu nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) hay câu nói “không thầy đố mày làm nên”…..

Vị trí của người thầy được đặt cao hơn cả Cha mẹ, chỉ sau Vua

Theo tư liệu có được cho thấy ngày xưa, ở những vùng thôn quê, khi đứa trẻ tầm 6 – 7 tuổi, cha mẹ của chúng sẽ dẫn đến nhà thầy đồ với ước muốn xin thầy nhận cháu để thụ giáo được đôi ba chữ Thánh hiền. Nếu thầy đồ ẩn náu ở nhà điền chủ thì sẽ xin ý kiến chủ nhà và thông thường thì gia chủ sẽ ưng thuận ngay vì đó được xem là vinh dự cho gia đình.

Sau đó, lễ nhập môn sẽ được lựa chọn vào một ngày lành tháng tốt với mâm xôi, con gà, bầu rượu,…Và cũng chính trong cái ngày đại lễ đó, cha mẹ cậu bé sẽ được mời ở lại để nhâm nhi đôi chút cùng thầy đồ và gia chủ, sẵn tiện bàn về tướng mạo, tuổi tác hay tính tình của cậu học trò mới.

Mot buoi hoc ngay
Vị trí của người Thầy chỉ sau Vua – Ảnh thoixua.vn

Phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” luôn được ứng dụng vào thực tiễn dù là xưa hay nay, vậy nên những tháng ngày đầu tiên nhập môn, những cô cậu học trò sẽ được dạy chủ yếu là cách khoanh tay, cúi đầu, chào hỏi, bẩm thưa,…theo đúng cốt cách của người học chữ. Đồng thời, họ cũng được dạy làm những công việc vặt vãnh như quét sân, quét lớp, bưng nước, mài mực cho thầy,…

Người nào làm không đúng với khuôn phép, trái với cung cách ăn ở và cư xử sẽ bị phạt nặng bằng những trận đòn roi mây thâm tím thịt. Chỉ khi đạt được lễ nghĩa, người học trò mới thật sự được dạy từng con chữ Thánh hiền. Trong các trường lớp thời xưa, chỗ ngồi của thầy đồ chỉ là một tấm chiếu hoa được trải ra, trên đó bày đầy đủ những tiện nghi thời thượng như tráp, bút, nghiên mực, ống điếu,…Còn người học trò chỉ được ngồi những tấm phản, được xếp san ѕát nhau và đối diện với thầy.

Một buổi học ngày xưa ra sao?

Thời gian học tập của những ngày xưa khác với thời buổi bây giờ nhiều lắm, mới sáng sớm tầm khoảng 6 giờ học trò đã lục đục rủ nhau đến nhà thầy trả bài, xong xuôi hết mới quay trở về ăn cơm sáng.

Sau đó lại quay trở lại học vào khoảng 9 giờ và học một mạch liền cho đến tận 3 giờ chiều mới được nghỉ về nhà. Số ngày học trong tuần là đủ cả, chẳng có chuyện nghỉ thứ năm, chủ nhật hay dịp lễ như bây giờ. Thời gian nghỉ hè trong năm cũng khác lắm!

Mot buoi hoc lich su – Anh
Một buổi học lịch sử – Ảnh: thoixua.vn

Trẻ con thời xưa không được thảnh thơi như bây giờ, chỉ trừ những cậu ấm cô chiêu con nhà phú hộ mới được bảo bọc, ngoài ra bọn nhỏ đều phải dành thời gian giúp đỡ cha mẹ trong những dịp cao điểm của công việc đồng áng thì kỳ nghỉ cũng được chia làm ba ngày: Tết Đoan ngọ (học trò sẽ được nghỉ khoảng một tháng để phụ giúp cha mẹ gặt lúa), Tết cơm mới (sẽ rơi vào khoảng tháng 10 và nghỉ khoảng một tháng cho vụ mùa gặt) và cuối cùng là Tết Nguyên đán (được nghỉ tận hai tháng).

Học trò được học những gì?

Trẻ trong làng độ bảy, tám tuổi giở lên, cha mẹ đã cho đến các trường ấy mà học. Thoạt mới học, ông thầy cho học tam tự kinh, tứ tự kinh,… mỗi ngày năm ba câu, tập viết ván gỗ.

Tam tự kinh là sách vỡ lòng bằng chữ Hán mà trẻ đến lớp đều phải học. Nội dung sách gồm hơn 1.000 chữ Hán, ghép 3 chữ có nghĩa thành một câu, có vần dễ thuộc. Thầy giảng giải cho trò ý của từng câu.

Câu mở đầu là: Nhân chi sơ, tính bản thiện (dịch: Con người sinh ra vốn tính lành). Thầy sẽ giảng cho trò hiểu, con người lớn lên, thiện hay ác, tốt hay xấu là do nhiễm những thói quen, lối sống trong xã hội. Vì thế, để giữ bản tính tốt, con người phải chuyên cần học tập, chăm chỉ lao động…

Mỗi câu trong Tam tự kinh đều mang theo một ý nghĩa giáo dục như: Ngọc bất trác, bất thành khí (Ngọc mà không được chế tác sẽ không thành sản phẩm có giá trị); Nhân bất học, bất tri lý (Người không học tập thì không hiểu biết đạo lý làm người); Thủ hiếu đễ, thứ kiến văn (Con trẻ phải hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em); Ấu bất học, lão hà vi (Khi nhỏ mà không học thì lớn lên, mãi mãi không hiểu được việc đời).v.v…

Thầy bắt học sinh học thuộc lòng, không được quên câu nào và phải thấu hiểu giá trị triết lý nhân văn trong từng câu, từng chữ. Ngày nay, nhiều người chê trách cho đó là “học vẹt”, nhưng cần thấy rằng, nhiều người được vỡ lòng qua Tam tự kinh mà đã có những phẩm chất tốt đẹp, những lối sống lương thiện.

Độ một vài tháng thì cho học một vài dòng chữ tập viết tô. Một năm giở lên mới học đến Dương tiết, Sử thượng hoặc học chính văn kinh, chuyện, tập viết phóng và cho tập làm câu đối bốn chữ, hạng ấy gọi là mông học.

Hai ba năm, viết thành chữ rồi, học đã biết suy nghĩ, thì cho học đến tứ thư ngũ kinh, sử Hán, sử Đường, cho tập làm câu đối bảy chữ, gọi là câu đối thơ, tám chín chữ gọi là câu đối phú. Dần dần cho tập làm bài đoạn, đoạn nhỏ văn sách, bấy giờ gọi là ấu học.

Thay giao va hoc tro ngay
Thầy giáo và học trò ngày xưa. – Ảnh: thoixua.vn

Năm sáu năm trở lên trẻ đứa nào có khiếu thông minh mới cho học đến làm thơ làm phú, làm kinh nghĩa, văn sách, và vẫn phải học kinh truyện sử, ôn đi ôn lại hai ba lần cho thuộc. Ít năm nữa thì cho rộng ra đến cổ văn, Đường thi, tính lý, chu lễ, bấy giờ mới gọi là hạng trung tập.

Trong làng có trường to gọi là trường các ông tú, ông cử, ông nghè thì mới dạy đến hạng trung tập, còn trường ông đồ, ông khóa thì chỉ dạy hạng ấu học mà thôi. Trẻ con nào học thêm thì phải đến trường trung tập mới học được.

Học trung tập đã khá thì đến trường đại tập. Trường đại tập là trường của quan Đốc học hoặc ở xa tỉnh thì học ở trường quan huấn quan giáo. Hoặc ở trong làng có trường của ông nghè ông cử mở ra thì cũng gọi là đại tập. Tập trường ấy phần giảng sách thì ít, mà phần tập làm văn chương thì nhiều. Tập ở đây giỏi rồi thì mới thi cử được.

Ngoài ra học trò thời xưa phải thông hiểu về lịch sử, bách gia, chư tử, cửu lưu, luận giải rành mạch kinh sách cũng như tư tưởng các bậc thánh hiền như Mạnh Tử, Khổng Tử,…

Mối quan hệ Thầy giáo và học trò ngày xưa

Dạy học nhận tiền thì mới gọi là kế sinh nhai, nên việc đền đáp công sức thầy truyền dạy chữ viết được thể hiện dưới hai hình thức chủ yếu:

Tiền học phí: Mỗi năm nộp cho thầy làm một hay hai lần, tất cả khoảng 4 quan tiền. Riêng chủ nhà (nơi thầy ăn ở để dạy học) thì mỗi năm may cho thầy 2 quần, 2 áo dài, ba áo cộc.

Tiền tết thầy vào các kỳ nghỉ: Tùy hảo tâm của cha mẹ học trò để thầy có chút tiền mua sắm và về quê thăm nhà. Thuở ấy, các học trò lớn thường kính cẩn tiễn chân thầy về, có trường hợp đưa thầy bình yên về đến quê nhà rồi học trò mới xin phép quay trở lại.

Một buổi học ngày xưa. Ảnh: Công Lý.

Ngoài hai khoản tiền trên, còn một khoản phát sinh khác mà chính thầy hay thân nhân đều không mong nhận được. Đó gọi là “tiền đồng môn”, tiền được đóng trong trường hợp gia đình thầy có người mất hay cũng có thể là thầy mất. Căn cứ theo danh sách của tất cả học trò (tính từ những lớp học đầu tiên) và  tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người mà anh trưởng nội sẽ định ra khoản đóng. Đương nhiên, những học trò cũ, dù là quan to cỡ nào, Tổng đốc hay Tuần phủ cũng không thoát khỏi.

Danh sách sau khi lập sẽ được đưa cho anh trưởng ngoại thi hành. Thuở trước, việc trốn thuế Triều đình sẽ được dư luận châm chước nhưng hành vi trốn tiền đóng góp đồng môn thì hoàn toàn không thể tha thứ, đó được xem là một hành vi trái với luân lý – đồng nghĩa với vong ân bội nghĩa!

Nếu ở thời hiện đại, trẻ con sẽ được dạy từ những điều dễ nhất đến khó nhất, hoặc đi từ những cái đơn giản rồi dần mới phức tạp thì phương pháp sư phạm ngày ấy ngay từ đầu đã đưa trẻ đến những bài học đầy hóc búa. Bởi, mục đích quan trọng nhất của việc học thời xưa chính là truyền đạt những đạo nghĩa, những cương thường đạo lý cho học trò theo đúng câu tục ngữ “Tiên học lễ, Hậu học văn”.

Đã chẳng còn những cách học của ngày xưa, cuộc sống ngày hiện đại cách học cũ cũng ngày mai một, những nghiên mực tàu đã bị thay thế bởi những chiếc bút bi, giấy đỏ ngày trước đã bị giấy trắng thế chân,…nhưng dù vậy, thì nền học cũ vẫn được xem là tinh thần “tôn sư trọng đạo”, có cũ mới có mới nên nó vẫn sống mãi với thời gian, với truyền thống đạo lý Việt Nam.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: thoixua.vn

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 13

Tìm lại bản tính thiện lương ban sơ của mỗi chúng ta qua cuốn ‘Tam Tự Kinh’

Đọc sách Thánh hiền, thân tỏa hào quang – Xem truyện giải trí, khói đen bao phủ…

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều