spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Hot trend đăng ảnh anime được AI chỉnh sửa lên mạng xã hội, lợi hay hại?

Tân thế kỷ – Ứng dụng Loopsie có khả năng biến ảnh chụp thành tranh vẽ theo phong cách hoạt hình Nhật Bản (anime) đang “gây sốt” mạng xã hội Việt Nam, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng mạng. Bỏ qua những rủi ro về dữ liệu cá nhân, người dùng đang hồn nhiên tải ảnh của mình và người thân lên hệ thống cho AI (trí tuệ nhân tạo) chỉ để giải trí.

Những ngày gần đây, khi truy cập mạng xã hội Facebook hoặc Instagram tại Việt Nam, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt hình ảnh theo phong cách hoạt hình Nhật Bản (anime) được tạo ra từ những bức ảnh chụp của người dùng. Để thực hiện điều này, người dùng đã nhờ đến ứng dụng có tên gọi Loopsie, được chỉnh sửa bằng AI (trí tuệ nhân tạo). Những hình ảnh này xuất hiện nhiều ở các nhóm (Facebook Group) về du lịch, cắm trại và dần lan rộng ra các tài khoản cá nhân.

Loopsie là ứng dụng xử lý ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng nhận diện khung cảnh và gương mặt để biến ảnh chụp thành tranh vẽ theo phong cách anime. Một lý do khác khiến Loopsie phổ biến là tính tiện dụng khi người dùng có thể thao tác ngay trên điện thoại và chỉ mất khoảng 15 – 20 giây để chương trình hoàn thành một tấm ảnh hoạt hình từ nội dung gốc.

Untitled 4po
Hàng loạt ảnh theo phong cách anime do Loopsie tạo ra được cư dân mạng Việt Nam chia sẻ những ngày gần đây (Ảnh: Facebook).

Cách dùng của Loopsie khá đơn giản và khả năng xử lý hình ảnh rất ấn tượng, đó là lý do tại sao ứng dụng này được cư dân mạng Việt Nam yêu thích. Hiện Loopsie đã vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên kho ứng dụng App Store dành cho nền tảng iOS tại Việt Nam.

Trên thực tế, Loopsie không phải mới được ra mắt, mà ứng dụng này đã xuất hiện trên nền tảng iOS và Android từ năm 2018, nhưng ban đầu ứng dụng chỉ có chức năng biến ảnh tĩnh thành những đoạn video động.

Cẩn thận mất tiền oan khi sử dụng Loopsie

Kể từ khi “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo lan rộng trên toàn cầu, nhà phát triển của Loopsie bắt đầu tích hợp tính năng biến ảnh chụp thành tranh anime bằng trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng của mình. Tuy nhiên, hiện Loopsie chỉ còn phiên bản dành cho iOS, phiên bản dành cho Android đã bị xóa khỏi kho ứng dụng Google Play không rõ lý do.

Một điều người dùng cần lưu ý, Loopsie chỉ cho phép dùng miễn phí trong 3 ngày. Nếu muốn sử dụng tiếp, người dùng cần phải trả phí 199.000 đồng/tuần hoặc 1,35 triệu đồng/năm. Đây là mức giá không hề rẻ cho một ứng dụng xử lý ảnh trên di động.

Trong lần đầu sử dụng Loopsie, người dùng sẽ có tùy chọn bỏ qua bước mua bản quyền và dùng thử ứng dụng miễn phí. Tuy nhiên, nếu không lưu ý bước này và vô tình chọn mua bản quyền, người dùng sẽ bị mất phí bản quyền cho ứng dụng.

369680727 695688349264917 5080158135272166230 n
Loopsie sẽ tự động gia hạn thêm một tuần mà không cần hỏi ý kiến của người dùng. – Ảnh: Facebook

Đáng chú ý, Loopsie còn có tính năng tự động gia hạn bản quyền. Chẳng hạn, nếu người dùng đăng ký sử dụng phiên bản chuyên nghiệp của ứng dụng trong vòng một tuần, sau khi hết thời gian sử dụng, Loopsie sẽ tự động gia hạn thêm một tuần mà không cần hỏi ý kiến của người dùng.

Điều này sẽ khiến Loopsie tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng ngay cả khi họ không có ý định tiếp tục dùng ứng dụng này.

Do vậy, nếu chỉ muốn trải nghiệm cho biết, để tránh mất tiền “oan”, người dùng cần phải lưu ý bỏ qua bước đặt mua bản quyền trong quá trình sử dụng Loopsie và chỉ nên tận dụng 3 ngày dùng thử miễn phí để khai thác ứng dụng này, bởi lẽ giá bản quyền của Loopsie là không hề rẻ.

Tải ứng dụng Loopsie – Cẩn thận rước nhầm mã độc

Như trên đã đề cập, hiện phiên bản Loopsie dành cho nền tảng Android đã bị xóa khỏi kho ứng dụng Google Play mà không rõ nguyên do.

Để bắt kịp trào lưu đang gây sốt trên mạng xã hội, nhiều người dùng smartphone Android đã tìm kiếm những ứng dụng với chức năng tương tự Loopsie, hoặc tìm những file định dạng apk (file cài đặt ứng dụng cho Android) của ứng dụng Loopsie trên internet.

Tuy nhiên, việc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cài nhầm mã độc, khiến smartphone bị tin tặc chiếm quyền điều khiển hoặc lấy cắp dữ liệu, thông tin riêng tư, thậm chí tài khoản ngân hàng… trên thiết bị.

Untitled 5 7
Tìm file cài đặt ứng dụng Loopsie trên internet có thể vô tình rước nhầm mã độc về smartphone (Ảnh minh họa).

Lợi dụng “cơn sốt” Loopsie, tin tặc cũng có thể phát triển những ứng dụng mạo danh Loopsie, bên trong có chèn mã độc và phát tán ứng dụng giả mạo này lên internet, lừa nạn nhân tải về và cài đặt vào smartphone của họ.

Do vậy, người dùng smartphone chạy Android nên đợi cho đến khi nhà phát triển Loopsie ra mắt ứng dụng phiên bản chính thức cho nền tảng của mình, không nên tự ý tìm kiếm và download các file cài đặt của ứng dụng này từ internet, tránh rước nhầm mã độc cho smartphone của mình.

Cộng đồng mạng tranh cãi về ứng dụng Loopsie

Bên cạnh những người thích thú và chia sẻ những hình ảnh do Loopsie tạo ra trên mạng xã hội, nhiều người lại có thái độ thờ ơ với ứng dụng đang “gây sốt” này và cho rằng Loopsie không có gì đặc biệt.

“Ban đầu thấy một vài hình ảnh được tạo ra còn cảm giác thích vì lạ, chứ bây giờ đâu đâu cũng bắt gặp mấy bức ảnh theo phong cách hoạt hình này khiến tôi cảm thấy quá nhàm chán, chẳng còn cảm thấy đẹp hay độc đáo gì nữa”, tài khoản Facebook H.Bình chia sẻ.

Untitled 2hm
“Những bức ảnh do ứng dụng tạo ra có cảm giác đẹp và lạ mắt thôi, chứ nó không mang nét gì của ảnh cũ nữa cả”. – Ảnh: Internet

“Những bức ảnh do ứng dụng tạo ra có cảm giác đẹp và lạ mắt thôi, chứ nó không mang nét gì của ảnh cũ nữa cả. Nếu không có ảnh gốc và ảnh đã xử lý để so sánh, chắc chắn bạn sẽ không thể nào nhận ra được người nào trong ảnh sau khi đã được ứng dụng xử lý, cho dù đó là người thân quen của mình”, người dùng Facebook có tên M.Linh nhận xét.

“Theo tôi một ứng dụng xử lý ảnh nhưng lại không giữ được những nét riêng của hình ảnh thì đó là một ứng dụng thất bại. Loopsie chỉ đang dựa vào những đối tượng ứng dụng nhận diện được trong ảnh, sau đó bôi vẽ ra thêm các chi tiết và tạo ra một bức ảnh mới, nhưng không mang nét đặc trưng gì của ảnh cũ”, tài khoản Facebook M.Ánh bình luận.

“Tôi thấy có nhiều ứng dụng sau khi xử lý ảnh vẫn giữ được nét quen thuộc trên gương mặt, nhìn vào đó có thể nhận ra ngay người quen, chứ ứng dụng Loopsie này xử lý xong không còn nét quen thuộc nào nữa. Đó là lý do tôi không thấy ấn tượng và không dùng ứng dụng này”, chị P.Anh, sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.

Những hiểm họa ẩn giấu khác

Nhưng ngoài vấn đề giải trí trong chốc lát, việc “nạp” ảnh cá nhân cho AI sử dụng mà không rõ dữ liệu sẽ được lưu trữ hay sử dụng cho mục đích nào khác ngoài tái thiết tấm hình theo phong cách anime dường như ít người quan tâm đến.

Theo một chuyên gia bảo mật, các ứng dụng chỉnh sửa, tạo hiệu ứng cho ảnh luôn là nhu cầu không thể thiếu của người dùng, phục vụ mong muốn tạo được nhiều bức ảnh độc, lạ theo ý muốn. Với sự hỗ trợ của công nghệ AI thì những phần mềm này ngày càng có sức hút lớn và nhanh chóng được phổ biến, lan truyền tới nhiều người dùng.

Tuy nhiên, quá trình xử lý sẽ yêu cầu người dùng phải tải ảnh đã chụp lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, do đó tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt dữ liệu hoặc sử dụng cho các mục đích khác ngoài công bố của đơn vị phát hành mà người dùng không hay biết. Để tránh rủi ro này, chuyên gia khuyến cáo người dùng không đưa các tấm hình nhạy cảm, mang tính riêng tư vào ứng dụng.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) cho biết các bức ảnh chụp bằng điện thoại di động thường sẽ có thêm thông tin về thời gian, loại thiết bị đang sử dụng và đặc biệt là vị trí chụp bức ảnh.

“Từ những thông tin này, người khác có thể tổng hợp ra được thói quen, lịch trình hoạt động, di chuyển của bạn, vì thế nên cân nhắc nếu không muốn các thông tin này bị lộ, lọt. Việc cung cấp nhiều bức ảnh cho một hệ thống khác cũng có nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra ảnh, video giả mạo. Nếu ảnh đến tay các đối tượng xấu, chúng có thể sử dụng để cho AI học, sau đó dùng công nghệ Deepfake để tạo ra nội dung mạo danh phục vụ các mục đích xấu, thậm chí là lừa đảo”, ông Sơn nhấn mạnh.

Untitled 1dn
Người dùng vẫn nên thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình cũng như người thân.

Vị chuyên gia khuyến cáo trong mọi tình huống, kể cả là các trào lưu mới, người dùng vẫn nên thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình cũng như người thân.

Trước đó, đã có nhiều cảnh báo phát đi về những trường hợp lừa đảo trực tuyến sử dụng dữ liệu cá nhân thu thập được để tạo lòng tin với nạn nhân. Ngoài dữ liệu như số điện thoại, CCCD, địa chỉ, email, họ tên đầy đủ… người dùng cũng cần lưu ý tới một loại dữ liệu nhạy cảm là hình ảnh.

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 5

Trào lưu tìm người yêu tạm thời của giới trẻ Trung Quốc

Trào lưu ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất Tịch có đúng hay không?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều