spot_img
30 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Kỳ lạ: hình khuôn mặt phụ nữ trên vách đá

Các nhà khảo cổ phát hiện hình khuôn mặt phụ nữ được điêu khắc trên vách đá ở tỉnh Tuyên Quang. Dự đoán hình ảnh kỳ lạ này có niên đại khoảng 3.000-3.500 năm.

Kỳ lạ: hình khuôn mặt phụ nữ trên vách đá ở Tuyên Quang
Hình mặt phụ nữ trên vách đá ở Tuyên Quang. Ảnh: Trình Năng Chung | Tân Thế Kỷ|TTK NEWS

Phát hiện này được PGS.TS Trình Năng Chung, Hội Khảo cổ học Việt Nam, công bố tại hội thảo thông báo phát hiện khảo cổ năm 2023, sáng 3/11 ở Hà Nam.

Ông Chung cho biết tình cờ phát hiện hình mặt người trên cửa hang Phóng ở xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang năm 2013 khi đang khai quật trong hang. Vị trí hình khắc cao hơn nền hang khoảng 1,5 m, vừa tầm tay người lớn. Phía ngoài hình khắc có lớp rêu, nếu không quan sát kỹ sẽ khó phát hiện.

Hang Phóng được đồng bào dân tộc địa phương gọi là hang ma, không được phép đến gần. Dù phát hiện 10 năm trước, ông Chung nói phải nghiên cứu kỹ nên tới nay mới công bố.

Mặt người hình trái xoan khá cân xứng, chiều rộng 11,2 cm, chiều dài 14 cm. Hai mắt được tạo bởi hai lỗ đục lõm hình elip, không có lông mày. Phần mũi hình thang cân kéo dài, trên nhỏ dưới to. Phần miệng là lỗ đục lõm kéo dài theo chiều ngang. Các bộ phận mắt, mũi, miệng được tạo ra với tỷ lệ hài hòa, cân đối.

Về kỹ thuật tác hình, PGS.TS Chung cho biết hình mặt người có rãnh đục mặt cắt hình chữ U, đáy khum lòng máng, bề rộng 0,7-0,8 cm, sâu 0,4-0,5 cm. Người xưa có thể đã đục bằng mũi kim loại, hoặc mũi đục nhọn bằng đá cứng với sự hỗ trợ của hòn đập.

Ông Chung nói thêm: “Hình mặt người được tạo theo phong cách tả thực đầy nữ tính với mặt trái xoan, mắt to. Chủ nhân hình khắc đã bộc lộ khả năng quan sát, thể hiện tỷ lệ mặt người khá cân đối và hoàn thiện, ngoài ra còn thể hiện sự khéo léo với nét chạm khắc thoáng đạt, độ sâu to, nhỏ mềm mại”.

hình khuôn mặt phụ nữ trên vách đá ở Tuyên Quang| Tân Thế Kỷ| TTK NEWS
PGS.TS. Chung nói thêm: “Hình mặt người được tạo theo phong cách tả thực đầy nữ tính với mặt trái xoan, mắt to.

Về niên đại, chuyên gia khảo cổ nhận định qua hình thức chế tác bằng vật liệu kim khí và các hiện vật bên trong hang thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun nên có thể nhận định niên đại khoảng 3.000-3.500 năm. Trước nay đa phần các hiện vật giai đoạn văn hóa Gò Mun là tượng khắc hoặc hình khắc động vật như chó, gà.

Nói thêm về phát hiện này, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, cho biết từng phát hiện hình điêu khắc ở Hang Trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La giống như hình tại hang Phóng. “Tôi cho rằng niên đại sớm nhất của loại hình khắc đá này trên dưới 2.000 năm”, ông nói.

BN 2 jpeg 2

Theo VNE.

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều