spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,8 Tháng mười
spot_img

Mang cà phê muối sang trời Âu

12h trưa ngày đầu tháng 12, nhiệt độ âm 13 độ, Na Uy hối hả kê bàn ghế và treo tấm biển “Bán cà phê muối Việt Nam” trong khi khoảng hơn chục khách đang chờ. Chàng trai 17 tuổi người Đà Nẵng nói cảnh tượng mọi người xếp hàng chờ mua món cà phê muối giữa đường phố đóng băng, tuyết rơi phủ dày đặc, đi lại khó khăn khiến cậu cảm động.

Mang cà phê muối sang trời Âu | Tân Thế Kỷ | TTK NEWS
Na Uy, 17 tuổi (ngoài cùng bên phải) cùng hai người bạn là Phùng Gia Phát (thứ ba, bên phải) và Phạm Minh Quân (ngoài cùng bên trái) bên quầy cà phê của mình. Ảnh nhân vật cung cấp

“Tôi bán cà phê Việt Nam, pha phin theo kiểu người Việt để người Phần Lan hiểu hơn về văn hóa nước mình. Đây cũng là cách giúp tôi bớt nhớ nhà”, Uy nói.

Chàng trai tên Na Uy sang Phần Lan từ đầu tháng 8/2023 để theo học tiếp chương trình cấp 3 tại trường THPT Sulkava, TP Sulkava. Để sớm làm quen với văn hóa cũng như thích nghi với nhịp sống ở quốc gia Bắc Âu này, ngày nghỉ cuối tuần thay vì ở nhà, Uy lên kế hoạch khởi nghiệp bán cà phê muối cùng với hai người bạn cùng nhà là Phùng Gia Phát, 17 tuổi, quê TP. HCM và Phạm Minh Quân, 15 tuổi, quê Hà Nội.

Giải thích về việc chọn cà phê muối, Na Uy cho biết sang đây mấy tháng, cậu nhận ra người Phần Lan chuộng uống cà phê nhưng chỉ có loại đóng chai hoặc pha máy, vị rất nhạt và gần như không có hương, nếu có thể “phổ cập” cà phê Việt chắc chắn sẽ thành công.

Quyết tâm đưa món đồ uống đang là “hot trend” ở Việt Nam sang Bắc Âu, Uy dành gần một tháng thử ba, bốn loại kem, sữa và cách pha chuẩn vị. Chàng trai 17 tuổi nhận ra có loại kem đánh bông lên chỉ hợp để làm với bánh ngọt, có loại thì hợp với trà, kem để làm cà phê muối phải sánh, mịn, ngọt vừa, không quá đặc. Cậu cũng chọn loại sữa tươi không lactose, tốt cho tiêu hóa người già và trẻ nhỏ.

Cuối tháng 10, với hành trang là ba chiếc phin mang từ Việt Nam sang, cà phê Việt mua ở chợ châu Á, bàn ghế cũ lấy từ nhà kho, vẽ thêm biển hiệu bằng tiếng Phần Lan, tiếng Anh, tiếng Việt, ba chàng trai Uy, Phát và Quân có ngày bán hàng đầu tiên trước cửa siêu thị cách nhà 500 m.

Uy chọn giờ hoạt động cho quán từ 11h đến 15h vì đây là khung giờ mọi người ra đường nhiều. Mỗi cốc cà phê muối giá 2 euro (53.000 đồng), cà phê sữa 1,8 euro (47.000 đồng) và cà phê đen 1,5 euro (39 nghìn đồng).

“TP Sulkava chỉ có hơn 2.000 dân, hai siêu thị lớn nhất của thành phố ở cạnh nhau nên chúng tôi quyết định chọn nơi này để thu hút sự chú ý của khách”, Uy giải thích.

Ngày đầu mở bán, Uy đứng gần bốn tiếng mới có lác đác 6-7 khách. Nhiều người thấy bảng hiệu là cà phê muối, nghĩ đây là đồ uống mặn nên bỏ đi. Đa số người Phần Lan không dùng tiếng Anh trong giao tiếp mua bán nên khi có người hỏi, cả ba chàng trai người tra mạng, người miêu tả, người pha chế để cho khách xem và hiểu. Khách muốn xem quá trình pha cà phê bằng phin, cậu cũng chiều lòng vừa rót vừa giải thích từng bước.

Mùa đông ở Phần Lan nổi tiếng khắc nghiệt, với những người bán hàng ngoài đường như Uy càng khó khăn. Những ngày nhiệt độ xuống âm 4 độ, thậm chí âm 14 độ, cậu cùng hai người bạn mất gần nửa tiếng để dọn tuyết, mở đường đi. Cứ 5-10 phút, tuyết lại bám dày đặc lên bàn và dụng cụ pha cà phê. Có những hôm cà phê trong bình giữ nhiệt cũng đóng băng, kem và sữa đông lại khiến Uy bất lực, dọn quán ra về sớm.

“Lạnh quá thì ba đứa đốt nến sưởi ấm hoặc chạy vào ngâm tay bằng nước ấm trong siêu thị, dù khó khăn nhưng chúng tôi không bỏ cuộc để khách thấy uống được ly cà phê ngon giữa tiết trời này mới thấy giá trị hơn”, Uy nói.

Mang cà phê muối sang trời Âu| Tân Thế Kỷ
Na Uy đứng bán cà phê muối trước cửa siêu thị tại TP Sulkava, Phần Lan, tháng 11/2023.

Ngày đầu vừa bán, vừa cho, không có lãi nhưng tới ngày ba, bốn, tiệm Uy bắt đầu có lượng khách ổn định, thu hồi lại đủ số vốn 500.000 đồng đã bỏ ra. Khách tới quán chủ yếu là khách trung niên và người già đi siêu thị rồi ghé qua. Người dân Phần Lan khi được uống cà phê muối đều bất ngờ, không khỏi ngạc nhiên vì sao muối lại ngọt, vị đậm của cà phê thêm sữa khiến họ thích thú.

Ông Korhonen, 60 tuổi, khách quen của quán cho biết ngày nào cũng ghé uống cà phê muối. Ông nói vị kem muối là thứ ông “nghiện” nhất và ông nhất định sẽ du lịch Việt Nam để được trải nghiệm thêm về văn hóa ẩm thực Việt.

Vượt hơn 40 km từ Savollina đến TP Sulkava chỉ để uống cà phê muối, anh Việt Hùng, 30 tuổi, nói ba năm chưa có dịp về thăm quê, muốn qua ủng hộ đồng hương cũng như thưởng thức cà phê Việt. “Cũng xem trên mạng nhiều về cà phê muối nhưng chưa được thử, được giao lưu với các em khiến tôi nhớ những ngày ngồi uống cà phê vỉa hè cùng bạn bè của mình ở Việt Nam”, anh Hùng nói.

Dự án khởi nghiệp bán cà phê dạo của Uy và nhóm bạn cũng nhận được sự ủng hộ của hiệu trưởng trường Uy học và Hội đồng thành phố Sulkava. Cô Marttiina Sihvola, hiệu trưởng trường THPT Sulkava, nói rất khuyến khích hoạt động này vì nó không chỉ giúp các em quảng bá được văn hóa quê hương mà còn giúp cho cuộc sống ở TP Sulkava trở nên nhộn nhịp hơn và cho người dân được trải nghiệm món mới lạ của nước bạn.

“Tôi đã nhờ chính quyền thành phố tạo điều kiện cho các em được phép bán trước siêu thị cũng như giúp các em quảng cáo trên mạng xã hội”, cô Marttiina Sihvola chia sẻ.

Tháng 12 trời tuyết rơi liên tục, gió to, người dân ít ra đường nên mỗi ngày Uy chỉ bán 2-3 tiếng nhưng vẫn duy trì được lượng khách quen. Ngày nhiều nhất cậu bán được hơn 30 cốc. “Cũng có ngày bán lỗ do phải đổ đi hoặc tự uống hết nhưng tôi thấy hạnh phúc sau những lời khen của khách về cà phê Việt”, Uy nói.

Khoảng hơn hai tuần nay, những clip chia sẻ về công việc bán cà phê muối dạo của Uy và nhóm bạn thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Ngoài những lời ủng hộ, một số cũng góp thêm ý tưởng như mở thêm quầy đồ nướng kiểu Việt, làm thêm món cà phê trứng… khiến Uy càng được tiếp thêm động lực. Trước mắt cậu vẫn tiếp tục bán cà phê muối và mơ ước trong tương lai có một ki ốt nhỏ để che nắng, che mưa.

“Mùa hè năm sau có thể tôi sẽ bán thêm bánh mì thịt xiên nướng kiểu Việt. Nhờ những món này mà hành trình du học của tôi thêm phần ý nghĩa hơn khi được lan tỏa văn hóa ẩm thực nước mình”, chàng trai 17 tuổi tâm sự.

Cam nhan

Theo Thanh Nga/VNE.

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều