spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Lâm vào cảnh khổ vì “việc nhẹ lương cao”

Tân Thế KỷĐánh vào tâm lý của rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ muốn tìm được “việc nhẹ lương cao”, những kẻ xấu đã vẽ ra đủ chiêu trò lừa đảo khiến bao nhiêu người lâm vào cảnh tiền mất, tật mang, thậm chí còn bị lừa đảo sang nước ngoài nhưng rất khó quay về.

“Việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài: Đơn cầu cứu mỗi ngày

Những người bị dụ dỗ đi nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao” đều lâm vào tình cảnh đi dễ khó về. Hầu như ngày nào, ngành ngoại giao cũng nhận được những đơn cầu cứu từ những gia đình có con em bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc ở nước ngoài.

“Việc nhẹ lương cao” có hình thức lừa nạn nhân qua biên giới. Nhẹ thì tiền mất, nặng thì bị tra tấn, cưỡng bức và bán vào ổ chứa hoặc vào tay bọn buôn người.

Theo Bộ Ngoại giao, hiện nay, với chính sách nhập cảnh cởi mở, công dân ta có thể đi lại giữa các nước ASEAN mà không cần thị thực. Các đường dây tội phạm đã lợi dụng điều này để đưa công dân ta ra nước ngoài lao động phi pháp.

Lời kể của người bị dụ sang Campuchia việc nhẹ lương cao - Ảnh 1.
Công an tỉnh Tây Ninh lấy lời khai của các công dân trốn khỏi casino Campuchia (Ảnh NLĐO)

Theo đó, thời gian qua, nổi lên tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép, bị lừa đảo lao động cưỡng bức tại một số nước Đông Nam Á. Thủ đoạn phổ biến của các đường dây lừa đảo là thường là đăng tải thông tin kết bạn trên mạng xã hội, ứng dụng điện thoại phổ biến như Facebook, Wechat, Viber… Chúng lôi kéo, “tuyển dụng” lao động với mức lương hứa hẹn khoảng 800-2.000 USD/tháng, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp…

Mắc cạm bẫy này, ngày càng nhiều công dân Việt Nam xuất cảnh đi làm việc trong các cơ sở đánh bạc/trò chơi trực tuyến tại Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines… Sang đến nơi, người lao động mới nhận ra thực tế không như mong đợi. Họ bị giam giữ, ép buộc làm việc, chủ yếu là lừa đảo qua mạng như dụ dỗ người khác tham gia trò chơi trực tuyến, trò chuyện khiêu dâm.

Việc công dân xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp kéo theo hệ lụy là các tệ nạn và tội phạm buôn bán người, ma túy, mại dâm… Những người lao động này vừa là nạn nhân, lại vừa là tội phạm, tham gia trực tiếp vào việc lừa đảo người khác ở trong nước nạp tiền, tham gia các trò chơi trực tuyến, đánh bạc, trò chuyện khiêu dâm… tạo ra áp lực rất lớn đối với công tác bảo hộ công dân.

Chị T.H.H. (ngụ Bắc Ninh) cho biết bản thân bị dụ dỗ làm việc mức lương cao hơn 12 triệu đồng ở Campuchia. Tuy nhiên khi vào công ty thì không ra được, trong khi đó công việc rất vất vả. Suốt mấy tháng ròng, chủ trả tiền lương chậm, không những vậy tiền lương còn bị trừ vào chi phí đưa qua lo ăn ở nên không được bao nhiêu cả.

Tham gia vào các chuyến đi như vậy, công dân sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vì việc miễn thị thực nhập cảnh chỉ có thời hạn ngắn, không áp dụng cho người nhập cảnh với mục đích lao động. Như vậy họ không thể đăng ký cư trú hay giấy phép lao động hợp pháp, cũng không được các cơ quan chức năng sở tại bảo vệ quyền lợi.

“Việc nhẹ, lương cao” giăng bẫy sinh viên

Vừa bước vào năm học mới, L.T.N (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) đã loay hoay tìm việc làm thêm để có nguồn thu nhập đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Trong đó, mạng xã hội là hình thức được bạn ưu tiên lựa chọn để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, khi tìm việc thông qua mạng xã hội, N đã không khỏi ngán ngẩm vì quá nhiều chiêu trò lừa đảo.

Đối tượng lừa đảo dụ dỗ sinh viên đăng ký trải nghiệm ví điện tử. Ảnh: NVCC
Muôn kiểu lừa đảo “việc nhẹ lương cao” nhắm vào sinh viên (Ảnh LĐO)

“Tôi thấy nhiều công việc bất thường như việc đánh văn bản tại nhà, chốt đơn hàng, trực tin nhắn, tăng doanh số cho các hệ thống… Bản thân tôi đặt khá nhiều nghi vấn nên đã chủ động tránh xa các công việc này” + N chia sẻ.

Tương tự, khi đăng bài tìm việc trên mạng xã hội, T.L.H.A (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) cũng được nhiều đối tượng liên hệ với những “việc nhẹ lương cao”. Tuy nhiên, do cảnh giác nên A đã may mắn thoát khỏi thủ đoạn lừa đảo của những đối tượng này.

Chỉ cần lướt trên mạng xã hội, gõ cụm từ “sinh viên tìm việc” sẽ choáng ngợp với muôn hình vạn trạng những lời chào mời tuyển dụng hấp dẫn. Những chiêu “việc nhẹ lương cao” có rất nhiều, nào là không cần kinh nghiệm, chỉ cần làm vài tiếng trong ngày, làm xong nhận tiền ngay, thời gian làm việc không gò bó, lúc nào rảnh thì làm, bán hàng lương cao,… Những quảng cáo hấp dẫn kiểu vậy dễ khiến sinh viên mờ mắt, đưa liều tiền đặt cọc để được đi làm sớm.

viec-nhe-luong-cao
Chỉ nghe nhạc có thể nhận lương 20 triệu/tháng? (Ảnh minh họa)

Một cách thức lừa đảo “việc nhẹ lương cao” khác cũng dễ khiến các bạn trẻ rơi vào “bẫy lừa”. Những đối tượng lừa đảo mời sinh viên đến tham dự các hội thảo với quy mô hoành tráng lên đến hàng trăm người. Họ chia sẻ về cách kiếm tiền, một vài nhân viên mới cầm cục tiền lớn và nói đó là thu nhập của họ trong thời gian đầu. Sau khi tư vấn và giới thiệu ít phút, học viên được chia đội và hô khẩu hiệu quyết tâm. Nhân viên cũ hướng dẫn người mới đi đóng phí và đăng ký nhận hàng, tài khoản. Nhiều tân sinh viên hào hứng bỏ ra 5 – 10 triệu đồng để mua hàng, tài khoản với mơ ước nhanh chóng nhân đôi, nhân 3 số tiền ấy lên.

Mất hàng trăm triệu vì “việc nhẹ lương cao”

Ngoài việc bị lừa đi làm cho những nơi “phức tạp” hay bóc lột sức lao động, thì hình thức lừa đảo này còn trắng trợn “cuỗm” rất nhiều tài sản của các nạn nhân.

Cụ thể, một nam thanh niên sinh năm 1993 tại quận Ba Đình, Hà Nội, lên mạng Internet tìm việc làm online. Người này sau đó nhận được lời mời làm cộng tác viên, với việc thực hiện các nhiệm vụ do “hệ thống” gửi tới để nhận được tiền “hoa hồng”.

Nghe hấp dẫn, nam thanh niên liền đồng ý và chuyển tiền theo yêu cầu. Lúc đầu, tiền gốc và lãi được các đối tượng yêu lừa đảo chuyển tới tài khoản của anh như lời hứa hẹn để lấy uy tín. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm “nhiệm vụ” nhưng với những lý do tài khoản bị lỗi hay hệ thống đang bị treo, các đối tượng yêu cầu anh “bơm” tiền để nhận được cả gốc và lãi.

Với thủ đoạn này, nam thanh niên đã bị lừa mất số tiền 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, nên đã đến công an trình báo.

Tương tự là trường hợp của chị M.T. ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chị đã lên mạng để tìm kiếm công việc phù hợp, sau đó liên tiếp nhận được những lời mời làm cộng tác viên làm việc tại nhà để nhận tiền “hoa hồng”. Công việc chỉ yêu cầu chị T. có điện thoại có kết nối internet.

Các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị T. chỉ cần tải, cài đặt một ứng dụng trên điện thoại, sau đó “hoàn thành nhiệm vụ” rồi nhận tiền hoa hồng. Ban đầu, chị T. chỉ cần nạp số tiền vài trăm nghìn đồng để làm nhiệm vụ rồi nhận về số tiền 1 triệu đồng. Thấy kiếm tiền dễ, chị T. liên tiếp nạp tiền với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi lần. Tuy nhiên, khi ứng dụng liên tục báo lỗi, không nhận được tiền và số tiền đã nạp lên đến cả tỷ đồng, chị T. mới nhận ra mình bị lừa và trình báo cơ quan chức năng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, chị M. (trú tại Đà Nẵng) được một đối tượng trên mạng xã hội Facebook nhắn tin giới thiệu công việc cộng tác viên Tiktok. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn chị M. qua Telegram làm nhiệm vụ, nạp tiền để có hoa hồng và lừa đảo, chiếm đoạt của chị T.M. tổng số tiền lên đến 578 triệu đồng.

Những hình thức lừa đảo này còn được đầu tư rất kỹ lưỡng khi đối tượng lừa đào sẵn sàng tặng quà, tặng tiền với giá trị dưới 1 triệu đồng cho các nạn nhân để tạo dựng lòng tin. Với chiêu thức “thả con săn sắt bắt con cá rô”, hội nhóm lừa đảo đã nhận lại được số tiền nhiều lần mà chúng đã bỏ ra.

Không có chuyện “việc nhẹ lương cao”

Không có việc làm nào là “việc nhẹ lương cao”. Để hưởng được thành quả lao động xứng đáng, dù là làm việc trí óc hay chân tay, bạn phải thật sự phó xuất sức lao động và tâm trí, không ngừng học hỏi và vượt qua những áp lực.

Người xưa từng nói “làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”, hay “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. Dân gian cũng đúc kết câu tục ngữ có giá trị đến ngày nay: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Ấy là con người ta phải bắt tay vào làm, phải lao động thì mới có cái để ăn, mới có thể nuôi sống bản thân. Sẽ không có ai tự động đem đồ ăn đến cho bạn, phục vụ bạn.

Trong xã hội hiện đại ngày nay cũng như vậy. Đừng đòi hỏi có được thành công hay có được tiền bạc cũng đừng than vãn rằng bạn không có gì để làm. Công việc luôn có, cơ hội luôn rất rộng mở, ai cũng có thể tìm được cho mình vị trí phù hợp. Chỉ là bạn có chịu làm, có chăm chỉ và tự mình nỗ lực hay không mà thôi.

Anh T.P, chủ một doanh nghiệp thường than thở rằng, nhiều bạn trẻ bây giờ rất lạ. Mới ra trường đi phỏng vấn thì muốn lương cao nhưng không biết năng lực mình đến đâu; vào làm việc thì cứ như người “biết tuốt” không muốn học hỏi; làm ở đây nhưng cứ “đứng núi này trông núi nọ”, nơi nào có việc lương cao và nhẹ nhàng hơn thì sẵn sàng “nhảy việc”,…

Chính thái độ và cách nghĩ như vậy sẽ đẩy nhiều bạn trẻ rơi vào “bẫy việc nhẹ lương cao”. Ngoài ra, những bạn trẻ còn non kinh nghiệm, hoặc từ tỉnh vào thành phố tìm việc,… cũng là đối tượng nhắm đến của hình thức lừa đảo này.

Người xưa nói “có làm thì mới có ăn” quả không sai. Những con người chăm chỉ lao động thường gặt hái thành công. Lao động chân chính sẽ tạo ra vật chất, tạo ra cơm áo gạo tiền và giá trị về cuộc sống. Vậy hãy cảnh giác và tránh xa “việc nhẹ lương cao” bạn trẻ nhé!

Nghi Vân (t.h)

Hanhtrinh140x72 4

VIDEO CHỌN LỌC

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều