Một cánh rừng ngập mặn tự nhiên ở ven biển tỉnh Quảng Nam đang bị chết dần chết mòn, khiến người dân vô cùng tiếc nuối.
Ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam có một khu rừng ngập mặn nguyên sinh với diện tích hàng chục ha nằm sát biển.
Trong đó hầu hết là các loại cây mắm, đước, bần, có nhiều cây rất to, thuộc hàng cổ thụ. Khu rừng ngập mặn này giống như một tấm chắn sóng, nhất là mùa mưa bão, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh đẹp, khí hậu trong lành.
Theo Tuổi Trẻ Online, sáng 11-3, nhiều ha rừng ngập mặn trải dài từ thôn Đông Xuân đến Đông Bình, xã Tam Giang dài gần 2km chết khô.
Nhìn từ trên cao, cánh rừng ngập mặn với cây xum xuê, rậm rạp lúc xưa giờ đây chỉ còn lác đác màu xanh vài cây lớn.
Hàng nghìn cây rừng ngập mặn đã bị chết khô, trơ thân, rụi hết lá như những cây củi khô. Phía dưới gốc tràn ngập rác thải được xả nổi lềnh bềnh.
Dân thôn Đông Xuân cho biết khu rừng ngập mặn nguyên sinh này có từ rất xa xưa, có những cây đước, mắm, bần có tuổi đời mấy chục, có cây hơn 100 năm tuổi. Ngoài chức năng phòng hộ, nơi đây có hệ sinh thái phong phú, tôm cá dồi dào để ngư dân đánh bắt.
“Thế nhưng giờ đây cây rừng đang chết khô dần, đến nay chỉ những cây lớn mới còn sống, không biết sao rừng ngập mặn lại chết dần như vậy” – ông Phạm Minh Vương (61 tuổi, thôn Đông Xuân) nói.
Ông cho biết từ sau những trận bão năm 2020 thì cây rừng bị chết khô, đến nay số lượng cây chết mỗi ngày một nhiều.
“Cũng từ đó tôm cá ít dần do cây rừng bị chết, ảnh hưởng sinh kế của ngư dân. Nhìn cánh rừng ngập mặn của dân làng bị chết khô như vậy dân xót, tiếc nuối lắm” – ông Vương nói.
Hơn 5ha rừng bị chết hoàn toàn, không tái sinh
Theo Tuổi Trẻ, Ông Nguyễn Ngọc Vinh – phó chủ tịch UBND xã Tam Giang – cho biết tổng diện tích rừng ngập mặn ở địa phương khoảng 25ha. Từ thời điểm mùa mưa bão cuối năm 2020 cánh rừng ngập mặn bị chết khô đến giờ, thống kê có hơn 5ha rừng bị chết hoàn toàn, không tái sinh được.
Trước đây rừng bị chết, xã có gửi báo cáo cho huyện mời các chuyên gia về kiểm tra, đánh giá, tìm nguyên nhân nhưng vẫn không có kết luận cụ thể nguyên nhân cây chết.
Do nguồn lực của xã không có nên đã kiến nghị cấp trên có giải pháp trồng phục hồi rừng ngập mặn này, huyện cũng đã có đề án trồng phục hồi rừng, nhưng được biết đến giai đoạn năm 2025 mới triển khai được.
Cũng theo ông Vinh, cánh rừng ngập mặn ở xã có từ lâu đời, có rất nhiều tác dụng như chắn sóng, chắn gió, nhất là mùa bão cho các khu dân cư và ghe thuyền.
Nghi Vân (Theo TTO)
Xem thêm:
Thủ tướng: cát nhân tạo thay thế hoàn toàn cát tự nhiên ‘không khả thi’
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực