spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Vì sao tội ác gia đình ngày càng đáng báo động?

Tân Thế Kỷ – Nhiều gia đình ngày nay không còn là nơi trở về quen thuộc và ấm áp đối với rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Thậm chí, nơi đó đã biến thành địa ngục trần gian, khi vấn nạn bạo lực trong gia đình leo thang và nghiêm trọng hơn mỗi ngày. Vì sao như vậy?

bao hanh tre em
Vì sao có thể hành hạ những đứa trẻ yếu ớt hoàn toàn không có khả năng chống cự hay chạy trốn, thậm chí cả với những đứa trẻ quá nhỏ, còn chưa có khả năng nhận thức?

Tội ác gia đình leo thang

Có quá nhiều câu chuyện bạo lực gia đình trở nên hết sức đáng sợ trong xã hội Việt Nam. Những bất hòa giữa vợ và chồng; mối quan hệ cha mẹ kế; quan hệ cha mẹ con cái,… đã dẫn đến những án mạng hết sức đau lòng và khiến dư luận bàng hoàng.

Một ngày giữa tháng 9/2022, sự việc trên đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đối tượng Lê Văn Thức ngồi trên xe taxi đã yêu cầu tài xế lao xe lên phía trước chặn đầu xe máy của một nam thanh niên đang chở một cô gái. Thức dùng dao sát hại dã man nam thanh niên, sau đó bắt cóc cô gái tên T. (SN 1994, Yên Bái).

Đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ án mạng kinh hoàng liên quan đến mâu thuẫn tình cảm. Tại tỉnh Đồng Nai, vụ án gây rúng động dư luận khi Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ huyện Long Thành) đã cầm dao chém nhiều nhát vào người vợ. Hậu quả, người vợ tên T đã bị chồng chém đứt lìa hai tay chỉ vì ghen tuông. Mặc dù giữ lại được cánh tay trái, nhưng có lẽ những ám ảnh về cơn ghen điên loạn của chồng sẽ mãi đeo bám chị.

Hay câu chuyện người cha dượng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) 5 lần “xuống tay” bạo hành tàn bạo bé gái N.N.T.C mới 2 tuổi khiến cháu chấn thương sọ và gãy đa xương đến nay vẫn để lại dư âm buồn chưa dứt trong xã hội.

Rồi bản án tử hình dành cho người mẹ kế dùng gậy đánh đập bé gái 8 tuổi suốt 4 tiếng đồng hồ khiến bé chết trước khi đến bệnh viện cũng là một câu chuyện buồn đáng báo động về bạo hành gia đinh; Câu chuyện ‘dượng hờ’ đóng 9 cái đinh vào trong não bé gái 3 tuổi đầu năm 2022 khiến bé đang cấp cứu trong trạng thái nguy kịch. Kinh hoàng hơn là trước đó bé đã 4 lần cấp cứu bởi ‘dượng hờ’ đã cho thuốc độc vào nước C2 cho bé uống, cho bé nuốt đinh ốc, và một lần bẻ gãy tay bé.

Không chỉ những ‘dì ghẻ’, ‘dượng ghẻ’ tàn ác, mà ngay cả cha, mẹ đẻ cùng không kém phần tàn bạo, như vụ một người cha ở Hà Nội đã đánh con gái khi dạy học ở nhà, khiến bé tử vong…

Những ví dụ trên là những vụ án tàn bạo đã bị phơi bày trên khắp mặt báo, MXH. Nhưng thực trạng này có mặt và hiện hữu khắp nơi. Vì sao có những người làm cha mẹ ngày càng ác, có thể hành hạ những đứa trẻ yếu ớt hoàn toàn không có khả năng chống cự hay chạy trốn, thậm chí cả với những đứa trẻ quá nhỏ, còn chưa có khả năng nhận thức? Vì sao những người chồng có thể xuống tay tàn ác với người bạn đời đã bao năm đầu ấp tay gối?

Điều gì khiến tội ác gia đình tăng lên 

Cái ác lên ngôi 

Người xưa có câu “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nghĩa là trong mâu thuẫn, mỗi người biết chịu nhường một chút, lùi bước một chút, đồng thời tìm cái sai ở chính bản thân mình và làm lành, dĩ hòa vi quý, vậy thì mọi chuyện trở nên tốt đẹp, đúng là mở ra một hoàn cảnh mới sáng sủa hơn.

Nhưng với chúng ta hôm nay, dĩ hòa vi quý đối với nhiều người trở nên buồn cười. Thậm chí chỉ một chuyện không đáng mấy mà tranh đấu, hơn thua nên “chuyện bé xé ra to”. Bước ra đường, có thể vì một ánh nhìn không thiện cảm, cũng dẫn đến xô xát, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không ai nhường ai. Dạo qua các trang báo, chợt nhận ra một chuyện mà chúng ta hôm nay thấy rất bình thường, là nhiều tội ác, án mạng đau lòng xảy ra từ nguyên nhân nhỏ bé: một ánh mắt không thiện cảm, một lời chê, từ chối cầu hôn,…

Ngày nay đi đâu cũng nhận ra cái ác hiện hữu khắp nơi, cái thiện lại trở nên hiếm hoi. Người ta chỉ vì lợi ích của cá nhân mà làm việc ác, không gì không làm. Nào là hàng giả, dùng thuốc tăng trưởng thúc cho vật nuôi, cây trồng mau lớn; thực phẩm ngậm hóa chất,…

Chị M.N, chủ một trang trại trồng dưa hấu ở Long An kể chuyện làm vườn của chị như thế này: “Giờ mà không bơm thuốc làm dưa đỏ và ngọt thì bán ra ai mà mua”. Chị bảo dưa nhà chị không bao giờ để người nhà ăn. Ngay cả cá cũng không dám cho ăn vì chúng sẽ chết. Nhưng phải làm cho dưa “đẹp” như vậy thì người ta mới mua ăn!?

Câu chuyện chị M.N nghe rất đỗi quen thuộc, vì ai trồng dưa bây giờ chẳng thế. Mà không chỉ trồng dưa, trồng cây gì, nuôi con gì chẳng thế. Hỏi người ta ăn có làm sao không? Anh P.T.K, chủ vựa mít vừa quét một chất màu trắng gì đó vào chỗ vết cắt trên đầu trái, vừa nhanh miệng nói: “giờ tìm đâu ra thứ trái cây nào mà không có thuốc. Người có tâm thì làm nhẹ tay hơn thôi. Ai ai cũng ăn thứ có thuốc, có ai chết đâu mà lo”. Nhưng hỏi anh có cho gia đình ăn những quả mít ấy không? Anh hơi ngượng ngùng: “biết nó có thuốc thì cho bọn nhỏ ăn vào cho chết à!?”.

Cái ác còn len vào bệnh viện, ngành y dược, khi thuốc giả, kém chất lượng được kê đơn cho người bệnh. Đặc biệt là trong khi cả nước dịch bệnh hoành hành, người dân mất công ăn việc làm, cuộc sống khốn đốn, thì lại bị nhóm lợi ích gồm các gian thương và những người có thẩm quyền trong cơ quan công quyền ép người dân phải dùng kit test với giá cắt cổ. Họ nhập kit test Trung Quốc 21.000 đồng, và bán cho dân với giá gần 500.000 đồng. Nghiêm trọng hơn là 62/63 CDC các tỉnh đều sử dụng loại kit test với giá đội lên hơn 20 lần như thế này.

Cái ác tràn cả vào học đường, những vụ đánh hội đồng chỉ vì những xích mích nhỏ, thậm chí đã đoạt mạng như: vụ nam sinh Thanh Hóa bị đánh hội đồng vỡ sọ não; nam sinh Hà Nội bị đánh hội đồng đã dùng dao đâm chết bạn; nữ sinh Đắc Lắc bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng rồi quay clip đưa lên mạng… Những vụ như thầy đánh trò, trò đánh thầy vẫn xảy ra khá thường xuyên. Nhà trường, nơi vốn dạy con người lối sống có đạo đức, đào tạo tài năng, để khi trưởng thành là những nhân tài hữu ích cho xã hội, thì giờ đây đã thành ‘chiến trường’ ở một mức độ nào đó.

Vô cảm là gì
Ngày nay, người ta có thể vô tư thản nhiên dùng điện thoại cá nhân quay lại cảnh người khác bị hành ác chỉ để thể hiện bản thân, chứ không mấy người biết ra tay nghĩa hiệp bảo vệ người khác (Ảnh minh họa)

Cái ác tràn ngập trên mạng, truyền hình, khi những bộ phim và những trò chơi bạo lực, sắc tình cổ vũ lối sống bạo lực, phóng túng, buông thả đang đầu độc mọi người, nhất là với thanh thiếu niên.

Và kết quả tất yếu, con người sống trong xã hội mà cái ác hoành hành, thì ắt sẽ đem cái ác đó về với gia đình của mình

Sự thất bại của giáo dục 

Cái ác lên ngôi có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể phủ nhận là giáo dục thất bại đóng vai trò then chốt. Học sinh ngay từ tiểu học đã được dạy nói dối: “hôm nay có đoàn kiểm tra, họ có hỏi thì các con nói là không học thêm nhé” – cô giáo dạy thêm đã thành thu nhập chính, và đã dặn các bé như thế này. 

Những gia đình khó khăn không cho con đi học thêm được thì bị thầy cô giáo phân biệt đối xử, bị điểm kém, bị bêu tên trước lớp… Đây là dạy cái ác cho các cháu, vì các cháu biết, chỉ cần có tiền là được thầy cô yêu, bạn bè quý, dạy trẻ sùng bái kim tiền.

Nhà trường không chú ý dạy đạo đức, phép tắc, nếu có cũng chỉ là hình thức, là lời nói suông. Vì người thầy là dùng lời nói và hành động của bản thân để dạy dỗ và cảm hóa học trò, đó là Đạo của người thầy từ ngàn xưa: Khẩu truyền thân giáo, giáo hóa không lời.

Hiện nay, chương trình học nặng, nhưng toàn là thứ vặt vãnh, chỉ là dạy tri thức. Hơn nữa các thầy cô còn tìm mọi cách dạy thêm, vì đó là nguồn thu nhập chính, cao hơn lương khá nhiều. Vậy mà vẫn có vị giáo sư, tiến sĩ khoa học, giảng viên một trường đại học nọ còn kêu gọi bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”, coi “lễ” là thứ gò bó, hạn chế sáng tạo của con người. Một chút “lễ” hình thức dừng ở khẩu hiệu mà còn muốn xóa bỏ, nhân danh “giải phóng, sáng tạo” này là đánh rớt nốt chút đạo đức ít ỏi còn lại của ngành giáo dục.

Và những học sinh quen giả dối, vô phép tắc, sống phóng túng, sùng bái kim tiền này trở thành những ông bố bà mẹ, thì hậu quả tất yếu là bạo lực và đổ vỡ gia đình.

Giáo dục đã rơi vào niềm tin rằng sự xuất sắc của con người là ở phương tiện chứ không phải ở mục đích. Khẩu hiệu của người hiện đại là làm việc chăm chỉ để sống một cuộc sống tốt đẹp, tức là việc tự lực cánh sinh và đạt được thành công nơi thế tục. Tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc sống lại vượt xa việc mưu sinh. Khái niệm hiện tại về thành công nơi thế tục nói về các thành tựu kinh tế, nhưng mục đích của giáo dục là nhằm cải thiện bản thân con người. Bất kỳ hành vi nào không đạt được mục tiêu giáo dục này đều đang phá hủy chính nền giáo dục đó.

Vợ chồng hễ chút là ly hôn

Khi những người quen giả dối, quen bạo lực, quen lối sống hưởng thụ, sùng bái kim tiền ở với nhau trong một mái nhà, thì làm sao họ biết nhẫn nhịn, bao dung, làm sao biết thế nào là nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ. Và hễ mâu thuẫn xuất hiện thì họ liền nghĩ đến ly hôn, cũng chẳng nghĩ đến con cái họ có cảm nhận gì, suy nghĩ thế nào.

ly hon 2 elle man
Người ta bây giờ rất dễ ly hôn (Ảnh minh họa)

Những cám dỗ của xã hội, những danh vọng, tiền bạc cũng dễ khiến họ sa ngã, ngoại tình, khiến gia đình đổ vỡ. Hai vụ án thương tâm nói trên đều xuất hiện ở gia đình đổ vỡ, và tội ác là do ‘dì ghẻ’ ‘dượng ghẻ’ gây ra, và lý do ly hôn là “mâu thuẫn gia đình”. 

Người hiện đại không nhẫn nại, thiếu bao dung, và chỉ chút mâu thuẫn là, cãi nhau, đánh nhau, và đưa nhau ra tòa. Quan hệ hôn nhân không được trân trọng, thay vợ đổi chồng như thay áo, và bất hạnh của người lớn đó giáng xuống những đứa trẻ, thậm chí có đứa trẻ tự tử vì cha mẹ ly hôn.

Làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc gia đình? 

Xã hội và giáo dục hiện đại khiến con người mất kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình, khiến hạnh phúc gia đình như món đồ thủy tinh mong manh dễ vỡ. Người hiện đại cái gì cũng học, nhưng cái quan trọng nhất là học cách chung sống hài hòa với mọi người, sống hòa hợp với bạn đời, giữ gìn hôn nhân gia đình thì lại không học.

Cần có quan niệm đúng đắn về hôn nhân 

Người nay được tự do tìm hiểu và cưới người mình yêu thương, hợp nhau, nhưng khá nhiều người vẫn kết thúc ở tòa án. Trong khi đó, người xưa hôn nhân do mai mối, nhiều khi do cha mẹ hai bên sắp đặt, hai người hoàn toàn không quen biết nhau mà vẫn đầu bạc răng long. Vậy người xưa có bí quyết gì.

Người xưa đặc biệt coi trọng hôn nhân, coi hôn nhân là duyên Trời định “Tu trăm năm mới đi cùng chuyến, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”, có trân trọng thì mới giữ gìn, mới có thể bỏ qua những lỗi lầm và khiếm khuyết của nhau.

6b119
“Tu trăm năm mới đi cùng chuyến, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”.

Khi kết hôn, việc đầu tiên là hai người bái Trời Đất đã an bài mối lương duyên này, sau đó bái cha mẹ, tạ ơn công sinh thành dưỡng dục, rồi sau đó là kính bái lẫn nhau. Khi coi trọng lễ thành hôn, được Trời Đất quỷ Thần chứng giám, thì sau này sống với nhau sẽ tự ước thúc hành vi, không làm việc xấu, không làm việc có lỗi với bạn đời, vì “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Họ sẽ vượt qua mâu thuẫn, bất đồng quan niệm sống, phương thức giáo dục con, vì họ biết ơn cha mẹ sinh thành, không muốn để cha mẹ già buồn lòng. Họ cũng biết tôn trọng nhau “Kính nhau như khách”.

Người xưa nói “Gia hòa vạn sự hưng”, gia đình hòa thuận thì mọi sự đều hưng thịnh. Có một gia đình hoàn chỉnh chính là phương thức sinh sống mà nhân loại mưu cầu. Cùng sống bên nhau đến “Bạch đầu giai lão” chính là kết cục tốt đẹp mà các cặp vợ chồng đều theo đuổi và mơ ước:

Vợ chồng tâm đầu ý hợp, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng vun vén tổ ấm, xây dựng sự nghiệp. Vợ có ân với chồng, chồng báo đáp bằng nghĩa. Chồng nghĩa vợ thuận, kính nhau như khách. Vợ chồng là âm và dương, chồng là dương mạnh mẽ chắc chắn, vợ là âm mềm mại dịu dàng. Vợ chồng hòa hợp như đàn cầm đàn sắt, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.

“Gia hòa vạn sự hưng” – gia đình hòa thuận thì mọi sự đều tốt đẹp, sự nghiệp cũng hưng thịnh. Mà để có “gia hòa” thì cả vợ và chồng đều cần phải nhẫn nhịn rất nhiều: “Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa” – Trăm điều nhẫn nhịn thì trong nhà mới có niềm vui hòa hợp ấm êm.

Kết quả nghiên cứu của một trường đại học Mỹ cũng chỉ ra rằng: hôn nhân mỹ mãn thì mấu chốt nằm ở hai bên có thể khoan dung lẫn nhau, có thể hiểu và lượng thứ những suy nghĩ của người kia.

Một cặp vợ chồng già hạnh phúc “bách niên giai lão”, “con cháu đề huề”, nhân ngày kỷ niệm đám cưới vàng 50 năm, một cụ bà đã tiết lộ bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân của mình với họ hàng thân hữu rằng:

“Bắt đầu từ ngày cưới, tôi đã chuẩn bị liệt kê ra 10 khuyết điểm của chồng. Vì hạnh phúc hôn nhân của chúng tôi, tôi đã cam kết với chính mình rằng, mỗi khi ông ấy phạm vào bất kỳ khuyết điểm nào trong 10 điều này thì tôi đều tha thứ cho ông ấy”.

Có vị khách hỏi: “Vậy 10 khuyết điểm đó rốt cuộc là gì?”

Cụ bà trả lời: “Nói thật với các vị, 50 năm nay tôi cũng vẫn chưa liệt kê cụ thể 10 khuyết điểm này ra. Mỗi khi chồng tôi làm sai việc gì đó khiến tôi tức giận, tôi lập tức nhắc nhở mình: Coi như ông ấy may mắn đi, lỗi lầm ông ấy phạm phải là một trong 10 điều mình có thể tha thứ đó”. 

Nhân Sinh - Trang thông tin tổng hợp
Mỗi khi chồng tôi làm sai việc gì đó khiến tôi tức giận, tôi lập tức nhắc nhở mình: Coi như ông ấy may mắn đi, lỗi lầm ông ấy phạm phải là một trong 10 điều mình có thể tha thứ đó”. (Ảnh minh họa)

Có chia tay vẫn còn sự tôn trọng lẫn nhau

Tuy nhiên, nếu cả hai vợ chồng có quá nhiều khác biệt, cả hai người không thể bước tiếp cùng nhau trên đường đời, thì cũng có thể chọn chia tay. Tuy nhiên, tục ngữ nói, một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa, hai người cũng có thể thỏa thuận chia tay. Một bản “Giấy giải phóng vợ” của môt người thời Đường viết rằng: 

“… Hơn nữa, vợ chồng có niềm vui cùng chung lao khổ, giống đôi uyên ương bên nhau, dung nhan như hoa ngồi bên nhau, vẻ đẹp nhân đôi. Hai thân thể cùng một con tim, sống cùng giường gối ngủ chung phòng, chết cùng quan quách chôn chung mộ. Ba năm kết duyên, thì vợ chồng đối lập. Đến nay cả hai đã tự không thể hòa hợp được, như khó sống cùng, lại tư sinh hiềm khích, trở thành nỗi chán ghét cho đời sau. Duyên hạnh phúc không thành, thế thì chia tay. Thế nên họp người thân để rồi ly biệt…”

“… Mong nương tử sau khi chia tay hãy trang điểm tóc mai, mày ngài váy đẹp, thể hiện tư thế yểu điệu, chọn người chồng quan cao. Ân oán đã giải, chớ mà ghét nhau. Một cuộc chia ly hai người khoan thứ, ai nấy sinh lòng hoan hỉ”.

唐-放妻书(网络图片)
Giấy “Giải phóng vợ” đời Đường (Ảnh NTDVN)

Người xưa vừa trí tuệ lại vừa nhân văn, hôn nhân là lời thề nguyện, cùng nhau bạc đầu giai lão. Vạn bất đắc dĩ, chia tay cũng chứa đựng sự yêu thương, tôn trọng và chúc phúc cho nhau, vẫn nhà những người bạn tốt của nhau. Làm được như vậy là cả một quá trình giáo dục từ gia đình đến xã hội, cần có một nhân sinh quan đúng đắn.

Muốn có nhân sinh quan đúng đắn, sống nhân ai giữa người với người, thì từ bé học hiếu kính, biết cảm ân. Lớn lên trau dồi đạo đức, sống nghĩa nhân, ai nấy tự sửa mình, làm tròn bổn phận của mình, chứ không nhìn lỗi người khác, phán xét người khác. Một xã hội mà vua ra vua, quan ra quan, cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ, thì hẳn đã không có bạo lực gia đình, bạo lực trường học cũng như các tệ nạn xã hội khác như tham nhũng, bán hàng giả, lừa đảo, trộm cướp…

Hạnh phúc ngày càng nên mong manh, hiếm có trong xã hội suy bại, nhưng hạnh phúc không phải là thứ không thể với đến được, mà có được do con người sửa mình, do giáo dục mà nên. 

Nghi Vân (t.h)

Tham khảo NTDVN, NS, VOV…

Hanhtrinh140x72

VIDEO CHỌN LỌC

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều