spot_img
23 C
Vietnam
Chủ Nhật,6 Tháng mười
spot_img

Vì sao “Đại trí nhược ngu” lại được người đời tôn kính

06f7faa8d2d62a5c6544995082976d6f
Tế Công trong điên điên khùng khùng nhưng lại là Thần tiên hạ thế – Ảnh: Intrenet

Tân Thế Kỷ –  “Đại trí nhược ngu” (bậc đại trí như kẻ khờ), câu thành ngữ này có nguồn gốc từ Đạo Đức Kinh: “Đại trí nhược ngu, đại xảo nhược chuyết”, tạm hiểu là: Người đại trí trông như kẻ khờ, kẻ tuyệt khéo mà như vụng về. Đại thi hào Tô Đông Pha thời nhà Tống, trong tác phẩm “Hạ Âu Dương Thiếu Soái Chí Sĩ Khải” cũng đã nói: “Đại dũng nhược khuyết, đại trí nhược ngu”, tạm hiểu là: Người đại dũng trông như kẻ hèn nhát, bậc đại trí trông như kẻ khù khờ.

Người tài trí cao siêu thường không bộc lộ ra tài năng, bề ngoài của họ trông có vẻ khờ khạo, nhưng thực chất lại nhìn thấu bản chất của sự vật và hiểu được nhân quả của sự việc. Người đại trí thường hiểu rõ bản chất của rất nhiều sự việc, chỉ những người khôn vặt mới dương dương tự đắc cho mình là giỏi. 

Người “đại trí nhược ngu” thường có 3 loại biểu hiện dưới đây, bạn hãy để ý quan sát xem xung quanh bạn có những người như vậy không nhé?

1. Gương mặt luôn tươi cười

Tươi cười là lễ nghi cơ bản trong việc  đối nhân xử thế, đây là một loại tôn trọng. Và mỉm cười là một dấu hiệu của sự tự tin. Những người thực sự tự tin thường là những người có trí huệ, nếu không thì làm sao họ có được tâm thái như vậy?

2fb7085a6d5df80551285a174fcd7f42
Khuôn mặt thường tươi cười, khó ai làm mất đi nụ cười chân thật của họ – Ảnh minh hoạ: Internet

“Đại trí nhược ngu” cũng là một loại trí huệ từ trong ra ngoài, trí tuệ bên trong trước nay đều không bao giờ dễ dàng biểu hiện ra ngoài mặt, mà thường biểu hiện ra một hình ảnh phổ thông, bình thường, vậy nên người hay cười có thể không phải là người khôn ngoan nhất, nhưng kẻ “đại trí nhược ngu” thường sẽ luôn mỉm cười.

2. Không tranh luận đúng sai với người khác

Dễ dàng tranh luận đúng sai với người khác, điều này có thể là hành vi không sáng suốt nhất. Những người “đại trí nhược ngu” không bao giờ tranh luận đúng sai với người khác, bởi vì trong thâm tâm của họ không có đúng sai tuyệt đối, nếu vậy việc tranh luận rốt cuộc có ích lợi gì? Đây không phải là vì thể diện của bản thân mình hay sao

69f0300aa9348737d187e7eaa07d72bc
Họ không tranh hơn thua với người khác – Ảnh minh hoạ: Internet

Đã là người “đại trí nhược ngu”, vậy thì họ sẽ không thể hiện mình là người vô cùng thông minh. Trong tâm họ sớm đã có được những định nghĩa về cái lợi cái hại của sự tình rồi, kết quả tốt nhất và xấu nhất đã được họ cân nhắc rồi. Không tranh luận đúng sai cũng là giữ thể diện cho người khác.

3. Không cố gắng thể hiện bản thân mình

Người “đại trí nhược ngu” sẽ không cố tình thể hiện bản thân. Người trí huệ thật sự trước hết là người có cái nhìn thấu về mọi người và mọi sự vật xung quanh, trong lòng họ đã có dự tính trước, sau đó lặng lẽ chờ đợi thời cơ, cũng không bao giờ làm những việc mà mình không nắm chắc. Bởi vì người trí huệ đều là biểu hiện từ trong ra ngoài, vốn không phải kiểu người chỉ được cái vẻ bề ngoài mà thôi.

Trong cuộc sống, rất nhiều khi đều sẽ bảo cho chúng ta phải không ngừng thể hiện bản thân, như vậy mới có cơ hội, còn nếu luôn trốn ở một góc thì sẽ không bao giờ thành công. Có đúng như vậy hay không? Cần phải thể hiện bản thân cho nhiều mới thành công hay sao? Nếu đúng như vậy thì thật tốt quá. Thế thì chúng ta hãy luôn thể hiện bản thân mình nhiều một chút là xong. Kỳ thực, người cố tình thể hiện bản thân sẽ khiến cho người khác cảm thấy anh ta là kẻ hữu danh vô thực, chỉ muốn biểu hiện bản thân một chút trước mặt mọi người, trên thực tế lại không có bản sự gì cả. Vậy nên làm người chúng ta vẫn là nên biết thu mình một chút sẽ tốt hơn.

fce87e2f568b0d394de4e0280ff5197c
Họ cũng không thể hiện bản thân mình – Ảnh minh hoạ: Internet

Cựu Tổng thống Mỹ Wilson khi còn nhỏ trông rất khù khờ. Một số người trong thị trấn thích trêu đùa ông, có việc gì là họ lại lấy ông ra để làm trò cười. Một hôm, một trong những người bạn cùng lớp của ông cầm trong tay tờ 1 đô-la và 5 xu, hỏi Wilson rằng ông sẽ chọn cái nào. Cậu bé Wilson trả lời mà không cần suy nghĩ: “Tôi muốn 5 xu”. Đám bạn đều cười nhạo cậu: “Ha ha, cậu ta chọn 5 xu thay vì 1 đô-la đó”. Và đám bạn mang câu chuyện cười này đi rêu rao khắp nơi.

Nhiều người không tin rằng cậu bé Wilson ngốc nghếch đến vậy, và họ đều mang  tiền ra để kiểm tra thử xem rốt cuộc đó có phải là sự thật hay không, nhưng lần nào Wilson cũng trả lời: “Tôi chọn 5 xu”. Và chuyện cười này được lan truyền ra khắp trường. Thế là ngày nào cũng có người đến lừa cậu bé theo cách tương tự như vậy,  rồi thỏa mãn mà rời đi.

Cuối cùng, giáo viên của cậu biết về điều đó và hỏi trực tiếp cậu bé Wilson: “Em không thể phân biệt được sự khác biệt giữa 1 đô-la và 5 xu sao?”.

Cậu bé Wilson đáp: “Tất nhiên là có. Nhưng nếu như em lấy 1 đô-la thì sẽ không có người đến thử em nữa. Vậy thì em làm sao kiếm được thêm 5 xu nữa đây”.

Cô giáo nghe xong mới bừng tỉnh, thì ra Wilson chỉ vì không muốn đặt tâm tư vào chỗ khôn vặt chỉ tham một chút lợi nhỏ, mà chỉ đang giả ngốc mà thôi. Về sau, ông đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.

“Đại trí nhược ngu” là vô cùng thọ dụng, bởi vì loại trí tuệ này đã được truyền lại hàng ngàn năm, cho nên ba điểm này đều có ở người “đại trí nhược ngu”.

4. Tế Công – Tiêu biểu cho “đại trí nhược ngu”

Bên trong Đại Hùng Bảo Điện ở rừng Đàn Hương, núi Cửu Hoa có một bức tượng rất đặc biệt, đó là tượng “hoà thượng điên” Tế Công trong dáng hình của một tiên nhân. Vì sao lại như vậy?

06f7faa8d2d62a5c6544995082976d6f
Tế Công – Tiêu biểu cho “đại trí nhược ngu” – Ảnh: Internet

Truyền thuyết kể rằng, Tế Công vốn là “Nhật Tinh Tử” giáng thế, vừa sinh ra đã có gương mặt khôi ngô tuấn tú, ngũ quan đoan chính, tướng mạo phi phàm. Khi ông mới chào đời, ánh hồng quang bao trùm cả gian phòng, khắp nhà toả hương thơm kỳ lạ. Về sau khi đã trở thành tăng nhân, ông vân du khắp nơi để hàng yêu trừ quái, dùng thần thông diệu pháp để tế thế giúp đời. Mặc dù bề ngoài tỏ ra điên điên khùng khùng, nhưng thật ra bên trong Tế Công lại là một bậc chân tu đắc Đạo, được người đời sau ca ngợi là Phật Sống tại thế, tôn kính gọi ông là “Tế Công Hoạt Phật”.

Trong những năm tại thế, Tế Công đã để lại cho hậu nhân rất nhiều kỳ tích, rất nhiều câu chuyện lưu truyền mãi về sau. Một trong những câu chuyện đó kể về chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, nơi Tế Công hoà thượng từng cư ngụ. Ngôi chùa này đã từng xảy ra một trận hỏa hoạn lớn. Nói đến trận lửa này, còn có một câu chuyện thật đáng để người đời suy ngẫm.

Trước khi hoả hoạn xảy ra, trong chùa lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Vào một ngày nửa cuối tháng 6, nắng nóng thiêu đốt, mặt trời như quả cầu lửa treo trên bầu trời. Trong đoàn người đến dâng hương hôm ấy, có một cô nương trông vô cùng đặc biệt, trên người cô phục trang toàn màu đỏ, áo đỏ, váy đỏ, ngay cả cây dù trên tay cũng màu đỏ, khiến cô gái nổi bật thu hút mọi ánh nhìn.

Khi cô vừa nhấc chân định bước vào chùa, bỗng đâu có một hòa thượng điên từ trong chạy ra, nhất quyết không cho cô tiến vào chùa. Chỉ thấy hoà thượng đầu đội chiếc mũ tăng đã cũ, người mặc chiếc tăng bào vá chằng vá đụp, chân đi một đôi giày cỏ sờn, trong tay cầm chiếc quạt hương bồ, người lảo đảo như muốn ngả muốn nghiêng.

Vị hoà thượng đứng ngay trước cửa, vừa khéo chặn mất đường đi của cô gái. Rõ là một lão tăng điên! Cô liền quay người sang cửa ngách bên trái, hòa thượng lại chặn ngang nàng ta ở cửa ngách bên trái; cô quay mình sang cửa ngách bên phải, hòa thượng điên lại nghiêng người sang cửa ngách bên phải chặn nàng ta lại.

Cô gái không khỏi tức giận, trừng mắt nhìn hòa thượng mà quát: “Thật là không có đạo lý gì! Tôi muốn vào dâng hương, cái lão hòa thượng điên cớ sao lại năm lần bảy lượt chặn tôi lại, không cho tôi vào chùa là sao?”. 

“Hôm nay, ai vào chùa cũng được, chỉ riêng mình cô là không được!”, hòa thượng điên nghiêm giọng nói.

Cô nàng áo đỏ vừa nghe thấy lời này, trong lòng cuống lên, liền hô lớn với mọi người xung quanh rằng: “Hòa thượng điên nhất quyết không cho tiểu nữ vào chùa, mọi người hãy nói xem, đây là đạo lý gì đây!”. 

Những người đến lễ chùa dâng hương nghe thấy lời qua tiếng lại của cô nương ấy, liền bàn tán xôn xao rằng: “Hòa thượng này đúng là điên thật rồi! Chặn ngang con gái nhà lành, trêu hoa ghẹo nguyệt, thế này còn ra thể thống gì nữa?”.

Hòa thượng trụ trì nghe thấy tiếng huyên náo, liền vội vàng chạy đến phân xử, đến nơi nhìn thấy Tế điên hòa thượng đang ở đó tranh luận với một cô nương áo đỏ. Vị hòa thượng trụ trì vốn không ưa gì Tế Công, bèn bước lên phía trước mà quát lớn một tiếng: “Tế điên, ông không ở trong bếp làm cơm, lại chạy đến đây làm gì? Còn không mau mau để cho người ta vào chùa dâng hương”.

Tế Công nghe thấy tiếng trụ trì, vội vàng lên trước cúi người hành lễ, cười hỏi sư trụ trì rằng: “Trụ trì, mong sư huynh hãy cân nhắc thật kỹ càng: Sư huynh là muốn có chùa (hữu tự), hay là không có chùa đây?”. 

“Cái gì mà có chuyện (hữu sự) với không có chuyện? Tất nhiên là ta muốn không có chuyện rồi, nhưng ông lại cứ hay đi gây chuyện thị phi, rỗi rãi lại đi sinh sự!”. 

“Thật hay cho cái sự không có chùa! Nếu thật sự không có chùa, thử hỏi trụ trì huynh sẽ ở đâu đây?”. 

Vị trụ trì càng nghe lại càng bực tức, ông bèn đẩy Tế Công sang một bên, không cho phép nói thêm lời nào, đồng thời cúi mình mời cô nương áo đỏ vào trong chùa. Cô gái vừa bước qua cánh cửa, liền vội vàng chạy như bay về phía Đại Hùng Bảo Điện, cô nàng vừa chen vào trong nhóm người thì không thấy bóng dáng đâu nữa.

Lúc này đã là giữa trưa, đột nhiên một cơn gió lớn nổi lên, thổi bay cờ phướn, khiến cờ phướn đang treo ở trong Đại Hùng Bảo Điện nhẹ nhàng rơi xuống, vừa khéo lại rơi ngay trên ngọn nến đang cháy, vù một cái lửa lớn bùng lên. Thế lửa thuận theo miếng vải xông thẳng lên xà nhà, đại điện ngay lập tức khói lửa ngất trời, lửa cháy bừng bừng, thật đúng là một trận hoả hoạn lớn!

Tất cả hòa thượng trong chùa vội vã xách thùng xách thau tạt nước cứa hỏa, nhưng vì thế lửa quá lớn nên tất cả chỉ như công dã tràng. Cuối cùng, đại điện bị thiêu rụi, chỉ còn lại mỗi cái khung nhà. Chúng tăng buồn nản ngồi ở đó. Tế Công bước lại phe phẩy cái quạt trong tay, vừa đi vừa hát: “Không chùa tốt thật, không chùa tốt thay, một trận lửa lớn thiêu sạch hết cả rồi!”.

Trụ trì nhìn thấy bộ dạng như giễu cợt của Tế Công, bèn lớn tiếng quát rằng: “Nhà ngươi có còn chút lương tâm nào không? Chùa miếu đã bị thiêu rụi thành như vậy rồi, nhà ngươi còn bụng dạ mà ca hát nữa ư?”.

“Trụ trì, việc này không thể trách đệ được, là chính miệng sư huynh nói: ‘Không chùa mới tốt’, ‘không chùa mới tốt’. Cô nương mà đệ chặn lại đó chính là Hoả Thần, nàng ta muốn thiêu rụi ngôi chùa này. Đệ đã gắng hết sức chặn lại, chính là muốn nàng ta lỡ mất giờ Ngọ, nhưng chính huynh lại cứ một mực muốn để nàng ta vào!”.

Mọi người nghe xong, đều ngơ ngác nhìn nhau, ai cũng không nói được lời nào. Người đời từng cho rằng Tế Công là lão hoà thượng điên, nhưng thực ra ông lại không điên chút nào. Nói về cái điên khùng của mình, Tế Công từng cười lớn mà rằng:

“Người đời thường cười ta điên điên khùng khùng, thật ra Đạo Tế ta tuy điên mà chẳng khùng. Cái gọi là ‘điên khùng’ là tinh thần thất thường, lời nói hành động chẳng có chút trật tự, giống kẻ ngốc nghếch ngờ nghệch vậy. Ta tuy vẻ bề ngoài trông điên khùng, nhưng trong tâm lại một dải chân không. Tất cả lời nói hành động đều xuất phát từ tự nhiên, lời nói của ta có thể khuyên người đời hướng thiện, hành động của ta thì là độ chúng sanh quay đầu về bờ, hoàn toàn khác với ‘điên khùng’ mà người ta nói đến ở trước”.

Người xưa có câu: “Đại trí nhược ngu”, ý nói rằng bậc đại trí đại huệ thường không hiển thị tài năng, bề ngoài tỏ ra ngu ngốc nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm. Tế Công hòa thượng dù lời nói hay hành động tựa như điên khùng, nhưng thực ra lại chính là bậc đại trí vậy.

Chân Tâm t/h

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 2

Xem thêm:

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều