spot_img
24 C
Vietnam
Thứ Ba,14 Tháng Năm
spot_img

Vì sao ông Táo chỉ chọn cá chép cưỡi về Trời?

Trong dân gian, người ta vẫn thường truyền nhau câu chuyện “Cá chép vượt vũ môn để hóa rồng”. Thật ra, cá chép đâu chỉ là “Thần thú” duy nhất mà Táo Quân cưỡi về Trời. Quay về với văn hóa truyền thống trong lịch sử, mới biết cá chép có thân thế không hề tầm thường,…

Cá chép bước ra từ những huyền thoại “vượt Vũ Môn hoá rồng”, “ông Táo cưỡi cá về trời”… Cá chép đường hoàng xuất hiện trong lễ phóng sinh của nhà Phật. Cá chép treo mình ẩn hiện trên những văn vật nghệ thuật từ đồ gốm sứ đến tranh phong thuỷ. Cá chép, cuối cùng, nằm yên vị trên bàn ăn như một món khoái khẩu của người Việt,…

Vì đâu cá chép có vai trò quan trọng đến vậy?

Câu chuyện “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”

Một năm nọ, vì khí hậu quá khô hạn, Trời đã mở một cuộc thi để tìm một con vật dưới nước có thể lên làm rồng. Cuộc thi có 3 vòng với 3 đợt sóng dữ dội, và bất kỳ con vật nào vượt qua sẽ biến thành rồng.

Có một con cá thật đẹp đến xin ứng thí:

Mắt ngời như ngọc, vảy như vàng
Đuôi dài quẫy sóng nước mênh mang
Nghìn năm giấu hạt Thần trong miệng
Giống quý Trời sinh cũng lạ lùng.

Con cá lạ vừa ngoi lên mặt nước thì đã được Thần gió giúp một tay, nổi cuồng phong, vỗ sóng lớn, nâng thân cá một lèo vượt hết ba đợt sóng, bay qua Vũ Long Môn, hoá rồng. Ồ, một sự an bài kỳ diệu của đấng hoá sinh! Con cá chép tầm thường sống ở đáy sông, chẳng có danh phận gì, bỗng phong vân gặp hội, thoắt cái đã trở thành rồng nơi thượng giới, phun mây nhả mù, bay lượn trên vòm trời cao.

Sự tích cá chép hóa Rồng
Sự tích cá chép hóa rồng

Tới đây, có một câu hỏi hóc búa hơn nảy sinh: Vì sao trong bao loài thuỷ tộc, Thần gió lại chọn giúp cá chép vượt Vũ Môn? Phải chăng là Thần gió có chút thiên vị cho vẻ ngoài lộng lẫy của con cá quý?

Cá chép về trời
Cá chép về Trời

Cũng có thể. Nhưng cá chép vượt Vũ Môn không phải là câu chuyện của kẻ tiểu nhân đắc chí gặp thời. Để có phút giây tung mình toả sáng, con cá đã phải âm thầm, nhẫn nhục hàng nghìn năm. Miệng nó ngậm một viên ngọc quý, cứ lặng lẽ dưới đáy vực mà tu luyện như vậy. Nó còn khác với tất cả loài thuỷ tộc ở một điểm này: dám có ước mơ hoá rồng! Nhẫn nại là thế, kiên gan bền chí là thế, khi thời vận đến, chỉ cần một cơn gió nhẹ là cá ta đã cất mình lên chín tầng không. Chuyện rất dễ hiểu.

Nhà thơ thời Đường, Chương Hiếu Tiêu từng làm hẳn một bài vịnh cá chép có tên là “Lý Ngư”. Thơ rằng:

Nhãn tự chân châu lân tự kim
Thì thì động lãng xuất hoàn trầm
Hà trung đắc thướng long môn khứ
Bất thán giang hồ tuế nguyệt thâm

Dịch nghĩa: Mắt như viên ngọc thật, vảy như vàng. Lâu lâu lại quẫy sóng phóng mình khỏi mặt nước rồi lại lặn xuống. Muốn từ con sông này biến thành rồng bay đi. Thì đừng có than ở lâu năm trong nước.

Dưới Thuỷ phủ có trăm nghìn loài vật, riêng họ cá chép cũng đếm không xuể giống loài nhưng đâu phải con nào cũng dám hoá rồng, được hoá rồng? Thành rồng ắt phải là con cá miệng ngậm ngọc quý, lòng ôm chí lớn. Nói cách khác, ngay từ ban đầu con cá ấy đã phải mang chí của một con rồng.

Lý Ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng)

Khác với con cá chép ở trên, con “Lý ngư vọng nguyệt” này không hoá thành rồng, cũng chẳng có chí hoá rồng, được miêu tả ở tư thế dũi đầu xuống đáy nước mà ngắm trăng. Thực lạ. Trăng trên bầu trời, muốn ngắm trăng mà lại lộn ngược đầu đuôi như thế sao? Mà nữa, trăng thật chẳng ngắm, lại lúi húi nhìn bóng trăng trong nước! Hàng nghìn năm qua, những người mua tranh phong thuỷ, tranh chơi Tết… có lẽ ít để ý đến chi tiết này. Thực ra ý vị của nó vượt xa tầm mức của một bức tranh trang trí.

Trong tranh, ta thấy chú cá chép nọ toàn tâm toàn ý mà nhìn ánh trăng đáy nước. Dường như chú quên mất mình đã bỏ lỡ ánh trăng thực sự ở sau lưng. Chú bị thôi miên cái vẻ lóng lánh tuyệt mỹ, đung đưa yểu điệu của ánh trăng gieo trên làn nước. Bị thôi miên đến mức chú chẳng thể nào tin nổi trên đời lại còn có ánh trăng nào khác đẹp hơn! Và đó là bi kịch của chú.

Để chỉ những thứ huyễn hoặc, không có thực, người xưa nói là: “Hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước”. Trăng trên bầu trời, bóng trong làn nước, tuy đẹp đấy nhưng chạm tay vào là vỡ tan thành muôn mảnh, vẫn là bọt nước ảo mộng mà thôi. Nhân sinh như mộng, lắm khi người ta bị chính cái mộng tưởng ấy khoá chặt đường về. Chốn hồng trần cuồn cuộn tựa như một phiên chợ phù hoa, danh lợi tình bày bán như món hàng thượng phẩm, ấy thế mà sau trăm năm tất cả bỗng xoà một cái, tan như bóng trăng dưới mặt hồ.

Dong Ho painting Ly Ngu vong nguyet
Chú cá chép nọ toàn tâm toàn ý mà nhìn ánh trăng đáy nước. Chú bị thôi miên đến mức chú chẳng thể nào tin nổi trên đời lại còn có ánh trăng nào khác đẹp hơn! Và đó là bi kịch của chú. (Miền công cộng)

“Lý ngư vọng nguyệt” kia phải chăng là lời nhắc nhở cho một kiếp người chớ vì tham luyến những ảo mộng mà quên mất giá trị đích thực của sinh mệnh mình? Giá như con cá chép ngắm trăng nọ có thể nuôi chí bền, ngậm trong miệng viên minh châu quý, lặng lẽ dưới đáy nước mà tu luyện nghìn năm, chưa biết chừng một ngày kia nó lại được vút bay chín tầng mây, thoả thích ngắm “ánh trăng thực” trong hình hài của một con rồng thiêng rồi.

Ngày ông Công, vì sao chỉ chọn cá chép?

Trong các loài vật trên cạn, dưới nước thì duy nhất cá chép có thể hóa rồng và bay lên trời được. Các con vật cưỡi khác như trâu, ngựa, voi… không thể bay lên trời. Có những linh vật của các vị Thần, Phật, Bồ Tát cũng có thể thăng thiên như: trâu xanh của Đức Lão Tử, voi trắng của Phổ Hiển Bồ Tát, sư tử xanh của Văn Thù Bồ Tát… nhưng đó là cá biệt vì những con vật đó có lai lịch sâu xa.

vsc1487056330
Chỉ duy nhất cá chép có thể hóa rồng bay lên thượng giới

Vậy chẳng phải các vị Táo Quân cưỡi chim có thể bay lên trời nhanh hơn ư? Còn tùy vào cách hiểu thế nào là “Trời”. Trời ở đây không phải là khoảng cách tương đối với mặt đất, mà là một không gian khác mà nói chung chỉ có các linh vật như rồng mới có thể bay đến được. Thế nên phải là cá chép, vì nó có thể hóa rồng.

Còn một điển tích về cá chép hóa rồng, việc này liên quan đến sự tích vua Đại Vũ trị thủy. Khi ấy, ngài có xẻ núi Long Môn để dòng Hoàng Hà hùng vĩ chảy xuyên qua đá tạo thành một ngọn thác sầm sập từ trên cao đổ xuống. Khi đối diện với ngọn thác cao vút hiểm trở này, chỉ có con cá chép phi thường mới có thể vượt qua được. Và khi qua được thì với phẩm chất ấy, nó có thể hóa rồng và bay lên trời.

Cho nên, các vị Táo Quân nhất định phải chọn cá chép, không phải là loài vật nào khác.

Tục lệ thả cá chép ngày ông Công ông Táo

Phong tục thả cá chép cúng ông Công ông Táo với ý nghĩa “cá chép hóa rồng”, cá chép sẽ chở ông Táo bay lên Trời, tâu mọi chuyện đã qua ở nhân gian với Ngọc Hoàng.

Những con cá chép được dâng lên cúng Táo Quân phải là những con cá chép có màu đỏ, to khỏe mạnh, không bị trầy xước trên thân cá và vảy cá nguyên vẹn không bị tróc. Người ta sẽ thả cá ở ao, hồ nước sạch trước giờ Ngọ – 12h trưa ngày 23 tháng Chạp để cá kịp thời gian bay lên thiên đình.

Vì sao lại thả cá chép cúng ông Công ông Táo?
Người ta sẽ thả cá chép trong ngày Lễ Ông Táo

Tục lệ thả cá chép ngày 23 tháng Chạp trong lễ cúng Táo Quân là một truyền thống đẹp mang ý nghĩa nhân văn của người Việt. Nhưng có lẽ việc tìm hiểu ý nghĩa của tục lệ này là cần thiết để chúng ta thêm trân trọng những di sản tinh thần của cha ông và lưu lại nét đẹp ấy cho các thế hệ tương lai.

Ta hãy tạm biệt cá chép – loài cá thần, bằng bài thơ Cá chép vượt đăng của cụ nghè Nguyễn Khuyến:

“Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
Được nước, nào ai dám rỉ răng?
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,
Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng?”

Nghi Vân (t.h)

Theo NTDVN, BHX

Banner 1 4

Xem thêm:

Thế gian có những ông Táo, bà Táo nào?

10 bức ảnh bí ẩn và nổi tiếng nhất trong lịch sử đương đại

Việt Nam có hang động lớn nhất thế giới, hơn 3 triệu tuổi, đủ chứa tòa nhà 40 tầng của Mỹ

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều