spot_img
30 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

“Vỡ mộng” sau khi đậu lớp 10, nhiều học sinh “tay không vào trường”

Tân Thế Kỷ – Đậu lớp 10 THPT công lập, nhiều học sinh tại TPHCM “vỡ mộng” khi “tay không vào trường”. Chưa có sự tìm hiểu về trường, môn học lựa chọn, chương trình mới,…

“Tay không vào trường”, nhiều học sinh “vỡ mộng”

Đậu vào Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp) song khi nghe tư vấn đăng ký chọn môn học lựa chọn lớp 10, T.A cảm thấy “choáng”, bởi trong các nhóm môn học được trường thiết kế không có môn mỹ thuật, trong khi định hướng nghề nghiệp của T.A là theo nhóm ngành thiết kế.

“Em thấy mình đã quá chủ quan khi đặt nguyện vọng lớp 10 vì ngay khi đăng ký nguyện vọng em đã không tìm hiểu về trường và những thay đổi trong cách tổ chức môn học lựa chọn ở lớp 10 của trường trong Chương trình mới, dù đã được các thầy cô ở trường THCS tư vấn rất kỹ về điều này. Đến bây giờ khi trúng tuyển vào trường rồi, mới thấy môn học mình mong muốn không có thì cũng đã muộn…” – T.A buồn bã.

T.A không phải là trường hợp duy nhất “vỡ mộng” sau khi trúng tuyển vào lớp 10. Nhiều học sinh “vỡ mộng” về việc phải chọn môn học lựa chọn; về môn học lựa chọn không như ý, về việc không biết phải chọn tự nhiên hay xã hội… vì ngay từ đầu đa phần các em chưa chú trọng nghiên cứu kỹ về cách thức tổ chức giảng dạy các môn học lựa chọn của trường THPT.

Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) – cho biết, khi các trường THPT tổ chức tư vấn chọn môn học lớp 10, rất nhiều học sinh lớp 9 nhắn tin nhờ giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng tư vấn để chọn. Nhiều em khi được hỏi vì sao chọn nhóm môn học này thì nói vì… bạn thân chọn nên chọn theo. Nhiều em thậm chí còn ước được chuyển sang trường có tổ chức môn học mà các em yêu thích…

“Khi các em đăng ký nguyện vọng lớp 10, nhà trường đã tư vấn rất kỹ cho phụ huynh, học sinh về điểm mới của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, lưu ý phụ huynh nghiên cứu kỹ về cách thức tổ chức môn học lựa chọn ở trường THPT trước khi đăng ký nguyện vọng, xem trường có những nhóm môn học nào, có môn học mà các em yêu thích không… Song dường như vào thời điểm đó phụ huynh học sinh mới chỉ quan tâm về điểm số, chưa thực sự coi trọng những tư vấn này…” – cô Đoan Trang thẳng thắn.

vo mong sau khi dau lop 10 641689775963
Phụ huynh học sinh lớp 10 Trường THPT Thủ Đức đặt câu hỏi trong buổi tư vấn chọn môn học lựa chọn. – Ảnh: phunuonline.com.vn

Làm quản trị viên trang fanpage của trường, phó hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức kể, câu hỏi mà nhiều học sinh khối 10 gửi trên fanpage nhà trường hiện nay đó là băn khoăn chọn nhóm môn học tự nhiên hay xã hội, nhóm nào dễ học, dễ đạt điểm cao và không áp lực học tập. Nhiều em còn hỏi: Trường bạn thân con có nhóm môn học này, sao trường mình không có để con chọn…

“Rõ ràng, rất nhiều em vào trường THPT với… bàn tay không. Tức là trước đó phụ huynh và học sinh chưa tìm hiểu về trường THPT mình lựa chọn, ngoài mức điểm chuẩn để đặt nguyện vọng vào trường, nên mù mờ về Chương trình mới, về cách thiết kế nhóm môn học lựa chọn của trường…

Năm trước, tình trạng này xảy ra nhiều song dễ hiểu vì là năm đầu tiên triển khai Chương trình mới. Năm nay vẫn lặp lại, chứng tỏ quan điểm, thói quen, tư duy của phụ huynh học sinh về bậc THPT vẫn chưa thay đổi mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều.

Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT ngay từ lớp 10 đã đặt ra những yêu cầu rất lớn về hướng nghiệp, “trao quyền” rất lớn cho người học để tự định hướng bản thân, đòi hỏi các em phải chọn các môn học lựa chọn phù hợp, còn nếu không sẽ dễ dẫn đến việc đứt gánh giữa đường…” – vị này trăn trở.

Năm nay các trường THPT có nhiều bước sàng lọc giúp học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn

Trong buổi tư vấn đăng ký chọn môn học lựa chọn cho học sinh lớp 10 mới đây tại Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), những băn khoăn của phụ huynh học sinh đều xoay quanh tiêu chí để chọn lớp tự nhiên, xã hội cũng như sự khác biệt giữa các lớp trong cùng một ban, việc chuyển đổi môn học thế nào nếu chọn chưa phù hợp…

Thầy Nguyễn Văn Cải – Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung chia sẻ, rút kinh nghiệm năm đầu tiên, năm nay trường thông tin rất sớm về Chương trình GDPT 2018 bậc THPT, cách tổ chức môn học lựa chọn của trường trước thời điểm học sinh lớp 9 chọn nguyện vọng lớp 10. Việc tư vấn được triển khai đa dạng, từ trên website trường, tư vấn trực tiếp tại trường THCS, qua các tờ rơi gửi đến từng phụ huynh học sinh…

“Mặc dù vậy, chỉ một số ít học sinh thực sự nghiêm túc nghiên cứu ngay từ đầu cách thức tổ chức môn học lựa chọn của trường, bằng chứng là các em đã đăng ký ngay tổ hợp mình yêu thích mà chưa cần phải qua buổi tư vấn chọn.

Còn lại, đại đa số phụ huynh học sinh vẫn còn băn khoăn về chương trình mới, môn học lựa chọn, chọn nhóm môn học nào…, đòi hỏi nhà trường phải tiếp tục làm sâu, kỹ để giúp học sinh chọn đúng nhất. Năm nay, nhà trường sẽ căn cứ thêm nhiều tiêu chí như điểm thi, điểm học bạ THCS của học sinh để tư vấn sâu hơn…” – thầy Nguyễn Văn Cải chia sẻ.

Trong phiếu đăng ký chọn môn học lựa chọn khối 10 của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), mỗi học sinh được đăng ký 2 nguyện vọng. Theo đại diện nhà trường, điều này sẽ trao cho học sinh nhiều cơ hội nghiên cứu, tính toán thật kỹ khi đăng ký môn học lựa chọn.

vo mong sau khi dau lop 10 111689776008
Năm nay các trường THPT có nhiều bước sàng lọc giúp học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn. – Ảnh: phunuonline.com.vn

“Trường sẽ căn cứ vào nguyện vọng mà các em đăng ký để xếp lớp. Trong trường hợp số nguyện vọng vào cùng một nhóm môn học lựa chọn vượt quá khả năng tổ chức của trường, trường sẽ căn cứ thêm vào các tiêu chí như điểm thi tuyển sinh 10, điểm học bạ ở các nhóm môn học để tổ chức lớp”.

“Học sinh vẫn có xu hướng thiên về khoa học tự nhiên hơn khoa học xã hội. Dù vậy, để học sinh chọn môn học lựa chọn đúng nhất với năng lực, nhà trường tham khảo thêm kết quả học tập của học sinh ở bậc lớp 9 để làm ưu tiên xét tuyển. Nếu kết quả học tập của các em ở nhóm môn học đó chưa có sự phù hợp thì sẽ tư vấn thêm để các em chọn lại…” – thầy Ngô Hùng Cường nói.

Thầy Ngô Hùng Cường – Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) – đánh giá, việc chọn môn học lựa chọn phù hợp ngay từ đầu năm lớp 10 được xem là bước sàng lọc đầu tiên và là nền móng quan trọng nhất cho 3 năm học THPT của học sinh. Chỉ khi lựa chọn đúng môn học theo sở thích, năng lực, các em mới học nhẹ nhàng.

Học sinh lớp 10 phải học 8 môn học bắt buộc và 4 môn tự chọn

Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 – 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Cụ thể trong đó, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. Riêng môn Nghệ thuật, hiện nay, phần lớn các trường THPT chưa có giáo viên đối với môn Nghệ thuật.

Từ năm học 2022 – 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức áp dụng đối với bậc THPT. Về lý thuyết, học sinh được chọn các môn học cho tổ hợp. Nhưng thực tế, các trường THPT xây dựng sẵn các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Việc xây dựng tổ hợp này phụ thuộc vào tình hình thực tế của nhà trường cũng như nhân sự hiện có.

Việc các em học sinh lựa chọn tổ hợp môn học là chọn cho bản thân chứ không phải chọn theo số đông hay trào lưu. Do vậy, các em cần tìm hiểu kỹ để có lựa chọn cho bước đường tương lai của mình từ đó có định hướng nghề nghiệp hiệu quả nhất sau khi ra trường.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Báo phụ nữ

BN 3 jpeg 1

Làm thế nào để tìm ra nghề nghiệp mơ ước của bản thân?

“Chồng tôi là Tiến sĩ, tôi là Thạc sĩ, con trai chúng tôi vô cùng tầm thường” nhưng tôi rất tự hào

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều