spot_img
24 C
Vietnam
Thứ Hai,9 Tháng Chín
spot_img

Xét xử Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Sáng nay Ba cựu ủy viên trung ương Đảng ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng cùng 35 người khác ra toà do liên quan đại án Việt Á.

Xét xử Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long  | Tân Thế Kỷ |TTK  NEWS
Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo VNE, 7h hôm nay (3/1) hai nhóm bị cáo đầu tiên được dẫn giải đến TAND Hà Nội bằng ôtô 16 và 24 chỗ, tất cả đều mặc trang phục màu xanh thẫm. Trong số này, không có ông Long.

Ông Long bị truy tố tại TAND Hà Nội về cáo buộc Nhận hối lộ 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng), ông Thăng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do nhận 4 tỷ đồng, ông Chu Ngọc Anh bị cáo buộc gây thất thoát gần 19 tỷ đồng.

Chuỗi sai phạm của Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Phan Quốc Việt khởi nguồn từ đầu năm 2020. Thời điểm đó Covid-19 bùng phát mạnh, nắm bắt chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, Việt tìm cách để Việt Á được thực hiện đề tài cùng Học viện Quân y.

Phan Quốc Việt bị cơ quan điều tra cáo buộc ngay từ đầu đã có mục đích “biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty”.

Khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit test, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển mạnh hơn để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, bán thương mại. Việt từng khai khi tham gia nghiên cứu, sản xuất kit test cùng Học viện Quân y và Việt Á “bị thiệt hại nhiều hơn lãi”.

Việt cũng cho rằng “chỉ Việt Á mới có kit xét nghiệm trong giai đoạn đầu Covid-19 bùng phát”.

Sau khi sản xuất thử nghiệm lô hàng 200.000 kit xét nghiệm đầu tiên bán cho Bộ Y tế, tham vọng của Việt Á trong thị trường kit test ngày càng nhiều. Việt bị cáo buộc dùng tiền tác động đến một số người có vị trí, chức vụ, quyền hạn. Trong đó, Việt nhờ từ ông Trịnh Thanh Hùng (vụ phó Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) đến một số cán bộ ở Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ can thiệp để kit test được bán sớm với số lượng lớn trên khắp nước.

Cơ quan điều tra cho rằng Bộ trưởng Y tế khi đó là ông Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh đã “can thiệp, chỉ đạo” giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá. Hai bị can này sau đó còn gợi ý, đề nghị Việt đưa tiền.

Trong một lần vào dịp gần Tết Nguyên đán 2021, ông Long chỉ đạo Huỳnh bảo Việt đưa một triệu USD để “xử lý công việc”. Lần thứ hai, Việt đưa một triệu USD cũng do ông Long đề nghị. Còn thư ký Huỳnh trong một lần nói mua ôtô phải vay ngân hàng nên được Việt chỉ đạo cấp dưới chuyển 2 tỷ đồng.

Thông thầu – bán hàng giữa đại dịch

Cách thức chung được Việt Á áp dụng ở hơn 20 địa phương là gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, CDC, bệnh viện đặt vấn đề bán kit test. Khi được “bật đèn xanh”, doanh nghiệp bắt đầu thông đồng với bên mua trước trước khi lập hồ sơ mời thầu, chào hàng cạnh tranh; ký hợp đồng mua bán để cơ sở y tế chuyển tiền qua công ty trung gian cho Việt Á, VKS xác định.

Cụ thể, khi Việt Á cung cấp báo giá, Sở Y tế, bệnh viện, CDC các địa phương sẽ dùng tài liệu này để “làm việc” với các công ty thẩm định giá hợp thức thủ tục, ban hành chứng thư thẩm định giá. Có trường hợp, cơ sở y tế đưa trực tiếp báo giá vào hồ sơ thầu bằng nhiều hình thức để Việt Á trúng thầu.

Cơ quan điều tra cáo buộc Việt Á đã thông thầu tại 21 địa phương để được cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 với giá cao, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng. Trong đó việc tiêu thụ gần 680.000 kit test tại CDC Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương đã gây thiệt hại 222 tỷ đồng.

Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit. Lợi nhuận định mức Việt Á được hưởng khi kinh doanh kit test là 5%, theo quy định. Giá thành một sản phẩm 143.400 đồng nhưng Việt Á bán gấp 3 lần, mức 470.000 đồng.

Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Bởi thế hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là “hưởng lợi bất chính”.

Trình bày trước Toà án Quân sự Thủ đô Hà Nội vào tuần trước, Việt cho hay Việt Á là doanh nghiệp “hàng đầu Việt Nam” trong lĩnh vực sản xuất kit test, vật tư y tế. Việt khẳng định chỉ Việt Á có kit xét nghiệm trong giai đoạn đầu chống dịch, sau này nhiều đơn vị cùng sản xuất nhưng “không ai có chất lượng như Việt Á”.

Việt khai đợt dịch bùng phát ở Bắc Giang kéo dài hàng tháng, khi Việt Á vào cuộc, chỉ trong 3 tuần đã dập dịch thành công. Bởi thế, Việt cho rằng “công trạng của Việt Á là điều không thể phủ nhận” và thời điểm đó “cả nước cần Việt Á về vấn đề kit test”.

Tại vụ án xét xử hôm nay, cả 38 người đều bị cáo buộc về sai phạm trong quy trình nghiên cứu đề tài, cấp phép đăng ký, bán kit test hoặc đưa, nhận hối lộ; không ai bị xử lý liên quan chất lượng kit test của Việt Á.

chu ngoc anh 1704242272 4873 1704242294
Ông Chu Ngọc Anh, sáng 3/1. Ảnh: Ngọc Thành/VNE

Trong số này, ngoài ba cựu ủy viên trung ương Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng còn có 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Y tế và CDC các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương…. bị xét xử về một trong các cáo buộc: Nhận hối lộ, Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

BN 2 jpeg

Theo VNE.

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều