spot_img
30 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Bài luận bằng video giúp nữ sinh Việt đỗ đại học quốc tế

Ngọc Minh trúng tuyển Đại học Quốc gia Singapore (NUS) với video kể về cách tìm ra đam mê của bản thân, thông qua hoạt động ngoại khóa.

cô gái việt với bài luận video - Ảnh cắt từ video
Ngọc Minh trong video bài luận. Ảnh cắt từ video

Lê Việt Ngọc Minh, lớp 12 chuyên Anh – Nga của THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, trúng tuyển ngành Truyền thông của NUS. Trường hiện ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024..

Nữ sinh sẽ được hỗ trợ 45% học phí. Phần còn lại, chừng 18.000 SGD (340 triệu đồng) một năm, Minh cho biết sẽ vay theo chính sách của chính phủ Singapore và các tổ chức, được trả trong 20 năm.

NUS đề cao thành tích học thuật, yêu cầu ứng viên viết 5 bài luận 550-1.100 ký tự và liệt kê hoạt động ngoại khóa. Với điểm trung bình học tập đạt 9,5, IELTS 8.0, một giải nhì tiếng Anh cấp tỉnh, Minh cho rằng rất “khiêm tốn”.

Do vậy, nữ sinh chọn cách làm nổi bật bản thân bằng bài luận. Trong 5 bài, một đề yêu cầu ứng viên kể về những điều muốn trường biết thêm về mình. Thấy khó gói gọn nội dung trong 10-15 dòng, Ngọc Minh làm một video hai phút với các hình ảnh về hoạt động ngoại khóa mà mình đã tham gia.

“Video có thể giúp em chứng minh với hội đồng tuyển sinh rằng dù không có thành tích học thuật nổi bật, em có đam mê về ngành và mong muốn vào trường mãnh liệt”, Minh nhận định.

Trong video, Ngọc Minh đề cập đến việc làm nội dung, kế hoạch, tổng hợp tin tức cho câu lạc bộ Mô phỏng Liên hợp quốc tại trường, cuộc thi hùng biện tiếng Anh và sáng lập dự án dạy tiếng Anh cho trẻ em tại huyện Nam Đàn. Từ đó, nữ sinh nhận thấy sự kết nối giữa những con người có chung đam mê, tầm quan trọng của việc thể hiện tiếng nói cá nhân và cảm nhận được sức mạnh của ngôn từ.

“Bây giờ tôi cảm thấy ít phân vân về bản thân, và tìm ra thứ tôi muốn theo đuổi chính là dùng ngôn từ và truyền thông để tạo tác động tích cực đến xã hội”, trích một đoạn trong video.

Ngọc Minh còn kể một số hoạt động khác như sáng tạo nội dung về tiếng Anh và giáo dục trên TikTok. “Em muốn thể hiện mình có những tố chất phù hợp với ngành và mong muốn dùng tài nguyên của NUS để theo đuổi nghề chuyên nghiệp”.

Trong bài luận viết về lý do chọn ngành, Ngọc Minh chia sẻ về tính cách của bản thân để cho thấy mình phù hợp với Truyền thông. Một bài khác về “điều ý nghĩa với ứng viên”, em kể về tình bạn những năm cấp ba, giúp em hiểu ra ý nghĩa của sự kết nối trong cuộc sống.

Với bài luận thứ tư kể về cách vượt qua thất bại, nữ sinh chia sẻ câu chuyện dạy tiếng Anh cho em gái. Ban đầu, chỉ với cách dạy nghe và chép, cả Minh và em gái đều thấy nhàm chán. Từ khi sử dụng kết hợp các video ngắn, việc học trở nên sinh động và hiệu quả hơn.

Ngọc Minh kể lại bước ngoặt khi quyết định chuyển từ chuyên Văn sang thi chuyên Anh vào giai đoạn cuối năm lớp 9. Trong ba tháng ôn thi cấp tốc, ngoài học chăm chỉ, em ứng dụng Loci, một phương pháp cải thiện trí nhớ cổ xưa, để ghi nhớ tốt các nội dung đã học. Cuối cùng, nữ sinh đỗ vào lớp chuyên Anh, vốn có độ cạnh tranh cao ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Trong tất cả bài luận, Minh đều liên hệ và rút ra bài học liên quan đặc điểm của ngành Truyền thông và giá trị của trường. Ví dụ, việc dạy học cho em gái cho thấy năng lực sử dụng ngôn ngữ ảnh hưởng đến kết quả; tình bạn là một sự chia sẻ thấu hiểu trong truyền thông và phương pháp ôn thi chuyên Anh thể hiện sự đổi mới, sáng tạo.

Cô Dương Thị Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc Minh, đánh giá học trò bản lĩnh, cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, rất phù hợp với nghề truyền thông.

“Ngọc Minh luôn biết giữ sự chừng mực, thể hiện quan điểm bản thân rõ nét”, cô Nguyệt nói. “Suy nghĩ của Ngọc Minh đã lớn trước tuổi, hiểu chuyện và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu”.

Đinh Tiến Đạt, 22 tuổi, cố vấn cho Ngọc Minh trong quá trình nộp hồ sơ, đánh giá điểm sáng trong hồ sơ của em là sự sáng tạo.

“Minh có góc nhìn thú vị, nhiều trải nghiệm và tận dụng chúng để làm chất dẫn cho bài luận về đam mê với ngành học”, Đạt nói.

Từ kinh nghiệm ứng tuyển NUS, Ngọc Minh nhận ra việc thể hiện giá trị bản thân là yếu tố quan trọng nhất.

“Điều cần quan tâm là làm sao để biến những giá trị mình đang có thành điều trường muốn, thể hiện mình là một sinh viên tiềm năng”. Ngoài ra, việc có định hướng du học sớm sẽ giúp ứng viên chuẩn bị hồ sơ tốt hơn.

Ngọc Minh sẽ nhập học vào tháng 8. Nữ sinh định tìm kiếm các cơ hội thực tập từ năm thứ hai và mơ ước khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.

BN 2 jpeg 1 1

HN(Doãn Hùng,VNE).

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm: 

Nghiên cứu 11.000 trẻ trong 50 năm: cha càng bên trẻ, trẻ càng thông minh

NÓNG: TP HCM công bố số liệu đăng ký nguyện vọng 1 thi lớp 10 và tỉ lệ chọi

Nhà trường phát ‘đơn xin không thi lớp 10’ cho học sinh là sai

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều