spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Chàng shipper nói tiếng Pháp giờ đã ra mắt tác phẩm dịch sách đầu tay

Tân Thế Kỷ – Huỳnh Hữu Phước, chàng shipper nói tiếng Pháp trên đường sách TP.HCM ngày nào, mới đây trở thành dịch giả một cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Pháp – Camille Laurens.

Tháng 11/2022, có một chàng shipper đã khiến cả đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM lẫn mạng xã hội “náo loạn”. Bởi lẽ, anh chàng mặc nguyên bộ đồng phục của một hãng giao hàng đã tự tin giao lưu trôi chảy bằng tiếng Pháp với nhà văn nổi tiếng Marc Levy, khi ông dự sự kiện tại đây.

Untitled 2b 2
Huỳnh Hữu Phước – shipper gây chú ý vì nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy, hồi 2022. Ảnh: kenh14.vn

Nay, Huỳnh Hữu Phước (26 tuổi) vui mừng khi cuốn sách do mình dịch đã được xuất bản. Đó là tiểu thuyết Con gái (tên tiếng Pháp là Fille) của tác giả Camille Laurens (tên thật là Laurence Ruel-Mézières, sinh năm 1957 tại Dijon, là một trong những tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng của Pháp – PV) do NXB Phụ nữ Việt Nam mới phát hành.

Vừa làm shipper, vừa dịch sách

Vì có hoàn cảnh khó khăn, nên Phước phải tạm bảo lưu việc học tại khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có shipper. Chàng shipper nói tiếng Pháp cho biết có một người chị là dịch giả hay trò chuyện về văn chương với Phước đã giới thiệu để bạn được dịch.

Quá trình dịch cuốn tiểu thuyết này được bắt đầu từ cuối năm 2021 – khi mà dịch bệnh vẫn còn và chưa ai biết tới Phước, người đã bảo lưu việc học, vừa cần mẫn đi giao hàng, vừa tự đọc sách, ôn bài, vật lộn với cuộc sống bấp bênh.

“Khi đó em bị nhiễm Covid-19, phải nằm viện điều trị. Khi em khỏi, vừa xuất viện thì người chị là dịch giả kể trên có ngỏ ý hỏi em có muốn dịch tiểu thuyết Con gái  Fille không. Ban đầu em hơi e dè một chút vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm dịch thuật. Đặc biệt, dịch sách của một văn sĩ đương đại như Camille Laurens không phải dễ với em. Nhưng sau khi được người chị khích lệ em cũng thử sức”, Phước kể lại.

Những ngày tháng dịch sách, Phước gặp nhiều khó khăn. Bạn vừa phải đi giao hàng mưu sinh vừa dịch sách, vừa bị stress, đang trong quá trình điều trị rối loạn lo âu, lưỡng cực. “Nhưng đam mê đã trở thành một động lực vô hình. Nhờ sự giúp đỡ của người chị dịch giả cùng ban biên tập nhà xuất bản, em đã hoàn thành được tác phẩm đầu tay”, chàng shipper nói tiếng Pháp ở đường sách ngày nào hồi tưởng.

Gặp người dịch mới biết đó chính là “chàng shipper nói tiếng Pháp”

“Con Gái” là tiểu thuyết do Viện Pháp tại Việt Nam giới thiệu dịch, trong khuôn khổ chương trình tài trợ xuất bản của Quỹ Nguyễn Văn Vĩnh. Tiểu thuyết này ban đầu được một dịch giả khác nhận dịch, và trong quá trình chuyển ngữ, Huỳnh Hữu Phước đã nhận được lời mời hợp tác. Người dịch ban đầu dịch vài trang đầu và trang cuối của sách, còn Phước dịch phần còn lại, đóng góp phần lớn để hoàn thành bản dịch.

Bản dịch của Phước đã được NXB Phụ nữ Việt Nam gửi cho GS Vĩnh Đào đang sinh sống ở Pháp đọc thẩm định. Giáo sư nhận xét rằng bản dịch khá thông suốt và trôi chảy. Điều này cho thấy bạn có thể “đi xa” hơn nữa với nghề dịch.

edit sach 1690282488261645986037
Cuốn tiểu thuyết đầu tay do Phước là dịch giả. Ảnh: NXB cung cấp

Điều đáng chú ý, đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, NXB có biết tới Phước qua video quay lại cảnh bạn là shipper đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp với nhà văn Marc Lévy. “Song như đã nói ở trên, Phước dịch chung với người khác nên cho đến khi sách in xong, NXB mới gặp người dịch chính (là Phước), và chúng tôi mới biết Phước là ‘chàng shipper’ ấy. NXB cũng khá bất ngờ, thấy thật thú vị và rất vui. Nhưng NXB không dựa vào điều này để ưu tiên Phước, hay lấy đó để ‘câu view’”, đại diện NXB khẳng định.

“Dẫu đây là tác phẩm dịch đầu tay, Phước dịch khá tốt, thể hiện trọn vẹn thông điệp của tác giả. Chúng tôi rất vui vì “anh chàng shipper” ngày nào nay đã cầm trên tay “đứa con tinh thần” đầu lòng. Đây có thể là ước mơ đã thành hiện thực. Chúng tôi sẵn lòng mời Phước cộng tác dịch không chỉ văn chương Pháp mà cả những thể loại khác”, phía NXB Phụ nữ Việt Nam trao đổi.

Quay trở lại trường học với nhiều tình yêu thương

Sau tết Nguyên đán 2023, Phước đã trở lại giảng đường khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sau khi được nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ tài chính, động viên tinh thần.

Phước cho hay khi quay trở lại đi học, bạn cảm nhận được sự quan tâm của thầy cô, bạn bè luôn giúp đỡ, chiếu cố, giúp bạn sớm thích nghi lại với môi trường giảng đường. Đặc biệt là nhờ thầy trưởng khoa Tiếng Pháp và cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa, luôn nhắc nhở việc học, Phước cảm thấy luôn được yêu thương.

phuoc 16902795762081473671791
Phước tặng cuốn sách mới được xuất bản tới những người bạn. Ảnh: NVCC

“Cuốn sách đầu tiên do bản thân dịch đã được lên kệ, cảm xúc của em thật khó diễn tả bằng ngôn từ. Như kiểu trẻ con nhận được quà vậy. Niềm vui ấy lâu lắm rồi em mới cảm nhận lại. Em vẫn đang tiếp tục học tập để không ngừng trau dồi, củng cố tri thức cho những tác phẩm tiếp theo”, chàng shipper nói tiếng Pháp trên đường sách ngày nào chia sẻ.

Trước đây vì biến cố gia đình, cha mẹ ly tán, không còn nhà để ở, áp lực kinh tế bủa vây khiến Phước phải vừa học vừa làm, bạn làm việc mỗi ngày 10-12 tiếng với nhiều nghề khác nhau, từ bưng bê quán ăn, phụ quán cà phê, trông xe, bảo vệ tới giao hàng để có tiền tự lo cho cuộc sống.

Dù là shipper, đi đâu Phước cũng mang theo sách tiếng Pháp để đọc. Tối về lại chịu khó đọc sách, ôn bài “để sau này đi học lại vẫn theo kịp các bạn”. Không chỉ rành tiếng Pháp, Anh, Phước còn tự học thêm tiếng Trung, tiếng Nhật. Ngoại ngữ và sách, đặc biệt sách ngoại văn là niềm yêu thích nhất của Phước.

Cậu đã hái được những “quả ngọt” đầu tiên, như câu nói: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Trong cuộc sống có vô vàn những khó khăn, thách thức đang đón chờ chúng ta ở phía trước nhưng nếu chúng ta có ý chí, nghị lực thì chắc chắn chúng ta đều sẽ tìm thấy con đường dẫn đến thành công.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn: Thanh Niên

BN 3 jpeg 1

“Chạy xe ôm công nghệ kiếm 15 triệu không bằng làm văn phòng lương 5 triệu”?

Không đi học thêm vẫn thành thủ khoa khối B toàn quốc: Muốn thành bác sĩ để viết tiếp giấc mơ của mẹ!

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều