spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Dân Serbia xuống đường biểu tình chống chính phủ sau vụ xả súng hàng loạt

Tân Thế Kỷ (TTK) – Hôm thứ Sáu, hàng chục ngàn người Serbia đã tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ ở Belgrade, sau cái chết của 18 người trong hai vụ xả súng hàng loạt và kêu gọi bộ trưởng nội vụ từ chức.

Đây là cuộc biểu tình thứ sáu trong một loạt các cuộc biểu tình hàng tuần được tổ chức với khẩu hiệu “Serbia chống lại bạo lực”.

Dân Serbia xuống đường biểu tình chống chính phủ sau vụ xả súng hàng loạt
Dân Serbia tham gia cuộc biểu tình “Serbia chống lại bạo lực” tại Belgrade, Serbia, ngày 9/6/2023. Ảnh: Zorana Jevtic/Reuters

Reuters đưa tin – Những người biểu tình đã tập trung trước quốc hội và tuần hành đến tòa nhà chính phủ. Họ cùng nhau hô vang “(Tổng thống Serbia Aleksandar) Vucic cút đi!” và giương cao biểu ngữ lớn “Sinh viên phản đối bạo lực”.

Tháng trước, Serbia đã rung chuyển bởi hai vụ xả súng chưa từng có xảy ra trong những ngày liên tiếp. Vào ngày 3/5, một thiếu niên đã giết 10 người tại một trường tiểu học. Tiếp đó vào ngày 4/5, một thanh niên 21 tuổi đã giết 8 người tại một thị trấn gần Belgrade.

Các vụ xả súng hàng loạt là cực kỳ hiếm ở Serbia, mặc dù đất nước này tràn ngập súng ống còn sót lại sau các cuộc chiến tranh những năm 1990, và vụ xả súng ở trường học là chưa từng có trong khu vực.

Ban đầu, những người biểu tình xuất hiện là để bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn trước những hành động bạo lực vô nghĩa, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận tốt hơn đối với những phát ngôn bạo lực ở một đất nước – nơi mà các chính trị gia hàng đầu tuôn ra những lời cay độc để chống lại các đối thủ chính trị, và những kẻ giết người bị kết án được giới thiệu trên các chương trình truyền hình thực tế hàng ngày.

Tổng thống
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: aljazeera

Tổng thống Aleksandar Vucic – người từng là chủ tịch dân túy; chủ nghĩa dân tộc của Serbia từ năm 2017, đã phản ứng lại vụ xả súng bằng cách tuyên bố ân xá một tháng cho bất kỳ ai giao nộp vũ khí chưa đăng ký. Và trong tuần đầu tiên của chương trình, các quan chức chính phủ cho biết khoảng 13.500 vũ khí đã được giao nộp.

Tuy nhiên, những người biểu tình nói rằng sẽ cần nhiều hơn một chương trình ân xá của chính phủ để ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt trong tương lai: yêu cầu của họ bao gồm việc  các quan chức chính phủ chủ chốt phải từ chức và thu hồi giấy phép phát sóng đối với các kênh truyền hình có nội dung bạo lực.

Thay vì đồng ý những yêu cầu đó, ông Vucic đã đáp lại các cuộc biểu tình bằng cách tuyên bố cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ của riêng mình vào cuối tháng 5 và chỉ trích những người liên quan đến phe đối lập là “linh cẩu” và “kền kền”, khi cáo buộc họ có ý định sử dụng hai vụ xả súng cho mục đích chính trị. 

Những bình luận đó đã đổ thêm dầu vào lửa cho những người biểu tình, khiến các cuộc biểu tình hàng tuần diễn ra theo hướng chống lại tổng thống Vucic, chống chính phủ một cách rõ ràng. 

Aleksandra Tomanic, giám đốc điều hành của Quỹ châu Âu cho người Balkan, nói với tờ Foreign Policy: “Các cuộc biểu tình ban đầu không hề chống lại Vucic hay chống lại chính phủ: động cơ là khác nhau. Nhưng sau đó đã biến thành các cuộc biểu tình chống lại ông ấy và chống lại chính phủ khi mọi người thấy cách chính phủ và cá nhân ông ấy phản ứng”.

BN 3 jpeg 1

Những người biểu tình đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Serbia Bratislav Gasic và Giám đốc cơ quan mật vụ Aleksandar Vulin từ chức – những người mà họ đổ lỗi vì đã không đưa các nhóm tội phạm ra trước công lý.

Đồng thời, họ cũng muốn rút giấy phép phát sóng toàn quốc đối với các kênh truyền hình Pink TV và Happy TV và cấm một số tờ báo lá cải mà họ đổ lỗi là đã cổ vũ cho bạo lực.

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết bà sẵn sàng từ chức và mời các đảng đối lập – những người ủng hộ các cuộc biểu tình – tham gia đối thoại. Nhưng các nhà lãnh đạo biểu tình nói rằng họ sẽ không nói chuyện với chính phủ cho đến khi tất cả các yêu cầu của họ được đáp ứng.

Tổng thống Vucic nói rằng chính phủ của ông không có lỗi.

“Chính phủ có phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã xảy ra không? Tôi không thể chấp nhận điều đó” – ông nói với Reuters hôm thứ Sáu.

Serbia có một nền văn hóa sử dụng súng lâu đời, tương tự với phần còn lại của Tây Balkan, họ cũng tràn ngập vũ khí cấp độ quân sự và vật liệu nổ trong tay tư nhân sau các cuộc chiến tranh của những năm 1990 đã xé nát Nam Tư cũ. Tuy nhiên, các vụ xả súng hàng loạt là rất hiếm.

Hoàng Dung (t/h)

Theo Reuters, Foreign Policy

Xem Thêm:

Hàng chục nghìn người biểu tình ở Thủ đô Serbia để phản đối vụ xả súng hàng loạt

Vụ xả súng hàng loạt thứ 2 ở Serbia khiến 8 người thiệt mạng

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều