spot_img
19 C
Vietnam
Thứ Ba,14 Tháng Năm
spot_img

Luyện võ không tu đức, ắt là võ tặc

Võ thuật là một nét đẹp văn hóa đã được lưu lại từ rất xa xưa. Qua mỗi giai đoạn lịch sử lại xuất hiện các cao nhân trong các trường phái khác nhau, truyền thừa lại cho hậu thế những tinh hoa trong môn của mình. Võ thuật không chỉ làm phong phú nền văn hóa nhân loại mà còn ẩn chứa nhiều nội hàm sâu sắc bên trong.

Người ta học võ để làm gì? Có người nói là để tự vệ, có người nói là để giúp thân thể khỏe mạnh, có người nói để bảo vệ quốc gia… Đó đều là những nguyên nhân rất hợp lí, là biểu hiện cụ thể của kĩ năng ứng dụng vào thực tế. Trong truyền thống võ thuật, một cao thủ chân chính ngoài kĩ thuật và sức mạnh, thì còn phải chú trọng tu dưỡng tâm tính, đạo đức trong khi luyện võ. Võ thuật kết hợp với đạo đức, trở thành VÕ ĐỨC.

Bí ẩn “đại cao thủ” Võ Đang nhiều năm luyện công trong hang động như phim kiếm hiệp - Ảnh 5.
Võ thuật kết hợp với đạo đức, trở thành võ đức. Ảnh minh họa

Những câu chuyện về võ đức

Có một câu chuyện cổ kể rằng, tại một quận ở phía Bắc Trung Hoa, có một đám thanh niên vô lại ra tay hành hung một người trung niên. Trận hành hung khiến người trung niên mặt mũi bầm dập, chảy rất nhiều máu. Thế nhưng kỳ lạ là từ đầu đến cuối, người trung niên kia không một chút phản kháng lại, dẫu bị đá, đấm, đạp, chửi rủa cũng không hề tránh né. Mọi người xung quanh vây xem đều cho rằng vị kia quả là một kẻ ngu.

Một lát sau, đám người vô lại bỏ đi, có một ông lão tốt bụng đến đỡ người trung niên này dậy, lúc này mới phát hiện người trung niên này cơ thể rắn chắc, trang phục mặc trên người trông có vẻ là một vị thầy dạy võ, xem ra là một người khá lợi hại. Ông lão không hiểu, nếu có võ sao lại không đánh lại, để bản thân bị đánh đến máu me khắp mặt đến thế, bèn hỏi chuyện. Vị này trả lời: “Người học võ chú trọng võ đức. Đám du côn kia ra tay cùng lắm chỉ tạo ra vết thương ngoài da. Nhưng nếu ta ra tay đánh trả thì có thể dẫn đến án mạng”.

Thời hiện đại cũng có câu chuyện gây xúc động không kém. Trong Cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới của Đài truyền hình Tân Đường Nhân NTDTV tổ chức năm 2009, hai cha con Lưu Văn Hòa và Lưu Thượng Bằng đã giành được huy chương bạc và đồng trong nhóm quyền thuật nam. Sau này, họ vẫn tích cực tham gia các cuộc thi tiếp theo, và đã trở thành những gương mặt rất quen thuộc với khán giả cuộc thi.

Bậc thầy Kung fu, Lý Hữu Phủ luyện võ. (Ảnh: Epoch Times)
Bậc thầy Kung fu, Lý Hữu Phủ luyện võ. (Ảnh: Epoch Times)

Họ kể lại câu chuyện của mình như sau: Thượng Bằng bắt đầu luyện võ từ năm chín tuổi, lúc đó cha anh đã nghiêm khắc giáo huấn: “Bát Cực Quyền mà con luyện rất có lực sát thương, trừ phi gặp phải vấn đề liên quan đến sinh tử, còn lại thì con không được phép ra tay”.

Thượng Bằng đã khắc cốt ghi tâm lời dạy này, không thể hiện tài năng võ thuật của mình cho người khác. Khi đi học, Thượng Bằng có thành tích xuất sắc, nên nhiều người bạn cùng lớp đã tỏ ra ghen tị, rồi cùng bắt nạt anh. Thượng Bằng bị đánh rất nhiều lần, nhưng anh ghi nhớ lời dạy của cha mình, chỉ im lặng chịu đòn, trước giờ chưa từng đánh lại. 

Một lần, cha anh phát hiện trên thân thể của Thượng Bằng có nhiều vết thương, sau khi gặng hỏi mới biết được Thượng Bằng ở trường học đã chịu sự bắt nạt của những người bạn cùng lớp trong nhiều năm. Cũng may là Lưu Văn Hòa cũng là một người học võ có võ đức, tuy rất thương con và cũng bất bình vì hành vi của những đứa trẻ ngỗ nghịch, nhưng ông kiềm chế bản thân, bình tĩnh suy nghĩ để tìm một phương án, cuối cùng ông đã dùng thiện niệm giải quyết tốt đẹp việc này.

Thực ra, lịch sử của võ đức không chỉ giới hạn trong những câu chuyện trên, mà còn vô số các điển tích khác nữa. Nếu để ý thật kĩ, chúng ta sẽ nhận ra tinh thần cao thượng của những người luyện võ xưa, qua rất nhiều những tình tiết tưởng chừng giản đơn nhưng lại ẩn chứa đạo lí sâu sắc. 

Chắc hẳn bạn từng nghe kể về nhân vật Hàn Tín, một đại tướng quân rất tài giỏi và dũng mãnh. Thế nhưng, trước khi làm tướng quân, ông từng là một người bình thường bị bắt nạt thậm tệ. 

Có lần Hàn Tín vừa luyện võ xong, trên người vẫn đang đeo một thanh kiếm, khi quay về nhà thì bị một kẻ vô lại chặn đường và hỏi: “Tên kia, ngươi mang kiếm làm gì? Ngươi mang kiếm thì có dám giết người không? Ngươi có giỏi thì giết ta đi”. 

Rồi hắn vươn cổ ra, với thái độ khiêu khích ngang ngược. 

Hàn Tín không giết hắn, thế là hắn bảo ông rằng, nếu không dám giết hắn thì phải chui qua háng của hắn, nếu không thì không được đi qua. Hắn cứ nhất định đứng chắn đường Hàn Tín như vậy.

Vì sao Hàn Tín chịu nhục chui háng mà không giết tên vô lại? - Ảnh 2.
Hàn Tín chịu nhục chui háng.

Và Hàn Tín đã chui qua háng của kẻ kia. Sau đó thì chúng ta đều đã biết, Hàn Tín dần dần thăng tiến đến khi trở thành tướng quân, nhưng ông không nhớ ân oán xưa. Phải nói là ngay trong lúc bị người ta tìm cách làm nhục, ông đã không coi đó là điều gì đáng bận tâm cả, mọi thứ đều có thể buông xuống. Buông tâm xuống, tất cả đều trở nên nhẹ nhàng hơn. 

Làm người quân tử chân chính trong giới võ thuật

Cảnh giới cao thượng của những người có võ đức thực sự là chấn động nhân tâm, người nghe được câu chuyện có lẽ ngoài sự nể phục ra thì không còn điều gì để nói. 

Trong giới trí thức truyền thống có câu “đại trí nhược ngu”, ý nghĩa là bậc đại trí nhìn giống như ngu dốt, tuy bên trong thông tuệ tuyệt đỉnh nhưng bề ngoài lại có vẻ rất hiền lành, không khoe khoang thể hiện tri thức của mình. Đó không chỉ là khiêm tốn bình thường, mà đã đạt đến cảnh giới “không tranh với người”. Họ học để nâng cao chính bản thân mình, sau đó là giúp đỡ người khác, chứ không học để khoe khoang tài nghệ. 

Các nam nhân trong những câu chuyện trên chính là hình ảnh “đại trí nhược ngu” trong giới võ thuật, tuy tài năng trác tuyệt, lại không dùng để áp chế kẻ yếu hơn mình, không chấp vào danh lợi hay thể diện, lại càng không có sự nóng nảy thô lỗ của những kẻ thất phu biết chút võ công. Họ rất có hàm dưỡng, rất nhân từ và điềm tĩnh.

Ngày nay, hễ có một chút đụng độ thì bên mạnh hơn thường sẽ nói rằng, phải dạy cho hắn một bài học, để lần sau hắn không dám như vậy nữa,… Việc khoan dung độ lượng và tha thứ cho những người không bằng mình, ngay cả khi họ không biết đến ân huệ này, thì mấy ai có thể làm được?

Khổng Tử từng dạy rằng, nếu phải dùng một chữ để dạy học trò nên làm người như thế nào, thì chữ “Thứ” là quan trọng nhất. Khổng Tử đã dạy về đức của người quân tử, có thể bao dung và khoan thứ đối với người khác, và những nhân vật chúng ta vừa nhắc đến quả là những bậc quân tử trong giới võ thuật.

Để có được công phu cao thâm, người học võ chớ quên võ đức

Người theo nghiệp võ đều muốn có được công phu cao, trở thành cao nhân. Nhưng nếu chỉ luyện động tác mà không thể tĩnh tâm thì không tiếp thu được những điều cao xa, sẽ không học được công phu cao cấp thực sự. Để có thể tĩnh tâm thì người học võ cần tu dưỡng đạo đức, giữ tâm lương thiện, nhìn đời bao dung, hành xử nhẫn nại, thái độ khiêm tốn,… “Tĩnh” mới chính là cảnh giới của cao nhân thực sự. 

Người không có võ đức thì sẽ dùng võ nghệ mà mình học được vào việc không tốt, như bắt nạt kẻ yếu, hoặc đánh nhau để thể hiện bản thân, thậm chí đi vào con đường trở thành giặc cướp. Thiếu đi chữ đức, người ta sẽ vì danh lợi tiền tài hoặc những lợi ích cá nhân khác, mà sẵn sàng làm điều xấu. Những con đường đó chỉ dẫn họ xuống địa ngục hoặc gặp phải báo ứng mà thôi. Dù cho đắc được chút lợi ích nhỏ nhoi nhất thời, nhưng mất đi cái đức của mình chính là tự tay vứt bỏ tương lai. Vì nhân quả báo ứng là công bằng không sai lệch, đôi khi con người không nhìn thấy rõ, nhưng nếu vì không rõ rồi xem nhẹ hậu quả thì chắc chắn họ sẽ phải hối hận. 

Học võ không trọng đức, hậu quả khó vãn hồi

Những năm Ung Chính có một người tên là Bạch Thái Quan có võ công rất giỏi, được khen là một trong “Giang Nam bát hiệp”, sau khi thành danh, ông ta rời nhà nhiều năm, coi bốn biển là nhà.

Có một năm nọ, ông ta trở về quê hương, bởi vì thời gian xa cách đã lâu, cho nên ông không nhớ đường, liền hỏi một đứa trẻ đang tập luyện võ công bên đường. Đứa bé thân thiện mau chóng chỉ đường cho ông ta. 

Ông ta rất kinh ngạc khi thấy đứa trẻ này tuy nhỏ tuổi mà công phu rất không tầm thường. Khi nó tập võ, lòng bàn tay phát ra ánh sáng, lửa bắn tung tóe.

Bạch Thái Quan nghĩ thầm: “Tuổi còn nhỏ mà công lực kinh người như thế, sau này lớn lên nhất định vượt qua ta”. 

Trong tâm ông ta dâng lên một sự đố kị mãnh liệt. Vậy là ông ta đã một chưởng đánh chết đứa trẻ.

Trước khi tắt thở, đứa trẻ nói một câu khiến Bạch Thái Quan cảm thấy như sét đánh ngang tai, hối hận vô cùng. Đứa trẻ nói: “Cha ta Bạch Thái Quan khi trở về nhất định sẽ tìm ông báo thù!”

Câu chuyện này chắc hẳn đã đem đến cho những người từng học võ một ấn tượng cực kì sâu sắc về mối quan hệ giữa đạo đức và võ thuật. 

Tìm về võ thuật chân chính

Chúng ta biết rằng mỗi ngành nghề chân chính, khi đến tầng thứ cao thì đều là Đạo. Khi nói đến Đạo, tức là đã nói đến cảnh giới tinh thần, không phải chỉ đơn giản là động tác ở bề mặt nữa. Động tác, cho đến một lúc nào đó, chỉ còn là phương thức để truyền tải Đạo mà thôi. Vì sao chân nhân Trương Tam Phong sáng tạo ra Thái Cực Quyền, động tác tuy chậm chạp nhưng có uy lực vô cùng lớn? Vì sao ngày nay người ta vẫn tập Thái Cực Quyền, nhưng chỉ là để dưỡng sinh cho người già, gần như không thể gọi đó là võ thuật nữa? Chính là vì Đạo ở trong đó đã mất đi rồi. 

0 1457278829716 95 0 354 507 crop 1461297181611
Trương Tam Phong ông tổ của Thái Cực Quyền. (Ảnh: tinhhoa.net)

Liệu một ngày nào đó chúng ta có thể gặp được võ thuật chân chính có hàm chứa Đạo? Có lẽ là có, bởi văn hóa tu luyện đang quay trở lại trên khắp thế giới, bao quát và ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề chính thường trong xã hội.

Cuộc thi võ thuật toàn cầu do Đài Truyền Hình Tân Đường Nhân tổ chức mà chúng tôi nhắc đến ở trên cũng là một nỗ lực trong việc tìm về với võ đạo. Nếu bạn quan tâm đến võ đức, bạn có thể xem lại các video về cuộc thi này tại đây

Hồng Ngọc 

Banner 1

Xem thêm:

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều