spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Điềm xấu kinh tế Trung Quốc: Giảm phát đè nặng, xuất nhập khẩu cùng lao dốc

Tân Thế KỷNền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước những khó khăn chưa từng có khi chứng kiến giá cả giảm xuống trên diện rộng, bao gồm cả giá bán lẻ và giá sản xuất. Mặt khác, các chỉ số xuất nhập khẩu đều giảm mạnh. 

Xuất nhập khẩu cùng lao dốc

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8 cho thấy giá trị xuất khẩu của nước này tính bằng đồng USD giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm xuất khẩu mạnh nhất của Trung Quốc được ghi nhận kể từ tháng 2/2020 – trước thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Một hải cảng ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một hải cảng ở Trung Quốc – Ảnh: Bloomberg.

Nhập khẩu tháng 7 giảm 12,4%, dẫn tới mức thặng dư thương mại tháng là 80,6 tỷ USD.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát dự báo xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc giảm 13,2% và nhập khẩu giảm 5,6%.

Tốc độ giảm mạnh hơn dự báo của nhập khẩu “phản ánh nhu cầu yếu trong nước” – nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management nhận định. “Tiêu dùng nói chung và tăng trưởng đầu tư ở Trung Quốc có lẽ đều đang khá yếu”, ông Zhang nhấn mạnh.

Một số nhà kinh tế cũng cho rằng sự suy giảm của giá trị nhập khẩu còn xuất phát từ nguyên nhân là giá hàng hoá cơ bản giảm.  Ông Larry Hu, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc thuộc công ty Macquarie Group nhận định rằng với tình trạng giảm phát giá nhà sản xuất “đã xuống tới đáy trong 2 tháng qua do giá hàng hoá cơ bản sụt giảm”, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm theo.

Dù vậy, việc giá hàng hoá cơ bản trên toàn cầu giảm trong năm nay cũng là một tín hiệu xấu về nhu cầu và tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc – một quốc gia hàng đầu thế giới về tiêu thụ nguyên vật liệu thô.

Giảm phát đè nặng 

Giá cả ở Trung Quốc đã không tăng mạnh như dự đoán mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra hồi đầu năm. Ngược lại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến giá cả giảm xuống trên diện rộng, bao gồm cả giá bán lẻ và giá sản xuất. Điều này cũng trái ngược với tình trạng lạm phát tăng vọt mà Mỹ và các nền kinh tế lớn khác phải đối mặt sau khi mở cửa trở lại.

Từ tháng 10/2022, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giá các loại hàng hóa cơ bản như than đá và dầu thô giảm mạnh. Giới phân tích dự đoán ngày mai Trung Quốc sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm trong tháng 7. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020 cả hai chỉ số này đều giảm.

screenshot 2023 08 08 144322 6658
Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số CPI sẽ sụt giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Nguồn: Bloomberg.

Nếu tính theo chỉ số giảm phát GDP (GDP đã điều chỉnh theo lạm phát), Trung Quốc hiện đã rơi vào giảm phát. Theo định nghĩa của IMF, giảm phát là “tình trạng thước đo giá cả trên diện rộng (ví dụ như chỉ số CPI hoặc chỉ số giảm phát GDP) suy giảm trong thời gian dài”.

Một số chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm xuống trong vài tháng nữa trước khi bật tăng vào cuối năm nay, khi nhu cầu nội địa phục hồi.

Lạm phát thấp khiến lãi suất thực (tức đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng lên, từ đó đẩy tăng chi phí đi vay của các doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù điều này làm tăng khả năng NHTW sẽ bổ sung thêm các biện pháp kích thích kinh tế, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại buộc PBOC phải thận trọng. Đó là đồng nhân dân tệ giảm giá và mức nợ leo thang.

BN 2 jpeg 1

Xem thêm:

Những dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu

“Ngoại giao sầu riêng”: Chiêu bài mới của chính quyền Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, triển vọng phục hồi mờ mịt

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều