spot_img
19 C
Vietnam
Thứ ba,8 Tháng mười
spot_img

Dừng xét tuyển lớp 10 bằng IELTS để tạo kỳ tuyển sinh công bằng hơn

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 – 2025. Cụ thể, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS.

Tuyển thẳng bằng IELTS dẫn tới nhiều bất cập

Yêu cầu trên được Bộ GD&ĐT đưa ra trong bối cảnh một số địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 – 2025 áp dụng hình thức cộng điểm ưu tiên, xét tuyển thẳng các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế – IELTS từ 4.0 trở lên.

Những năm gần đây, nhiều trường đã sử dụng chứng chỉ IELTS để tính điểm cộng, chỉ tiêu tuyển thẳng vào lớp 10. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh “đổ xô” đầu tư luyện thi IELTS, mong có được tấm vé thông hành vào những trường “top” đầu. Thực trạng này đã gây bất cập và mất công bằng trong giáo dục.

Kỳ tuyển sinh lớp 10 niên học 2023 – 2024, hàng loạt các trường công bố tuyển thẳng, cộng từ 1 – 2 điểm ưu tiên đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 5.5 trở lên. Nhiều trường còn cấp học bổng, khuyến mãi học phí cho học sinh căn cứ theo mức độ điểm IELTS khác nhau. Vì vậy, thời gian qua, chứng chỉ IELTS ngày càng được nhiều phụ huynh và học sinh đầu tư, thậm chí chỉ chú tâm ôn luyện Tiếng Anh mà xao nhãng các môn học khác.

Đặc biệt, nhiều trường tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho những em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã tạo sự thiếu công bằng đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với những chứng chỉ quốc tế như IELTS.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) khẳng định việc sử dụng chứng chỉ IELTS xét tuyển vào lớp 10 có thể gây mất công bằng trong giáo dục. Bởi không phải ai cũng có điều kiện học và thi chứng chỉ này.

2 cd w 1709476521195436912450
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT)

Thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn. Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí thi cũng gặp trở ngại. Rõ ràng là năng lực, trí tuệ cũng như tiềm năng của học sinh này tốt, nhưng điều kiện ít hơn thì khó có thể có chứng chỉ.

Giá trị gốc của việc học ngoại ngữ 

Chứng chỉ IELTS vốn là khung đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhưng thời gian qua, chứng chỉ IELTS đã trở thành một trong những thước đo đánh giá năng lực học sinh, mất đi bản chất vốn có.

Giữa chương trình Tiếng Anh cơ bản và chương trình học luyện thi IELTS có sự khác nhau. Đối với những học sinh có gốc Tiếng Anh vững, các em sẽ dễ dàng quay lại học Tiếng Anh cơ bản theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Nhưng trường hợp những học sinh ôn thi cấp tốc, chỉ tập trung luyện đề theo “mẹo”, theo “công thức” để đạt mức 4.0 – 5.5 IELTS, thì việc quay trở lại học Tiếng Anh cơ bản đúng là một thử thách.

Thực tế, trong thời buổi hội nhập xã hội, vốn ngoại ngữ là rất quan trọng. Học Tiếng Anh không phải chỉ vì chứng chỉ hay thỏa mãn “bệnh thành tích” của nhiều phụ huynh, học sinh mà đây chính là quyền lợi, cơ hội để mỗi học sinh mở rộng tầm hiểu biết, tiếp thu kiến thức mới.

Vì vậy, dù các trường dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, các phụ huynh và học sinh đã đầu tư cho chứng chỉ này cũng không nên quá tiếc nuối, hụt hẫng. Bởi ngoại ngữ dù học ở cấp độ nào cũng trở thành hành trang cho các em chinh phục con đường học vấn trong tương lai.

Quyết định của Bộ GD&ĐT đã rất được phụ huynh hoan nghênh, đồng tình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu đã dừng xét tuyển lớp 10 bằng IELTS thì cũng nên xem xét lại việc dùng IELTS để xét tuyển đại học.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 2

Phim “Mai” của Trấn Thành gắn nhãn 18+, học sinh vẫn vô tư vào rạp?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều