Tân Thế Kỷ – Chưa kịp mừng vì học phí không tăng, tân sinh viên lại đối mặt với vô số khoản lệ phí nhập học lên đến hàng triệu đồng. Những khoản thu ‘kỳ quặc’ do nhiều trường đại học bắt buộc tân sinh viên phải nộp đang trở thành sự kiện nóng thu hút sự chú ý của dư luận.
Bởi mới đó Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo sửa đổi nghị định 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023 – 2024 ở tất cả cấp học. Vậy khoản thu này gọi đúng tên là gì khi mà cuối cùng tiền cũng từ túi của sinh viên, người thân?
Phải chăng học phí theo quy định chưa tính đúng tính đủ nên các trường thi nhau “đẻ” ra các khoản thu gây khó hiểu?
Thí sinh và phụ huynh lo lắng khi các khoản phí lên tới cả chục triệu đồng
Em H. Long (năm nay đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho biết, theo thông báo của trường thì sinh viên khi nhập học phải đóng học phí không tính theo tháng mà nhà trường sẽ thu theo học kỳ với số tiền 14,11 triệu đồng. “Ngoài học phí, các khoản khác cũng phải đóng như Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, Khám sức khỏe 120.000 đồng, Bảo hiểm thân thể 325.000, Quỹ khuyến học 20.000 đồng, Bảo hộ lao động đối với ngành Kỹ thuật, Công nghệ 400.000 đồng. Tổng số tiền phải đóng là trên 15 triệu đồng”.
Long cho biết, chưa kể tiền thuê nhà trọ, tiền chi phí sinh hoạt thì ngay những ngày đầu trước khi nhập học này, bố mẹ Long phải lo một số tiền không nhỏ. Long tính phương án sẽ đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ chi trả tiền ăn ở khi học đại học.
Cũng như nhiều thí sinh trúng tuyển đại học khác, niềm vui vừa vỡ òa thì Đ.T.Linh (ở Phú Thọ) đã chuyển thành lo lắng khi nhận thông báo số tiền cần phải đóng khi làm thủ tục nhập học.
“Em đỗ Học viên Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhưng nhìn mức học phí khiến em rất lo lắng. Ngoài tiền học phí thì hầu hết cái gì cũng tăng, như tiền nhà, tiền ăn ở, tiền xăng xe, tiền sách vở giáo trình… Em tính sơ sơ trung bình một tháng gia đình phải chu cấp cho em khoảng 12 triệu đồng/tháng”. Linh cho biết, điều kiện kinh tế của gia đình không đủ chi trả nên em dự tính sẽ đi làm thêm ngay khi xuống trường nhập học.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Đông Anh, Hà Nội) có con vừa đỗ vào Học viện Tài chính năm nay chia sẻ, hai vợ chồng chị mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng hơn chục triệu đồng nên cũng lo lắng. “Khi nhập học phải đóng một cục nên tôi cũng choáng. Không chỉ học phí đầu năm mà còn biết bao chi phí khác khi con học đại học như tiền nhà trọ, tiền đi lại… Đúng là tiền học đại học bây giờ cao, con cái ăn uống, ở trọ chi phí cũng nhiều hơn, khác thời của chúng tôi”.
Còn đối với nhiều tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM không khỏi ngơ ngác khi nhận danh sách các khoản phí phải đóng ở trường. Trong danh sách này gồm 13 hạng mục, có một số khoản như tiền học phí 14 triệu đồng/học kỳ, lệ phí nhập học 280.000 đồng, tiền giáo trình 800.000 đồng, lệ phí thư viện 690.000 đồng, tiền wifi 500.000 đồng, lệ phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào (trừ ngành ngôn ngữ Anh) 345.000 đồng.
Chưa kể các khoản như lệ phí khác như: kiểm tra tin học đầu khóa gồm 345.000 đồng và 445.000 đồng, học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 4,5 triệu đồng, tiền học kỹ năng mềm 600.000 đồng. Tiếp đó là tiền lệ phí xét ở nội trú ký túc xá, tiền phí nội trú…
Nhiều khoản thu “lạ” bắt buộc ngoài học phí
Như Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM với nhiều khoản thu “lạ” bắt buộc ngoài học phí lên đến gần 4 triệu đồng cho thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng và thẻ thư viện, giấy xác nhận sinh viên; giáo trình, tài liệu số nhà trường biên soạn, “gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến, wifi học tập”.
Trường đã thu học phí nhưng lại có thêm khoản “học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6” mức 4,5 triệu đồng và “học phí kỹ năng mềm” 600.000 đồng… Với tổng chỉ tiêu đại học chính quy năm nay của trường là hơn 3.600 sinh viên thì khoản thu ngoài học phí lên đến hàng chục tỉ đồng.
Tương tự, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng “đẻ” ra các khoản thu như tin nhắn SMS, thư viện số, hệ thống quét trùng lặp, bảo hiểm tai nạn, sinh hoạt chính trị đầu khóa… Tình trạng của hai trường này không phải cá biệt.
Hiện nay, học phí không phải là nguồn duy nhất của các trường nhưng chiếm tỉ lệ lớn từ 50% – 90%. Trong khi các chính sách về học phí (nghị định 60 và nghị định 81) hiện chưa thực hiện được.
Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Khi các trường tự chủ không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, ngưng cấp chi thường xuyên nên việc phải tăng học phí để bù vào các khoản hụt thu là tất yếu. Vì vậy, việc tăng học phí là điều các trường mong mỏi để tiếp tục tổ chức hoạt động đào tạo.
Theo lãnh đạo các trường, học phí mà sinh viên đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn phải trông vào các nguồn khác. Do đó, các trường gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại học tự chủ, trong bối cảnh nhiều năm liên tục không được tăng học phí.
Vì sao có khoản thu “kỳ quặc”, câu trả lời đã rõ. Và chúng ta cũng phải nhìn vào sự thật, dù khoản thu có tên gì đi chăng nữa, học phí hay khoản thu “kỳ quặc”, với sinh viên và người thân, đều là tiền trong túi mà mọi gia đình phải chi ra cho con em để được đến trường.
Sẽ là tin vui cho mọi sinh viên và người thân nếu không tăng học phí phải đi kèm với không phát sinh thêm hoặc bớt đi các khoản thu “kỳ quặc”. Vì thế, khi nói về không tăng học phí và những khoản thu “kỳ quặc”, nhiều người so sánh với học phí các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam và chép miệng họ thu cao nhưng chỉ có một khoản, còn ta một khoản không cao nhưng lại có nhiều mục. Tóm lại, cũng phải chi ra bấy nhiêu, chứ nào chỉ có học phí “khá mềm”.
Có một thực tế là “có thực mới vực được đạo”. Các trường đã cố xoay, dù sự xoay trở đó ít nhiều gây khó cho người đi học. Nhưng khi mọi thứ không được rạch ròi, lại sinh ra lắm khoản thu “kỳ lạ”, không minh bạch, gây bức xúc vì ngoài học phí còn lắm khoản thu!
Trách nhà trường hay là đến một lúc nào đó chúng ta phải có một lộ trình để gọi đúng tên học phí, tức dần đưa vào học phí để gọi đúng tên các khoản thu “kỳ quặc”?
Tịnh Yên (t/h)
Các trường ĐH nộp phạt 3 tỉ đồng do vi phạm tuyển sinh, mở ngành
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực