spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Miền Bắc thiếu điện, máy kích điện cháy hàng

Tân Thế Kỷ – Từ đầu tháng 6 tới nay, người dân Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc thường xuyên bị mất điện và phần lớn không được báo trước.

Người dân miền Bắc đang trải qua những ngày “khốc liệt” vì nắng nóng và cúp điện luân phiên. Việc điện không đủ cung ứng đã khiến bao nhiêu người lâm vào cảnh khổ, sản xuất đình trệ, sinh hoạt khó khăn.

Cuộc sống đảo lộn, người dân khổ vì cúp điện

Mất điện đột ngột khiến cuộc sống đảo lộn. Trưa 6/6, chị Đỗ Thị Vân đành đưa hai con vào hang đá núi Trầm cách nhà 1 km, úp tạm mì tôm ăn, tá túc tránh nóng như hàng chục gia đình khác ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. “Cắt điện đúng giờ cơm trưa, lại không báo trước nên tôi không kịp xoay xở”, chị Vân nói.

Cụ Tâm năm nay đã gần 90 tuổi. Cụ đã trải qua gần 70 năm sống trên đất Hà Thành. Trong cái nắng ong ong, oi bức của trưa hè, quanh ngõ tắt điện, cụ lặng lẽ ngồi cầm chiếc quạt cũ, đôi mắt đăm chiêu mơ màng như nhớ đến chuyện năm xưa. Gợi chuyện, cụ khẽ khàng trong chất giọng trầm đục. Cụ bảo ngày xưa thời cụ còn con gái, Hà Nội mùa này ban ngày cũng không có điện. Nhưng thời đó khí hậu dễ chịu, không khí ít ô nhiễm, xe cộ ít với con người thời ấy quen như vậy rồi. Còn giờ phát triển hiện đại quá, người ta giờ không quen được nóng do có điều hòa, quạt điện, nhất là trẻ nhỏ càng không quen. Nghe chúng khóc và đổ sởi vì nóng mà cụ xót xa hết dạ.

Hàng xóm nhà anh Thức mấy hôm nay khó ngủ hơn vì đêm nào 2 đứa nhỏ nhà anh (1 tuổi và 3 tuổi) cũng khóc. Con bé nhỏ mình nổi sảy, lại thêm chuyện hay thức đêm nên khóc rất to. Thằng anh trai thấy em khóc cũng mè nheo kêu nóng. Nhà trọ chật chội, tối anh chị phải bồng hai đứa nhỏ ra đường, vừa đi vừa quạt.

“Trợ thủ đắc lực” cháy hàng 

Năm nay thời tiết trở nên oi bức hơn mọi năm. Miền Bắc cũng bước vào mùa nóng. Việc cúp điện quả thật với rất nhiều người trở nên khổ sở vô cùng. Nhưng không phải không còn giải pháp. Không trông chờ mọi việc sớm trở lại bình thường, người dân đã tìm cách để tạo ra nguồn điện sinh hoạt trong nhà, ít nhất là phải xua bớt cái nóng gay gắt khó chịu.

Quạt tích điện, máy phát điện,… vốn là các thiết bị người ta nghĩ đến đầu tiên nếu tình trạng cúp điện kéo dài. Nhưng quạt tích điện cũng chỉ đủ tạm xua cái nóng hè oi bức. Còn máy phát thì không phải là lựa chọn ưu việt cho mọi hộ gia đình, vì giá cao, vận chuyển khó, có mùi xăng, khá ồn ào và khởi động cũng mất chút công sức.

Lẽ đó, lần đầu tiên người dân chú ý đến một dòng sản phẩm tạo ra điện gia dụng mà xưa nay ít ai quan tâm, đó là máy kích điện. Anh Nam nhà ở ngõ Hàng Bài chia sẻ, “hồi còn nhỏ chưa có điện cao thế thắp sáng liên tục như bây giờ, lúc nào trong nhà ba tôi cũng để cái bình ắc quy nhỏ. Thật hay là nhờ cái bình này giúp cả xóm tôi coi được phim Tây Du Ký trong những đêm không có điện. Nhưng lúc đó là cắm cái bình ắc quy trực tiếp vào ti vi. Nên từ đó giờ tôi chỉ biết ắc quy cũng thay được điện nhưng năng suất yếu, chỉ dùng một lần cho một sản phẩm trong nhà”.

Anh Nam cho biết mấy ngày qua cúp điện, nhà nóng nực không chịu được nhưng nhà nhỏ làm sao mua máy phát. Anh bèn nhớ đến bình ắc quy. Anh chủ cửa hàng ắc quy đã tư vấn cho anh sử dụng máy kích điện để tạo ra năng suất điện cao hơn, biến dòng điện một chiều 12V của ắc quy thành dòng điện xoay chiều 220V.

“Lúc đó là giữa mấy ngày cuối tháng 5. Tôi mua cả bình ắc quy và một chiếc máy kích điện tốt tổng cộng 4,5 triệu. Lắp ráp rất đơn giản và bà xã tôi vẫn khởi động được vì chỉ cần bật công tắc là xong. Chiếc máy nhà tôi chạy được bóng đèn điện, máy quạt, nấu cơm và một số việc khác”.

Anh nói tiếp, điểm mạnh của máy kích điện là khi có điện trở lại, nó tự sạc đầy và khi cúp điện thì nó khởi động chạy. “Giờ đi làm tôi cũng bớt lo cho mấy đứa nhỏ nghỉ hè ở nhà”. Anh kể thêm chuyện vui, anh đem chuyện máy kích điện này khoe với bạn bè, đồng nghiệp. Hóa ra anh cổ hủ hơn vì có nhiều nhà còn sắm trước anh. Hóa ra mọi người đều biết nhưng sao anh ít thấy loại này phổ biến trước đây.

Dân thủ đô thấp thỏm nỗi lo cắt điện - Ảnh 1.
Không chịu được thời tiết nóng và thương con nhỏ, anh khách hàng này tức tốc đi mua 1 bình ắc quy 100 Ah cùng với bộ đổi nguồn (máy kích điện), sau đó lắp đặt tại nhà phòng mất điện (Ảnh TNO)

Anh Tùng đồng nghiệp của anh Nam nói vui, giờ ra các cửa hàng điện máy người ta xếp hàng mua máy kích điện và ắc quy. Anh kể mấy ngày đầu tháng 6, nắng nóng hơn và điện vẫn luân phiên cúp, anh ra phố Hoàng Mai tìm cho mẹ vợ một chiếc máy kích điện. Đến nơi anh phát hoảng vì người mua đông quá, có người chờ hàng từ sáng vẫn chưa mua được. Anh chạy qua một số cửa hàng khác, tình trạng vẫn tương tự và giá cũng bị đẩy lên cao.

Chủ một cửa hàng điện máy tại phố Hoàng Mai cho biết, xưa nay anh cũng mang máy kích điện về bán nhưng một lần chỉ lấy vài chiếc, hoặc có người đặt mới lấy. Nhưng từ đầu tháng 6 đến giờ mặt hàng này bán không kịp tay, thậm chí không đủ hàng để bán. Có ngày anh bán gần 40 máy kích điện. Anh nói vui vui, “năm nay cúp điện hoài, tự nhiên máy kích điện … “lên ngôi””.

Giải thích vì sao dòng máy kích điện lại được quan tâm đặc biệt trong đợt cúp điện này, anh Trọng Kiều, Giám đốc công ty Điện Năng cho biết, dòng sản phẩm này có ưu điểm là phù hợp với số đông hộ gia đình. Nếu một gia đình cúp điện, thì nhu cầu của họ là quạt trong nhà chạy được, bóng đèn thắp sáng được và sử dụng nguồn điện cho một số nhu cầu khác. Một chiếc máy kích điện tương đối tốt có thể đáp ứng việc này. Hơn nữa máy kích có mẫu mã nhỏ gọn, dễ vận chuyển, không gây ồn, không có mùi khó chịu và tuyệt đối an toàn cho trẻ nhỏ. Tuổi thọ của máy kích điện cũng cao, giá thành phù hợp với túi tiền của đa số các hộ gia đình.

Anh Kiều cho biết thêm, trong những ngày qua, đơn hàng mua máy kích điện của công ty anh tăng gấp 10 lần. Mỗi ngày chi nhánh Hà Nội bán ra vài chục chiếc. Công ty anh lâu nay chú trọng đem lại các sản phẩm chất lượng và chăm sóc khách hàng chu đáo, nên anh chỉ bán dòng máy kích điện dòng sin chuẩn, có thương hiệu. Tuy giá cao hơn một chút so với dòng sin mô phỏng (hay còn gọi là sin vuông), nhưng các đơn hàng của anh những ngày qua vẫn tăng, nhiều thương hiệu không còn hàng để bán.

Lượn qua các cửa hàng điện máy khác, cảnh người dân săn tìm máy kích điện và các sản phẩm tạo điện khác vẫn rất đông đúc. Cảnh tượng này gợi lại cảnh người người xếp hàng mua khẩu trang trong đại dịch COVID 2 năm về trước.

may_phat_dien_chay_hang2.jpg
Người dân đổ xô tìm mua máy kích điện, máy phát điện (Ảnh congly)

Cúp điện đến bao giờ?

Theo thông tin mới nhất, Việt Nam đang lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Các tổ máy tại 11 nhà máy như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát vì 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước cho phép. Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Lòng thuỷ điện Thác Bà ở Yên Bái trơ đáy, ngày 8/6. Ảnh: Ngọc Thành
Lòng hồ thủy điện Thác Bà ở Yên Bái trơ đáy (Ảnh VNE)

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết.

Chỉ còn thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước cho phép.

Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất.

Như vậy ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. Do vậy Miền Bắc nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày.

Dự báo xa hai tháng tới, do tác động của El Nino, cơ quan khí tượng nhận định nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn. Nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình tại miền Bắc và Trung. Lượng mưa tại miền Bắc vẫn có xu hướng thiếu hụt 5-20% so với trung bình nhiều năm.

Trước đó, EVN cho biết qua theo dõi về tình hình vận hành hệ thống điện Quốc gia, trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm tiêu thụ điện tăng cao. Theo đó, dự báo trong các tháng 5,6,7 miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện Quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch. Như vậy, tình trạng thiếu điện có thể tiếp tục kéo dài 1-2 tháng nữa.

Đứng trước thiếu điện nghiêm trọng, cùng mùa nóng đang đến cao điểm, dự báo nhu cầu của thị trường miền Bắc đối với thị phần sản phẩm điện năng như máy kích điện, ắc quy, máy phát điện, quạt tích điện,… tiếp tục tăng cao, thậm chí dẫn đến hàng khan hiếm, cầu vượt cả cung.

Nghi Vân 

BN 3 jpeg 1

Xem thêm:

9 hồ thuỷ điện thiếu nước, 11 nhà máy phải dừng phát điện

Miền Bắc cúp điện luân phiên, người dân “oằn mình” tìm đường xoay sở

Miền Bắc có thể thiếu điện trong hầu hết các giờ trong ngày

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều