spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Người viết thư tay mướn “xuyên hai thế kỷ” ở Bưu điện Sài Gòn qua đời

Tân Thế Kỷ – Ông Dương Văn Ngộ – người viết thư tay thuê cuối cùng ở Sài Gòn đã qua đời tại nhà riêng hôm 1/8, hưởng thọ 94 tuổi.

Bà Dương Thị Yên – con gái út ông Ngộ cho biết: “Ba tôi đi trên tay tôi, nhẹ nhàng và thanh thản”. Gia đình làm lễ nhập quan cho ông lúc 8 giờ ngày 2/8 tại nhà riêng, 122/76 Phan Văn Hân, P.17, Q.Bình Thạnh. Ngày 5.8, linh cữu ông sẽ được đưa về nghĩa trang Hoa viên Bình Dương an táng.

Theo lời bà Yên, tối 1.8, bà thấy ba mệt, khó thở nên chạy xe máy sang nhà người quen ở Q.6 để mượn bình ô xy. Khoảng hơn một năm nay, sức khỏe ông Ngộ suy giảm nên cũng có những lần ông khó thở như thế.

Về tới nhà khoảng 19 giờ 30, trong lúc mọi người sửa soạn bình ô xy thì ông than mệt. Đỡ ba  ngồi dậy dựa lưng vào ngực mình, ông Ngộ hỏi con gái: “Ở đây sao giống Dinh Độc Lập?”. Bà Yên bảo: “Đây là nhà mình ba ơi!”. Rồi ông không trả lời, ra đi trên tay con gái.

“Ngày thường ba tôi thích ăn bánh trung thu và măng cụt lắm, buổi chiều đã mua về để sẵn nhưng ba chưa kịp ăn thì đi”, bà Yên chia sẻ.

Người viết thư tay thuê cuối cùng ở Sài Gòn

Ông Dương Văn Ngộ gắn bó với nghề bưu chính từ năm 16 tuổi, từng trải qua nhiều vị trí làm việc khác nhau. Năm 1990, sau khi nghỉ hưu, ông Ngộ bày tỏ nguyện vọng được ở lại bưu điện để viết thư thuê. Thông thạo tiếng Anh và Pháp, ông Ngộ là người chuyển ngữ những bức thư trước khi khách gửi đi nước ngoài.

Một tay cầm kính lúp soi kỹ từng câu chữ, tay kia hí hoáy viết, đã hàng chục năm nay ông lão ấy vẫn miệt mài viết thư “mướn” cho khách. Cạnh bên, người khách lặn lội gần 200 km vẫn nhẫn nại chờ đến lượt.

Hình ảnh ông cụ tóc bạc trắng, ăn vận giản dị ngồi một góc khiêm nhường trong Bưu điện trung tâm TP.HCM trở nên thân thuộc với nhiều người dân TP hơn 30 năm nay. Từ góc nhỏ đó, những lá thư tay được ông dành hết tâm sức viết tỉ mẩn, là cầu nối cho không biết bao nhiêu người khắp nơi trên thế giới.

Untitled 3
Hình ảnh ông cụ tóc bạc trắng, ăn vận giản dị ngồi một góc khiêm nhường trong Bưu điện trung tâm TP.HCM trở nên thân thuộc với nhiều người dân TP hơn 30 năm nay. – Ảnh chụp màn hình

Bằng sự hiểu biết của mình, ông còn chia sẻ đến du khách trong và ngoài nước những câu chuyện về thành phố, về công việc mình đang làm.

Xung quanh ông luôn có vài người ngồi đợi để đến lượt nhờ viết hộ thư bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Dán mắt say sưa nhìn ông viết, nhiều người trầm trồ cảm phục bởi những nét chữ rất đẹp, thanh thoát.

Tuy Sài Gòn mọc lên các trung tâm văn phòng dịch thuật nhưng vẫn có nhiều người như vị khách ấy tìm đến với ông Ngộ. Theo họ, khi đến các trung tâm dịch thuật phải đợi ít nhất một ngày. Hơn nữa câu chữ mà họ dùng thường khô khan, không thể hiện được tình cảm. Còn với ông lão, họ rất tin tưởng vì ông đã truyền đạt giúp họ tình yêu thương ở trong từng câu chữ.

Năm 2009, ông Ngộ được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam.

z4567974290695 9d86adc05cfcad7fdda15f942233913a 1690948386779537865275
Ông Ngộ làm việc ở Bưu điện trung tâm TP.HCM. Ảnh chụp vào tháng 7.2019. – Ảnh: Phan Diệp

Cuối năm 2020 ông thôi làm việc ở bưu điện do tuổi cao sức yếu. Trước đó không lâu, ông bị tai nạn xe phải nhập viện khiến sức khỏe giảm sút.

Hay tin ông Ngộ qua đời, ông Lê Quang Liêm (79 tuổi, thợ chụp ảnh dạo trước Bưu điện trung tâm TP.HCM hơn 20 năm nay) không khỏi xúc động, tiếc thương.

“Cùng là những người thuộc thế hệ già như nhau nên khi ông ấy còn lui tới bưu điện làm việc chúng tôi cũng thường trò chuyện. Ông ấy là một người hiền lành, ít nói và rất chăm chỉ làm việc, thường giao tiếp với khách Tây”, ông Liêm nhớ lại.

Hình ảnh một ông lão đạp chiếc xe cà tàng đến bưu điện trung tâm Sài Gòn, cần mẫn viết hộ những dòng thư cho khách đã trở thành quen thuộc, một nét rất riêng của Sài Gòn nay đã không còn nữa.

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 4

Chàng trai người Tày chụp 999 bức ảnh đời thường khắp Việt Nam đổi lấy nụ cười

Nhặt được 17 triệu trả lại cho người mất, bỗng bị tòa án gửi giấy triệu tập

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều