spot_img
28 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Quán cơm bán “nhanh nhất Việt Nam” của vợ chồng Việt – Mexico ở Sài Gòn

Tân Thế KỷSáng sáng, vợ chồng Việt Nam – Mexico ông Nicolas Antonio và bà Trần Hoàng Kim ở quận 12, TP.HCM lại miệt mài đứng bếp. Bếp ăn 0 đồng của họ đã hoạt động đều đặn suốt 4 năm qua, mỗi ngày phát 200 hộp cơm miễn phí đến người khốn khó.

Địa chỉ thân thương của những người nghèo

4 năm trước, bà Kim bắt đầu làm bếp ăn 0 đồng, khi ấy thuê ngôi nhà trong con hẻm nhỏ, chỉ đủ xe máy đi lọt ở khu Thanh Đa – Bình Qưới, quận Bình Thạnh. Thời điểm ấy do hẻm chật nhà nhỏ nên khó phát cho nhiều người, tuần chỉ làm một lần khoảng 100 suất ăn. Cuối tuần bà cùng nhóm thiện nguyện đi phát cơm trong bệnh viện, mỗi lần gần 600 phần cơm.

Bây giờ, mỗi ngày ông Nicolas Antonio và bà Trần Hoàng Kim ở quận 12 phát hết 200 hộp cơm miễn phí. Hai vợ chồng đã cặm cụi từ rạng sáng để đủ cơm, đặt trước hiên nhà ở trong hẻm 43, đường Vườn Lài tặng những người khó khăn.

anh 1 com 0 dong 1690231092332879871010
Quán cơm do chị Kim cùng chồng mở. – Ảnh: thanhnien.vn

9 giờ, khách đã ùn ùn kéo đến, ngồi kín hết mấy chục cái ghế. Khách đông tới mức bên trong không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải chờ ở bên ngoài để được nhận cơm. Theo quan sát của phóng viên, thực khách tới đây ăn chủ yếu là những người lao động khó khăn, người lượm ve chai, bán vé số, người già, người bệnh…

Trong số những khách “ruột” của quán có bà Vũ Thị Hương (62 tuổi, ngụ Q.12) làm nghề lượm ve chai. Bà cho biết đã ăn ở đây hồi tháng 3, khi vô tình biết tới quán rồi kể từ đó ngày nào cũng đều đặn tới nhận cơm. “Cơm ở đây ngon lắm, sạch sẽ. Tôi lấy cơm không chỉ cho tôi mà còn cho mẹ 86 tuổi ở nhà. Nhờ quán cơm này mà mình không phải lo mỗi ngày ăn gì, còn tiết kiệm được tiền. Mong cho quán được duy trì mãi để những người khó khăn như chúng tôi đỡ lo”, bà bày tỏ.

Trong số những người chờ nhận cơm sáng 26/7 có bà Nga quê Đồng Nai làm nghề bán vé số. Bà cho biết ngày nào cũng đi bộ gần hai km tới nhận 4 phần cơm cho mình và cháu ngoại. “Bán vé số lời chẳng là bao, có được suất ăn miễn phí giúp tôi tiết kiệm mỗi buổi trưa 20.000-30.000 đồng. Tiền này tôi có thể trang trải được những thứ khác”, bà Nga chia sẻ.

Quán cơm bán “nhanh nhất Việt Nam”

Đúng giờ, dòng khách lần lượt xếp hàng chờ lấy những phần cơm đã được đóng gói sẵn rồi mang đi. Nụ cười và lời cảm ơn hiện diện trên gương mặt của cả người bán và người mua khiến ai cũng thấy ấm lòng. Chưa đầy 15 phút, cơm đã được bán sạch, có khách nói vui đây là quán cơm bán “nhanh nhất VN”. Nghe xong, ai cũng phì cười.

anh 2 com 0 dong 16902310923781707884155
Quán đông nghẹt khách, dù chưa tới giờ mở bán. – Ảnh: thanhnien.vn

Bà Kim tâm sự: “Tôi gọi là cơm 0 đồng thay vì miễn phí để mọi người không có cảm giác được ban phát hoặc mặc cảm vì nghèo mới phải nhận đồ từ thiện”.

Theo bà Kim, bếp ăn là nơi mình gửi gắm tình yêu thương đến cộng đồng với phương châm “cho đi là còn mãi”. Dù miễn phí, hai vợ chồng luôn rất kỹ trong khâu vệ sinh thực phẩm. Họ không muốn đặt cơm từ các bếp ăn công nghiệp để đảm bảo vệ sinh. Trong nhà còn có gian hàng 0 đồng gồm quần áo, thực phẩm, thuốc men để ai cần có thể mang về.

Những bữa cơm ấm lòng

Bà Kim (37 tuổi) nhanh tay đảo đều chảo rau xào, chốc chốc lại trở nồi cá kho cho thấm đều gia vị. Ở bên cạnh, ông Nicolas Antonio múc từng vá cơm nóng từ chiếc nồi lớn ra sẵn từng hộp.

Bà Kim kể: “Chế biến cả trăm suất ăn thì cần quen tay, nhiều khi ông cũng muốn thử nấu mà tôi không cho, nên chủ yếu phụ việc vặt”. Thực đơn mỗi ngày đều được thay đổi, phần ăn đầy đủ món mặn, rau và trái cây tráng miệng.

Trung bình một lần nấu cơm hết khoảng 25 kg gạo và 40 kg rau, thịt với chi phí một triệu đồng. “Lúc đầu là tiền túi rồi sau này có thêm nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Có những hôm không đủ chi phí thì tôi nấu cơm chay cho bà con”, bà Kim nói.

anh 3 com 0 dong 1690231092384869534504
Bữa cơm khiến nhiều người khó khăn no bụng, ấm lòng. – Ảnh: thanhnien.vn

Trước đó, suốt 10 năm bà Kim chủ yếu sống ở Malaysia với nghề làm tóc. Sau giờ làm việc bà thường đi nấu cơm, làm bánh phát cho các cô nhi viện, mái ấm, trẻ khuyết tật ở nước sở tại. Năm 2019, khi về nước, bà ấp ủ mở một bếp ăn thiện nguyện cho những người lao động khó khăn.

Bà Kim có mối tình 9 năm với ông Nicolas Antonio. Khi bà về nước, hai người đăng ký kết hôn và dự định sẽ sang Mexico, bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, do nhận thấy bếp ăn của mình chưa san sẻ được cho nhiều người bà thuyết phục chồng ở lại để sống với đam mê thiện nguyện.

“Tôi tin vào nhân quả, tin vào việc khi mình cho đi thì chắc chắn sẽ nhận lại được nhiều hơn như thế. Như việc mở quán cơm này hỗ trợ cho người khó khăn, tôi nhận lại được nụ cười, sự quý mến của mọi người và tôi thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa. Đó cũng là động lực để tiếp tục công việc của mình”, bà Kim giãi bày.

“Tôi dự định sẽ ở Việt Nam đến hết năm sau hoặc lâu hơn cho đến khi tìm được người có thể thay mình đảm đương được bếp”, bà Kim cho biết. Về phần ông Antonio, ông hoàn toàn ủng hộ quyết định của vợ. Người đàn ông Mexico tâm sự: “Việc của tôi chỉ là phụ vợ nấu nướng, phát đồ cơm mỗi ngày. Thấy vợ vui khi giúp được nhiều người khác là tôi hạnh phúc rồi”.

Cuộc sống là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng, mỗi người chúng ta là một mắc xích quan trọng trong vòng liên kết ấy. Vì vậy, đừng do dự khi mở rộng lòng mình với mọi người. Rất nhiều người, nhiều nơi trên thế giới đang chờ đợi ở bạn một sự hảo tâm, một vòng tay ấm áp…

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 2

Phúc phần may mắn nhiều hay ít, nhìn vào bát cơm của một người liền biết ngay!

Cho 3 thiếu niên ăn xin bữa cơm, người phụ nữ được báo đáp tiền tỷ

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều