spot_img
30 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Sạt lở đất do nguyên nhân gì, vì sao khó dự đoán trước?

Tân Thế KỷNhững ngày qua, thông tin về các vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khiến 4 người bị chôn vùi đã khiến dư luận bàng hoàng. 

Thực tế, cứ đến mùa mưa bão, các vụ sạt lở đất thường hay xảy ra ở các vùng đồi núi có độ dốc cao. Sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ, khó dự đoán trước. Lý do vì sao?

Sạt lở xảy ra do đâu, vì sao không thể báo trước? - 3
Sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng đã chon vùi 4 người và gây tắc nghẽn giao thông những ngày qua (Ảnh Dân Trí)

Sạt lở đất được hình thành như thế nào?

Sạt lở đất là sự dịch chuyển của một khối hay những tảng đá nhiều kích cỡ kèm theo lượng đất lớn trượt xuống con dốc từ triền núi hay trên đồi cao.

Nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở do nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết như mưa lớn kéo dài, tuyết tan, xói mòn dòng chảy, thay đổi mạch nước ngầm, động đất, hoạt động của núi lửa khiến đất bị phong hóa (quá trình hủy đất đá và các khoáng vật trong đó).

Mất rừng tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Nhiều nơi tỷ lệ che phủ của rừng lên tới 70 – 80%, nhưng là rừng tái sinh hoặc rừng trồng, nên không mấy hiệu quả trong việc chống sạt lở, do hệ thống rễ cây không phát triển đủ tốt để giữ nước.

Chính tác động của con người như chặt phá rừng lấy gỗ, làm nương rẫy, phá hủy thảm thực vật và làm thay đổi kết cấu đất, đá cũng góp phần làm giảm sức bền đất đá nằm trên mái dốc.

085953 khoi luong dat da do sat lo nui o thuy dien rao trang 3 la rat lon
Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Rào Trăng (Ảnh TTXVN)

Tác động của trọng lực sẽ kéo theo những khối đất đá sạt lở, đổ bộ theo sườn dốc.

Lúc này, chỉ cần một hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra (thường là do mưa lớn), sẽ đóng vai trò kích hoạt hiện tượng sạt lở xảy ra.

Sự dịch chuyển của những tảng đá khi sạt lở có thể rất nhanh và đột ngột, đặc biệt trong điều kiện xảy ra những trận mưa bão dữ dội, hoặc có thể chậm đến mức chúng ta không thể nào phát hiện ngay (ngoại trừ một vài dấu hiệu như vết nứt trên mặt đất, sụt lún trên những con đường bị ảnh hưởng).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sạt lở đất có thể lan rộng hơn bất kỳ sự kiện địa chất nào khác, và xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Ước tính năm 1998 – 2017, sạt lở đất ảnh hưởng đến khoảng 4,8 triệu người, và khiến hơn 18.000 người thiệt mạng.

Lật lại những vụ sạt lở đất kinh hoàng trên thế giới trong nhiều năm qua - Ảnh 8.
Ngày 25/12/2015, một vụ lở đất xảy ra tại thị trấn Hpakant, bang miền Bắc Kachin, khu vực được xem là trung tâm của ngành khai thác ngọc bích trị giá hàng tỷ USD của Myanmar, khiến ít nhất 116 người thiệt mạng. Đây là vụ lở đất lớn thứ hai tại nước này trong chỉ trong vòng một tháng. Ảnh: TTXVN.

Sạt lở đất có thể dự báo hay không?

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, chưa thể dự báo sạt lở đất đá. Việc cảnh báo được thực hiện trước từ 3-6 giờ trên diện chứ không thể cảnh báo điểm, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể sạt lở đất đá.

Nơi xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất chủ yếu ở các tỉnh miền núi, địa hình núi cao, dốc dựng, lòng suối khe hẹp, lượng mưa lớn tập trung trong phạm vi nhỏ, thời gian mưa lâu. Nhưng việc dự báo được chính xác thời điểm và vị trí xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất khó khăn.

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), sạt lở đất có thể được phòng tránh thông qua việc lắp đặt các hệ thống máy quan trắc đa thiên tai, từ đó giám sát một số sườn dốc cụ thể.

Tuy nhiên, tính khả thi của phương pháp này còn gặp nhiều hạn chế, bởi như đã nói, sạt lở đất có thể xảy ra ở khắp mọi nơi.

Bởi vậy, phương pháp chỉ hiệu quả đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao và cao. Ngược lại, ở những khu vực có nguy cơ sạt lở thấp, rất thấp, thì cách làm này không hiệu quả vì không biết khi nào mới xảy ra.

Thông thường, các hệ thống quan trắc đắt tiền sẽ được ưu tiên lắp đặt tại một số sườn dốc quan trọng, mà nếu xảy ra sạt lở, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và cơ sở vật chất, như đường cao tốc, gần các trung tâm dân cư lớn…

Còn đối với các sườn dốc tự nhiên ở các vùng nông thôn, miền núi hoang sơ… thì việc dự đoán vẫn là một vấn đề nhức nhối. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam, mà ngay cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật… cũng gặp phải.

Hiện nay, công nghệ chưa cho phép dự báo chính xác định lượng mưa. Thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất không có đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế. Sự tác động của con người hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản chưa được thống kê, nghiên cứu đầy đủ.

Cách phòng tránh một trận lở đất 

Đối với những gia đình sống trên hay dưới những sườn núi, triền đồi cao, cần theo dõi tin tức và dự báo thời tiết thường xuyên, nếu có cảnh báo mưa kéo dài hay bão cần phải xem mình có sống trong khu vực dễ sạt lở hay không.

Tránh các hoạt động có thể làm tăng sự mất ổn định của mặt đất. Ví như, tránh đào sâu một ngọn đồi dốc, xây dựng nhà ở trên cùng hoặc dưới cùng của dốc đứng, chặt phá, khai rác rừng bừa bãi…

Người dân có thể học cách nhận biết các dấu hiệu của một vụ sạt lở đất như sự xuất hiện của các vết nứt, chỗ phồng trên dốc, dòng nước chảy xuống dốc bất thường, dòng chảy thay đổi đột ngột và đá nhỏ vỡ vụn rơi xuống.

Theo dõi lưu lượng thoát nước mưa trên các sườn dốc gần nhà bạn ở, đặc biệt là nơi nước tụ lại.

Khi lái xe bên cạnh các sườn dốc trong thời tiết xấu, hãy để ý các vết lở đất, đặc biệt là ở chân dốc. Nếu có dấu hiệu đường bị sụp xuống và xuất đá vụn rơi từ trên dốc là dấu hiệu của trận lở đất sắp xảy ra.

Đáng chú ý, xói mòn trong lở đất, đá có thể dẫn đến lũ quét, chính vì thế khi gặp hiện tượng này mà mưa lớn vẫn kéo dài, người dân cần phải có những phương án đề phòng khác, theo dõi tin tức từ chính quyền địa phương, dự báo thời tiết để có thể có kịp thời sơ tán hay bảo quản những món đồ có giá trị trong nhà nếu lũ quét xảy ra.

Nghi Vân (t.h)

Hanhtrinh140x72 4

Xem thêm:

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: 37 người thoát nạn trong gang tấc

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc có liên quan gì đến đồi sầu riêng giữa rừng?

Sạt lở đè trạm cảnh sát giao thông khiến 3 chiến sĩ và 1 người dân mất tích trên đèo Bảo Lộc

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều