spot_img
26 C
Vietnam
Thứ Bảy,27 Tháng Bảy
spot_img

Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và vụ kiện Show “Tiếng Trống Mê Linh”

Tân Thế Kỷ – Công ty CP Truyền thông Vietart khởi kiện Sở Văn hóa Thể thao vì “kéo dài thời gian” cấp phép vở cải lương Tiếng trống Mê Linh. Tuy nhiên tại phiên xét xử ngày 1/8 Sở Văn Hoá và Thể Thao Hà Nội vắng mặt.

Doanh nghiệp kiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội| Tân Thế Kỷ
Vở diễn Tiếng trống Mê Linh hôm ngày 15/10/2022 – BTC/VNE

Ngày 1/8, phiên xử vụ kiện hành chính diễn ra tại TAND Hà Nội nhưng bị đơn là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vắng mặt. Phiên Tòa vẫn tiếp tục khi đã có đơn giải trình của bị đơn và bên khởi kiện cũng không yêu cầu hoãn phân xử.

Theo trình bày tại toà, từ ngày 5/8/2022 khi Công ty Vietart nộp hồ sơ đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin tổ chức biểu diễn chương trình Ngôi sao Phương Nam số 10 với vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Trong hơn một tháng sau đó, Sở có 3 văn bản phúc đáp đề nghị Vietart bổ sung hồ sơ liên quan quyền tác giả, tác quyền; thông báo về việc giao Tiểu ban sân khấu, tạp kỹ thẩm định về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật; thông báo tiếp tục thẩm định lần 2 sau khi chỉnh sửa kịch bản. Ngày 3/10/2022, Sở chấp thuận tổ chức biểu diễn cho Vietart.

Tại đơn khởi kiện, Công ty Vietart cho rằng quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao đã “có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính”, “yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định”.

Việc này bị Vietart cho rằng “gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp”, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ mà không có lý do hợp pháp…

Mặc dù được cấp phép trước thời điểm biểu diễn 9 ngày, Vietart cho rằng không có đủ thời gian để quảng cáo, bán vé khiến chương trình bị thua lỗ.

Đại diện Vietart trình bày trước tòa: “Đây là chương trình cải lương, khán giả chủ yếu là trung niên trở lên nên phải quảng cáo bằng băng rôn, trực tiếp chứ khó dùng nền tảng Internet. Ít ngày như vậy nên càng khó bán vé. Hai đêm biểu diễn chúng tôi xuất 1.100 vé với giá trung bình một triệu đồng/vé, nhưng chỉ bán được 200, thu về 200 triệu đồng. Số vé còn lại, chúng tôi mang hết đi biếu, tặng”.

Vietart còn cho rằng, việc Sở Văn hóa Thể thao yêu cầu tổng duyệt chương trình trước 3 ngày biểu diễn là không hợp lý bởi làm tăng chi phí ăn ở, vé máy bay. Doanh nghiệp phải “bù” thêm chi phí này cho các nghệ sĩ, ekip từ TP.HCM ra Hà Nội. Thông thường việc tổng duyệt diễn ra trước một ngày hoặc buổi sáng, chiều cùng ngày biểu diễn.

“Chúng tôi đã chấp nhận nhưng khi tổng duyệt cũng lộ rõ việc gây phiền hà. Một vở cải lương nhưng lại tổng duyệt trên phông nền, sân khấu của đêm nhạc trữ tình Phú Quang – Miền ký ức”, đại diện Vietart nói và đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại 672 triệu đồng chi phí sản xuất chương trình, 1.000 đồng tiền bồi thường về danh dự.

Tuy nhiên, Chủ tọa sau đó giải thích, đây là một vụ kiện về quyết định hành chính nên có lẽ Vietart nên dành quyền yêu cầu bồi thường ở vụ án dân sự khác.

Đại diện Vietart cho rằng “thứ mà doanh nghiệp cần là một lời xin lỗi công khai từ Sở”. Vietart không cố gắng chứng minh hay đưa ra các chứng cứ để xác định thiệt hại mà cần tòa phân định để “có sự minh bạch và nhìn thấy rõ sai sót của Sở”.

“672 triệu hay kể cả tòa tuyên một đồng, tôi cũng đồng ý. Bởi khi đứng ở đây, trước tòa, cái chúng tôi cần hơn hết là sự công bằng, không chỉ cho mình mà còn là tiền lệ cho các doanh nghiệp khác”, đại diện Vietart nói.

Giải trình từ Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội

Do vắng đại diện nguyên đơn, chủ toạ công bố văn bản giải trình của Sở Văn hóa Thể thao cho hay năm 2022 có 355 hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tất cả đều được Sở xử lý theo đúng trình tự, thủ tục.

Ngoài vở kịch này, năm 2022 Vietart còn đề nghị tổ chức biểu diễn 4 chương trình nghệ thuật khác và được Sở giải quyết “không chậm, muộn”. Vì thế Vietart nói Sở gây phiền hà, khó khăn là chưa khách quan.

Giải thích về các vấn đề bị khởi kiện, Sở cho rằng chương trình vở cải lương Tiếng trống Mê Linh chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên đơn vị mới đề nghị công ty này bổ sung văn bản chấp thuận.

Mặt khác, dù ngày 3/10/2022 Sở Văn hóa và Thể thao mới có văn bản chấp thuận cho VietArt tổ chức chương trình nhưng doanh nghiệp này đã quảng cáo bán vé trên mạng xã hội từ đầu tháng 9.

Về vấn đề đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm hơn 3 ngày so với ngày biểu diễn, Sở cho rằng làm như vậy để có thời gian xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên.

Từ đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định “không gây thiệt hại nên bác toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của VietArt”.

SỞ văn hoá thông tin và vụ kiện tiếng trống Mê Linh| Tân Thế Kỷ
Phiên toà vắng mặt bị đơn là Sở Văn hoá Thông tin Hà nội – Phạm Dự/VNE

 


“Tiếng trống Mê Linh” là vở cải lương kinh điển của Soạn giả Vĩnh Ðiền, được công diễn lần đầu tiên vào năm 1977. Nguyên tác của vở diễn vốn là một vở chèo mang tên “Trưng Vương” của tác giả Việt Dung.

Nội dung vở diễn nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong thời Bắc thuộc, dưới sự cai trị hà khắc của thái thú Tô Ðịnh, ngay cả lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng không được tổ chức. Vì yêu nước, bà Trưng Trắc đã lập bàn thờ tế sống chồng mình, cùng em gái Trưng Nhị lãnh đạo người dân Nam khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược.

Thông thường tại các vở diễn, khán giả sẽ vừa xúc động vừa tự hào khi nhân vật Trưng Trắc dõng dạc lời thề non sông: “Hỡi đồng bào trăm họ/Giặc Ðông Hán đang xéo giày đất nước/Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/Thà chết mà đứng thẳng/Không cam chịu sống quỳ/Ðất nước Nam cẩm tú/Người dân Nam anh hùng/Trước đền thờ Quốc Tổ/Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/Xin thề!”.


Chỉ khi vào đường cùng doanh nghiệp với kiện nhà nước

Bảo vệ cho người khởi kiện, luật sư Hoàng Văn Hướng, cho hay “chỉ khi vào đường cùng doanh nghiệp mới đi kiện cơ quan nhà nước” nên vụ kiện hành chính này “là rất hiếm”. Ông nói doanh nghiệp kiện cũng vì muốn văn minh, minh bạch, khách quan hơn “chứ không có ý đồ gì”.

Nêu ý kiến về vụ việc, đại diện VKS cho rằng Sở Văn hóa và Thể thao không có hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp nên đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Dự kiến toà sẽ tuyên án vào chiều 2/8.

BN 2 jpeg

Hoàng Nam tổng hợp.

Việt Nam đón hai lần Siêu Trăng trong tháng 8/2023

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc có liên quan gì đến đồi sầu riêng giữa rừng?

Ý kiến trái chiều về việc ngập nước Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều