spot_img
23 C
Vietnam
Thứ Năm,16 Tháng Năm
spot_img

Vì sao những bậc Thánh nhân lựa chọn buông bỏ cuộc sống tốt đẹp để tu hành?

Vì sao những bậc Thánh nhân lựa chọn buông bỏ cuộc sống tốt đẹp để bước trên con đường tu hành?
Tượng Hoằng Nhất Đại sư. (Wikipedia)

Trong khi mọi người theo đuổi hạnh phúc trên thế gian, thì rất nhiều thánh nhân lựa chọn vứt bỏ rất nhiều thứ trên thế gian. Họ rõ ràng có một cuộc sống tốt đẹp mà mọi người ngưỡng mộ, vì sao cứ phải chọn con đường tu hành khổ cực?

Người chồng xuất gia

Một ngày mùa xuân năm 1918, một người phụ nữ cùng bạn tìm kiếm khắp các chùa miếu ở Hàng Châu. Cuối cùng trong một ngôi chùa gọi là “Hổ Bào”, cô tìm được người chồng đã xuất gia của mình.

Thì ra, đó là một người đàn ông 39 tuổi, vốn là giáo viên ở trường Sư phạm số 1 Triết Giang bên bờ Tây hồ. Trước đó không lâu, anh đã nghỉ làm giáo viên, rời khỏi trường học, đến ngôi chùa này xuống tóc đi tu.

Mười năm trước, khi đang du học tại Nhật Bản, anh đã quen biết và kết hôn với vợ. Kể từ đó, họ đã có nhiều lần gặp gỡ rồi chia ly, nhưng đây là lần tiễn biệt cuối cùng. Người chồng quyết định rời khỏi thế giới phồn hoa này, quy y cửa Phật.

Hai người ngồi ăn trong quán chay, đối diện mà không nói nên lời. Người chồng trao chiếc đồng hồ đeo tay cho vợ làm vật kỷ niệm, rồi an ủi cô rằng: “Em có nhiều kỹ năng, trở về Nhật Bản sẽ không thất nghiệp”

Cứ như vậy, một người đứng trên bờ Tây hồ nhìn chiếc thuyền nhỏ dần khuất xa, khóc không thành tiếng. Còn người trên thuyền không một lần quay đầu nhìn lại.

Người phụ nữ Nhật Bản đáng thương kia có thể đến khi chết cũng không hiểu được chồng mình vì sao lại bạc tình bạc nghĩa như vậy.

Người đàn ông kia chính là tuyệt thế tài tử nổi tiếng thời Trung Hoa Dân Quốc, Lý Thúc Đồng

Buông bỏ tiền tài và danh tiếng

Một người tận hưởng vinh hoa phú quý trên thế gian, muốn gì được nấy, có lẽ chính là người hạnh phúc nhất trên thế gian, không có điều gì để hối tiếc. Nếu không, vì sao mọi người phải nỗ lực để theo đuổi một cuộc sống tốt hơn, có thể vì đạt được điều gì đó mà cảm thấy hạnh phúc, hay có thể vì mất đi thứ gì đó mà cảm thấy đau khổ? 

Thế nhưng, trong khi mọi người theo đuổi hạnh phúc trên thế gian, thì rất nhiều Thánh nhân lựa chọn từ bỏ rất nhiều thứ trên thế gian. Họ rõ ràng có một cuộc sống tốt đẹp mà mọi người ngưỡng mộ, vì sao cứ phải chọn con đường tu hành khổ cực chứ? Con người sống trên thế gian không ngoài vì danh, lợi, tình, mà buông bỏ những thứ này rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Quay lại thời gian năm 1880, tại Thiên Tân, có một đứa trẻ tên là Lý Thúc Đồng với thân phân con trai của một phú thương, sinh ra đã ngậm thìa vàng

Lý Thúc Đồng từ nhỏ đã là tiểu thần đồng, rất có thiên phú ở lĩnh vực văn nghệ. Sau này, ông còn trở thành tiên phong của giới nghệ thuật Trung Quốc. Ông không chỉ đưa tranh sơn dầu, đàn dương cầm, kịch nói…du nhập vào Trung Quốc, mà còn tinh thông thư pháp, thơ từ, tranh truyền thống, âm nhạc, khắc ấn, văn học, kim thạch học, v.v… Bài “Tống biệt” do ông viết lời đặt tên, đến nay vẫn được rất nhiều người biết đến.

800px 弘一大師1896年攝於天津
Lý Thúc Đồng ở Thiên Tân. (Miền công cộng)

Tuy nhiên, vào năm 39 tuổi, Lý Thúc Đồng lựa chọn cạo đầu xuất gia. Khi đó có nhiều người không hiểu được vì sao Lý Thúc Đồng có danh tiếng rất lớn, từng sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm văn nghệ xuất sắc, còn có một gia đình rất hạnh phúc, đúng vào lúc đang trên đỉnh cao của đời người, lại lựa chọn buông bỏ tất cả để xuất gia.

Người hiểu ông nhất chính là Phong Tử Khải, học trò của ông. Trong khoảng thời gian tiếp xúc với thầy, từng nghe thầy nói: “Cuộc đời của con người có ba loại, loại thứ nhất là cuộc sống vật chất, loại thứ hai là cuộc sống tinh thần, loại thứ ba là cuộc sống linh hồn”.

Cuộc sống trước khi xuất gia của Lý Thúc Đồng có thể được xem là khá đơn giản. Đối với cuộc sống vật chất, ông không có truy cầu đặc biệt gì. Trước khi xuất gia, Lý Thúc Đồng đã sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm nghệ thuật rồi, từ đó có thể thấy rằng, cuộc sống tinh thần của ông cũng đã rất phong phú đầy đủ. Như vậy, nếu ông muốn nâng cao cuộc sống của mình, theo đuổi cuộc sống ở tầng cao hơn, ông phải lựa chọn loại thứ ba, chính là cuộc sống của linh hồn.

Thật ra, việc xuất gia của Lý Thúc Đồng có liên quan đến Hạ Diễn Tôn, người bạn tốt của ông. Có một lần, trong trường có người nổi tiếng đến thuyết giảng, Lý Thúc Đồng và người bạn Hạ Diễn Tôn không thích cảnh ồn ào náo nhiệt, hai người bèn đến hồ Tâm Đình để uống trà.

Hạ Diễn Tôn nói, những người giống như họ thế này thì xuất gia làm hòa thượng thực ra cũng rất tốt. Lý Thúc Đồng nghe được câu này, đã âm thầm chôn trong lòng hạt giống xuất gia. Một lần khác, Hạ Diễn Tôn đọc được trong một cuốn tạp chí có một bài viết về việc nhịn ăn, viết rằng các Thánh nhân trong tôn giáo từ thời xưa như Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, cũng đều đã từng nhịn ăn, ông cảm thấy rất thú vị liền chia sẻ với Lý Thúc Đồng.

Kết quả là một năm sau, Lý Thúc Đồng một mình thực hiện nhịn ăn, sau đó còn bắt đầu xem kinh Phật, ăn chay, thờ tượng Phật, làm cư sĩ tu hành. Không lâu sau đó, ông liền xuống tóc đi tu, trở thành Hoằng Nhất Pháp sư.

Các học trò cũng từng hỏi thầy Lý Thúc Đồng: “Vì sao thầy nhẫn tâm bỏ rơi vợ con mà xuất gia?”

Lý Thúc Đồng đáp: “Đời người vô thường, nếu như mắc bệnh mà chết, đến lúc đó không nhẫn tâm bỏ rơi vợ con cũng buộc phải làm như vậy”. 

Sinh lão bệnh tử là những điều con người không thể kiểm soát được, có lẽ Hoằng Nhất Pháp sư hiểu được đạo lý này nên đã đi trước người khác một bước.

Trên thực tế, trước khi xuất gia, Lý Thúc Đồng từng viết một bức thư gửi cho vợ. Trong đó viết rằng: “Ra quyết định như vậy, không phải vì ta bạc tình bạc nghĩa, mà bởi vì trên con đường Phật Đạo gian nan, vĩnh hằng, ta phải buông bỏ tất cả, ta buông bỏ nàng, cũng buông bỏ tất cả những tài phú và danh tiếng trên thế gian. Những điều này đều chỉ là thoáng qua, không đáng để lưu luyến”.

李叔同早期書法
Tác phẩm thư pháp của Lý Thúc Đồng. (Wikipedia)

Từ đó trên thế gian đã không còn một Lý Thúc Đồng làm thơ, viết lời nhạc, viết thư pháp hay vẽ tranh nữa, chỉ có một danh tăng Hoằng Nhất Pháp sư.

Cuộc sống vật chất tốt đẹp khiến người khác phải ngưỡng mộ, nhưng trong mắt của bậc trí giả, có lẽ đó không phải là niềm vui vĩnh hằng, và cũng không thể nào vĩnh hằng được.

Những bậc Thánh nhân trong lịch sử cũng từng buông bỏ những thứ ở thế gian

Chúng ta đều biết rằng, Phật Thích Ca Mâu Ni có xuất thân tôn quý. Khi ra đời, Ngài đã là Hoàng tử Tất Đạt Đa, người sẽ kế thừa vương vị của vua Tịnh Phạn. Hoàng tử Tất Đạt Đa được tận hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý. Người khác có thể cho rằng, Ngài có một cuộc sống khiến người khác ngưỡng mộ,

Trong “Thích Ca phương chí” có chép:

Trong một lần, Hoàng tử Tất Đạt Đa ra ngoài dạo chơi, nhìn thấy một người sinh ra đã làm nô lệ, phải chịu khổ, còn nhìn thấy người già, người bệnh và xác chết. Khoảnh khắc đó đã khiến Hoàng tử suy ngẫm, cho dù có cuộc đời như thế nào, chúng sinh cuối cùng cũng không thể tránh được vấn đề sinh lão bệnh tử. Vì vậy, để tìm được phương pháp giải thoát khỏi đau khổ thực sự, Hoàng tử Tất Đạt Đa đã xuất gia, bước trên con đường tu hành. Cuối cùng dưới gốc cây bồ đề, chứng đắc quả vị Phật”.

Mọi người thường chỉ thấy được Phật Thích Ca Mâu Ni buông bỏ tất cả những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng thấy được điều Ngài đắc được là gì.

Đương nhiên, điều này cũng trở thành điều kiện cho người xuất gia tu hành, cần buông bỏ tất cả, bao gồm cả gia đình, tên và thân phận của bản thân, mới có thể vào chùa xuất gia.

Nhưng chúng ta sống trong cuộc sống thế tục, chẳng phải cũng có vấn đề này sao? Đời người vốn có rất nhiều khổ nạn, rất nhiều người đều đang học làm sao để bản thân mình cởi mở hơn để đối diện với cuộc sống. Chỉ có điều, hai từ “buông bỏ” nói ra thì dễ, làm lại rất khó. 

Ngày nay, đa số con người đều mê lạc ở thế gian. Cả cuộc đời theo đuổi danh và lợi, nhưng đến cuối cuộc đời mới phát hiện ra rằng, những thứ này vốn không thể mang theo được. Mỗi người chúng ta cho dù ở bất kỳ độ tuổi nào, ở bất kì hoàn cảnh nào, đã trải qua những gì, cũng đều phải đối mặt với rất nhiều phiền phức và khó khăn.

Điều này rất bình thường, nhưng nhiều khi chúng ta có thể vì những điều đó mà cảm thấy phiền não. Tuy nhiên không có nghĩa tất cả đều do nguyên nhân bên ngoài, mà tâm lý và trạng thái của chúng ta sẽ quyết định và ảnh hưởng đến cảm xúc của chính mình.

Dù là một tình cảm hay là một vật gì đó, trong cuộc sống chúng ta luôn có những thứ không thể buông bỏ được. Có thể có người mắng chửi chúng ta, vì vậy chúng ta ôm hận trong lòng, nhớ mãi không quên. Qua thời gian lâu, cảm xúc dần bắt đầu tiêu cực, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng trong vài ngày, vài tháng, hoặc thậm chí vài năm sau đó. Vì vậy, những lúc không thể buông bỏ, điều đáng sợ không phải là ai mắng chúng ta, mà là chúng ta kéo dài thời gian bị tổn thương vì điều đó.

Trong “Tạp A-hàm kinh”, với câu chuyện “Hai mũi tên độc”, Đức Phật đã giảng rõ cho chúng ta: “Khi bị trúng mũi tên thứ nhất, là thân thể chịu đựng, nó đại diện cho những khó khăn nghịch cảnh mà chúng ta gặp phải. Còn mũi tên độc thứ hai, chính là vì những điều này mà mang đến đau khổ trong tâm của chúng ta. Khi bị mũi tên độc thứ nhất bắn trúng, thì đã bắt đầu đau khổ rồi, nhưng nếu chúng ta đối với điều này vẫn không buông bỏ được, như vậy sẽ tiếp tục trúng mũi tên độc thứ hai”.

Sermon in the Deer Park depicted at Wat Chedi Liem KayEss 1
Đức Phật giảng Pháp. (Wikipedia)

Kỳ thực, không chỉ trong Phật giáo giảng “buông bỏ danh lợi tình”, ngay cả trong những tôn giáo phương tây cũng giảng như vậy. Trong sách Phúc âm Lu-ca cũng có đề cập đến việc Đức Chúa Jesus nói với môn đồ rằng: “Vì vậy, ta bảo các con, đừng vì sự sống mà lo đồ ăn, cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. Vì sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn đồ mặc. Hãy xem loài quạ: chúng không gieo, không gặt, cũng không có vựa lẫm hay kho tàng, thế mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi còn quý trọng hơn loài chim rất nhiều”.

Mỗi người đều có những gánh nặng khác nhau. Thuận theo nhịp sống ngày càng hối hả, mỗi ngày chúng ta đều bị những gánh nặng đè đến không thở được. Thời thiếu niên, chúng ta bị những lo lắng học hành đè nặng, khi trưởng thành thì có gánh nặng hôn nhân, khi đi làm thì có áp lực công việc, sau khi lập gia đình thì có những gánh nặng gia đình, khi về già lại có gánh nặng sức khỏe.

Cuộc đời con người từ nhỏ đã bị những áp lực cuộc sống đè nặng, dần dần chúng ta sẽ cho rằng cuộc sống chính là như vậy. Nhưng trên thực tế, chúng ta cũng dần dần trở thành những sản phẩm của xã hội như vậy.

Vị bác sĩ nhận ra hạnh phúc thực sự là gì

Đây là một câu chuyện chân thực mà bản thân tôi gặp cách đây vài năm. Nhân vật chính trong câu chuyện là một bác sĩ người Singapore, tên là Trương Khánh Tường.

Bác sĩ Trương từ nhỏ đã là một học sinh hiếu thắng, luôn ở trong một môi trường cạnh tranh rất khốc liệt. Bởi vì chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, từ nhỏ ông đã cho rằng, hạnh phúc bắt nguồn từ sự thành công, mà thành công chính là tiền tài. Bởi vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông đều vô cùng cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất. Ông cũng trở thành sản phẩm điển hình của xã hội này. 

Sau này, bác sĩ Trương phát hiện rằng, rất nhiều bệnh nhân đều than phiền rằng phí điều trị 30 đô la quá đắt, nhưng cũng chính bệnh nhân đó, lại có thể tình nguyện bỏ ra 10.000 đô la để làm phẫu thuật hút mỡ. Vì vậy để có thể kiếm nhiều tiền hơn, ông chuyển từ ngành nhãn khoa sang ngành phẫu thuật thẩm mỹ, xem bệnh nhân như là cây hái ra tiền. 

Quả thật, sau khi chuyển sang làm phẫu thuật thẩm mỹ, ông kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng ông không vì điều đó mà thấy cảm thấy thỏa mãn, ngược lại dục vọng trong lòng  càng ngày càng tăng thêm. Ngày càng mê mờ trong danh lợi, ông không ngừng phát triển sự nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ của mình.

Trước 40 tuổi, ông đã có nhà đẹp xe sang. Bởi vì thích sĩ diện, bác sĩ Trương thường lái xe đua đến nhà người thân bạn bè, khoe khoang những thành công của mình, hay làm quen với những người nổi tiếng. Trong khoảng thời gian này, ông có tất cả những gì mà ông muốn, và ông cảm thấy rằng không có điều gì mà ông không thể nắm bắt.

Cho đến một ngày, ông đột ngột cảm thấy một cơn đau ở vùng lưng. Bạn bè lo lắng, cho rằng có thể ông đã bị chấn thương ở phòng tập gym, nên khuyên ông chụp cộng hưởng từ. Không ngờ kết quả kiểm tra cuối cùng lại là ung thư phổi giai đoạn cuối, hơn nữa tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác.

Nhận một đòn đả kích quá lớn, lúc này bác sĩ Trương mới phát hiện ra rằng, thì ra không phải tất cả mọi thứ đều ở trong tầm kiểm soát của ông. Ông bắt đầu cuộc đời làm nghề y, luôn xem việc trị bệnh là một phần của công việc. Mỗi ngày ông đều làm như cái máy, muốn mau chóng hoàn thành công việc trong ngày, sau đó về nhà, làm việc riêng của mình. Còn những lo lắng và đau đớn của người bệnh, đều là những điều trước đây ông chưa từng cảm nhận được.

Chỉ sau khi bản thân trở thành bệnh nhân, ông mới hiểu được nỗi khổ của họ, mới hiểu được rằng, sự quan tâm của bác sĩ và gia đình quan trọng như thế nào. Ông cũng phát hiện rằng, bản thân trước đây chưa từng sự đồng cảm. Lúc này, ông đã có nhà đẹp xe sang, nhưng cũng không thể làm giảm đi chút đau khổ nào. Còn sự kết nối với bạn bè người thân mới giúp ông có thêm năng lượng. Được giao lưu, kết nối với người khác mới là hạnh phúc thật sự.

Bác sĩ Trương cho rằng: giàu có vốn không sai, bởi vì Thần sẵn sàng ban cho nhiều người sự giàu có. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết cư xử thế nào. Chúng ta có càng nhiều, thì lại càng muốn có nhiều hơn. Giống như trạng thái lún sâu vào vũng bùn, sẽ làm cho bạn không cách nào dứt ra được, và mất đi phương hướng.

Cũng bởi vì trải qua những việc lần này, bác sỹ Trương bắt đầu mang những trải nghiệm của mình chia sẻ với người khác. Ông không còn là con người từng xem tiền là trên hết. Ông quán triệt nguyên tắc đem lại niềm vui cho người bệnh, ông đến thăm hỏi những bệnh nhân cùng mắc bệnh ung thư, dành sự an ủi và khích lệ cho họ. Ông mang những trải nghiệm của mình chia sẻ với đồng nghiệp khác, để nhắc nhở họ rằng: đừng đợi đến lúc bệnh tật đầy thân mới phát hiện ra tiền tài không quan trọng đến như vậy.

Trong một buổi chia sẻ, ông cũng từng đề cập rằng sự thức tỉnh của ông có liên quan đến Thần: “Tôi đã từng trải qua. Tôi biết rằng trong cuộc sống chỉ có tiền tài mà không có Thần thì vô cùng hư ảo. Trong lúc bạn đang tích lũy tiền tài trên thế gian, nhất thiết không được quên tích lũy những tài phú mà Thần ban cho chúng ta trên Thiên đường”.

Vào ngày 08 tháng 10 năm 2012, bác sĩ Trương qua đời vì bệnh ung thư, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của ông. Năm đó ông mới 40 tuổi. Những tiền tài mà ông theo đuổi trước đây cũng không thể đi theo ông. Đối với sự vô thường của cuộc đời, ông từng nói nếu sinh mệnh có thể bắt đầu lại, ông nhất định sẽ có lựa chọn khác.

Vận mệnh giống như một chiếc va li

Đương nhiên có rất nhiều người không đồng ý. Họ cho rằng tiền quả thực có thể mua được hạnh phúc, ít nhất cũng có thể mua được hạnh phúc nhất thời, muốn gì có nấy thì tốt biết bao, nếu mắc bệnh, có tiền có thể trị bệnh; nếu không mắc bệnh, có thể dùng tiền để thỏa mãn những nhu cầu của mình.

Cách nghĩ như vậy cũng không sai. Nhưng con người đánh giá bản thân mình quá cao, cho rằng tất cả những gì chúng ta có, là dựa vào sự cố gắng của bản thân mà đạt được.

Có chuyên gia nghiên cứu vận mệnh nói rằng: “Vận mệnh giống như một chiếc va ly của đời người. Khi con người đến thế gian đem theo chiếc va ly này, là do Thiên thượng ban cho. Va ly của mỗi người chứa những đồ vật không giống nhau, có người chứa tiền tài, gia đình mỹ mãn, sức khỏe, v.v… có người trong va ly lại chứa đau khổ, không có con cái, nghèo khó v.v…

Còn Bát tự giờ sinh giống như một chiếc chìa khóa hay mật mã. Dựa theo ngày, giờ, tháng, năm ra đời của một người, có thể chuyển đổi thành Thiên can, Địa chi. Từ Bát tự có thể tính được phú quý sang hèn trong đời của một người, có thể mở được chiếc va ly để xem những thứ ở trong đó. 

Cũng chính là nói, tài phú của chúng ta, thành công của chúng ta cũng chỉ là vì trong mệnh của chúng ta có chúng mà thôi. Đó là phúc phận mà chúng ta vào đời trước hoặc tổ tiên tích lại. Tích đức có thể tạo thành những điều đó”. 

Điều này giải thích vì sao có một câu nói: “Nhất mệnh, nhì vận, ba phong thủy”. Vì mệnh được xếp thứ nhất nên ảnh hưởng đến con người cũng lớn nhất, và tu tâm tích đức trở thành phương pháp căn bản để thay đổi số mệnh.

Kỳ thực, tất cả phiền não của đời người, xét cho cùng là bởi vì chúng ta không học được buông bỏ trong cuộc sống. Cuộc sống càng ngày càng bận rộn, ngày càng mệt mỏi, làm những gánh nặng trên thân và tâm của chúng ta càng ngày càng nặng. Giống như cầm một cốc nước trên tay, cốc nước thật ra không nặng.

Nhưng nếu cầm cốc nước thật lâu, cánh tay sẽ càng ngày càng mỏi, cầm lâu hơn một chút, có thể cánh tay sẽ không chịu nổi. Trên thực tế trọng lượng của chiếc cốc vẫn không đổi. Những khổ nạn và danh lợi đạt được trong đời người cũng giống như cốc nước này.

Nếu thời gian dài không buông bỏ, sẽ làm tổn thương nội tâm của chính mình. Thế nhưng có người cảm thấy một cốc nước không đủ, còn muốn cầm hai ba cốc nước, thậm chí là hai ba thùng nước.

Trong cuộc đời của con người có rất nhiều thứ khó buông bỏ được. Có người buông được danh nhưng không buông được lợi, có người buông được lợi nhưng không buông được tình cảm, phải sống quấn quýt cả đời với nhau.

Cần phải biết rằng, buông bỏ không nói lên rằng bạn sa ngã hay không nỗ lực, cũng không phải muốn chúng ta buông bỏ việc theo đuổi những điều tốt đẹp, mà đó chính là tâm thái và thái độ sống thuận theo tự nhiên.

ntdvn screen shot 2021 08 15 at 100343
Châu Nhuận Phát trong phim “Thần Bài” (1989) và “Bến Thượng Hải” (1980) (Ảnh: tổng hợp)

Giống như “thiên vương” Hồng Kông 64 tuổi Châu Nhuận Phát, ông làm việc hơn 40 năm, đã quay rất nhiều bộ phim mà chúng ta quen thuộc, tích lũy hơn 5,6 tỷ đô la tài sản (hơn 700 triệu USD). Thế nhưng ông lại quyết định sau khi qua đời quyên tặng toàn bộ tài sản. Châu Nhuận Phát mỗi tháng chỉ tiêu 800 đô la Hồng Kông (khoảng 100 USD), vô cùng tiết kiệm.

Ông cũng không có thái độ ngôi sao, bình thường ông tự mình đi dạo chợ ẩm thực bình dân ở Hồng Kông,  còn quen thân với chủ quán.

Ở tây phương cũng có những ví dụ tương tự. “Sát thần“ Keanu Reeves đã đóng rất nhiều bộ phim hành động, đóng vai những nhân vật được khán giả toàn cầu yêu thích. Rất nhiều người hâm mộ phát hiện rằng, anh ấy bình thường cũng chỉ là một người đàn ông ấm áp, đi xe điện, còn nhường ghế cho hành khách khác.

Keanu Reeves thấy ngại vì kiếm được nhiều tiền, quyết định cho đi phần lớn thu nhập  - ảnh 1
Đối với Keanu Reeves, tiền bạc là thứ vô nghĩa (Ảnh. TNO)

Cuộc sống của anh cũng rất đơn giản, có lúc anh còn ngồi nói chuyện với những người lang thang. Có thể thấy rằng, trong cuộc sống thường ngày, anh hoàn toàn không để ý đến “vòng hào quang của đại minh tinh” mà mình có.

Cũng chính là nói rằng, bất luận là phú quý sang hèn, chúng ta đều không nên quá xem trọng danh lợi hoặc tình cảm làm rối nhiễu tâm can, đè ép bản thân đến mức không thở được. Có thể xem chúng càng nhẹ, chúng ta sẽ càng nhẹ nhàng và đến khi buông bỏ cũng sẽ không khó khăn như vậy nữa,

Khi sự tự do về tinh thần và linh hồn đầy đủ sung túc, con người cũng sẽ tự nhiên vui vẻ.  

Đức Nhân – NTDVN
Theo Earthinn

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều