spot_img
23 C
Vietnam
Thứ Tư,15 Tháng Năm
spot_img

Ai đó nói: “Ác như cô Tấm”, có đúng không?

(Tân Thế Kỷ) – Người Việt chúng ta không ai còn xa lạ với chuyện Tấm Cám. Trong giáo dục, câu chuyện dân gian này còn được đưa vào sách giáo khoa dành cho trẻ nhỏ. 

Thật ra, Tấm Cám là câu chuyện gây tranh cãi nhất và cũng được cải biên một số lần khi đưa vào sách giáo khoa. Điều tranh cãi nhất là, cô Tấm hiền lành hay phản diện. Ở thế hệ 7x, 8x, 9x, truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa có kết thúc là màn trả thù tàn bạo của Tấm dành cho dì ghẻ và Cám. Gần đây, sau nhiều tranh luận từ giới phê bình và cộng đồng, kết thúc truyện đã được điều chỉnh rằng, Tấm bị mẹ con dì ghẻ hãm hại nhưng cuối cùng vẫn hạnh phúc bên Thái Tử.

Hình tượng cô Tấm trong "Tấm Cám" là nhân vật hiền lành hay phản diện - h1
Truyện “Tấm Cám”. (Ảnh: Internet)

Cô Tấm rất ngoan hiền

Truyện Tấm Cám đã có từ rất lâu trong kho tàng truyện cổ Việt Nam và được truyền miệng qua bao thế hệ.

Từ lâu, Tấm trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam đã là một cô gái thùy mị nết na, giỏi giang, tháo vát. Hình ảnh cô Tấm xinh đẹp thường gắn liền với những thứ nhỏ bé, giản dị mà vô cùng đáng yêu. Đó là con cá Bống ngoan ngoãn mỗi lần nghe được tiếng gọi “Bống Bống bang bang” liền ngoi lên mặt giếng để được cho ăn. Đó là chiếc hài nhỏ xinh đã làm bao nhiêu cô gái xem hội phải chào thua nhưng lại giúp nhà vua tìm thấy một người vợ lý tưởng. Đó còn là quả thị thơm bé nhỏ mà bên trong nó, đều đặn mỗi ngày, Tấm bước ra giúp bà lão hàng nước việc nhà và têm những miếng trầu cánh phượng. Miếng trầu ấy là dấu hiệu để nhà vua nhận ra Tấm và đưa Tấm về với hạnh phúc mà nàng xứng đáng được hưởng. Cô Tấm gắn với những vật nhỏ xinh ấy, hiện lên sự thật đáng yêu…

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Trong gần hết câu chuyện, Tấm được mô tả là một cô gái ngoan hiền, chịu thương chịu khó, biết bao dung và thương cảm đối với cả cây cối, động vật,… (Ảnh minh họa)

Trong văn hóa truyền thống, chuẩn mực để đánh giá một cô gái tốt có yêu cầu cao hơn trong hiện tại rất nhiều. Người xưa nuôi dạy con gái theo công, dung, ngôn, hạnh. Theo đó, một cô gái hiền hậu như Tấm trong mắt người xưa phải rất đoan chính, đạo hạnh và ngôn hành nhã nhặn,… Cho dù cô có mồ côi cha mẹ, vẫn rất lễ phép, ngoan hiền, chịu thương chịu khó.

Không ai biết tác giả truyện Tấm Cám là ai, cũng không biết truyện có từ khi nào,… nhưng hình tượng cô Tấm trong dân gian theo chuẩn mực của người xưa, thì có lẽ thật sự rất tốt đẹp.

Thuận theo năm tháng, truyện Tấm Cám được lưu truyền sẽ có sự thêu dệt và biến dạng rất nhiều so với bản gốc. Cho đến ngày nay, khi truyện nằm trên sách giáo khoa giáo dục cho trẻ nhỏ, trong cái tuổi hình thành nhân cách thì có lẽ đã khác hoàn toàn so với truyện Tấm Cám trong văn hóa truyền thống rồi.

Thuận theo sự phát triển của xã hội, con người ta dần dần đánh mất đi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp trong văn hóa truyền thống. Thậm chí họ còn quay lại và chê bai các giá trị văn hóa đó, gán cho nó mác lỗi thời, bảo thủ,… Con người chúng ta ngày càng chạy theo lợi ích cá nhân, tôn sùng các giá trị kim tiền và mang tâm tranh đấu rất mạnh mẽ.

Nếu xem các bộ phim truyền hình hiện nay, từ đầu đến cuối, các giá trị vật chất, hình thức bên ngoài, đấu đá được đề cao mạnh mẽ. Ngay cả nhân vật chính được cho là ngoan hiền, bị ức hiếp, hãm hại và cuối cùng được một tấm chồng đại gia vẫn chứa đầy những tính toán, thủ thuật hoặc quá ư nhu nhược. Câu chuyện Tấm Cám có cái kết mà cô Tấm trả thù tàn bạo mẹ con nhà Cám ấy, có khác nào mô-tip của các bộ phim truyền hình hiện đại, và cũng xuất hiện về sau này chứ không phải bản gốc trong văn hóa truyền thống. Trong dân gian, nào có những câu chuyện có nội dung như vậy? Hơn nữa trong hoàn cảnh xã hội xưa, người ta cũng không đủ kinh nghiệm và kiến thức để sáng tác ra các nội dung như thế.

Cô Tấm phản diện

Truyện Tấm Cám trong bài học của trẻ nhỏ thế hệ 7x, 8x, 9x đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí nó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Qua câu chuyện ấy, đứa trẻ được dạy là cô Tấm rất hiền. Và khi bị dồn đến đường cùng, việc quay lại trả thù là đúng.

Vậy cô Tấm trong sách giáo khoa có hiền không? Việc trả thù có đúng không?

Có một cách nhìn hoàn toàn mới về cốt truyện cũng như cái kết của “Tấm Cám”, làm hình tượng nhân vật Tấm dường như trở thành nỗi ám ảnh không hề nhỏ trong con mắt độc giả thời hiện đại mà đại đa số là giới trẻ. Rất nhiều tranh luận đã nổ ra xung quanh ý kiến việc giết Cám để trả thù của Tấm là một hành động vô cùng ác độc và tàn nhẫn.

doan ket
Đoạn kết của truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa (Ảnh internet)

Thời gian gần đây lại thấy nhiều nhà báo tranh luận về vấn đề sách giáo khoa (SGK) văn học Việt Nam lớp 10 viết lại truyện cổ tích Tấm Cám. Thật sự, ta không thể luận về tính đúng sai của những ý kiến trên. Chỉ tự hỏi rằng: Thông điệp đích thực mà truyện Tấm Cám muốn gửi gắm đến người đọc là gì, phải chăng nó đang cổ súy cho một thứ độc ác mà nhiều người đang lầm tưởng với quy luật nhân quả đang hiện hành trong cuộc sống?

Qua những lần luân hồi, chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác, dường như cô Tấm đã có chút thay đổi theo từng giai đoạn. Ở vòng đời đầu tiên, Tấm là cô gái ngoan hiền, nết na, chịu thương chịu khó, biết nhẫn nhịn, biết hy sinh, hiếu thảo, sống an nhàn trong số phận. Với tất cả những đức tính tốt đẹp ấy, có thể xem cô Tấm đã tạo ra cho mình một tương lai tươi sáng với việc được làm vợ vua. Đến ngày giỗ cha, Tấm không màng đến địa vị mà vẫn về tận quê làm giỗ, vẫn thật thà, cả tin, sẵn sàng trèo cau hái quả để cúng cha và bị giết chết. Nhưng diễn biến mới thật sự được nâng lên cao trào sau khi Tấm chết đi.

Sau khi chết, Tấm hóa thành chim vàng anh. Chim vàng anh – hiện thân của Tấm bắt đầu tạo nghiệp. Từ việc gây sự chú ý của vua, làm cho vua biết rằng mình là hiện thân của Tấm để vua không thương yêu Cám và Tấm đã đạt đươc mục đích qua việc vua cất tiếng gọi: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ ta bay vào tay áo”.

Đối với mẹ con Cám, chim vàng anh gây áp lực: “Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao” với một giọng điệu cực kì đanh đá. Như vậy, bằng sức ép của mình, Tấm dồn hai mẹ con Cám vào bước đường cùng là phải giết con chim ấy.

Hiện thân thứ hai của Tấm là một cây xoan đào và vẫn phảng phất đâu đó trong nó một nét đẹp hiền dịu mà khi còn sống Tấm đã từng thể hiện. Nhưng cây xoan đào lại tiếp tục có những hành động như chim Vàng anh: “Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”. Hiện thân xoan đào của Tấm( khung cửi) đợi vua ra nằm võng mới phát ra những lời thông báo sự tồn tại của mình và ngôn ngữ đe dọa mẹ con Cám ngày càng trở nên tàn độc hơn.

81etam
Tấm bước ra từ quả thị (Tranh dân gian)

Diễn biến dường như trở nên đỉnh điểm khi Tấm hóa thân thành quả thị và không lâu sau đó trở lại ngôi vị hoàng hậu vốn có của mình. Tấm đã bắt đầu tạo nghiệp khi ra tay trả thù hai mẹ con nhà Cám. Thật sự, trong hoàn cảnh trên có ít nhất ba lựa chọn dành cho Tấm để hành động:

Thứ nhất, triều đình mở một phiên tòa công bằng, dưới sự chứng kiến của mọi người để xét xử mẹ con Cám về tội mưu sát Tấm, rồi để pháp luật trừng trị họ một cách thích đáng.

Thứ hai, Tấm có thể tha lỗi cho hai mẹ con nhà Cám và cảm hóa họ, cứu vớt những con người đang đắm chìm trong ác nghiệp trở về cuộc đời lương thiện. Đây chính là các hành thiện tốt nhất dành cho Tấm. Nhưng tiếc thay, Tấm cũng bị danh lợi tình làm cho u mê mà tranh giành với mẹ con Cám và đẩy họ chìm sâu trong ác nghiệp.

Thứ ba, Tấm trả thù mẹ con Cám. Và cuối cùng Tấm đã chọn cách này, quyết định đó đồng nghĩa với việc Tấm đã tạo thêm ác nghiệp mà những lần hóa kiếp trước cô đã tạo ra. Đỉnh điểm của tội ác là Tấm ra tay sát hại Cám bằng nước sôi để dì ghẻ xem rồi lăn đùng ra chết (trước kia là làm mắm gửi dì ghẻ ăn), cách làm trên thể hiện một sự nhẫn tâm đến tàn bạo mà lâu nay ta luôn quan niệm rằng đó là sự phản kháng chính đáng mà một con người cần làm khi bị dồn vào đường không thể thoái lui.

Nhưng ta không hề nghĩ đến việc, trong quá trình hóa kiếp, cô Tấm có rất nhiều cơ hội để tích đức và thiện giải được mối quan hệ với mẹ con Cám. Trong đó, việc tha thứ, bao dung, cảm hóa mẹ con Cám bằng tấm lòng vị tha nhân ái của mình để đưa mẹ con Cám trở về cuộc đời lương thiện là việc làm cao cả nhất, đúng đắn nhất.

Đó cũng chính là những việc thiện mà Tấm có thể tạo ra cho mình. Nhưng thật tiếc thay, danh lợi từ cuộc đời của một Hoàng Hậu mà Tấm có được đã khiến cô trở nên u mê lầm lạc dẫn đến biến đổi tâm tính. Những đức tính và nét đẹp mà người phụ nữ Á đông nói chung, cũng như người Việt Nam nói riêng vốn có của Tấm từ kiếp đầu tiên đã mất đi hoàn toàn.

Có chăng việc giết hai mẹ con Cám được cho là quy luật của nhân quả? Hay lại sản sinh ra một vòng lẩn quẩn, luân hồi giữa nghiệp cuộn lấy nghiệp. Rồi một ngày không xa lại có hai con chim vàng anh chuyển kiếp tìm Tấm để trả nghiệp ác mà Tấm đã gây ra cho họ, hay cuối cùng Tấm sẽ hạnh phúc bên người mình yêu mà không hề cảm thấy dè dặt, ân hận vì chính hành động của mình từng làm?

Nhìn chung việc Tấm phản kháng để mưu cầu hạnh phúc là một hành động chính đáng, nhưng suy cho cùng, việc giết người em cùng cha khác mẹ với mình có thật sự xứng đáng cho những gì Tấm đã trải qua? Qua những phân tích trên, ta nhìn nhận được việc trả thù mẹ con Cám của Tấm có tính chất hoàn toàn không hề khác biệt thậm chí còn tàn bạo hơn hai mẹ con Cám đã làm. Và từ đó, hình tượng cô Tấm với nét dẹp dịu hiền, nết na dường như đã ngày càng lu mờ, thay vào đó là một cô Tấm tàn độc với một tham vọng quyền lực không có điểm dừng!

Nói thêm, một câu chuyện Tấm Cám có kết thúc như vậy được đưa vào trong giáo dục theo nhận định của nhiều người là phản tác dụng, thậm chí hình thành nhân cách méo mó cho trẻ. Đứa trẻ sẽ xem việc đấu đá, trả thù qua lại là việc tất nhiên khi có ai đó động đến lợi ích hay sự an toàn của bản thân. Đúng ra, nếu là câu chuyện về cô Tấm hiền hậu như xưa, biết hóa giải các ân oán để đưa những nhân tâm độc ác dần dần quay về với thiện lương, thì đứa trẻ sẽ thụ ích vô cùng nhiều. Chúng hiểu rằng, bao dung, thiện lương mới là cách hóa giải những mâu thuẫn, oán thù.

Nghi Vân

Bài viết có tham khảo nguồn nghiencuulichsu 

op2

Xem thêm:

Hại người khác chi hại mình

Lòng nuôi tâm đố kị, mất mát nhiều hơn được

Phụ nữ “tòng phu” tốt sẽ giữ yên gia đạo và luôn hạnh phúc

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều