spot_img
25 C
Vietnam
Thứ Tư,15 Tháng Năm
spot_img

Trung Quốc và chiến lược “Hán hóa” Tây Tạng

Sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoàn thành việc kiểm soát Tây Tạng, Chính quyền Bắc Kinh bắt đầu áp đặt các loại thiết chế xã hội lên khu vực này. Suốt nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã sử dụng lá bài “phát triển kinh tế” như một “cầu nối” cho việc đưa một lượng lớn người Hán vào Tây Tạng. Việc đàn áp tôn giáo, phá hủy các gia trị văn hóa Tây Tạng kết hợp với việc đưa người Hán đến vùng đất này được các học giả gọi là quá trình “Hán hóa”. 

HAn HOa Tay Tang 1
Một tấm bảng lớn có hình các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình ở Lhasa, thuộc Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc (5/2021) – Ảnh: GETTY / BLOOMBERG

Trong khi các học giả sử dụng thuật ngữ “Hán hóa Tây Tạng” thì những nhóm người Tây Tạng lại thích gọi nó là sự “diệt chủng văn hóa”. 

Hán hóa Tây Tạng bắt đầu từ giai đoạn Mao Trạch Đông

Cho dù gọi bằng cái tên nào đi nữa thì “chiến lược” này của Trung Quốc khởi phát dưới thời đại Mao. Từ những năm 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu gửi thanh niên từ các khu vực đô thị ở miền Đông Trung Quốc đến các khu vực được cho là kém phát triển hơn ở phía Tây, trong đó có Tây Tạng. Họ có thể là tự nguyện hoặc bị ép buộc.

Khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền, ông đã mở ra nhiều thay đổi trong chính sách ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược Hán hóa vẫn không thay đổi. Ông đã nói rõ điều đó vào năm 1987 khi nói rằng “Hai triệu người Tây Tạng không đủ để gánh vác nhiệm vụ phát triển một khu vực rộng lớn như vậy. Không có hại gì khi gửi Hán vào Tây Tạng để giúp đỡ…”.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 được phát triển thêm theo cách tiếp cận này. Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách khai thác các nguồn năng lượng và khoáng sản phong phú từ các khu vực phía Tây, như Tây Tạng, và sử dụng chúng trong các ngành công nghiệp … Kế hoạch này cũng quy định việc di chuyển lao động vào các tỉnh miền Tây để cung cấp công nghệ. 

Những nỗ lực này vẫn được tiếp tục sau cái chết của Đặng Tiểu Bình. Vào cuối thế kỷ 20, chính sách Phát triển về phía Tây đã được thực thi ở Trung Quốc nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và xã hội ở các tỉnh phía tây, bao gồm cả Tây Tạng. 

Theo đó, Trung Quốc đã tìm cách di dời 58.000 nông dân người Hán vào Tây Tạng thông qua dự án Giảm Nghèo đói Phương Tây. Tại thời điểm đó, chính sách này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ đến nỗi mà Ngân hàng Thế giới đã rút khoản vay 40 triệu đô la Mỹ cho dự án này và buộc Bắc Kinh phải tự tài trợ. 

Sử dụng người Hán để đồng hóa các dân tộc khác

Người Tây Tạng không thể không lo ngại về việc di cư của người Hán. Một báo cáo đã mô tả quá trình di cư của người Hán đã biến đổi Lhasa kể từ năm 1959. Báo cáo này có đoạn: “Về dân số, một quan chức cấp cao nói rằng một nửa cư dân của Lhasa là người Trung Quốc. Đó là một sự thừa nhận đáng ngạc nhiên mặc dù hầu hết các nhà quan sát đã đặt dân số Trung Quốc ở mức 70% trở lên. 

Ông tiếp tục nói rằng, “trong tương lai, số lượng người di cư sẽ được xác định theo yêu cầu phát triển kinh tế”?!

Trong những năm qua, những thay đổi về luật pháp và chính sách đã hỗ trợ sự di chuyển của người Trung Quốc di cư đến Tây Tạng. Hệ thống hộ khẩu được cải cách đã giúp người di cư Trung Quốc sống ở vùng nông thôn mua đất ở các thành phố của Tây Tạng dễ dàng hơn và chính quyền đã chỉ đạo rằng không được thu các khoản phí như phụ phí dân số thành thị đối với người Trung Quốc chuyển đến Tây Tạng.

Hủy hoại đức tin 

Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì song song chính sách đàn áp và can thiệp vào Phật giáo Tây Tạng. Các tu viện và nữ tu thường xuyên là mục tiêu đàn áp của Trung Quốc, điều này thậm chí còn bắt đầu từ trước Cách mạng Văn hóa của Mao.

Các báo cáo cho thấy Trung Quốc tiếp tục thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm treo ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu từ năm 1996. Người Tây Tạng bị cấm cầu nguyện cho ông ở nơi công cộng và chính phủ Trung Quốc cố gắng đảm bảo rằng người Tây Tạng không thể đến thăm vị thủ lĩnh tinh thần đang sống lưu vong ở Ấn Độ của họ. 

Trung Quốc thậm chí đã bắt giữ Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 của Tây Tạng từ khi ông được xác định vào năm 1995. Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã bổ nhiệm một vị Ban Thiền Lạt Ma mới để thay thế. Bắc Kinh cũng đã thông qua các tuyên bố khẳng định quyền kiểm soát đối với việc tái sinh của tất cả các Lạt ma cao cấp của Tây Tạng, và ý định can thiệp vào việc xác định vị Đạt Lai Lạt Ma.

Trung Quốc và chiến lược “Hán hóa” Tây Tạng
Những người biểu tình ủng hộ Tây Tạng cầu nguyện cho nhân quyền ở Tây Tạng trong một cuộc biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Úc, vào ngày 18 tháng 3 năm 2008 – Ảnh: Anoek De Groot/AFP/Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc một tổ chức vô thần tuyên bố rằng họ sẽ kiểm soát sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đặc biệt sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng nói về việc chấm dứt việc tái sinh thì Chính Phủ Trung Quốc càng tỏ ra lo ngại về vẫn đề này và có thêm lý do để kiểm soát việc lựa chọn thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng. 

Tấn công văn hóa và thay đổi giọng nói người bản địa

Đến giai đoạn Tập Cận Bình nắm quyền, ông thậm chí đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch “Hán hóa” Tây Tạng và bỏ qua các báo cáo về việc người Tây Tạng bị cưỡng bức tại các trại lao động. Điều này đã khiến thế giới lên án mạnh mẽ.

Bắc Kinh cũng từng cố gắng áp đặt tiếng Quan Thoại vào Tây Tạng với lý do thúc đẩy giáo dục song ngữ. 

Những lý do bề ngoài mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra không chỉ với lý do thông thường về mục tiêu phát triển kinh tế mà còn cho rằng điều này tốt hơn cho sự hội nhập và ổn định lớn hơn cho Tây Tạng.

 

Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét rằng chính sách này “dường như đang làm xói mòn các kỹ năng ngôn ngữ Tây Tạng của trẻ em và buộc chúng phải tiếp thu hệ tư tưởng chính trị và ý tưởng trái ngược với cha mẹ và cộng đồng của chúng”.

Đầu tư kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài cũng đã mở rộng tham vọng bá chủ toàn cầu của mình. Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng của mình. Cộng đồng người Hoa hải ngoại hoàn toàn coi thường phong tục và tập quán địa phương giống như việc Bắc Kinh cố ý nhắm vào tôn giáo và văn hóa Tây Tạng. 

Hán hóa không chỉ diễn ra ở Tây Tạng

Không chỉ riêng Tây Tạng, một số quốc gia khác như Pakistan, hay Nga cũng đang gặp phải vấn đề Hán hóa. Ý kiến chuyên gia cho rằng, người Pakistan nên cẩn thận. Khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng ở đất nước của họ. Người Pakistan có thể sớm nhận thấy các giá trị văn hóa và tôn giáo của họ đang bị hủy hoại theo lệnh của cộng đồng người Hoa hải ngoại. Họ nên rút ra bài học từ kinh nghiệm của người dân Tây Tạng mà nền văn hóa của họ đang bị tấn công trên chính mảnh đất của họ. Và cả Nga cũng phải đối mặt với điều tương tự.

Hành vi của cộng đồng người Hoa hải ngoại và các doanh nghiệp ở nước ngoài rõ ràng bị chi phối bởi chiến lược của Bắc Kinh. Không chỉ riêng Tây Tạng hay những nước lân cận nư Nga, Pakistan, các quốc gia có mối quan hệ làm ăn hợp tác với Trung Quốc đều nên cẩn thận chiến lược “ Hán hóa”. Chưa bàn đến bản thân việc đầu tư của Trung Quốc đã tiềm ẩn các nguy cơ về một “bẫy nợ”. Các quốc gia chào đón Trung Quốc cần phải đánh giá xem liệu họ có đủ sức đối mặt với một “quá trình Hán hóa” đi kèm hay không. 

Bài viết của Dhananjay Sahai

Vũ Nam biên dịch

( Dhananjay Sahai hiện  đang hành nghề Luật ở New. Đê-li. Ông đã xuất bản nhiều bài báo và bài báo nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh. Bài viết thể hiện quan điểm của Tác giả và không nhất thiết là quan điểm của Tân Thế Kỷ)

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều