spot_img
21 C
Vietnam
Thứ Tư,15 Tháng Năm
spot_img

Tinh thần hiệp sĩ đã biến mất?

Nghĩa gốc của thuật ngữ “tinh thần hiệp sỹ” không chỉ đơn thuần là cách đàn ông đối xử với phụ nữ.

Liệu tinh thần hiệp sỹ đã biến mất? | Tân Thế kỷ
Một chi tiết trong tác phẩm “Chivalry” (Tinh thần hiệp sỹ) của họa sỹ Frank Bernard Dicksee, năm 1885. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bộ sưu tập tư nhân. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Một bài báo năm 2018 trên trang “The Conversation” đề cập rằng theo các nghiên cứu, ngay những phụ nữ tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa nữ quyền kiên định cũng bị lôi cuốn trước những người đàn ông hào hiệp.

Thuật ngữ tâm lý được chấp nhận hiện nay cho tinh thần hiệp sỹ là “phân biệt giới thiện cảm” (benevolent sexism), nhưng tôi thích thuật ngữ truyền thống hơn.

Hiện tượng phụ nữ bị thu hút trước tinh thần hiệp sỹ đã khiến các nhà tâm lý học hiện đại bối rối và tìm cách giải thích. Những người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “phân biệt giới thiện cảm” tin rằng “phân biệt giới thiện cảm gián tiếp làm suy yếu bình đẳng giới” bởi vì niềm tin rằng phụ nữ nên được trân trọng và bảo vệ — cùng với các hành động tương ứng với niềm tin đó — khắc họa hình tượng phụ nữ như những người yếu kém và cần được giúp đỡ.

Một hệ thống niềm tin

“Chân dung một hiệp sĩ,” 1510, bởi Vittore Carpaccio. Dầu trên vải. Bảo tàng Thyssen-Bornemisza, Madrid. (Phạm vi công cộng)
Tác phẩm “Chân dung một hiệp sĩ” của họa sỹ Vittore Carpaccio, năm 1510. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Thyssen-Bornemisza, Madrid. (Ảnh: Tư liệu công cộng/ETV/Tân Thế Kỷ)

Đương nhiên, nghĩa gốc của thuật ngữ “tinh thần hiệp sỹ” không chỉ đơn thuần là cách đàn ông đối xử với phụ nữ. Đó là một bộ phức tạp những chuẩn mực hành vi dành cho các chiến binh cưỡi ngựa, bao gồm cả nghi thức trên chiến trận.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ chữ “caballarius” trong tiếng Latin, có nghĩa là kỵ sĩ, thông qua từ “chevalier” trong tiếng Pháp cổ. Nhìn chung, đây là một nỗ lực để đưa các lý tưởng Cơ Đốc Giáo vào nghề lính, giúp những người đàn ông trở thành những chiến binh văn minh hơn.

Nếu không có những lý tưởng cao đẹp như vậy nhưng lại mang theo lòng hiếu chiến và ham mê cướp bóc, thì họ có thể cư xử tàn bạo. Lễ tấn phong hiệp sỹ thời Trung cổ gần như là một nghi lễ phụng vụ, gồm cả lễ canh thức cầu nguyện thâu đêm nổi tiếng trong nhà thờ, để hiệp sỹ chuẩn bị cho ơn gọi mới của anh ta.

Hình minh họa các hiệp sĩ đang cầu nguyện trước Trận chiến của ba mươi, năm 1862, của John Everett Millais từ cuốn sách "Những bản ballad và bài hát của Brittany" của Tom Taylor. (Phạm vi công cộng)
Hình minh họa các hiệp sỹ đang cầu nguyện trước Trận chiến Ba mươi, năm 1862, tác giả John Everett Millais. Trích từ sách “Những Bản Ballad và Bài Ca của Vùng Brittany” của Tom Taylor. (Ảnh: Tư liệu công cộng/ETV?Tân Thế Kỷ)

Một hiệp sỹ phải cư xử có đức hạnh và lịch thiệp. Anh ta phải có lòng trung thành tuyệt đối với lãnh chúa của mình, vì tinh thần hiệp sỹ có mối quan hệ tương hỗ và giúp củng cố cấu trúc xã hội phong kiến.

Như Roland đã nói trong bài thơ anh hùng ca “chanson de geste” thế kỷ 11 có tựa đề “Bài ca của Roland”: “Vì lãnh chúa của mình, một [hiệp sỹ] phải chịu đựng những thống khổ lớn lao và có thể chịu đựng được cái lạnh hoặc cái nóng khắc nghiệt — đúng thế, một [hiệp sỹ] phải sẵn sàng hy sinh máu thịt của mình.”

Mối quan hệ giữa lãnh chúa và thuộc hạ được xem như hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ giữa Chúa và các tôi tớ của Ngài.

Một trong những kỳ vọng dành cho hiệp sỹ là anh ta phải tôn vinh, tôn trọng, và bảo vệ phụ nữ, và chính yếu tố này đã chiếm vị trí chủ đạo trong cách hiểu của người hiện đại về thuật ngữ “tinh thần hiệp sỹ.” Nhưng điều quan trọng cần nhớ là việc tôn vinh phụ nữ [chỉ] là một phần của tầm nhìn lớn hơn, về bản chất là bắt nguồn từ đức tin và lòng trung thành với Chúa.

Theo quan niệm hiện đại, tinh thần hiệp sỹ còn bị đánh đồng với tình yêu kiểu hiệp sỹ Trung Cổ (courtly love), một khái niệm được những người hát rong sáng tạo và phát triển vào cuối thời Trung Cổ.

Trong các bài hát và bài thơ của mình, họ đề cao việc các hiệp sỹ nên chọn lấy một cô gái quý tộc xuất chúng để yêu thương, tôn kính và thực hiện những hành động vĩ đại với sự thành tâm tuyệt đối, ngay cả khi họ sẽ không bao giờ kết hôn với người phụ nữ ấy. Ở những hình thức thái quá hơn, điều này dẫn đến việc thần tượng hóa tuyệt đối một người phụ nữ, xem cô ấy như một nữ thần quyền năng.

Kiểu quan hệ này cũng có thể trở thành hành vi ngoại tình khi vị tiểu thư cao quý được chọn đã kết hôn, như trong các câu chuyện về Lancelot và Guinevere.

Nhà thơ Trung Cổ nổi tiếng Geoffrey Chaucer đã kịch tính hóa sự lệch lạc của tinh thần hiệp sỹ này trong “The Knight’s Tale” (Câu chuyện của Hiệp sỹ). Tác phẩm miêu tả những tổn hại và sự phi lý có thể xảy ra bắt nguồn từ kiểu tình yêu thái quá này, khi hai chàng trai trẻ sẵn sàng chiến đấu đến chết vì một người phụ nữ mà cả hai chưa từng nói chuyện.

Trong quan niệm ban đầu về quy tắc hiệp sỹ, đàn ông phải tôn trọng phụ nữ không phải vì cô ấy có vị trí cao hơn, mà vì cô là người đoan chính, trinh bạch, khiêm nhường, mang vẻ đẹp toát ra từ bản chất, yếu đuối hơn đàn ông về thể chất, là người bảo tồn và tạo ra sự sống và nền văn hóa, là trái tim của gia đình và do đó là trái tim của nền văn minh, và bởi vì Thiên Chúa đã chọn đến thế giới này thông qua một người phụ nữ.

Trong hình thức tốt đẹp nhất của nó, tình yêu kiểu hiệp sỹ thời Trung Cổ đã truyền cảm hứng cho đàn ông làm những điều vĩ đại vì những kỳ vọng cao cả mà người họ yêu dành cho họ. Do đó, đàn ông và phụ nữ khích lệ lẫn nhau trong việc theo đuổi đức hạnh, và cuối cùng là theo đuổi Thiên Chúa.

Nhà thơ Tennyson đã đặt những lời sau đây vào miệng Vua Arthur trong tập thơ “Idylls of the King” (Những Bài Thơ Điền Viên về Vua Arthur), và tôi cho rằng chúng thể hiện rất chính xác bản chất của khía cạnh này trong tinh thần hiệp sỹ:

Tôi không biết

Có thế lực nào tinh tế hơn dưới gầm trời

Hơn lòng say mê trong trẻo dành cho một thiếu nữ,

Không chỉ giúp kiềm chế bản tính thấp hèn trong con người,

Mà còn truyền dạy những tư tưởng cao thượng, lời nói nhã nhặn

Và phong cách lịch thiệp, cùng khát vọng lập danh,

Lòng yêu mến sự thật, và những chuẩn tắc làm người.

Bất kỳ người đàn ông nào từng phải lòng một người phụ nữ thực sự thiện lương và cao quý đều hiểu được những lời này đúng đắn dường nào.

Bài thơ Trung Cổ “Sir Gawain and the Green Knight” (Ngài Gawain và Lục Hiệp Sỹ) có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tinh thần hiệp sỹ và mối liên hệ chặt chẽ với đức hạnh.

Trong câu chuyện thế kỷ 14 này của một nhà thơ ẩn danh, Ngài Gawain thực hiện một phần nhiệm vụ của mình trong lâu đài của vợ chồng Lãnh chúa Bertilak và Quý bà Bertilak. Trong tập này, nhà thơ đặt ra căng thẳng giữa hai nguyên tắc cốt lõi của tinh thần hiệp sỹ: một mặt là lịch thiệp với phụ nữ, và mặt khác là sự trong sạch.

Ngài Gawain trải qua khảo nghiệm gay gắt khi Quý bà Bertilak tiến đến gần ông, điều đó sẽ làm tổn hại đến sự trong trắng và khiết tịnh của ông, cũng như tình bạn của ông với lãnh chúa. Đồng thời, sự khước từ bà hoàn toàn sẽ làm trái phép tắc cư xử lịch thiệp và các chuẩn mực của tình yêu kiểu hiệp sỹ.

Bạn cần phải đọc bài thơ để biết Ngài Gawain giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan hóc búa này như thế nào, nhưng điểm mấu chốt là Ngài Gawain, người được tôn vinh là hình mẫu hiệp sỹ anh dũng, tin rằng tinh thần hiệp sỹ của ông phụ thuộc chủ yếu vào sự cân bằng tinh tế của các đức tính, chẳng hạn như khả năng tự kiềm chế, thân thiện, và bác ái. Tinh thần hiệp sỹ không chỉ đơn thuần là giữ cửa cho phụ nữ. (Mặc dù chắc chắn một hiệp sỹ chân chính sẽ không bao giờ bỏ qua một hành động đơn giản nhưng quan trọng như vậy.)

Có phải tinh thần hiệp sỹ đã biến mất?

Câu hỏi thường được đặt ra là: Có phải tinh thần hiệp sỹ đã biến mất? Liệu giá trị này có còn phù hợp trong thế giới hiện đại? Số lượng các quan điểm khác nhau về việc [nam giới] giữ cửa cho [phụ nữ] mà tôi gặp phải thật chóng mặt.

Sau cùng, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể thực sự hiểu được vấn đề này nếu đặt tinh thần hiệp sỹ vào đúng bối cảnh của nó: là một bộ quy tắc ứng xử toàn diện, không chỉ gói gọn trong mối quan hệ giữa nam và nữ, vì đó như một bức tường bên trong một kiến trúc rộng lớn (một tòa lâu đài, nếu bạn muốn gọi như vậy), một mảnh ghép của thế giới quan hoàn chỉnh hơn.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng tinh thần hiệp sỹ — mặc dù chủ yếu gắn liền với một thời đại, địa điểm, và nền văn hóa cụ thể — nhưng những nền tảng của nó vẫn mang tính phổ quát và có thể áp dụng cho cả ngày nay, dẫu cách thức biểu hiện có thể khác biệt.

Tại sao các nhà nữ quyền lại bị cuốn hút trước những người đàn ông hào hiệp? Tôi cho rằng điều này vốn nằm trong thiên hướng tự nhiên của cả nam và nữ, với sự hiểu biết cơ bản về các vai trò bổ khuyết lẫn nhau, nhưng khác biệt, của hai giới trong xã hội. Phụ nữ biết rằng đàn ông nên che chở họ, và đàn ông cũng biết như vậy. Điều đó nằm trong bản tính của chúng ta.

Tuy nhiên, để hoàn toàn thấu hiểu và phát triển khuynh hướng tự nhiên này, chúng ta cần có một thế giới quan chặt chẽ và bao quát hơn. Nếu ta tách rời [tinh thần hiệp sỹ] khỏi quan niệm truyền thống của phương Tây và Cơ Đốc Giáo về xã hội và bản chất con người, thì những biểu hiện riêng lẻ của tinh thần hiệp sỹ chỉ như những nhành cây bị tách khỏi rễ, dần héo úa. Và chúng đang nhanh chóng biến mất khỏi nền văn hóa của chúng ta.

Hoà Long biên dịch theo bản gốc từ The Epoch Times.

BN 2 jpeg 1

Phim “Mai” của Trấn Thành gắn nhãn 18+, học sinh vẫn vô tư vào rạp?

Tuyệt tác “cửu long đồ” 800 tuổi có giá trị thế nào?

Lục long đồ: Bức tranh rồng giá gần 50 triệu USD

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều